Với tựa đề “Tăng cường nông nghiệp cho phát triển”, Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2008 do Ngân hàng thế giới soạn thảo - bản dịch tiếng Việt đã được giới thiệu trong cuộc làm việc trực tuyến tổ chức ngày 11-12-2007 tại Hà Nội và thành phố Cần Thơ. Đây là ấn phẩm lần thứ 30 trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo phát triển kiểu này. Báo cáo Phát triển Thế giới năm 2008 “Tăng cường nông nghiệp cho phát triển” đề cập 3 vấn đề chính:

1- Nông nghiệp có thể làm gì để góp phần vào phát triển? Nông nghiệp được coi là nền tảng của phát triển và giảm nghèo tại nhiều quốc gia. Đồng thời, các quốc gia khác cũng có thể được hưởng lợi nếu các chính phủ và các nhà tài trợ thể hiện sự quan tâm hơn khi đề ra chính sách nhằm khắc phục tình trạng thiếu vốn hoặc đầu tư chưa phù hợp trong nông nghiệp.

2- Công cụ hữu hiệu để sử dụng nông nghiệp vì sự phát triển là gì? Ưu tiên hàng đầu là tăng tài sản của các hộ nghèo, tạo điều kiện cho các nông hộ nhỏ và ngành nông nghiệp nói chung có năng suất cao hơn; tạo cơ hội cho nền kinh tế phi nông nghiệp, nông thôn phát triển để người nghèo có thể có việc làm và được hưởng thụ thành quả của sự phát triển.

3- Làm thế nào để thực hiện tốt nhất các chương trình nghị sự nông nghiệp vì sự phát triển? Bằng cách thiết kế các chính sách và quá trình ra quyết định phù hợp nhất với điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia; quyết tâm chính trị và cải thiện công tác quản trị nông nghiệp.

Nét mới của Báo cáo Thế giới năm 2008 “Tăng cường nông nghiệp cho phát triển” là đưa ra cách đặt vấn đề coi nông nghiệp cùng với các chức năng của nông nghiệp là một công cụ phát triển. Trong Lời giới thiệu, ông Robert B. Zoellick, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết Thông điệp chung của Báo cáo Phát triển thế giới năm 2008 là: nông nghiệp là công cụ phát triển sống còn để đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, theo đó đến năm 2015 phải giảm được một nửa số người chịu cảnh đói nghèo cùng cực. Ba phần tư số người nghèo ở các nước đang phát triển sống ở khu vực nông thôn, và hầu hết trong số họ đều trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào nông nghiệp để mưu sinh. Báo cáo này là một tài liệu giúp các chính phủ và cộng đồng quốc tế khi thiết kế và thực thi các chương trình nông nghiệp cho phát triển - những chương trình có thể đổi đời cho hàng trăm triệu người nghèo ở nông thôn.

Cùng với sự mở rộng nhanh chóng thị trường trong nước và toàn cầu, các sáng kiến về thể chế trên thị trường tài chính và các hành động tập thể, cuộc cách mạng trong công nghệ sinh học và công nghệ thông tin, tất cả những điều đó đang mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn để sử dụng nông nghiệp thúc đẩy phát triển. Nhưng, để tận dụng được những cơ hội đó, cần có ý chí chính trị đẩy nhanh các cuộc cải cách, cải tiến công tác quản trị nông nghiệp; có sự phối hợp nhịp nhàng của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với những thử thách trước mắt. Cần tạo “sân chơi” bình đẳng trong thương mại quốc tế, giúp các nước đang phát triển xử lý vấn đề thay đổi khí hậu, đối phó hữu hiệu với tình trạng dịch bệnh đang lan tràn cho vật nuôi, cây trồng và con người. Sinh kế của 900 triệu người nghèo nông thôn, những người đáng được chia sẻ lợi ích của quá trình toàn cầu hoá đang bị đe dọa.

Trong Lời giới thiệu của Báo cáo, ông Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết: “Tại phần lớn các quốc gia châu Phi Hạ Sa-ha-ra, nông nghiệp là một lựa chọn vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua đói nghèo và tăng cường an ninh lương thực. Tăng năng suất lao động trong nông nghiệp đòi hỏi phải tăng mạnh năng suất của các nông hộ nhỏ, kết hợp với sự hỗ trợ đắc lực hơn cho hàng triệu người vốn còn đang chỉ là những nông dân tự cấp tự túc, rất nhiều trong số đó sống ở các vùng sâu, vùng xa. Những kết quả đang được cải thiện gần đây cho phép hy vọng điều đó. Báo cáo này đã giới thiệu nhiều kinh nghiệm thành công có thể tham khảo để nhân rộng.

Tại châu Á, việc giải quyết tình trạng đói nghèo trên diện rộng đòi hỏi phải đương đầu với sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng mở rộng giữa nông thôn và thành thị. Các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của châu Á vẫn còn là quê hương của hơn 600 triệu người dân nông thôn sống trong cảnh cơ hàn cùng cực, và cho dù có làn sóng di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị thì đói nghèo nông thôn vẫn còn là hiện tượng phổ biến trong nhiều thập kỷ nữa. Vì lý do này, Báo cáo năm 2008 tập trung vào những phương thức tạo việc làm ở nông thôn bằng cách đa dạng hoá nền nông nghiệp, tạo việc làm sử dụng nhiều lao động, nâng cao giá trị nông nghiệp gần với khu vực phi nông nghiệp năng động ở nông thôn.

Ở tất cả các vùng, cùng với sự khan hiếm ngày càng tăng về nguồn đất và nước, cũng như áp lực gia tăng của một thế giới toàn cầu hoá, tương lai của nền nông nghiệp hiển nhiên sẽ gắn chặt với việc phải quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Với những động cơ và quyết định đầu tư đúng đắn, các dấu ấn về môi trường của nền nông nghiệp sẽ được soi sáng, và dịch vụ môi trường sẽ được khai thác nhằm bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học.”

Nhiều số liệu và vấn đề về nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đã được đề cập trong Báo cáo này. Đồng thời, tại buổi giới thiệu trực tuyến, đã có nhiều ý kiến thảo luận của các nhà khoa học, các giảng viên đại học tại Hà Nội và Cần Thơ và nhóm chuyên gia soạn thảo Báo cáo, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về các nội dung đã trình bày của báo cáo, liên hệ với tình hình thực tiễn của Việt Nam như vấn đề: phân hoá giàu nghèo, gia tăng khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, tình trạng nghèo, cận nghèo, nghèo thông tin của nông dân Việt Nam; vấn đề an ninh lương thực và chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thay đổi cấu trúc của nền kinh tế đối với nông thôn và nông dân; vấn đề giáo dục, đào tạo, chuyển giao kiến thức, công nghệ cho người dân nông thôn Việt Nam; việc tìm thị trường tiêu thụ và tác động của tự do hoá thương mại đối với nông sản của nước ta; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nông thôn Việt Nam...