Ngư ông đắc lợi

Quế Anh
22:10, ngày 09-05-2011
Sau một thời gian “lưỡng lự”, cuối cùng, vào ngày 30-3 vừa qua, NATO cũng đã phải tiếp nhận từ tay Mỹ quyền chỉ huy các hoạt động quân sự - phụ trách thực thi vùng cấm bay đối với Li-bi, tiếp tục triển khai các cuộc tấn công, giúp đỡ lực lượng chống chính phủ hạ bệ Tổng thống Mu-a-mơ Ca-đa-phi. Có nhiều lý do thúc đẩy Mỹ thực hiện ý đồ này, nhưng có thể thấy, Nhà Trắng đang định thực hiện chiến lược “Tọa sơn quan hổ đấu” ở Li-bi.

Sau 9 ngày liên quân NATO mở các đợt tấn công Li-bi, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã phát biểu tại Trường Đại học Quốc phòng quốc gia (Mỹ) vào tối 28-3 để giải thích lý do Oa-sinh-tơn tham gia can thiệp quân sự vào nước này. Ông B. Ô-ba-ma mô tả sự tàn bạo của chính quyền Tổng thống M. Ca-đa-phi, lợi ích của Mỹ trong cuộc xung đột, sự tham gia quân sự ở mức hạn chế của Mỹ tại Li-bi và vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc tái thiết Li-bi. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, khi mở màn các hoạt động quân sự tại Li-bi, Mỹ vẫn chủ trương “hạn chế tối đa sự tham gia của quân đội Mỹ; luôn quan tâm chăm sóc lợi ích của dân thường Li-bi; hạn chế sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và sự bất ổn ra toàn khu vực”. Theo lời ông B. Ô-ba-ma, nhiệm vụ mà Mỹ sẽ thực hiện bao gồm: Thứ nhất, cô lập Tổng thống M. Ca-đa-phi cho đến khi ông ta bị đưa ra xét xử; thứ hai, duy trì sự hiện diện quân sự của NATO để các lực lượng của ông M. Ca-đa-phi không thể tấn công trở; thứ ba, xác định, hỗ trợ và duy trì một lực lượng đối lập phù hợp, giúp đem lại dân chủ cho Li-bi, đấu tranh chống sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và quan tâm đến các nhu cầu nhân đạo cũng như quyền con người của dân chúng. Ông B. Ô-ba-ma nhấn mạnh, từ ngày 30-3, NATO đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong chiến dịch tại Li-bi, thế nhưng các lực lượng của Mỹ vẫn tham gia tác chiến. Các quan chức của chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng đã thừa nhận rằng, có thể sẽ tiếp tục tham gia chiến dịch ở Li-bi trong nhiều tháng nữa.

Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận quan tâm nhất là: Tại sao Mỹ lại “đùn đẩy” quyền chỉ huy quân sự cho NATO? Việc làm đó có ý nghĩa gì? Điều này sẽ mang lại lợi ích chiến lược gì cho Mỹ?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết, có thể thấy, khi trao quyền lãnh đạo chiến dịch quân sự ở Li-bi cho NATO, Mỹ có thêm khả năng tăng cường kiểm soát đối với NATO. Một khi NATO bị cuốn hút vào các hoạt động quân sự ở Trung Đông và Bắc Phi, thì Mỹ có thể lợi dụng các lực lượng của các nước thành viên NATO ở châu Âu để mở rộng bản đồ địa chính trị - quân sự tại khu vực này, từ đó nhằm tiêu diệt các thế lực Hồi giáo chống phương Tây.

Theo quan điểm của Nhà Trắng, chỉ có châu Âu mới đủ sức gánh vác trách nhiệm chỉ huy quân sự. Cho dù nhiệm vụ chính trị - quân sự này thành công hay thất bại, Mỹ vẫn là bên giành thắng lợi duy nhất, vì khi đã tham chiến, các bên đều chịu tổn hại, và Mỹ ở giữa có thể là “ngư ông đắc lợi” trong cái trò chơi “Tọa sơn quan hổ đấu”. Vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống Li-bi có thể sẽ giống như trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nghĩa là Mỹ sẽ đóng vai trò “quyết định” kết thúc cuộc chiến và chia chiến lợi phẩm.

Kể từ khi lập quốc, Mỹ luôn giương cao ngọn cờ “tự do, dân chủ, dân quyền”. Khi tiến đánh Áp-ga-ni-xtan, Oa-sinh-tơn lấy lý do “chống chủ nghĩa khủng bố”; lúc tấn công I-rắc, Nhà Trắng cho rằng đó là hành động “chống bạo chúa”… Còn khi liên quân NATO mở màn đánh Li-bi, thì Mỹ và bộ máy tuyên truyền phương Tây “hòa tấu” bản đồng ca lên án Tổng thống M. Ca-đa-phi trấn áp biểu tình hòa bình, sát hại dân thường không thương tiếc. Thế nhưng, các cuộc biểu tình hòa bình ở đất nước Bắc Phi này đã nhanh chóng chuyển thành một cuộc nổi dậy vũ trang; lực lượng nổi dậy đã phản công quân đội chính phủ bằng vũ khí hạng nặng, công khai tiến hành “nội chiến” chống Tổng thống M. Ca-đa-phi. Theo luật pháp quốc tế, khi một nước dùng lực lượng quân sự ủng hộ bất kỳ một bên nào của cuộc nội chiến nước khác, thì điều đó có nghĩa là nước này đã phạm vào hành động can thiệp nội bộ nước khác. Do vậy, “đùn đẩy” quyền chỉ huy quân sự tấn công Li-bi vào tay NATO, Mỹ sẽ tránh được tội danh “chủ mưu can thiệp bằng vũ lực vào công việc nội bộ nước khác”.

Trong làn sóng “cách mạng hoa nhài” ở Trung Đông và Bắc Phi, không ít chính quyền là đồng minh thân cận của Mỹ cũng đã chịu tác động của làn sóng này, chẳng hạn như Ba-ranh, A-rập Xê-út, Gioóc-đa-ni, Y-ê-men… Chính quyền các nước này đều cũng đang đứng ngồi không yên trước làn sóng “cách mạng đường phố” ở khu vực. Tại một số quốc gia, chính quyền đã sử dụng vũ lực để xử lý những hành động quá khích từ biểu tình và gây ra thương vong. Rõ ràng, biện pháp đối phó với làn sóng biểu tình của Li-bi, so với các nước này cũng là giống nhau, song sự nhìn nhận, đối xử của Mỹ và phương Tây đối với chúng lại khác nhau. Nếu Mỹ cũng dùng hành động quân sự ép buộc các nhà lãnh đạo của những nước khác từ chức (như đối với Li-bi), thì e rằng từ nay về sau ở khu vực này Mỹ sẽ không còn một đồng minh nào nữa. Bởi thế, một khi “đùn đẩy” được quyền chỉ huy quân sự cho NATO, Mỹ sẽ dễ bề ăn nói hơn với các nước đồng minh trong khu vực. Đây là cách làm mà Mỹ đã thực hiện thành công đối với Ai Cập và Tuy-ni-di.

Hơn nữa, cũng cần phải hiểu rằng, NATO là do Mỹ dựng lên để bao vây Liên Xô trước đây, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau Chiến tranh lạnh, sức mạnh của Liên minh châu Âu (EU) được mở rộng và EU cho rằng chính trị hòa bình cũng đủ để xây dựng một châu Âu vững mạnh, không cần đến công cụ quân sự NATO nữa. Thế nhưng, đối với Mỹ, điều này là không thể, bởi Oa-sinh-tơn nhận thấy, nếu không có NATO, châu Âu sẽ ly khai khỏi Mỹ, thậm chí có thể trở thành đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Do đó, duy trì và nắm chắc NATO là một mục tiêu chính trị lớn của Mỹ trong thời “hậu Chiến tranh lạnh”. Như vậy, có thể khẳng định, Mỹ đang ráo riết thúc ép NATO gánh vác trách nhiệm nhiều hơn nữa tại châu Âu và khu vực Địa Trung Hải dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Việc Mỹ “đùn đẩy” quyền chỉ huy quân sự tấn công Li-bi cho NATO có thể được coi là một chiêu thức “cao tay”, bởi nó giúp Mỹ có được lợi ích lớn nhất nhờ vào sức mạnh của người khác./.