Được chăng hay chớ

22:10, ngày 09-05-2011
Trước yêu cầu khẩn thiết của các đồng minh trong NATO, trước hết là Pháp và Anh bắt đầu cảm thấy “kiệt sức” trong cuộc chiến với các lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Ca-đa-phi, ngày 24-4-2011, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma quyết định quay trở lại tham gia chiến dịch quân sự của NATO. Tuy nhiên, sự tham gia này mặc dù được quảng bá là sử dụng “khả năng đặc biệt” của Mỹ nhưng xem ra giống như chuyện “được chăng hay chớ”.

Thời gian qua, điều bất ngờ đối với nhiều người, đặc biệt là đối với hai đồng minh chủ chốt của Mỹ trong NATO là Anh và Pháp, là quyết định của Oa-sinh-tơn ngừng tham gia chiến dịch không kích vào các mục tiêu quân sự của các lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Ca-đa-phi ở Li-bi. Trong khi đó, các nước châu Âu gần như đã sử dụng hết số bom đạn “thông minh” được điều khiển bằng la-de hoặc hồng ngoại, còn Mỹ thì có dư loại vũ khí này trong kho nhưng lại không thể lắp được trên các máy bay của Pháp và Anh. Vì thế, dư luận ở Anh và Pháp đánh giá quyết định đó của Mỹ không tham chiến ở Li-bi giống như "sự phản bội đồng minh".

Để làm yên lòng các đồng minh và cũng là để giảm bớt hậu quả tiêu cực từ quyết định vừa mới đây của Hà Lan không công nhận tính chất hợp pháp của Hội đồng quốc gia lâm thời do lực lượng nổi loạn dựng lên ở Li-bi, ngày 24-4-2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bec Ghết tổ chức cuộc họp báo và tuyên bố: "Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma cho biết, Mỹ đang xem xét “những khả năng đặc biệt” và nếu cần thì sẽ khai thác sử dụng những khả năng đó ở Li-bi".

Sau tuyên bố này của ông chủ Lầu năm góc, các đồng minh của Mỹ trong NATO phấp phỏng mừng thầm và đoán già đoán non rằng, phải chăng người đứng đầu Lầu năm góc đang nói về việc Mỹ sẽ tung các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 vào tham chiến ở Li-bi. Đó là máy bay chiến đấu tàng hình F-22 cực kỳ hiện đại nhưng chưa trải qua trận mạc lần nào. Các đồng minh của Mỹ trong NATO mừng thầm là có lý do của họ, bởi trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào trước đây do Mỹ tiến hành, họ đều đem ra thử nghiệm các loại vũ khí hiện đại nhất, mới nhất, để cấp “chứng chỉ vào đời” cho các loại vũ khí đó nhằm đưa vào sản xuất hàng loạt, đem lại siêu lợi nhuận cho tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ.

Nhưng cuối cùng thì các đồng minh của Mỹ trong NATO ngớ người ra khi biết rằng cái mà Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma gọi là "những khả năng đặc biệt" đó chỉ là máy bay chiến đấu không người lái "Predator" ("Chim săn mồi") đã từng được sử dụng trong chiến tranh ở I-rắc và Ap-ga-ni-xtan. Giới quân sự quảng cáo rằng loại máy bay không người lái này có khả năng phản ứng linh hoạt mà không một máy bay chiến đấu có người lái nào có được, bởi nó kết hợp trong đó hai chức năng do thám và tiến công mục tiêu.

Thông thường, các máy bay chiến đấu có người lái phải phụ thuộc vào thông tin trinh sát thông báo về mục tiêu của đối phương để tiến hành không kích. Còn máy bay chiến đấu không người lái "Predator" có được cả hai khả năng đó, nghĩa là nó được trang bị các phương tiện trinh sát chụp ảnh có độ chính xác cao, lại vừa được lắp tác tên lửa “thông minh” không đối đất AGM-114l “Hellfire”. Nghĩa là, máy bay chiến đấu không người lái "Predator" có thể tự tìm và diệt mục tiêu như chim săn mồi vậy.

Nói là vậy, nhưng khả năng chiến đấu của loại khí tài bay này rất hạn chế như đã được từng được kiểm chứng ở chiến trường I-răc và Ap-ga-ni-xtan. Cư dân ở hai quốc gia này đã từng chứng kiến “khả năng độc nhất vô nhị” của loại khí tài bay này trong việc tiến công nhầm vào đám cưới, đám tang, thậm chí cả những đàn cừu do nhầm lẫn những mục tiêu đó với các đội quân nổi dậy ở I-rắc hoặc của Ta-li-ban. Vấn đề là ở chỗ, mặc dù được trang bị thiết bị trinh sát chụp ảnh mục tiêu của đối phương với độ chính xác rất cao nhưng khi sử dụng loại khí tài này để tiến công các mục tiêu trên bộ thì chúng không đủ “thông minh” để phân biệt mục tiêu quân sự với dân sự. Vì thế, đã xảy ra trường hợp máy bay chiến đấu không người lái "Predator" tiến công vào các mục tiêu của quân nhà. Ngày 12-4-2011, Lầu Năm Góc chính thức xác nhận, ở phía nam Ap-ga-ni-xtan, máy bay chiến đấu không người lái "Predator" tiến công nhầm khiến 2 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Đó là chưa kể trường hợp các lực lượng Ta-li-ban ở Ap-ga-ni-xtanđã bắn rơi 2 máy bay không người lái "Predator" của Mỹ.

Còn trong trường hợp Li-bi, tình hình còn phức tạp hơn nhiều không chỉ bởi địa hình phức tạp hơn mà số mục tiêu cần do thám và tìm diệt cũng quá nhiều, đan xen giữa quân sự với dân sự.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bec Ghết, việc lật đổ chế độ cầm quyền ở Li-bi là mục tiêu chính trị được đặt ra ngay từ đầu, nhưng không thể tiến hành như ở I-rắc, ở Ap-ga-ni-xtăng hoặc ở Cô-xô-vô, mà phải sử dụng lực lượng đối lập bên trong Li-bi để lật đổ người đứng đầu chính quyền sở tại như ở Tuy-ni-di và Ai-cập. Với khả năng tiến công nhầm ở Ap-ga-ni-xtăng và I-rắc, không ai loại trừ được chuyện máy bay không người lái của Mỹ "Predator" của Mỹ sẽ có nhiều cuộc tiến công nhầm vào các mục tiêu dân sự và gây nhiều thương vong cho dân thường ở Li-bi. Vả lại, Mỹ chỉ điều động tới Li-bi vẻn vẹn 2 chiếc "Predator" thì liệu nó có thể giúp NATO bảo vệ lực lượng đối lập ở Li-bi và tăng cơ hội cho họ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với các lực lượng ủng hộ nhà lãnh đạo Ca-đa-phi?

Vì thế, giới phân tích nhận xét rằng: quyết định của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma điều động 2 chiếc "Predator" tới tham chiến cùng với NATO ở Li-bi chỉ là hành động nhằm vừa được tiếng là “không bỏ rơi bạn bè đồng minh” trong cơn bĩ cực, vừa tránh được tiếng can thiệp quá sâu vào các sự kiện ở Li-bi mà chính dư luận ở Mỹ đang lên tiếng phản đối. Vả lại, chính Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đã từng tuyên bố tại Kỳ họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2009 rằng, “dân chủ là cái mà chúng ta không thể áp đặt cho nước khác”. Vì thế, quyết định của Mỹ điều động 2 chiếc "Predator" tham chiến ở Li-bi giống như chuyện “được chăng hay chớ” và hẳn sẽ chẳng tạo ra bước ngoặt đáng kể nào trên chiến trường đầy kịch tính ở quốc gia này./.