Khai thác kinh tế di sản để phát huy hệ giá trị địa phương của tỉnh Quảng Ninh
Tiềm năng và thực trạng kinh tế di sản tại tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh ven biển, biên giới thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, có diện tích đất liền trên 6.100 km2 và diện tích biển trên 6.100 km2 với 2.077 hòn đảo đá, đất, 250 km bờ biển; điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng; có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại; có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (5 thành phố, 1 thị xã, 7 huyện); 177 xã, phường, thị trấn; 1.452 thôn, bản, khu phố. Quảng Ninh là một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi đây sớm được cư dân tiền sử chọn làm địa bàn tụ cư, sinh sống, sáng tạo nên văn hóa Soi Nhụ và văn hóa Hạ Long.
Theo thống kê đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 630 di tích, trong đó có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và hơn 400 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, di tích nổi tiếng trong và ngoài nước, thu hút đông đảo nhân dân và du khách là Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (3 lần được UNESCO vinh danh là di sản thế giới với các giá trị về thẩm mỹ và địa chất, địa mạo với vẻ đẹp và cảnh quan làm say đắm lòng người); Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt. Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).
Trên cơ sở hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh ngày càng chú trọng các hoạt động quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị của di sản, phát triển kinh tế di sản nhằm tạo ra những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong phát huy, lan tỏa hệ giá trị địa phương.
Thời gian qua, công tác quản lý các di sản văn hóa tỉnh Quảng Ninh được chú trọng và thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định liên quan. Các hoạt động kinh tế di sản cũng được đẩy mạnh với nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng, đặc sắc; qua đó các di sản văn hóa ngày càng khẳng định vị thế, vai trò không chỉ trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, mà còn là nguồn tài nguyên du lịch bền vững, tạo dựng những điểm di sản hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế; ngày càng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có di sản. Bên cạnh những giải pháp quyết liệt trong cơ chế, chính sách, tỉnh Quảng Ninh còn tập trung nhiều nguồn lực, nhất là huy động nguồn lực ngoài ngân sách để bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục dựng di sản; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tiến hành kiểm kê, số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản.
Hiện nay, khoảng 120 di sản của Quảng Ninh đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của tỉnh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ, thương mại nói chung, từ các di sản nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiêu biểu là đóng góp của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long với số lượng khách tham quan du lịch ngày càng tăng từ khi được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới. Giai đoạn từ năm 2010 đến hết tháng 9-2024, vịnh Hạ Long đã tổ chức đón tiếp, phục vụ trên 39,6 triệu lượt khách, trong đó khách Việt Nam đạt gần 17,1 triệu lượt, khách nước ngoài đạt trên 22,5 triệu lượt; thu phí tham quan đạt hơn 8.039 tỷ đồng. Các nguồn thu này đã giúp bổ sung phần đáng kể vào nguồn tài chính dành cho thành phố Hạ Long trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng, giáo dục, y tế, an ninh và cho chính việc bảo tồn di sản. Trong năm 2024, phí tham quan vịnh Hạ Long dự toán thu 800 tỷ để chi đầu tư của thành phố, các nguồn thu này đã giúp bổ sung đáng kể vào nguồn tài chính dành cho thành phố Hạ Long trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng và cho chính việc bảo tồn di sản, như xây dựng nhà vệ sinh công cộng, hạ tầng cảnh quan đền vua Lê Thái Tổ, khắc phục ô nhiễm môi trường đường Trần Quốc Nghiễn, bảo tồn di tích lịch sử lưu niệm Bác Hồ trên đảo Tuần Châu, Công viên cây xanh khu vực đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đến cầu Bài Thơ, chỉnh trang các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn các phường Hồng Hải, Hồng Hà, Bãi Cháy, Giếng Đáy, Bạch Đằng…
Tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành các đề án phát triển du lịch, hình thành các tuyến, điểm du lịch (cả vùng đệm và xung quanh khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long) với các loại hình du lịch có trách nhiệm, bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch mới, vừa góp phần giảm tải cho khu vực vùng lõi của di sản, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương. Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, di sản đặc sắc của địa phương, như nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống được khôi phục và phát huy, từ đó ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, cải thiện sinh kế của nhân dân.
Tại một số địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành những điểm đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản (Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng, Hội xuân Yên Tử, Lễ hội đền Cửa Ông...). Các hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu cho khách du lịch mang lại thu nhập và lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương, từ đó tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản, đưa di sản thực sự “sống” trong cộng đồng sở hữu di sản. Bảo tàng Quảng Ninh là điểm sáng trong hệ thống bảo tàng cấp tỉnh. Từ năm 2019 đến tháng 7-2024, bảo tàng đã đón 2.831.900 lượt khách tham quan, số tiền thu phí là 69.763.745.000 đồng. Bảo tàng Quảng Ninh là đơn vị tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên, nguồn thu chính là thu phí tham quan bảo tàng, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách như Nghị quyết số 131/2018/NQ-HĐND, ngày 7-12-2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân theo Luật phí và lệ phí, theo đó đã điều chỉnh tăng mức phí tham quan bảo tàng (trong đó: Người lớn 40.000đ/lần/người; sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp 20.000đ/lần/người; trẻ em từ 7 đến dưới 16 tuổi 10.000 đ/lần/người). Từ nguồn thu phí tham quan được giữ lại, đơn vị đã chủ động chi thường xuyên (gồm chi lương, phụ cấp, tiền công và các khoản đóng góp; thanh toán dịch vụ công cộng; chi phí nghiệp vụ chuyên môn...), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
2- Có thể thấy, di sản tỉnh Quảng Ninh đã và đang đóng góp mạnh mẽ vào việc phát huy hệ giá trị của Việt Nam nói chung và hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cụ thể là: hệ giá trị quốc gia: “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”; Hệ giá trị văn hóa: “Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học”; Hệ giá trị gia đình: “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”; Hệ giá trị con người Việt Nam: “Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo”. Hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh được xác định với các đặc trưng: Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc. Các hoạt động kinh tế di sản đã góp phần đưa hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đến với nhân dân trong nước và đến với toàn thế giới. Thông qua đó, hình ảnh của di sản cũng từng bước trở thành biểu trưng nhận diện, thương hiệu cho Quảng Ninh, góp phần thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến đầu tư kinh tế cho địa phương và thúc đẩy sự hòa nhập của kinh tế địa phương vào hoạt động kinh tế chung của cả nước; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra năm châu, bốn biển và thu hút các nguồn lực của thế giới để đầu tư vào Việt Nam nói chung và vào Quảng Ninh nói riêng; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam và Quảng Ninh ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; tiếp tục định vị thương hiệu Quảng Ninh là điểm đến an toàn cho du khách trên thế giới và là địa điểm đầu tư, phát triển lành mạnh, an toàn cho các hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhận thức về giá trị của các di sản ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chưa đồng đều; công tác bảo tồn, khai thác giá trị di sản trong phát triển kinh tế di sản, nhất là phát triển du lịch ở Quảng Ninh thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng; hoạt động kinh tế di sản chưa được đầu tư xứng tầm. Nguồn thu được hiện nay chủ yếu đến từ vé tham quan (trong khi hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ có vịnh Hạ Long và Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử có thu vé tham quan). Các dịch vụ tại di tích, lễ hội, đầu tư chủ yếu chỉ tập trung tại một số địa điểm trung tâm, thuận lợi về giao thông, có thương hiệu, còn thiếu sản phẩm và dịch vụ văn hóa khai thác tại các khu vực miền Đông của tỉnh, chưa khai thác hết tiềm năng của các di sản văn hóa phi vật thể. Du khách tại các điểm đến di sản có thời gian lưu trú còn ngắn, tiêu dùng cho chuyến đi mới chỉ dừng lại ở kinh phí chi trả khách sạn, dịch vụ vận chuyển, còn chi tiêu cho việc tiêu dùng các sản phẩm văn hóa và giải trí, trải nghiệm chưa nhiều. Các sản phẩm lưu niệm, ẩm thực truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống gắn với di sản của mỗi vùng đất chưa được đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản và chưa trở thành chiến lược tạo nguồn thu thường xuyên, liên tục, ổn định bền vững cho địa phương. Vì vậy, để nâng cao khai thác hiệu quả kinh tế di sản, nhằm đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận, ghi danh các di sản văn hóa, di tích, danh thắng tiêu biểu của Quảng Ninh là di sản thế giới cũng như lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền về việc công nhận một số di tích là di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt.
Thứ hai, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông chưa phát triển, nhưng lại có văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có sức thu hút lớn đối với khách du lịch, như tại các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ. Chú trọng hơn nghiên cứu công tác nghiên cứu phục dựng, bảo tồnphát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, quảng bá làm nổi bật các giá trị văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp cảnh quan của các di tích, danh thắng, di sản văn hóa phi vật thể để thu hút du khách tới tham quan. Từ đó, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ, nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế - xã hội của cộng đồng nhân dân địa phương.
Thứ tư, tiếp tục lựa chọn, đầu tư xây dựng, định vị thương hiệu cho những di tích tiêu biểu, di sản trên địa bàn tỉnh. Đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch di sản, như công tác đón tiếp, thuyết minh bảo đảm sự thuận lợi và tạo những trải nghiệm thú vị cho du khách. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước. Có chiến lược lâu dài để đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản hệ thống các sản phẩm lưu niệm là các biểu tượng, sản phẩm đặc trưng gắn với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, các sản phẩm thủ công, sản phẩm ẩm thực đặc sắc, tiêu biểu gắn với lịch sử vùng đất, với câu chuyện di sản, với văn hóa dân tộc, văn hóa vùng, miền, nhằm cải thiện sinh kế cho nhân dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ năm, mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường lồng ghép các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở vùng di sản cũng như người dân tại các địa phương của tỉnh Quảng Ninh./.
Phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh  (06/12/2024)
Phát triển kinh tế di sản gắn với môi trường và bền vững  (06/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay