Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng
Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới, dân tộc nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hạ Long 108km, có 43,186 km đường biên giới đất liền với Trung Quốc. Huyện có 7 đơn vị hành chính, với 86 thôn/khu phố. Dân số toàn huyện trên 33 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 96% - là địa phương cấp huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao của tỉnh Quảng Ninh và trong nhóm huyện cao nhất của cả nước.
Huyện Bình Liêu có phong cảnh miền núi tươi đẹp, khí hậu mát mẻ; những rừng hồi, rừng quế thơm ngát; vẻ đẹp tự nhiên mà hùng vỹ của di tích danh thắng cấp tỉnh thác Khe Vằn; bãi “Đá thần” ở đỉnh Cao Ba Lanh vừa huyền bí vừa gợi vẻ thiêng liêng, là nơi ghi đậm dấu ấn những chiến công lịch sử; núi Cao Xiêm sừng sững là một trong những ngọn núi cao nhất tỉnh; những thửa ruộng bậc thang được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Bình Liêu có hệ thống cột mốc biên giới hùng vỹ, đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua những chặng đường lịch sử, đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu luôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau; cùng đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược để bảo tồn cuộc sống. Qua đó, các dân tộc có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau về phong tục, tập quán sản xuất; làm cho đời sống văn hóa ở Bình Liêu có nhiều sắc thái khác nhau. Điều đó tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng. Người Bình Liêu luôn có ý thức gìn giữ tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục tập quán tốt đẹp và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của dân tộc mình.
Những năm qua, Bình Liêu luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, của Tỉnh, bên cạnh đó là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bình Liêu phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực:
(1) Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc phục vụ phát triển du lịch được nâng lên. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVII đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 26-8-2015, “Về phát triển du lịch Bình Liêu giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 29-6-2021, “Về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu, giai đoạn 2016-2021”. Ban Thường vụ Huyện ủy khóa XXVII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/HU, ngày 18-9-2018, “Về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Huyện Bình Liêu từ địa phương du lịch chưa hình thành và chưa có đóng góp cho kinh tế - xã hội, đến nay bước đầu phát huy được thế mạnh về truyền thống văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đường biên giới hùng vĩ phục vụ phát triển ngành du lịch với các sản phẩm đặc trưng: Du lịch biên giới, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm...
(2) Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn luôn được quan tâm. Các phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát huy trong cuộc sống. Nhiều phong tục tập quán, lễ hội được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ như: Lễ hội Đình Lục Nà (từ ngày 15 - 17 tháng Giêng âm lịch), Hội Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ (từ ngày 15 đến 16-3 âm lịch), Ngày Hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao (ngày 4-4 âm lịch); các chợ phiên hằng tuần vào ngày chủ nhật; Tuần Văn hóa - Du lịch gắn với Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở vào tháng 11 - 12 hằng năm... Các ngày lễ, hội, chợ phiên diễn ra trong không khí vui tươi, lành mạnh, giữ nguyên nét truyền thống... Huyện đã quan tâm xây dựng đội ngũ nghệ sỹ, nghệ nhân; đến nay, có 6 Nghệ nhân Ưu tú, 1 Nghệ nhân Dân gian Việt Nam, 3 Nghệ sĩ Vùng mỏ. Trong giai đoạn 2018 - 2023, Huyện đã tổ chức 10 lớp truyền dạy: Hát then - Đàn tính, hát Soóng cọ, hát Pả dung được; xây dựng nhạc biểu diễn dân ca Tày, Dao, Sán Chỉ phục vụ các lễ, hội và các chương trình nghệ thuật của Huyện. Năm 2022, tổ chức Cuộc thi Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, nét đẹp của các trang phục các dân tộc trên địa bàn; xây dựng con người Bình Liêu thân thiện, giàu bản sắc văn hóa.
(3) Xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2020; Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch; hằng năm cụ thể hóa bằng kế hoạch phát triển du lịch, các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, huyện Bình Liêu đã hoàn thành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu dân tộc Tày phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện đề cương Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”; nhằm bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, xây dựng thành “bảo tàng sống”. Qua đó, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của 3 dân tộc tiêu biểu trên địa bàn (Tày, Dao, Sán Chỉ), kết hợp với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cột mốc biên giới hùng vĩ để phát triển du lịch, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho tỉnh Quảng Ninh: Du lịch cộng đồng, du lịch khám phá - trải nghiệm, du lịch biên giới...
(4) Huyện Bình Liêu đã quan tâm phát huy 3 trụ cột “Thiên nhiên - Văn hóa - Con người” tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Đến nay, huyện Bình Liêu có 3 di tích cấp tỉnh (Di tích lịch sử, văn hóa đình Lục Nà, Di tích danh thắng thác Khe Vằn, Di tích danh thắng Ruộng bậc thang xã Lục Hồn); 2 di tích trong danh mục kiểm kê của Tỉnh (cây đa Cốc Lồng, xã Lục Hồn; Bãi đá thần, Đỉnh Cao Ba Lanh, xã Đồng Văn); huyện Bình Liêu được công nhận là khu du lịch cấp Tỉnh trong năm 2021. Năm 2019, Thực hành Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là di sản nhân loại (mà Then Tày Bình Liêu là đại diện Quảng Ninh). Bình Liêu hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai lập hồ sơ đề nghị Hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
(5) Công tác truyền thông được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức khác nhau; qua đó, vùng đất Bình Liêu tươi đẹp, con người Bình Liêu mến khách, giàu bản sắc văn hóa đã được quảng bá sâu rộng trong và ngoài nước; tạo ấn tượng tốt đẹp, lôi cuốn đối với du khách khi đến địa bàn. Huyện đã quan tâm phát huy các hình thức tuyên truyền, quảng bá đa dạng phong phú qua hệ thống truyền thanh, Cổng thông tin điện tử, tuyên truyền trực quan bằng pa-nô; đặc biệt tuyên truyền qua mạng xã hội về du lịch với các chương trình truyền hình quảng bá đặc sắc về du lịch Bình Liêu. Đã khai thác hiệu quả các tuyến, điểm; kết nối với các công ty lữ hành để đưa du khách đến địa bàn. Hằng năm, huyện xây dựng Kế hoạch Phát triển du lịch gắn với các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa của các dân tộc trên địa bàn với 2 điểm nhấn: Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc với điểm nhấn là Hội Soóng cọ của đồng bào dân tộc Sán Chỉ và Ngày Hội “Kiêng gió” của đồng bào dân tộc Dao và Tuần Văn hóa - Du lịch với điểm nhấn là Hội Mùa vàng và Hội Hoa sở. Giai đoạn 2015 - 2020, trung bình huyện Bình Liêu đón trên 80.000 lượt khách/năm, doanh thu đạt trên 22 tỷ đồng; năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, lượng du khách đến địa bàn đạt 100.590 lượt, doanh thu đạt trên 56 tỷ đồng. Tuy doanh thu toàn xã hội về hoạt động du lịch đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn ít, nhưng đây là sự khởi sắc, nỗ lực của Bình Liêu trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh.
(6) Công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch được quan tâm; phát triển hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được quan tâm thực hiện. Người dân trên địa bàn đã tham gia phát triển một số dịch vụ homestay, các sản phẩm lưu niệm... đáp ứng nhu cầu du khách đến địa bàn. Trong giai đoạn 2018 - 2023, huyện tổ chức 2 lớp đào tạo hướng dẫn viên tại điểm phục vụ cho việc quảng bá giới thiệu du lịch (76 người); xây dựng chương trình phối hợp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu với Công ty Cổ phần đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism.JSC). Hằng năm, trong Kế hoạch Đào tạo, bồi dưỡng, Huyện luôn quan tâm mở các lớp bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ phát triển các dịch vụ du lịch trên địa bàn, nhất là liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng. Huyện quan tâm thành lập, phát huy các câu lạc bộ văn nghệ dân gian (đã thành lập và duy trì 7 câu lạc bộ cấp xã, 28 câu lạc bộ cấp thôn/khu phố với 562 hội viên). Nhờ vậy, các làn điệu dân ca của dân tộc Tày (hát Then), dân tộc Dao (hát Pả Dung), dân tộc Sán Chỉ (hát Soóng cọ) được truyền dạy qua các thế hệ, ngày càng được phát huy trong đời sống văn hóa. Quan tâm huy động nguồn lực xã hội hóa, hướng dẫn người dân tham gia phát triển du lịch, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng trên địa bàn. Hiện tại, trên địa bàn có khoảng 10 hộ gia đình trên địa bàn tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng, đón trên 25.000 lượt khách/năm. Hằng năm, huyện phối hợp với bộ phận nghiệp vụ của Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh triển khai công tác điều tra, sưu tầm, tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn nhằm lưu giữ, phục dựng, phát huy trong đời sống văn hóa.
Qua những kết quả nêu trên, phát biểu tại lễ tổng kết công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, ngày 10-11-2020, đồng chí Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã nêu một ví dụ về huyện Bình Liêu, chỉ ra rằng: “Định hướng phát triển của Bình Liêu cả hiện tại và tương lai, đó là dựa trên cơ sở khai thác, phát huy giá trị 3 yếu tố: “Thiên nhiên, con người và văn hoá”. Bình Liêu trở thành ví dụ sinh động cho công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, con người của tỉnh”. Đây là nguồn lực, tiềm năng, động lực rất lớn để huyện Bình Liêu phát huy để phát triển du lịch với bản sắc riêng nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt đươc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, cụ thể như sau:
(1) Các giá trị văn hóa truyền thống, nhất là tiếng nói, một số phong tục, tập quán tốt đẹp, trang phục, làn điệu dân ca,... có nguy cơ mai một rất cao. Công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được triển khai nhưng chưa tương xứng với bề dày truyền thống văn hóa trên địa bàn. Nguồn lực nhà nước đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Việc huy động xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn kết quả chưa cao.
(2) Du lịch trên địa bàn, nhất là du lịch cộng đồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Huyện; chủ yếu mới dừng lại ở việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Công tác triển khai xây dựng các bản văn hóa đặc trưng các dân tộc trên địa bàn (Tày, Dao, Sán Chỉ) tiến độ còn chậm, do khó khăn trong huy động nguồn lực đầu tư. Hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn chưa đồng bộ; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư, nhất là hạ tầng dịch vụ chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng vẫn còn hạn chế, nên nguồn thu từ dịch vụ du lịch trên địa bàn chưa cao.
(3) Nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý, phát triển du lịch đã được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng; tuy nhiên, vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên do:
Nguyên nhân khách quan: Do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một rất cao. Bình Liêu là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nên nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng còn hạn chế.
Nguyên nhân chủ quan: Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, du lịch chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngân sách huyện đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, phát huy văn hóa và phát triển du lịch tuy có tăng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quan thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Huyện Bình Liêu rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý, tổ chức thực hiện của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhằm huy động sức mạnh của toàn dân trong xây dựng và phát triển văn hóa; tạo sự lan tỏa, thấm sâu vào tư tưởng, làm chuyển biến trong nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đây là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai là, phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, du lịch trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong triển khai thực hiện các phong trào liên quan đến hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Cán bộ làm công tác văn hóa, du lịch ở cơ sở phải được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên bồi dưỡng để tích lũy kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu công việc.
Ba là, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn; để văn hóa thực sự vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển. Đưa nội dung phát triển văn hóa, con người vào các cuộc vận động, phong trào tại khu dân cư, nhất là quy ước, hương ước; cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,... tạo thành phong trào chung của toàn xã hội, để từng thôn, khu, mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân cùng tham gia, tạo nên sức mạnh tập thể để đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn. Gắn công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người với phát huy thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng: Du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch biên giới,... để phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Bốn là, phát huy tốt vai trò của trưởng thôn/khu phố, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tiền phong gương mẫu, đi đầu trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xóa bỏ tập quán lạc hậu trên địa bàn; lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Hằng năm, tổ chức sơ kết, tổng kết để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đồng thời nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những cách làm hay để học tập, rút kinh nghiệm thực hiện.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn tới, huyện Bình Liêu đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc, huyện Bình Liêu xác định một số quan điểm xuyên suốt như sau:
(1) Phát huy tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đường biên giới hùng vỹ, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn như: Di tích danh thắng thác Khe Vằn (xã Húc Động); đỉnh Cao Ba Lanh, thác Sông Moóc A, thác Khe Tiền (xã Đồng Văn); di tích lịch sử Đình Lục Nà, cây đa Lục Hồn, đỉnh Cao Xiêm, di tích danh thắng ruộng bậc thang (xã Lục Hồn)...; các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian (Lễ hội Đình Lục Nà với các hoạt động văn hóa dân gian; Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ ở xã Húc Động; Ngày “Kiêng Gió” của dân tộc Dao ở xã Đồng Văn; diễn xướng Then của dân tộc Tày; Hội Mùa vàng gắn với danh thắng ruộng bậc thang; Hội Hoa sở) để phát triển du lịch. Phát triển du lịch theo hướng bền vững, không phát triển ồ ạt, chú trọng chiều sâu; lấy phát triển du lịch cộng đồng là trọng tâm; phấn đấu Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới. Phát triển du lịch Bình Liêu phải nằm trong chuỗi liên kết, kết nối vùng, đặc biệt là kết nối với trung tâm du lịch của tỉnh.
(2) Quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; bảo vệ môi trường sinh thái, các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử để phát triển du lịch một cách bền vững, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc của người dân trên địa bàn trong phát triển du lịch, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là lao động và việc làm, tạo thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện là đối tượng hướng tới trong phát triển du lịch trong giai đoạn tới.
(3) Phát triển du lịch phải phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn để đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Phát triển du lịch trên cơ sở phát huy, khai thác tối đa nguồn nội lực; kết hợp với việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực từ các doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng tại các tuyến, điểm du lịch, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2025: Lượng khách đến Bình Liêu đạt trên 500 nghìn lượt; trong đó khách lưu trú đạt trên 150 nghìn lượt, khách nước ngoài trên 20.000 lượt; doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng; lao động trực tiếp liên quan đến hoạt động du lịch trên 3.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%. Kinh tế du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế chung của huyện bình quân trên 13%/năm, thu nhập bình quân đầu người gấp từ 2,2 - 2,5 lần năm 2020 (khoảng 3.500-4.000 USD). Phát triển du lịch góp phần tăng trưởng cơ cấu các ngành kinh tế trụ cột của địa phương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra.
Phấn đấu đến năm 2030, lượng khách đến Bình Liêu đạt trên 800 nghìn lượt, trong đó khách lưu trú đạt trên 350 nghìn lượt; khách nước ngoài trên 30 nghìn lượt, doanh thu đạt trên 960 tỷ đồng; lao động liên quan trực tiếp hoạt động du lịch trên 5.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 95%. Kinh tế du lịch góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,5- 2 lần năm 2025 (khoảng 5.200 - 8.000 đô la Mỹ), góp phần tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện trên 17%/năm.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, huyện Bình Liêu đề ra một số giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch cộng đồng gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh cụ thể hóa tại Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về, “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” (hiện tại Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đang chuẩn bị sơ kết nội dung này); Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 5-2-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, “Về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, tạo bước chuyển mạnh mẽ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở nhằm tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Liêu nói riêng, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nghiên cứu, ban hành Nghị quyết của cấp ủy huyện về về phát huy 3 trụ cột “Thiên nhiên - Văn hóa - Con người” đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững huyện Bình Liêu trong tình hình mới, Nghị quyết Phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh trên địa bàn, nhằm cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa; kiến nghị với cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng dân tộc trên địa, phát triển du lịch. Đây là tài sản vô cùng quý giá, cần tiếp tục bảo tồn, phát huy trong thời gian tới. Đồng thời, coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn về văn hóa, du lịch bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là, tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để phát huy 3 trụ cột “Thiên nhiên - Văn hóa - Con người” gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Tập trung thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn gắn với việc xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu. Xây dựng bản văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn. Phát huy những tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, đường biên giới, bản sắc văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn để phát triển du lịch mang bản sắc riêng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Bốn là, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, phát triển du lịch. Tập trung nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện một cách khoa học và có hệ thống, gắn với từng bước tư liệu hóa và số hóa các di tích, danh thắng, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể góp phần phát huy giá trị riêng có của đồng bào các dân tộc, trở thành những sản phẩm văn hóa đặc sắc, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và phát triển du lịch, mà trọng tâm là du lịch cộng đồng. Phát triển văn hóa, hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ thấm nhuần tinh thần dân tộc, khoa học và nhân văn, khơi dậy phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa, hình thành các không gian văn hóa tiêu biểu đặc sắc đại diện cho các dân tộc. Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp, làm cơ sở tiếp thu sáng tạo các giá trị văn hóa mới phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển.
Năm là, quan tâm phát triển thị trường du lịch trên cơ sở kết nối với các trung tâm du lịch lớn ở trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Tăng cường hợp tác với các công ty lữ hành, các doanh nghiệp du lịch, nhằm khai thác có hiệu quả các tuyến, điểm du lịch; các dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về du lịch huyện Bình Liêu; tập trung đưa và cập nhật trên các kênh trực tuyến và xúc tiến tại các hội chợ, trung tâm du lịch. Nghiên cứu, điều tra thị trường du lịch định kỳ làm cơ sở cho cách hoạt động xúc tiến quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, phát triển sản phẩm du lịch. Xây dựng thông điệp quảng bá du lịch, lựa chọn kênh thông tin, cập nhật thông tin du lịch thường xuyên và có thể dùng ứng dụng QR code để chỉ dẫn thông tin cho khách về tài nguyên du lịch, di tích lịch sử, sản phẩm, dịch vụ bổ sung khác. Từng bước nghiên cứu, phát triển hợp tác quốc tế về du lịch với 02 địa phương cùng cấp của Trung Quốc là khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng và huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả (Quảng Tây - Trung Quốc) theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Báo cáo, đề xuất với Tỉnh để ban hành cơ chế để đưa khách quốc tế ra địa bàn biên giới.
Bên cạnh đó, huyện Bình Liêu đề xuất một số kiến nghị sau: Bình Liêu cũng như một số địa phương khác có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, bản sắc văn hóa rất phong phú, đa dạng - Tuy nhiên, cùng với quá trình toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư việc giao lưu văn hóa ngày càng mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ mai một rất cao. Vì vậy, đề nghị Trung ương quan tâm ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống cộng đồng các dân tộc.
Văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc là nguồn lực rất quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn dân tộc, miền núi, biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng cần mức đầu tư lớn: Kiến trúc nhà ở, không gian làng, bản văn hóa truyền thống các dân tộc... Việc thu hút các doanh nghiệp, người dân đầu tư gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị Trung ương có cơ chế chính sách mạnh hơn để thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số, phát triển du lịch cộng đồng nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới một cách bền vững, hiệu quả./.
Duy trì, bảo tồn một số lễ hội truyền thống để phát huy giá trị các di sản văn hóa tại thị xã Quảng Yên  (30/09/2023)
Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) trên hành trình trở thành thành phố đáng sống khu vực châu Á - Thái Bình Dương  (30/09/2023)
Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp