THAM LUẬN HỘI THẢO: Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý văn hóa tỉnh Quảng Ninh
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Để khơi dậy, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Đảng ta cũng đã xác định một trong những giải pháp quan trọng là đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bởi đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào việc định hướng, tổ chức và huy động sức sáng tạo trong nhân dân, cùng với các nguồn lực khác hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không ngừng được bổ sung, gia tăng về số lượng; trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, có nhiều chuyển biến tích cực; đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở các cấp có phẩm chất, uy tín, có tư duy đổi mới, có năng lực hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đội ngũ cán bộ văn hóa có tâm, có tầm, có trách nhiệm đã có những đóng góp quan trọng trong việc khai thông, “mở đường” phát triển văn hóa. Bộ máy của các cơ quan tham mưu trong lĩnh vực, ngành văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao, phòng văn hóa và thông tin cấp huyện, trung tâm ruyền thông - văn hóa cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã) được kiện toàn, tạo mạng lưới rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã giúp cho công tác phát triển văn hóa, nhất là đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú đa dạng.
Nhận thức được tầm quan trọng đội ngũ cán bộ văn hóa cấp cơ sở là lực lượng giúp chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền, thể thao và du lịch; hướng dẫn, tổ chức thực hiện nội dung và các chương trình hoạt động văn hóa ở cơ sở; vận động nhân dân và các tổ chức, đơn vị thực hiện xã hội hóa, huy động các nguồn lực để xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, 100% xã, phường, thị trấn đã bố trí ít nhất 1 công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở và cộng đồng dân cư.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành văn hóa cơ bản được đào tạo bài bản, tích cực tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực, vị trí việc làm, đặc biệt, bồi dưỡng sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tham mưu hoạch định, tổ chức thực thi và đánh giá chính sách văn hóa. 100% giảng viên khoa Quản lý văn hóa của trường Đại học Hạ Long - cơ sở đào tạo chuyên ngành về văn hóa, nghệ thuật của tỉnh đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên.
Tính đến ngày 31-12-2022, toàn tỉnh Quảng Ninh có 904 cán bộ, công chức, viên chức, công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ trong ngành văn hóa, thể thao, du lịch, trong đó: 111 công chức, 465 viên chức, 314 công chức văn hóa - xã hội và 14 người làm việc ở các hội đặc thù cấp tỉnh (Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà báo). Trong đó: 1- Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ 6 người, chiếm 0,66%; thạc sĩ 155 người, chiếm 17,1%; đại học 640 người, chiếm 70,8%; cao đẳng 38 người, chiếm 4,2%; trung cấp 65 người, chiếm 7,19%; 2- Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp 82 người, chiếm 9,07%; trung cấp 498 người, chiếm 55,1%; sơ cấp 69 người, chiếm 7,63%; 3- Trình độ quản lý nhà nước: Chuyên viên cao cấp và tương đương 5 người, chiếm 0,6%; chuyên viên chính và tương đương 99 người, chiếm 11%; chuyên viên và tương đương 412 người, chiếm 45,6%; 4- Trình độ tin học: Trung cấp trở lên 28 người, chiếm 3,1%; chứng chỉ 828 người, chiếm 91,6%; 5- Trình độ ngoại ngữ: Trung cấp trở lên 20 người, chiếm 2,21%; chứng chỉ 503 người, chiếm 55,64%.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa vẫn còn một số tồn tại hạn chế: 1- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về văn hóa chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, còn coi trọng lĩnh vực kinh tế hơn nên việc bố trí, sử dụng cán bộ còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng bố trí, sử dụng một số cán bộ văn hóa chưa được đào tạo bài bản, không có kinh nghiệm về quản lý văn hóa, thậm chí hạn chế về năng lực, chuyên môn hoặc không đảm nhiệm được công việc ở các vị trí khác thì điều chuyển về làm công tác văn hóa. 2- Việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành văn hóa, nghệ thuật còn gặp nhiều khó khăn, do không có nguồn tuyển (trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh không thu hút được chỉ tiêu tiến sĩ ngành quản lý văn hóa về giảng dạy tại trường Đại học Hạ Long cũng như không tuyển được đối tượng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5-12-2017, của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ” thuộc lĩnh vực văn hóa). 3- Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu vẫn còn một bộ phận công chức, viên chức ngành văn hóa chậm thích ứng, chậm đổi mới, hạn chế về ngoại ngữ, tin học,... nên chất lượng công tác tham mưu còn chưa cao. Công chức văn hóa ở một số xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo còn hạn chế về năng lực, trình độ. 4- Việc cập nhật, bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao nghiệp vụ theo vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa còn chưa thường xuyên, liên tục. 5- Chính sách về tiền lương, đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc còn thấp so với nền kinh tế và giá cả thị trường nên cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa còn gặp nhiều khó khăn (bình quân thu nhập tiền lương tháng đối với công chức, viên chức thuộc lĩnh vực văn hóa khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng).
Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, với tầm nhìn chiến lược, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa nói riêng, cụ thể:
Một là, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, tích cực triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, theo đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị, thời gian hoàn thành các nhiệm vụ... (Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Kế hoạch 193-KH/TU, ngày 1-6-2018, của Tỉnh ủy, Chương trình số 105/CTr-UBND ngày 2-8-2018, của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU); Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 25-11-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định chủ đề năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 28-11-2022, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quán triệt, triển khai nghị quyết tới các đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã với nhiều hình thức phong phú, qua đó nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chương trình hành động được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, triển khai thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị theo chủ đề công tác hằng năm của tỉnh và địa phương, đơn vị. Trên cơ sở kết quả kiểm tra và giám sát hằng năm, đã kịp thời chỉ ra hạn chế, thiếu sót để khắc phục, từ đó có những giải pháp để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghị quyết.
Hai là, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Theo đó, đã tích cực triển khai đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao năng lực quản trị các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao nói riêng, trong đó, đã kiện toàn cơ cấu tổ chức (hợp nhất ban quản trị khu văn công và 3 đoàn nghệ thuật thành một đơn vị); đẩy mạnh thực hiện tự chủ: Sở Văn hóa và Thể thao có 3/6 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần kinh phí thường xuyên, 2/6 đơn vị tự chủ 100% (Bảo tàng Quảng Ninh là bảo tàng đầu tiên trên cả nước thực hiện tự chủ 100% về chi thường xuyên), 6/13 đơn vị sự nghiệp văn hóa thể thao cấp huyện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao đi vào hoạt động nề nếp, có nhiều đổi mới, chủ động tìm kiếm, mở rộng các hoạt động dịch vụ gắn với bảo tồn nghệ thuật truyền thống một cách có hiệu quả.
Ba là, ban hành cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, như chính sách thu hút giảng viên về công tác tại trường Đại học Hạ Long - cơ sở đào tạo giảng dạy chuyên ngành về văn hóa, nghệ thuật của tỉnh (Nghị quyết số 178/2014/NQ-HĐND, ngày 12-12-2014; Nghị quyết số 93/2017/NQ-HĐND, ngày 13-12-2017; Nghị quyết số 188/2019/NQ-HĐND, ngày 30-7-2019; Nghị quyết số 285/2020/NQ-HĐND, ngày 8-9-2020); chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ (Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND, ngày 9-12-2022). Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn nhân lực cũng được tỉnh quan tâm, đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích học tập đối với sinh viên học tại trường Đại học Hạ Long, trong đó có sinh viên nhóm ngành nghệ thuật, quản lý văn hóa (Nghị quyết số 190/2015/NQ-HĐND, ngày 23-3-2015; Nghị quyết số 187/2019/NQ-HĐND, ngày 30-7-2019; Nghị quyết số 239/2019/NQ-HĐND, ngày 7-12-2019; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND, ngày 27-8-2021) qua đó đã góp phần chuyển biến tích cực, rõ nét về quy mô, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua.
Bốn là, đổi mới phương thức công tác tuyển dụng theo hướng coi trọng chất lượng hơn số lượng; nâng cao tiêu chí tuyển dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi tuyển, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật; qua đó kịp thời bổ sung đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong ngành văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và thực hiện nhiệm vụ quản lý văn hóa của đơn vị, địa phương. Kết quả, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tuyển được 80 công chức, viên chức, công chức cấp xã thuộc lĩnh vực văn hóa.
Năm là, bám sát chủ trương, quan điểm nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thực hiện công tác cán bộ gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm các nguyên tắc, quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ; rà soát, tăng cường lãnh đạo kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ phục vụ nhân dân và sự phát triển của đơn vị, địa phương theo Kế hoạch số 228-KH/TU, ngày 29-8-2018, của Tỉnh ủy “Về việc triển khai Nghị số quyết 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương”.
Sáu là, song song với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tỉnh Quảng Ninh đã sớm có chỉ đạo bố trí, cơ cấu lại đội ngũ bảo đảm tinh gọn, nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức: Triển khai việc phê duyệt danh mục vị trí việc làm đối với 100% các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát trình độ đào tạo, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ, tăng cường thực hiện kiêm nhiệm; chú trọng đổi mới phương thức đánh giá, nhất là đánh giá cán bộ liên tục, xuyên suốt, đa chiều, lấy chất lượng, sản phẩm đầu ra để làm thước đo đánh giá; gắn đánh giá cá nhân với tập thể; có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (như phẩm chất, năng lực, sức khỏe…); ban hành các chính sách tinh giản biên chế riêng của nhằm khuyến khích, mở rộng đối tượng có nguyện vọng nghỉ công tác, nghỉ việc.
Bảy là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, trang bị kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh gắn với việc thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 (Đề án 293) để triển khai thực hiện, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh. Kết quả, từ năm 2018 đến năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và tổ chức 20 lớp bồi dưỡng về văn hóa, du lịch, dịch vụ, thể thao, bảo tàng, thư viện,... cho gần 900 lượt học viên là công chức, viên chức làm nhiệm vụ về văn hóa, thể thao, bảo tàng, thư viện, du lịch cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ công chức văn hóa - xã hội cấp xã; tổ chức 2 lớp đi học tập kinh nghiệm nước ngoài tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc năm 2018; Cộng hòa Pháp năm 2019. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm cử đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị (trung cấp, cao cấp), đào tạo về chuyên môn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về văn hóa, thể thao, du lịch,... để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp theo quy định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý văn hóa của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, chú trọng triển khai các lớp tập huấn hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện các văn bản pháp luật mới; kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao tại cơ sở. Qua đó kịp thời bổ sung các kiến thức mới, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý văn hóa cho đội ngũ làm công tác văn hóa ở cấp huyện, cấp xã nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu quản lý văn hóa tại địa phương, cơ sở.
Tám là, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, tổ chức nhà nước, trọng tâm là cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, có phong cách ứng xử chuẩn mực trong thực thi công vụ. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2883/QĐ-UBND, ngày 17-7-2019 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Văn hóa công vụ, trong đó, xác định rõ các nội dung công việc, giải pháp cần thực hiện, thời gian và tiến độ hoàn thành, trách nhiệm cụ thể đối với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, duy trì thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong chuyên nghiệp, tinh thần làm việc chủ động, thái độ phục vụ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân có nhiều chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Chín là, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, các trang thiết bị, phương tiện hiện đại; quan tâm, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ chế mở để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát huy tối đa năng lực, trí tuệ; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu để khai thác, sử dụng hiệu quả phục vụ công tác tham mưu quản lý nhà nước.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong phạm vi của tham luận Hội thảo tôi xin đề xuất, kiến nghị với các cơ quan Trung ương một số nội dung sau:
(1) Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài; hoàn thiện cơ chế khuyến khích người đứng đầu đơn vị sự nghiệp đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp văn hóa và thể thao trong tình hình mới; tập trung hoàn thành hệ thống thể chế, chính sách để thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
(2) Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm ban hành Danh mục vị trí việc làm của ngành văn hóa để các đơn vị, địa phương có cơ sở triển khai việc xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm; Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, làm cơ sở giảm số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách theo chủ trương của Đảng./.
THAM LUẬN HỘI THẢO: Về việc phục dựng lễ hội Đền Xã Tắc thành phố Móng Cái, góp phần phát huy giá trị văn hóa vùng biên tỉnh Quảng Ninh hiện nay  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Kết nối văn hóa biển Quảng Ninh - Hải Phòng trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Xây dựng điểm đến du lịch di sản - nhìn từ Hạ Long  (30/09/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm