Cả nước chung tay chống chọi “giặc” nước
Do ảnh hưởng của mưa bão số 5, ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Nam trở ra và các tỉnh Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai ở Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa ở các nơi phổ biến từ 200-300mm, vùng tâm mưa từ 300-400mm; một số nơi trên 500mm, như Km22 Sơn La: 553mm; Km 46 Sơn La: 783mm, Hưng Thi (Hòa Bình):518 mm; Bất Mọt (Thanh Hóa):778mm. Cả nước lại phải gồng mình chống chọi, vượt qua bão lũ.
Sẵn sàng chờ “giặc” nước
Liên tiếp trong các ngày từ ngày 4 đến 7-10-2007, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đã liên tục phát đi những thông báo khẩn cấp dự báo tình hình mưa, lũ do ảnh hưởng của bão số 5 trên các sông Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Theo đánh giá của Trung tâm này: 1. Đỉnh lũ trên rất nhiều sông ở mức xấp xỉ và lớn hơn lũ lịch sử; 2. Đỉnh lũ trên nhiều sông thuộc loại lớn; 3. Lũ xảy ra nhanh với biên độ lũ lên trên hầu hết các sông rất lớn chỉ trong 12-24 giờ đã lên khoảng 8-10m, đặc biệt trên nhiều sông, biên độ lũ lên lớn hơn 10m. Cụ thể là tại Quỳ Châu, trên sông Hiếu (tỉnh Nghệ An): 12m; trên sông Bưởi (tỉnh Thanh Hóa), tại Thạch Thành: 10,25m; tại Thạch Quảng: 11,1m, trên sông Mã tại Hồi Xuân: 13m, tại Cẩm Thủy: 10m. 4. Lũ lên nhanh với cường suất lũ rất lớn từ 50-70cm/h, có nhiều nơi xảy ra lũ lớn với cường suất đặc biệt lớn tới 1m/h như tại Quỳ Châu (Nghệ An), Cửa Đạt (Thanh Hóa).
Nhờ những dự báo tương đối chính xác mà cả nước đã chủ động đề ra các phương án khả thi, huy động mọi nguồn lực phòng chống bão lũ, lường trước các hậu quả, kịp thời di dời dân, bảo vệ tài sản, hạn chế một phần hậu quả nghiêm trọng, nặng nề do bão lũ gây ra. Cả nước cùng chung vai thực hiện quyết tâm cao của Chính phủ “kiên quyết không để dân phải đói”.
... Quyết tâm cao của toàn Đảng toàn dân
Chiều 5-10, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên, Lai Châu và các địa phương khác triển khai ngay các phương án “bốn tại chỗ” để chống lũ. Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương, cùng các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi ảnh hưởng của bão lũ khẩn trương triển khai tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, sẵn sàng có những phương án ứng phó kịp thời.
Ngày 6-10, sau khi thị sát vùng lụt Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình), cửa sông Hà Trung (Thanh Hóa), đoàn công tác của Chính phủ đã xem xét, chỉ đạo khắc phục sự cố tràn đê quai hồ Cửa Đạt và yêu cầu các bên có liên quan báo cáo Thủ tướng về trách nhiệm của mình.Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Thanh Hóa và Ninh Bình tích cực hộ đê, kiểm soát và kịp thời xử lý các hạng mục xung yếu, đồng thời, bổ sung lực lượng ứng cứu gồm 2.400 cán bộ, chiến sĩ công an và bộ đội; cung cấp đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc men, hóa chất làm sạch nước cho người dân vùng lũ lụt, kiên quyết không để dân đói. Các đơn vị cứu hộ bổ sung thuyền nhỏ tới các xã bị cô lập, tổ chức giúp dân di dời khỏi nơi nguy hiểm.
Ngày 7-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đi kiểm tra việc khắc phục hậu quả cơn bão số 5 tại tỉnh Ninh Bình. Thủ tướng biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành ở Trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền Ninh Bình, nhất là lực lượng quân đội và công an đã cùng với địa phương chỉ đạo quyết liệt, di dời hàng chục nghìn người dân ở nơi ngập nước đến nơi an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân ở hai huyện vùng lũ; chăm lo đời sống và hỗ trợ nhân dân vùng lụt trong những ngày khó khăn. Thủ tướng đã chỉ đạo và nói rõ quyết tâm của Chính phủ: dứt khoát không để người dân phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất và thiếu lương thực do ảnh hưởng cơn bão số 5.
Tích cực cứu trợ đồng bào vùng lũ
Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho các đơn vị quân đội huy động tối đa lực lượng, phương tiện giúp địa phương di dời dân ra khỏi vùng lũ, lụt nguy hiểm. Trong đó, Quân khu 4 đã huy động 1.050 cán bộ, chiến sỹ, cùng với 600 cán bộ chiến sỹ của Quân đoàn 1 và 15 xuồng cao tốc, 1 xe lội nước, 57 ô tô các loại; Quân khu 3 huy động 175 cán bộ chiến sỹ, 6 xe tải, 4 xuồng để tham gia ứng cứu khẩn cấp với tổng số 2.300 chiến sỹ. Ngày 6-10-2007, Quân chủng Phòng không - Không quân đã điều 3 chuyến bay chở lãnh đạo Chính phủ và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đi thị sát tình hình ngập lụt tại Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá và chở 2 tấn lương khô, 20 thùng nước uống cứu trợ cho các vùng bị ngập thuộc huyện Thạch Thành, Thanh Hoá. Binh chủng Công binh điều 62 chiến sĩ cùng 6 thuyền kép, 9 máy đẩy, 1 xuồng cao tốc... đến Thạch Thành ứng cứu. Bộ đội Biên phòng đã điều động 462 cán bộ, chiến sỹ và 75 tàu, xuồng, ô tô giúp dân chống lũ, tổ chức 2 tổ công tác với 13 cán bộ chiến sỹ xuyên rừng vào ứng cứu nhân dân xã Nậm Giải - Quế Phong, Nghệ An bị cô lập. Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã điều động 11 xuồng máy cho tỉnh Thanh Hoá để tổ chức cứu hộ dân trong vùng bị ngập lụt.
Công an các tỉnh Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đã huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, lương thực để tổ chức cứu hộ, cùng với địa phương di dời dân đến nơi an toàn, tổ chức hướng dẫn dân qua lại các đập tràn, khe suối đảm bảo an toàn.
Ngày 6-10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Sở Bưu chính viễn thông, các doanh nghiệp bưu chính viễn thôngbảo đảm công tác thông tin liên lạc, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn các tỉnh bị lũ lụt. Bộ Y tế yêu cầu Công ty Dược phẩm Trung ương 1 cấp khẩn trương cho sở y tế các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An mỗi đơn vị 30 cơ số thuốc phòng chống lụt bão và yêu cầu giao trước 16h ngày 7-10.
Tại Thanh Hoá, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo xử lý đối phó với bão, lũ tại các địa bàn xung yếu. Tỉnh đã cấp 50.000 gói mỳ ăn liền, nước uống, thuốc khử khuẩn; huy động và chuẩn bị 620.000kg gạo, 66.500kg mì tôm, 1.230 thùng nước uống, 7.620 tấm lợp các loại, 27.520 m2 vải bạt sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Tại Nghệ An, đồng chí Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chiều ngày 6-10 đã có mặt tại huyện Quế Phong, và sáng ngày 7-10 đã trực tiếp vào Nậm Giải (huyện Quế Phong) nơi cơn lũ hoành hành hung hãn nhất, để trực tiếp chỉ đạo địa phương khắc phục hậu quả, cứu trợ đồng bào.
Các tỉnh Nghệ An, Sơn La, Hoà Bình: Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương đã xuống các vùng bị ngập để thăm hỏi và tập trung khắc phục hậu quả mưa, lũ; tổ chức di dời những hộ dân vùng bị ngập đến nơi an toàn, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn; chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh triển khai các biện pháp khắc phục bảo vệ môi trường, phục hồi sản xuất.
Tại Ninh Bình: Trong đêm 5-10, huyện Nho Quan phải di dời 14.000 dân các xã Đức Long và Lạc Vân để phục vụ việc xả lũ nhằm bảo vệ đê Tả sông Hoàng Long. Sau khi được Bộ Công an cấp 300 áo phao, 200 bộ áo mưa phản quang, 300 đèn pin, 1 tấn lương khô, Công an Ninh Bình đã huy động 320 cán bộ chiến sĩ, di dời trên 3.000 người dân các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã trích ngân sách 2,5 tỉ đồng cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ gặp khó khăn. Sở Thương mại Ninh Bình cấp 1 tấn lương khô và 1 tấn dầu hoả cùng đèn bão. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động phong trào ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do lũ. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, tất cả cán bộ công nhân viên chức trong tỉnh sẽ ủng hộ một ngày lương.
Ninh Bình còn cấp cho huyện Nho Quan và Gia Viễn mỗi huyện 200 triệu đồng và cấp cho mỗi xã trong vùng ngập 100 triệu đồng để xử lý các vấn đề cần thiết. Tỉnh đã đưa 40 cơ số thuốc đến các xã bị ngập; đồng thời, xuất cấp cho mỗi huyện Nho Quan và Gia Viễn 200 triệu đồng và cấp cho mỗi xã trong vùng ngập là 100 triệu đồng để xử lý các vấn đề cần thiết.
Đưa người dân qua sông tránh lũ ở Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái.
Tại Yên Bái: Trước thiệt hại của người dân, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) hỗ trợ 2 hộ mất nhà, mất đất 2 triệu đồng/ hộ, 3 hộ phải di dời 500 nghìn đồng/ hộ, và tìm quỹ đất để người dân sớm có đất làm nhà ổn định cuộc sống.
Những thiệt hại to lớn
Lút mái nhà dân ven sông Mã (Ảnh: T.Xuân)
Những bài học rút ra sau cơn lũ
Cho đến ngày 8-10-2007, bão lũ đã bớt hung hãn, người dân vùng lũ đã qua được thời điểm nguy nan nhất, nhưng hậu quả do cơn lũ lịch sử để lại khó có thể chỉ đong đếm, đo lường bằng những con số khô khan. Từ việc khắc phục hậu quả nặmg nề do ảnh hưởng cơn bão số 5 có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Một là, tạo thế chủ động từ công tác chuẩn bị.
Thông báo đầy đủ, kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua hệ thống chính quyền các cấp để người dân nắm được thông tin chính xác, chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Khi đã chủ động sẽ hạn chế được tối đa thiệt hại nhất là thiệt hại về người. Trong cơn bão số 5 vừa qua, nhờ chủ động, kịp thời di dời dân đến vùng an toàn nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người.
Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật và con người, tạo sự nhất quán, và kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Sẵn sàng chịu trách nhiệm, chia sẻ trách nhiệm; sẵn sàng phối hợp giữa các lực lượng quân, dân sự, lực lượng địa phương tại chỗ và lực lựợng hỗ trợ ở trung ương trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Kết quả cứu hộ từ cơn bão số 5 vừa qua cho thấy, do có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, ban ngành, đoàn thể trong cả nước nên đã giảm bớt được nhiều thiệt hại, mặc dù lũ sau bão số 5 là một trận lũ lớn trong lịch sử.
Hai là, luôn luôn cảnh giác, không lơ là, chủ quan trước diễn biến của thời tiết.
Mặc dù, đã có sự chủ động một cách toàn diện từ Trung ương đến các địa phương, song mỗi mùa mưa bão đến, chúng ta đều không tránh khỏi những thiệt hại to lớn về người, về của. Một số nơi còn coi nhẹ công tác phòng chống thiên tai, tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ chi viện của Nhà nước còn phổ biến ở nhiều nơi. Sự chủ quan, coi nhẹ, lơ là mất cảnh giác trước diễn biến bất thường của thời tiết dẫn đến tình trạng bị động trong phòng chống, ứng cứu và xử lý khi tình hình thời tiết diễn biến xấu, vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân và một số cán bộ lãnh đạo. Chẳng hạn, Quế Phong là một huyện miền núi cách Trung tâm Tỉnh lỵ Nghệ An (thành phố Vinh) 200km, do thiếu sự chuẩn bị chu đáo và chủ quan nên khi cơn lũ hung dữ ập đến, huyện đã hoàn toàn bị cô lập với tỉnh và Trung ương; các phương tiện cứu hộ, thông tin, liên lạc đều không phát huy tác dụng. Vì vậy hàng ngàn người dân chưa được cứu giúp kịp thời trong cơn hoạn nạn.
Ba là, xây dựng nhận thức đầy đủ, nghiêm túc, khoa học về sự biến đổi của tự nhiên, môi trường, khí hậu toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp, bất thường của những thay đổi đó tới cuộc sống của người dân.
Nước ta ở vị trí “rốn gió và nước của khu vực”, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của những biến động trên. Cơn bão rồi sẽ qua, nhưng cuộc sống của người dân những nơi bão lũ tràn về còn lâu mới ra khỏi “bão”. Bão lũ lại thường hoành hành dữ dội ở những tỉnh, địa phương mà cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Rất nhiều nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo đã bị cuốn theo dòng lũ. Tuy chưa thống kê được, nhưng chắc chắn sẽ có những hộ, những gia đình bị rơi vào tình trạng “tái nghèo”. Do vậy, đã đến lúc cần xây dựng một chiến lược tổng thể, một chương trình quốc gia để bảo vệ môi trường, đối phó với thiên tai; tránh tình trạng chỉ đối phó với từng vụ việc, từng cơn bão cụ thể, qua mùa mưa bão, những thiệt hại, tổn thất và sự kinh hoàng về thảm họa bão lũ lại lắng xuống cho đến mùa bão năm sau.
Nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt ở các tỉnh miền Trung  (08/10/2007)
Báo chí với doanh nghiệp, doanh nghiệp với báo chí  (08/10/2007)
Giới thiệu chính sách mới trên các số công báo từ ngày 06-9-2007 đến ngày 03-10-2007  (08/10/2007)
9 tháng đầu năm, GDP của cả nước đạt 8,16%  (08/10/2007)
Khu công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thu hút  (08/10/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay