Huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) khai thác thế mạnh, phát triển văn hóa du lịch
Đến Quảng Ninh, bên cạnh thưởng ngoạn Di sản thiên nhiên thế giới có một không hai, du khách còn có cơ hội trải nghiệm những cảm giác như đang ở khu vực miền núi phía Bắc, như được trải nghiệm ở Lào Cai, Hà Giang,… Cảnh quan, khí hậu, phong tục, tập quán vùng đất, con người nơi đây vừa mang đặc trưng chung vùng núi, đồng thời cũng mang những đặc sức riêng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam. Bình Liêu là huyện có những nét đặc điểm đó, và là điểm du lịch hấp dẫn của Quảng Ninh nhiều năm qua.
Khám phá Bình Liêu
Những năm qua, Bình Liêu luôn là điểm đến hấp dẫn cho du khách. Với không nhiều thời gian, du khách có thể được dạo quanh các cung đường đẹp, ghé thăm các bản, làng, khám phá chợ phiên, các phong tục, tập quán của bà con đồng bảo dân tộc thiểu số,…
Bình Liêu đẹp và thú vị hơn khi mùa hè dần chuyển sang mùa thu. Khi vào thu cũng như các khu vực vùng Tây Bắc, các khu vực nơi vùng Đông Bắc Tổ quốc có những cản quan đẹp nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để đi khám phá, trải nghiệm. Mùa thu miền biên giới Bình Liêu, du khách sẽ được đắm mình trong không gian yên bình, trong vắt của mùa thu vùng cao, thăm các thôn bản, dạo bước trên những cung đường thơm mùi lúa, các thửa ruộng bậc thang vàng óng trải dài theo triền đồi ở các thôn bản: Cao Thắng, Khe O, Lục Hồn... Những thửa ruộng bậc thang là một trong những điểm nhấn khi khám phá Bình Liêu. Từ trung tâm thị trấn đi theo những con đường quanh co uốn lượn, bạn có thể chiêm ngưỡng và ghi lại những hình ảnh tuyệt đẹp về những bản làng, những đồng lúa... Thời điểm mùa thu, Bình Liêu bước vào mùa thu hoạch hồi ở các bản Sông Moóc, Hoành Mô, Đồng Văn... Vào cuối tuần, du khách còn được tham gia Chợ Hoành Mô, được hưởng các sản vật của đồng bào (những món ăn truyền thống được chế biến từ miến dong, ngan đen, gà bản, các loại bánh như bánh chưng, bánh cốc mò, bánh ngải, bánh bạc đầu, bánh gật gù…). Đến chợ đêm Bình Liêu, du khách phương xa có thể được lắng nghe những giai điệu trữ tình của những làn điệu truyền thống của đồng bào dân tộc như hát then - đàn tính của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát pả dung của người Dao và giao lưu âm nhạc, tham gia các trò chơi dân gian, , được trải nghiệm cuộc sống đồng bào vùng cao miền biên viễn.
Thác Khe Vằn, Đồng Văn, Khe Tiền, Sông Moóc; thăm cửa khẩu Hoành Mô, đặc biệt những đồi lau, cột mốc biên giới ở cung đường phía Tây Bình Liêu – là những địa điểm vàng để trải nghiệm khám phá.
Trong các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Liêu phải kể đến hát Then - đàn Tính, hát Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ, lễ rước dâu trong đám cưới của người Dao Thanh Phán, lễ mừng cơm mới của người Tày (, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian (đánh quay, đẩy gậy, kéo co, tung còn…), trình diễn trang phục dân tộc tại các khu ruộng bậc thang, nhà văn hóa thôn, sân thể thao trên địa bàn các thôn Ngàn Pạt, Khe O, Cao Thắng, Bản Cáu, Lục Nà… Tất cả thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc huyện Bình Liêu. Đặc biệt là Lễ Mừng cơm mới được tổ chức tại đình Lục Nà (xã Lục Hồn). Nghi lễ Mừng cơm mới với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, kính dâng thành quả lao động, cảm tạ trời đất, tổ tiên và cầu mong gia đình no ấm, khỏe mạnh, đồng thời là dịp để gia đình, dòng họ gặp gỡ sum vầy. Nghi lễ mừng cơm mới đã trở thành một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh độc đáo, đặc sắc được đồng bào dân tộc Tày gìn giữ. Tại lễ Mừng cơm mới được tổ chức tại Đình Lục Nà, thầy cúng đã thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Mâm cơm kính dâng lên các vị thần, tổ tiên dịp lễ Mừng cơm mới là những món ăn truyền thống như: Xôi nếp lá gừng, khau nhục, thịt gà, cá chép, thịt lợn... Nét đặc trưng trong lễ Mừng cơm mới của người Tày Bình Liêu là món xôi nếp nấu với nước lá gừng tươi. Xôi được nấu từ gạo nếp ngon nhất vừa thu hoạch, đồ chín, rồi quét nước lá gừng để có màu xanh đẹp mắt. Nếp mới dẻo thơm hòa quyện với vị nồng ấm của lá gừng đã làm nên một món ăn độc đáo và cũng là nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất Bình Liêu.
Trong các loại hình du lịch trải nghiệm, huyện có thế mạnh hấp dẫn du khách ở các sản phẩm OCOP và nông lâm sản địa phương tại thôn Ngàn Pạt; trải nghiệm leo núi và cắm trại trên núi Cao Xiêm; ; chụp ảnh check-in mùa lúa chín vàng trên ruộng bậc thang; trải nghiệm và biểu diễn dù lượn “Bay trên Mùa vàng”, giải leo núi “Chinh phục sống lưng khủng long”, trình diễn bộ sưu tập áo dài về thiên nhiên Bình Liêu…
Năm 2023 là năm thứ 4 huyện Bình Liêu tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng. Đây là hoạt động thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị văn hóa, các sản phẩm văn hóa, du lịch của huyện Bình Liêu nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung; góp phần tích cực trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa quý báu của huyện Bình Liêu. Đồng thời, góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu hút 150.000 lượt khách du lịch đến với Bình Liêu năm 2023. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023). Theo đó, Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa Vàng Bình Liêu năm 2023 sẽ gồm chuỗi các hoạt động, sự kiện văn hóa, du lịch diễn ra từ 15-10 đến hết tháng 12-2023, nổi bật là chương trình Hội Mùa Vàng và Hội hoa Sở.
Trong khuôn khổ Hội Mùa Vàng có các hoạt động hấp dẫn. Giải chạy “Cung đường Mùa Vàng” tại cung đường các thôn Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạt (xã Lục Hồn) và các thôn vùng phụ cận. Chương trình dù lượn “Bay trên Mùa Vàng tại điểm bay đỉnh núi Cao Xiêm, ngoài hoạt động thi đấu, biểu diễn dù lượn còn có bay dù lượn trải nghiệm dành cho du khách với sự đồng hành của các phi công chuyên nghiệp. Điểm bay dù lượn nằm trên sườn núi Cao Xiêm. Đỉnh Cao Xiêm có độ cao 1.429m so với mực nước biển, là đỉnh cao nhất trong 8 đỉnh của dãy Cao Ly được ví như "nóc nhà" của Quảng Ninh. Trong khoảng thời gian bay 15 phút, du khách có thể nthẳng xuống thung lũng mênh mông xanh ngát, cảnh lúa chín vàng rực với những thửa ruộng bậc thang tại bản Khe O, Cao Thắng, Ngàn Pạ,... Trải nghiệm và theo dõi hoạt động biểu diễn chèo sup trên tuyến sông Tiên Yên thuộc địa phận huyện Bình Liêu, đây là hoạt động mới lần đầu tiên tổ chức trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa Vàng Bình Liêu năm 2023. Trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông lâm sản địa phương tại thôn Ngàn Pạt; trải nghiệm leo núi và cắm trại trên núi Cao Xiêm; tổ chức các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian (ném còn, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy...) tại các khu ruộng bậc thang, nhà văn hóa thôn, bản, sân thể thao trên địa bàn các thôn Ngàn Pạt, Khe O, Cao Thắng, Bản Cáu, Lục Nà; chụp ảnh check-in mùa lúa chín vàng trên ruộng bậc thang; trải nghiệm nghi lễ cúng mừng cơm mới tại các hộ gia đình người Tày…
Tháng 10 và 11 cũng là khoảng thời gian Bình Liêu vào thu đẹp nhất, du khách có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm "thiên đường" cỏ lau, khám phá "sống lưng khủng long" và hệ thống đường biên, cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc; tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện như Đình Lục Nà, cửa khẩu Hoành Mô, vườn hoa Cao Sơn; thác Khe Vằn, thác Sông Moóc; núi Cao Ba Lanh, núi Cao Ly... và tham gia giải chạy "Chinh phục sống lưng khủng long - Mốc 1305".
Hội hoa Sở diễn ra trong tháng 12-2023 tại rừng sở thôn Đồng Long (xã Đồng Tâm). Cùng với đó sẽ có các hoạt động văn hóa, thể thao như: Giải đua xe đạp phong trào Hội hoa Sở; công bố và trưng bày các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Về miền hoa Sở"…
Du khách có thể cùng với ngắm mùa lúa chín vàng, chụp ảnh check-in, tham gia hoạt động trải nghiệm gặt lúa trên ruộng bậc thang (sẽ kéo dài đến khi kết thúc vụ gặt).
Ngoài tham gia trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra trong khuôn khổ Hội Mùa Vàng, du khách có thể dành thời gian để khám phá Bình Liêu với thiên đường cỏ lau nở trắng như bông dọc cung đường tuần tra biên giới, phủ kín sườn đồi đầy dịu dàng, lãng mạn. Và càng không thể bỏ qua thử thách chinh phục những cột mốc tại Bình Liêu, đặc biệt là cột mốc 1305 - nơi được mệnh danh là “sống lưng khủng long”. Đi trên con đường nhỏ nằm giữa đồi cao, bạn sẽ được phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh bức tranh thiên nhiên núi rừng Bình Liêu bát ngát, hùng vĩ và vô cùng nên thơ, tận hưởng cảm giác tự do, phóng khoáng mà chỉ khi tận mắt nhìn thấy thì bạn mới cảm nhận được.
Tháng 10 về, trời xanh trong, mây trắng trôi nhẹ nhàng cũng là lúc vùng cao Bình Liêu lại khoác lên mình một bức tranh đa sắc màu, với màu trắng của bạt ngàn lau, màu xanh của rừng hồi, quế, sở; những thửa ruộng bậc thang uốn lượn giữa đại ngàn với màu vàng nổi bật của lúa đang chín, tạo nên sức sống, sự no đủ, bình yênRừng, núi, mây, trời và ruộng bậc thang như hòa vào nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa nên thơ vừa hùng vĩ
Đến Bình Liêu, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây để khám phá những nét đẹp văn hóa các dân tộc. Với trên 96% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy sự phong phú trong cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc đã làm nên một vùng đất văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, trở thành tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển du lịch
Đến nay, huyện Bình Liêu có 3 di tích cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử, văn hóa đình Lục Nà, di tích - danh thắng thác Khe Vằn, di tích - danh thắng Ruộng bậc thang xã Lục Hồn. Bên cạnh đó, nhiều phong tục tập quán, lễ hội được giữ gìn và lưu truyền như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, Ngày Hội Kiêng gió của dân tộc Dao.
Quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về lĩnh vực văn hóa
Cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong những năm qua, Bình Liêu đã chú trọng dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, đặc biệt gắn với phát triển du lịch mang dấu ấn riêng. Huyện cũng tích cực, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch.
Đến nay, huyện đã hoàn thành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu dân tộc Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện đề cương Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030…
Để bảo tồn di sản ngôn ngữ, trao truyền văn hóa truyền thống, tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng các dân tộc, huyện xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”. Ngoài ngôn ngữ, trang phục truyền thống, những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm, như: Hát Then của dân tộc Tày, hát Pả dung của dân tộc Dao; hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ,.. cũng được Bình Liêu tập trung đẩy mạnh công tác truyền dạy trong cộng đồng và tại các trường học; hình thành các câu lạc bộ hát dân ca tại các xã, thị trấn; đưa vào biểu diễn phục vụ tại các lễ hội và các chương trình giao lưu nghệ thuật ở trong và ngoài huyện… Năm 2019, di sản Thực hành Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó Then Tày Bình Liêu là đại diện của Quảng Ninh. Bình Liêu đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai lập hồ sơ đề nghị hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, Bình Liêu đã từng bước giới thiệu, quảng bá sâu rộng về hình ảnh vùng đất, con người Bình Liêu. Đây cũng là quá trình Bình Liêu thực hiện khơi dậy nét đẹp văn hóa cộng đồng trong tiến trình hội nhập và phát triển, đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng huyện Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh Quảng Ninh./.
Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh  (30/09/2023)
Tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc  (30/09/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm