Mấy chục năm lại đây mưa lũ, hạn hán, nước dâng, động đất, lở đất, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... xảy ra ngày càng nhiều ở nước ta, làm chết hàng ngàn người, tổn thất to lớn tài sản và của cải. Đặc biệt, lũ lụt xảy ra ngày càng nhiều, trên diện rộng ở các tỉnh ven biển miền Bắc và miền Trung. Nước lũ đến bất ngờ, dâng cao, cuốn đi hàng ngàn nhà cửa, làng mạc, dìm hàng ngàn ha đồng lúa, hoa màu, hàng trăm công trình thuỷ lợi, hàng ngàn km đường giao thông trong biển nước. Chỉ trong mấy ngày, cơn bão số 5 đã gây thiệt hại về người và tài sản tuy chưa thông kê hết, nhưng rất nặng nề.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, lũ sông Cả tại Nam Đàn đang dao động ở mức đỉnh; sông Bưởi và sông Hoàng Long xuống chậm và đang ở mức cao. Ngày 7-10, mực nước trên sông Bưởi tại Thạch Thành (Kim Tân) là 13,42m (trên báo động 3: 1,92m); sông Mã tại Lý Nhân 10,86m (trên mức báo động 2: 0,36m), tại Giàng 5,46m (trên mức báo động 2: 0,46m), sông Cả tại Dừa 23,39m (dưới mức báo động 3: 1,11m); sông Cả tại Nam Đàn 7,73m (dưới báo động 3: 0,17m); sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,16m (trên báo động 3: 0,16m). Dự báo lũ trên các sông Hoàng Long, sông Mã, sông Bưởi và sông Cả tiếp tục xuống chậm và còn duy trì ở mức cao.

Ngày 8-10, mực nước sông Bưởi tại Thạch Thành (Kim Tân) ở mức 12,5m, vẫn còn trên báo động 3: 1m, sông Hoàng Long tại Bến Đế ở mức 3,5m (mức báo động 2); sông Cả tại Nam Đàn xuống 7,5m (dưới báo động 3: 0,4m), sông Mã tại Giàng xuống 4m (trên báo động 1: 0,5m). Tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trung du và đồng bằng ven sông các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá và Nghệ An đang giảm dần.

Ngày 7-10, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương có Công điện số 85/CĐ-TƯ, điện Ban chỉ đạo phòng chống thảm hoạ và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, yêu cầu tập trung chỉ đạo và triển khai các công việc: Kiểm tra bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực dân cư sơ tán tập trung của các vùng bị ngập lũ. Tiếp tục hỗ trợ các loại hoá chất, đặc biệt Cloramin B, để xử lý nguồn nước bảo đảm nước sạch phục vụ ăn uống cho nhân dân vùng ngập lũ để tránh phát sinh dịch bệnh. Cấp bổ sung thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, trang thiết bị y tế và các hoá chất cần thiết khác cho ngành y tế ở các địa phương vùng ngập lũ. Tăng cường y, bác sĩ cứu người bị thương, bảo đảm công tác khám chữa bệnh, chăm sóc khoẻ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ. Chỉ đạo việc khôi phục các cơ sở y tế tại khu vực bị ảnh hưởng sau khi lũ rút.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 7giờ ngày 7-10, đợt mưa lũ vừa qua đã làm 61 người chết và mất tích (37 người đã chết và 24 người mất tích); trong đó, tỉnh Sơn La 7 người, 3 người mất tích; Hoà Bình 8 người chết, 4 người mất tích; Ninh Bình 1 người chết, Thanh Hoá 2 người chết; Nghệ An 16 người chết, 15 người mất tích; Yên Bái 1 người chết, 1 người mất tích; Thừa Thiên - Huế 1 người mất tích; Hà Tĩnh 1 người chết, Quảng Bình 1 người chết. Ngoài ra, mưa lũ còn làm gần 6.000 nhà bị đổ, sập; 48.023 nhà bị ngập, hư hỏng; 213 trụ sở cơ quan, công trình công cộng bị hư hại; hơn 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại.

Tất cả mới là bước đầu. Con số thiệt hại về người và tài sản tăng lên từng ngày từng giờ và sức tàn phá của lũ còn lớn. Thử thách lớn nhất, khốc liệt nhất lúc này là làm sao bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân. Đặc biệt là nhân dân các tỉnh đang bị lũ lụt nặng như: Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế... Lũ lên cao, số người thiệt mạng vì lũ ngày mỗi tăng, trong đó có cả trẻ em. Tổn thất về vật chất cũng ngày càng lớn. Mưa lũ còn gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước. Sau lũ lụt thường phát sinh các dịch bệnh đường tiêu hoá như: ỉa chảy, tả, lị, thương hàn... các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, sốt rét do muỗi phát triển nhiều, sức đề kháng của nhân dân bị giảm sút do thiếu ăn, thiếu nhà ở sau lũ lụt.

Trong những ngày cơn đại hồng thuỷ ở các tỉnh miền Trung xảy ra, các cấp chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và đông đảo nhân dân trong cả nước đã dốc sức, chung lòng giúp đỡ thiết thực, kịp thời, có hiệu quả. Kiều bào ta ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế đã và đang chia sẻ những khó khăn, trợ giúp nhân dân vùng bị bão lụt. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến người dân đang sống trong lũ lụt. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã trực tiếp xuống với nhân dân, chỉ đạo sát sao, kịp thời công tác chống lũ lụt. Hàng loạt tấm gương của quân đội, công an, cán bộ, công nhân viên... đang xả thân vì nhân dân vùng lũ. Họ đã chuyển đến hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, quần áo, sách vở, trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường... cho nhân dân, thể hiện sâu sắc truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” khi khó khăn, hoạn nạn của dân tộc ta. Những việc làm đó đang được phát triển thành phong trào sâu rộng, huy động tình cảm, trách nhiệm và đóng góp của mỗi cấp, mỗi ngành, mọi nhà và mọi người đến với từng địa chỉ, từng người dân đang sống trong vùng lũ lụt.

Do tính chất của lũ năm nay ở các tỉnh miền Trung xảy ra trên diện rộng, kéo dài, đỉnh lũ cao, nhiều vùng bị ngập sâu, như Nho Quan, Gia Viễn (Ninh Bình), Thạch Thành (Thanh Hoá), Quế Phong, Nghĩa Đàn (Nghệ An)..., người dân phải dồn đến ở những vùng đất cao chật hẹp, lượng người tập trung đông nên vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, lương thực, thực phẩm, đề phòng dịch bệnh đặt ra cấp bách.

Sau cơn bão số 5, hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội bức thiết cũng cần phải giải quyết. Trước hết, cần tập trung thực hiện những vấn đề cơ bản, cấp thiết sau đây:

Một là, tiếp tục tập trung chăm lo đời sống nhân dân, nhất là số hộ sơ tán, di dời lên ở các tuyến đê phải bảo đảm lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh... không để người dân phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” và thiếu lương thực, thực phẩm do ảnh hưởng của cơn bão số 5. Những hộ di dời lên nhà ở của mình trên tầng cao cũng phải được chăm lo chu đáo về mọi mặt. Huy động các lực lượng tập trung sữa chữa nhà cho nhân dân, chăm lo sức khoẻ cho cộng đồng. Chú trọng đầu tư ổn định vùng chậm lũ, vùng phân lũ, các đập tràn... bảo đảm an toàn cho các vùng hay bị lũ lụt xảy ra. Đặc biệt, sau khi lũ lụt rút, cần tập trung sức vào việc xây dựng và củng cố kết cấu hạ tầng như: điện, đường, trường học, y tế, chợ nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường, hệ thống thông tin liên lạc... Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng ngừa lũ lụt, cơ cấu cây trồng vật nuôi; giống mới phù hợp với vùng thường xuyên bị lũ lụt.

Hai là, nước lũ dâng cao mang theo nhiều chất bẩn ở mọi vùng gây ô nhiễm trầm trọng, người dân không thể ăn uống trực tiếp nước lũ chưa qua xử lý. Vì thế, cần cung cấp đầy đủ thiết bị bình lọc nước, xô, chậu, thùng chứa nước, phèn lắng trong nước, thuốc khử trùng nước. Phèn, hoặc chất keo tụ lắng nước PACN-95 cần được đóng gói nhỏ có hướng dẫn cách sử dụng của các đơn vị, xí nghiệp sản xuất. Sau khi nước được lắng trong, đổ vào bình lọc pha thuốc khử trùng như Cloramin, mới có thể uống trực tiếp hoặc qua đun sôi. PACN - 95, Cloramin cần có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ và khẩn trương cung cấp đến tận vùng ngập sâu đang bức xúc về nhu cầu nước uống và vệ sinh môi trường. Sử dụng xuồng, thuyền chở nước sạch từ các nhà máy cung cấp cho các điểm dân cư tránh lũ. Ở những vùng xa có thể sử dụng máy bay trực thăng chở nước với các nhu yếu phẩm cần thiết khác để cung cấp kịp thời cho nhân dân. Sau khi nước rút, khôi phục ngay các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường; nạo vét các nguồn nước như: ao, kênh mương, giếng, bể chứa nước, khử trùng nước, thực hiện ăn chín, uống sôi...

Ba là, chủ động phòng chống dịch bệnh do ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây dịch bệnh trước và sau lũ lụt. Chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, hoá chất, máy phun hoá chất và các vật tư chuyên dụng khác để xử lý kịp thời khi có tình huống. Khi nước bắt đầu rút, cần hướng dẫn nhân dân xử lý môi trường, không để dịch bệnh xảy ra. Nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Tổ chức thu gom, dọn vệ sinh, chôn xác động vật. Tăng cường quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiêm cấm việc bán thịt gia súc, gia cầm chết hoặc giết mổ không hợp vệ sinh. Phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp mắc tiêu chảy, tả, sốt rét, thương hàn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra dịch sốt xuất huyết rất cao ở các tỉnh ngập lụt miền Trung, phun hoá chất diệt ruồi, muỗi ở những khu vực trọng điểm.

Bốn là, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở vùng lũ lụt. Phổ biến trong nhân dân kiến thức, kinh nghiệm và pháp luật về phòng ngừa lũ lụt. Đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn trong cấp nước, tìm kiếm, vận chuyển, thổi ngạt, cứu trợ người bị nạn... Tổ chức và đầu tư xây dựng hệ thống thu thập thông tin về sự biến động thời tiết toàn cầu, thời tiết khu vực và từng khu vực trong cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung. Xử lý thông tin để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phòng ngừa lũ lụt.

Năm là, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể dồn sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong vùng bị lũ lụt, cứu trợ kịp thời những người gặp khó khăn, nhất là các gia đình chính sách và các gia đình phải di dời, bảo đảm không ai phải chịu cảnh đỏi rét, thiếu ăn, ở và thuốc chữa bệnh. Ngành khí tượng - thuỷ văn theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ lụt và các dạng thiên tai khác để cảnh báo, thông báo kịp thời cho các địa phương chủ động đối phó. Các ngành y tế, giáo dục, xây dựng, khoa học, công nghệ, môi trường... chuẩn bị đầy đủ thuốc men, sách vở, giống cây trồng, vật nuôi và các loại vật tư, phương tiện kỹ thuật, để khi cơn bão số 5 đi qua, nhanh chóng khôi phục đời sống, sản xuất và các hoạt động kinh tế - xã hội ở vùng ngập lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ gây ra.