“Biến di sản thành tài sản” - Định hướng phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Ninh hiện nay
Di sản văn hóa (DSVH) có vị trí quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Những DSVH không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần khẳng định niềm tự hào dân tộc, mà còn là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định vị thế và bản sắc văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới. Quảng Ninh là vùng đất chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc và cốt cách riêng có. Theo thời gian, những giá trị đó đã trở thành tài sản, là nền tảng sức mạnh của tỉnh trên hành trình phát triển.
Dẫn nhập
Trong một thời gian dài, di sản văn hóa được xem là sản phẩm của quá khứ, phản ánh và thể hiện các giá trị, niềm tin, tri thức... mang tính truyền thống, thuộc về quá khứ. Hiện nay, di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; giữ vai trò là nguồn lực đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Đồng thời, di sản văn hóa là nền tảng tinh thần, yếu tố nội sinh làm nên cốt cách, bản lĩnh của con người Việt Nam, là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Tuy nhiên, hành trình biến di sản thành tài sản chắc chắn không dễ dàng, thậm chí sẽ có tác dụng ngược lại nếu như chúng ta không có lộ trình và chiến lược rõ ràng cho từng di sản. Các chuyên gia khuyến nghị, để thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.
1. Du lịch bền vững và định hướng phát triển du lịch bền vững hiện nay
Theo Ủy ban Thế giới về Môi trường và phát triển: “Phát triển bền vững là đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai”(1). Theo quan điểm này, tại Việt Nam, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 và dự thảo sửa đổi năm 2020 đã thống nhất khái niệm phát triển bền vững là “phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”(2).
Quan điểm về phát triển bền vững trong du lịch được đa số các quốc gia và các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng phải bảo đảm ba nội dung cơ bản: môi trường bền vững, xã hội bền vững và kinh tế bền vững. Khái niệm phát triển bền vững được đưa ra khi mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển đã trở thành sâu sắc ở nhiều nước trên thế giới do con người đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế mà không quan tâm đúng mức tới bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa, hài hòa lợi ích các thành phần trong hệ kinh tế, khiến cho những tài nguyên bị sử dụng quá mức đang tiến tới nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm môi trường gia tăng đe dọa sự phát triển lâu bền. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mục tiêu của phát triển bền vững là mang tới sự hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường nhưng không làm ảnh hưởng tới tương lai. Để thực hiện những mục tiêu đó, mỗi địa phương/tổ chức cần xác định được các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững, lấy làm kim chỉ nam cho những hoạt động tiếp theo, giúp du lịch phát triển bền vững trong tương lai.
Với tính đặc thù liên ngành, phát triển bền vững không phải chỉ riêng nó mà kéo theo nhiều lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực du lịch, việc hỗ trợ cho ngành nghề khác không chỉ các doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động du lịch mà còn hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp gián tiếp tham gia vào hoạt động này, từ đó dẫn đến hỗ trợ kinh tế cho địa phương. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, có sự tham gia của cộng đồng là điều quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững.
2. Chủ trương phát huy giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch ở Quảng Ninh
Di sản văn hóa có vị trí quan trọng hàng đầu với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngay từ Sắc lệnh số 65/SL - sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về bảo tồn di sản văn hóa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23-11-1945 đã khẳng định “Bảo tồn cổ tích là công việc rất quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”(3). Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do Tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được… Chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân, bội nghĩa với tổ tiên”(4).
Thực tiễn đã chứng minh, DSVH ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi có di sản. Trên phương diện kinh tế, các di sản văn hóa, đặc biệt di sản thế giới ở Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Những hiệu quả về kinh tế ở các khu Di sản thế giới của Việt Nam hiện nay đa phần đều thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu ở trong và xung quanh các Di sản thế giới. Các DSVH có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Số lượng khách du lịch và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ ngày càng tăng từ các DSVH đã góp phần cùng ngành du lịch tăng tốc, năm 2023, đón 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 108,2 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng(5).
Trong bối cảnh ngày nay, khi du lịch luôn phải lựa chọn những địa điểm, bối cảnh độc đáo để hút khách thì các lễ hội văn hóa bảo tồn được bản sắc truyền thống sẽ bảo đảm yếu tố đặc trưng mang tính duy nhất, giúp người dân tập trung khai thác du lịch của địa phương mình hiệu quả và văn minh. “Lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể sẽ chính là sản phẩm độc đáo để tiếp thị với khách quốc tế, trở thành nguồn lực tốt để phát triển du lịch”(6). Để khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn từ di sản, nhiều địa phương đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản, “biến di sản thành tài sản”, phát huy giá trị của “sức mạnh mềm”, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội. du lịch từ di sản đang ngày càng đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương sở hữu di sản. Số liệu thống kê của các địa phương thời gian qua cho thấy, các di sản thế giới sau khi được công nhận đều tăng nhanh số lượng du khách và năm sau tăng nhiều hơn năm trước. Theo Tổng cục Du lịch, hơn 70% du khách nước ngoài mỗi khi đặt chân đến Việt Nam đã dành thời gian, tâm sức để tìm hiểu, khám phá những “vỉa quặng lấp lánh” chứa đựng trong mỗi di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt(7).
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV (2020) xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá và trong bốn nhiệm vụ trọng tâm có nhiệm vụ “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”(8).Trong các quyết sách phát triển, Quảng Ninh đặt mục tiêu biến di sản thành tài sản, chuyển hóa thế mạnh về tài nguyên địa hình, khí hậu, tài nguyên nhân văn, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú riêng có thành nguồn lực. Phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh luôn gắn liền với phát triển con người và văn hóa. Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”. Nghị quyết 17-NQ/TU được xây dựng trên sự kế thừa Nghị quyết 11-NQ/TU. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng các cơ chế, chính sách mới, nhằm khai thác và phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới. Theo đó, Quảng Ninh sẽ phát triển con người toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước. Với các đặc trưng “Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ cương - Đoàn kết - Nghĩa tình - Hào sảng - Sáng tạo - Văn minh” phù hợp với xu thế thời đại và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, để từ đó xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, trên cơ sở kết hợp hài hòa các giá trị đặc trưng của tỉnh “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”.
Thành ủy Hạ Long đã cụ thể hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU bằng việc phê duyệt và triển khai “Đề án Hạ Long - thành phố của hoa” và “Đề án Hạ Long - thành phố lễ hội”, trong đó Đề án Hạ Long - thành phố lễ hội được xây dựng với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế; đưa hoạt động lễ hội, sự kiện trở thành hoạt động văn hóa, du lịch thường niên. Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu đến năm 2030, du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững. Quảng Ninh sẽ khẳng định vai trò là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón được ít nhất 25,5 - 26 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 8,6 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch giai đoạn 2025 - 2030 đạt 10% - 11%/năm(9).
2. Tiềm năng di sản văn hóa và thực trạng phát triển du lịch bền vững của tỉnh Quảng Ninh
Với bề dày lịch sử, Quảng Ninh có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ gồm 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, Quảng Ninh được biết tới là tỉnh có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh, 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, 7 di sản phi vật thể quốc gia và 13 bảo vật quốc gia. Trên địa bàn tỉnh còn có 362 di sản văn hóa phi vật thể gồm 7 loại hình gồm: 76 lễ hội dân gian truyền thống, 25 di sản, nghề thủ công truyền thống, 22 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản ngữ văn dân gian, 168 di sản tập quán xã hội, 7 di sản tiếng nói chữ viết, 50 di sản tri thức dân gian. Đấy là còn chưa kể đến 465 di tích đã được kiểm kê chưa xếp hạng(10).
Quảng Ninh được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh tự hào vì những giá trị khác biệt, nổi trội mà khó nơi nào có được. Nơi đây có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất, đa dạng của nền văn minh sông Hồng, văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh hết sức coi trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh, coi đó là nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển của tỉnh. Nguồn lực nội sinh đó là “thiên tạo” với di sản - kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, là “nhân tạo” với di sản tinh thần, truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”.
Quảng Ninh còn là vùng đất có một không hai với địa mạo, địa chất, những di sản văn hóa, lịch sử, tâm linh, hơn 2.800 hồ sơ về di sản văn hóa phi vật thể. Đó là tổng hòa các yếu tố giao lưu, hội nhập, dung hòa, tiếp biến, cởi mở, linh hoạt để tạo nên bản sắc của Quảng Ninh. Các địa danh nổi tiếng như di sản vịnh Hạ Long, khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, di tích đền Cửa Ông, cùng nhiều di tích danh thắng khác luôn được tỉnh trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị. Tháng 9-2023, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Rồi Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà tiếp tục được Liên hiệp Khoa học địa chất quốc tế (IUGS) công nhận là Di sản địa chất quốc tế, một lần nữa khẳng định giá trị của kỳ quan này. Quảng Ninh còn lưu giữ hàng loạt các di tích - lịch sử văn hóa quan trọng như Di tích thương cảng Vân Đồn; khu di tích lịch sử Bạch Đằng, các cụm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh có 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền là những di sản quý báu, gồm văn học dân gian (sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa hát, sân khấu); tập quán xã hội (luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); nghề thủ công truyền thống... Nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh là nguồn tài nguyên du lịch đáng kể, như: Hội làng của đồng bào dân tộc Dao ở xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ), Lễ hội Sóng Cọ; Lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày ở xã Lục Hồn (Bình Liêu), Lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), Lễ hội Vân Đồn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên), Hội chùa Quỳnh Lâm, Hội đền An Sinh (huyện Đông Triều), lớn nhất là Lễ hội đền Cửa Ông (Cẩm Phả) và Lễ hội Yên Tử (Uông Bí).
Phát huy thế mạnh sẵn có, tỉnh nhà đã tích cực bảo tồn, quảng bá, kết nối và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung thành các sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Một trong những mục tiêu mà Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững” đặt ra đến năm 2023 là số hóa 100% các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững vẫn chưa được đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, việc kết nối không gian du lịch di sản để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng còn triển khai chậm, chưa cụ thể hóa nên việc khai thác còn thiếu tầm nhìn tổng thể; khai thác sản phẩm du lịch còn riêng lẻ, đặc biệt giữa Hạ Long và Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô còn thiếu liên kết chặt chẽ trong phát triển sản phẩm. Mặc dù văn hóa là “mỏ vàng” tiềm năng, nhưng hiệu quả khai thác trong du lịch còn chưa cao. Mặt khác, vì chưa có một chiến lược phát triển rõ ràng và cụ thể, nên việc khai thác, quản lý văn hóa trong du lịch còn gặp nhiều khó khăn.
Do đặc thù hình thành, tài nguyên tự nhiên có thể bị cạn kiệt, nhưng tài nguyên du lịch (sản phẩm kết tinh từ văn hóa) khi được bồi đắp, sinh sôi không ngừng, nó trở thành một tài sản vô giá. Do mục đích kinh tế, nhiều tình huống khai thác du lịch chỉ vì lợi nhuận, sẽ không tránh khỏi những hạn chế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản và văn hóa địa phương. Cốt lõi của vấn đề là ý thức và lợi ích của cộng đồng đối với giá trị của di sản văn hóa mà mình sở hữu. Từ đó, truyền tải đến du khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương, lúc đó văn hóa mới phát triển bền vững, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo.
3. Giải pháp phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch bền vững ở Quảng Ninh
Ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ bao gồm nhiều loại hình du lịch, như: sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách và cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, thách thức chưa bền vững nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ và phức tạp hiện nay tác động rõ rệt đến đời sống, các ngành sản xuất và đặc biệt đe doạ sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Di sản văn hóa và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chính nhờ các di tích, danh thắng, di sản văn hóa khi được công nhận cấp tỉnh, quốc gia hay quốc tế đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo tốt hơn, trở thành tiền đề quan trọng để du lịch phát triển. Ở chiều ngược lại, du lịch phát triển đã tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như mang đến lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng.
Để khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch, tỉnh Quảng Ninh cần tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới gắn với thế mạnh di sản sẵn có của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh để thu hút lượng lớn khách du lịch tham gia và trải nghiệm, khai thác có hiệu quả các nguồn khách đến Quảng Ninh hướng đến chất lượng cao. Tại các khu DSVH hình thành các tuyến, điểm du lịch với các hình thức du lịch bền vững như du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch biển... vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương. Ngoài ra, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nhất là làng nghề truyền thống, nghệ thuật biểu diễn truyền thống được khôi phục, phát huy, ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Từ đó cũng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Quảng Ninh cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng đẩy mạnh kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch đa dạng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch. Đặc biệt là phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn với phát huy giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa của Quảng Ninh...
Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, khẳng định Hạ Long, Quảng Ninh là điểm đến “an toàn, thân thiện, trách nhiệm” với thông điệp “đi lại an toàn, vui chơi an toàn, nghỉ dưỡng an toàn” với sự tham gia tích cực của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, kích cầu du lịch Quảng Ninh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thúc đẩy kết nối đường bay đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý du lịch có năng lực phù hợp với nhu cầu quản lý và phát triển du lịch trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế. Tăng cường công tác quản lý an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, đôn đốc kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn địa phương, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các biểu hiện xấu đến văn hóa và cộng đồng dân cư.
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch: Quy hoạch các khu, điểm du lịch phải bảo đảm đối mặt được với lũ, lụt và nước biển dâng, phải tính tới yếu tố ổn định địa chất, địa mạo và yếu tố nước biển dâng một cách cụ thể, phù hợp với quy hoạch hệ thống đê biển. Xây dựng hạ tầng và kỹ thuật phục vụ du lịch gồm giao thông, cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí,… cần tính đến thích ứng với biến đổi khí hậu, thiết kế thích nghi với biến động của thời tiết, né tránh và bảo đảm an toàn trước bão, lũ và nước biển dâng. Các cơ sở lưu trú du lịch cao cấp hướng tới mô hình kiến trúc xanh, định mức cột nền xây mới phù hợp với dự báo mực nước biển dâng, đặc biệt với 3 khu vực đã dự báo trước theo kịch bản biến đổi khí hậu: TP. Móng Cái, huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên.
Đầu tư phương tiện, trang thiết bị cũng như nhân lực phục vụ vận chuyển khách và cứu nạn khi có thiên tai, các biểu hiện cực đoan của khí hậu. Đầu tư hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, thông tin cứu nạn và các lực lượng ứng phó tại chỗ, kịp thời để bảo đảm an toàn cao nhất đối với khách du lịch.
Kết luận
Có thể nói, DSVH có tiềm năng lớn trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương, xóa đói, giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương. Hiện nay, du lịch văn hóa đã đóng góp 10-15% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch, nhưng để những sản phẩm này thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa thì không phải địa phương nào cũng làm được, đòi hỏi phải có tính sáng tạo và nghệ thuật. Tiềm năng của các DSVH là rất lớn nhưng làm thế nào để chúng ta đánh thức và tận dụng được hết những tiềm năng ấy đặc biệt trong lĩnh vực du lịch lại không phải là chuyện dễ. Nó không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực là kinh phí mà vấn đề căn bản có lẽ vẫn là nằm ở nhận thức, tư duy sáng tạo, đổi mới. Giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Vì thế, Quảng Ninh luôn coi trọng các di sản văn hóa, nỗ lực khơi dậy mạnh mẽ và phát huy hiệu quả các nguồn tài nguyên văn hóa, nguồn lực con người trong mục tiêu phát triển bền vững địa phương./.
---------------------
(1). World Economic Forum (2021), The Travel and Tourism Competitiveness Report 2019, World Economic Forum
(2). Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường, số 55/2014/QH13, ngày 23-6-2014
(3). Chính phủ Việt Nam (2017), Bảo vật quốc gia: Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945-1946, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.120
(4). Phát biểu của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Hà Nội (24-11-2024)
(5). Lê Vân (2023), “Năm 2023, có 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo online, https://kinhtevadubao.vn/nam-2023-co-126-trieu-luot-khach-du-lich-quoc-te-den-viet-nam-27936.html (truy cập 15-11-2024)
(6). Trả lời phòng vấn của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
(7). Tạp chí Tuyên giáo (2023), Khai thác “mỏ vàng” di sản văn hóa của Việt Nam, https://bvhttdl.gov.vn/khai-thac-mo-vang-di-san-van-hoa-cua-viet-nam-20230223083924202.htm (truy cập 15-11-2024)
(8). Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (2020), Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 27-9-2020
(9) Sở Du lịch Quảng Ninh (2023), Báo cáo kết quả công tác năm 2023 và phương hướng nhiêm vụ năm 2024 của ngành Du lịch Quảng Ninh
10). Quỳnh Nga (2024), “Nền tảng sức mạnh nội sinh của Quảng Ninh”, Tạp chí Đầu tư online, https://baodautu.vn/nen-tang-suc-manh-noi-sinh-cua-quang-ninh-d228661.html (truy cập 15-11-2024)
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (2020), Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 27-9-2020.
2. Nguyễn Bá Lâm & TS. Trịnh Xuân Dũng (2014), Tổng quan về du lịch, Trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội.
3. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh (2023), Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững
4. Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2024), Quảng Ninh: số hóa di sản văn hóa, https://bvhttdl.gov.vn/quang-ninh-so-hoa-di-san-van-hoa-20240624082245543.htm (truy cập 15-11-2024)
5. Nguyễn Văn Đính & PGS.TS. Trần Thị Minh Hòa, Kinh tế Du lịch, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân.
6. Quỳnh Nga (2024), “Nền tảng sức mạnh nội sinh của Quảng Ninh”, Tạp chí Đầu tư online, https://baodautu.vn/nen-tang-suc-manh-noi-sinh-cua-quang-ninh-d228661.html (truy cập 15-11-2024)
7. Sắc lệnh số 65/SL - sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về bảo tồn di sản văn hóa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23-11-1945
8. Sở Du lịch Quảng Ninh (2023), Báo cáo kết quả công tác năm 2023 và phương hướng nhiêm vụ năm 2024 của ngành Du lịch Quảng Ninh.
9. Thành ủy Quảng Ninh (2018), Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
10. Thành ủy Quảng Ninh (2023), Nghị quyết số 17-NQ/TU Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
11. Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2024), Quảng Ninh: số hóa di sản văn hóa, https://bvhttdl.gov.vn/quang-ninh-so-hoa-di-san-van-hoa-20240624082245543.htm (truy cập 15-11-2024)
Liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hộp nhập quốc tế  (06/12/2024)
Ước lượng giá trị kinh tế di sản văn hóa và một số khuyến nghị cho tỉnh Quảng Ninh  (06/12/2024)
Tăng cường giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý di sản văn hóa góp phần phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh xanh, bền vững  (06/12/2024)
Huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế di sản  (06/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay