Ước lượng giá trị kinh tế di sản văn hóa và một số khuyến nghị cho tỉnh Quảng Ninh
Nằm ở địa đầu Tổ quốc, Quảng Ninh được ví như “một Việt Nam thu nhỏ” với những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh: (1) Là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc; (2) Có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, những đặc sắc của vịnh Bái Tử Long và trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; (3) Có trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á, là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống cách mạng “kỷ luật và đồng tâm”; (4) Là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; (5) Nơi duy nhất có nhà Vua sau khi thắng giặc ngoại xâm đã từ bỏ ngai vàng đi tu hóa Phật, xây dựng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam, với tư tưởng về hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo chứa đựng trong mình sức mạnh tinh thần bất diệt.
Cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, nhất là giai đoạn 10 năm gần đây, Quảng Ninh phát triển nhanh chóng, trở thành hình mẫu về sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điểm sáng trong huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa. Nỗ lực vượt bậc là động lực, nguồn cảm hứng to lớn, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển trong mỗi người dân, để Quảng Ninh tiếp tục lập nên những dấu mốc tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh đạt 11,03%, (năm 2023), gấp hơn 2 lần so với trung bình cả nước, đứng thứ nhất trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 toàn quốc. Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, cho thấy giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Quảng Ninh trong 60 năm qua, đặc biệt là trong gần 40 năm đổi mới. Quy mô GRDP năm 2023 đạt 315,8 nghìn tỷ đồng với cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 4,7%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 51,9%; Khu vực Dịch vụ và Thuế sản phẩm chiếm 43,4%, trong đó dịch vụ chiếm 30,7%, Thuế sản phẩm chiếm 12,7%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 55.632 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 5%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 9.500 USD.
Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, yếu tố văn hóa không còn chỉ là các giá trị tinh thần mà ngày càng trở thành một nguồn lực nội sinh có thể tạo ra những đột phá mạnh mẽ cho nền kinh tế. Tỉnh Quảng Ninh đã nhận ra tầm quan trọng này và đang tập trung khai thác giá trị văn hóa để làm nền tảng phát triển bền vững. Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và con người Quảng Ninh không chỉ là trách nhiệm về mặt xã hội mà còn là chiến lược phát triển kinh tế lâu dài. Sự ra đời của kinh tế di sản chính là một trong các nỗ lực đưa di sản gắn liền với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù hiện nay chưa có một khái niệm, quy định chính xác về kinh tế di sản nhưng kinh tế di sản cần được hiểu như một hình thái phát triển dựa trên nền tảng các giá trị sẵn có (tự nhiên và xã hội). Di sản văn hóa có giá trị biểu tượng và giá trị đó không đem ra bán trên thị trường như một thứ hàng hóa thông thường, mà phải chuyển đổi vào trong các loại hàng hóa khác để tạo ra giá trị lợi nhuận. Giá trị kinh tế của di sản được chia thành 2 nhóm: Giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng.
- Giá trị sử dụng có thể là giá trị sử dụng trực tiếp (ví dụ như: đi du lịch, giải trí tại di sản văn hóa; học tập và nghiên cứu tại di sản; lựa chọn sinh sống gần di sản), hoặc giá trị sử dụng gián tiếp (như kinh doanh phục vụ khách du lịch đến khu vực di sản; sản xuất các sản phẩm mang hình ảnh đặc trưng của di sản).
- Giá trị phi sử dụng phản ánh nhu cầu của những người mặc dù không hề có hành động hưởng thụ các giá trị của di sản ở hiện tại cũng như trong tương lai, nhưng vẫn mong muốn bảo tồn di sản văn hóa. Giá trị phi sử dụng bao gồm giá trị để lại và giá trị tồn tại.
Nếu như bảo tồn di sản văn hóa nhấn mạnh đến yếu tố đầu tư để bảo vệ, giữ gìn, khôi phục và quản lý di sản là chủ yếu, việc phát huy giá trị, đặc biệt là giá trị kinh tế chỉ là yếu tố thứ yếu, thì kinh tế di sản lại phải nhấn mạnh đến khai thác giá trị kinh tế nhưng không có nghĩa là không coi trọng việc bảo tồn. Bởi phải bảo tồn được di sản thì mới có nền tảng để phát triển kinh tế di sản. Và kinh tế di sản cũng không được định giá thông thường theo thị trường mà phải có cách định giá đặc biệt, vốn đầu tư lớn và đầu tư lâu dài trong khi doanh thu từ từ, càng về sau càng làm tốt thì lợi nhuận càng tăng. Nói vậy để thấy phát triển kinh tế di sản không phải chuyện ngày một ngày hai, càng không thể nóng vội, làm ăn chớp nhóang, chộp giật được, mà phải kiên trì, nghiêm túc, định hướng lâu dài.
Trong suốt năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng triển khai hàng loạt chương trình, ban hành hàng loạt kế hoạch, chương trình hành động nhằm phát triển văn hóa con người địa phương. Thông qua Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu đã được định hướng rõ ràng: Phát triển văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, tạo động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững, với chủ trương xây dựng và phát huy văn hóa dựa trên truyền thống, nhưng đồng thời mở cửa với sự đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới tại thời kỳ mới đã khai thác văn hóa như một nguồn lực kinh tế quan trọng. Hàn Quốc là ví dụ điển hình với sự bùng nổ của làn sóng công nghiệp văn hóa. Theo số liệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, xuất khẩu văn hóa của nước này đạt 10,3 tỷ USD trong năm 2019, đóng góp mạnh mẽ vào GDP. Tương tự, Pháp - đất nước của những công trình văn hóa và nghệ thuật - cũng đã tận dụng văn hóa làm đòn bẩy cho du lịch và phát triển kinh tế. Với gần 90 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, Pháp đã chứng minh rằng văn hóa không chỉ là yếu tố thúc đẩy sự phát triển xã hội mà còn là động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế.
Học hỏi từ những mô hình thành công trên thế giới, Quảng Ninh với khối lượng di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc nhất trong cả nước gồm 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trong đó có 08 khu di tích quốc gia đặc biệt trong đó (vịnh Hạ Long đồng thời là di sản thiên nhiên thế giới), 56 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 101 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 465 di tích đã được kiểm kê; 362 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, 12 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; là 1 trong 11 tỉnh có di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Thực hành Then Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, hệ thống thiết chế văn hóa Bảo tàng, Thư viện, Trung tâm thể thao quy mô tầm cỡ quốc tế; Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu phát triển các sản phẩm văn hóa, như lễ hội truyền thống, các tour du lịch di sản kết hợp nghệ thuật hiện đại. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như nghệ thuật trình diễn, âm nhạc và ẩm thực, nhằm tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách với nhận thức sâu sắc rằng văn hóa không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn di sản mà cần được hiện đại hóa để có thể “sống” cùng với thời đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và người tiêu dùng.
Trước hết, cần kể đến mô hình phát triển du lịch, một loại hình kinh tế dựa vào di sản văn hóa và cũng là một loại hình thuộc về phát triển kinh tế di sản. Vịnh Hạ Long với diện tích 1.553 km2, gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ chứa đựng những giá trị ngoại hạng về cảnh quan, địa chất, địa mạo, văn hóa - lịch sử, là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch, dịch vụ với các sản phẩm hấp dẫn, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh, hướng tới thị trường du lịch 2 cao cấp, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Khi mới được ghi danh Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới chỉ có vài chục nghìn người thăm/năm, đến nay con số này đã lên đến hàng triệu lượt người, trở thành một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Trong số điểm nhấn phát triển du lịch, Quảng Ninh đã xây dựng thành công mô hình Du lịch cộng đồng. Điển hình là làng quê Yên Đức có thể xem là một mô hình du lịch văn hóa thành công nhất ở Quảng Ninh đến nay, khi khai thác các giá trị văn hóa làng quê dựa trên những giá trị của cộng đồng, hài hòa, bổ sung, nhưng không làm mất đi những giá trị đẹp vốn có của cộng đồng. Nhiều điểm đã, đang nằm trong đề án về phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh, của các địa phương ở Hạ Long, Quảng Yên, Đông Triều, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Móng Cái, các vùng biển đảo của Vân Đồn, Cô Tô cũng đang là điểm đến của du khách thập phương... Bên cạnh các giá trị văn hóa thì những khu vực này đa phần có khung cảnh tự nhiên “sơn thủy hữu tình” càng gia tăng giá trị hấp dẫn khi đầu tư cho du lịch.
Với thế mạnh là nơi phát tích của triều Trần, nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm, nơi viên tịch của Phật Hòang, nơi có chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta, nơi gắn liền với những nhân tài anh kiệt thời Trần; đồng thời sở hữu hệ thống công trình kiến trúc tôn giáo gồm nhiều chùa, am, tháp, bia, đền, lăng mộ trải khắp tỉnh, tập trung ở Uông Bí và Đông Triều; Quảng Ninh đã hình thành lên mô hình du lịch tâm linh từ các di sản Phật giáo. Yên Tử đón 1,5 - 2 triệu lượt khách mỗi năm, là điểm du lịch tâm linh có lượng khách lớn nhất toàn tỉnh đã và đang phát huy được nhiều giá trị, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh và ngành du lịch của Việt Nam.
Việc khai thác nguồn lực di sản văn hóa còn kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác như kết cấu hạ tầng, dịch vụ, sự mở rộng giao lưu và gia tăng các dòng chảy hàng hóa, lao động,... tạo ra sự phát triển bao trùm và hài hòa. Ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng sử dụng hiệu quả di sản văn hóa trong công việc kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận. Những không gian di sản văn hóa như vậy không chỉ trở thành sản phẩm văn hóa - thương mại tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, mà còn lan tỏa giá trị di sản, góp phần vào sự phát triển xã hội hài hòa, nhân văn và có bản sắc… Năm 2023, tổng khách du lịch đạt 15,5 triệu lượt (tăng 11% so với năm 2019), trong đó khách quốc tế đạt 2,1 triệu lượt; đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh Quảng Ninh đạt xấp xỉ 10%.
Tiếp đến là hệ thống lễ hội trên địa bàn tỉnh: Những năm trở lại đây, các lễ hội truyền thống ngày càng được phục dựng nhiều hơn, cùng với mục đích bảo tồn văn hóa thì yếu tố kích cầu du lịch cũng là mục tiêu hàng đầu. Tiêu biểu như: Lễ hội truyền thống đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn (Hạ Long); Ngày Kiêng gió, hội Soóng Cọ (Bình Liêu); Lễ hội đền Xã Tắc, lễ hội hoa sim biên giới năm 2022 (Móng Cái). Tuy nhiên, có nhiều lễ hội người đến thì đông nhưng những lợi ích thu lại từ các lễ hội lại không nhiều vì thiếu các sản phẩm du lịch, dịch vụ và hàng hóa đặc trưng của lễ hội. Để các lễ hội tạo ra nguồn thu nhập kinh tế thì cần phải có nhiều ý tưởng về việc tạo ra các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch và dịch vụ cho du khách.
Mô hình thứ ba là phát triển thủ công nghiệp truyền thống: Quảng Ninh với nền văn hóa Hạ Long từng là nơi người Việt cổ phát triển từ lâu đời các nghề truyền thống đánh bắt hải sản, chế tác đồ gốm từ nhuyễn thể, đan lát... Một số nghề ra đời sau đó cùng với tiến trình phát triển của lịch sử vùng đất Quảng Ninh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số nhóm ngành nghề truyền thống như: Nghề gốm sứ, mây tre đan, điêu khắc than đá, chế biến nông, lâm, thủy sản... Trong đó, phải kể đến các làng nghề như: Gốm sứ Đức Chính, gốm sứ Vĩnh Hồng, gốm sứ Đông Thành (Đông Triều); nuôi cấy ngọc trai ở Hạ Long, than đá mỹ nghệ ở Hạ Long, Cẩm Phả; nghề trồng hoa ở Đông Triều, nghề làm miến dong Bình Liêu, nghề làm mắm ở Vân Đồn, nghề đan ngư cụ Hưng Học, nghề đóng thuyền vỏ gỗ bên sông Bạch Đằng (Quảng Yên)... Một số làng nghề, nghề truyền thống đã chủ động tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường. Tại Quảng Ninh, từ việc triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua, đã góp phần hồi sinh, tạo sức sống mới cho nghề truyền thống, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2023 đạt gần 8.160 tỷ đồng. Sản phẩm làng nghề trở nên đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường như: Miến dong Bình Liêu, mắm sá sùng Vân Đồn, nem chua Quảng Yên, hải sản khô Cô Tô, gốm sứ mỹ nghệ Đông Triều... Bên cạnh giá trị kinh tế, các nghề và làng nghề truyền thống còn đóng góp vào bức tranh văn hóa của địa phương. Do đó, đưa nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đã và đang trở thành xu hướng phát triển tại nhiều nơi.
Mô hình thứ tư là phát triển kinh tế di sản từ các hoạt động bảo tàng và nghệ thuật trình diễn. Bảo tàng cũng là một nhân tố không chỉ bảo tồn mà còn phát huy được giá trị của các di sản văn hóa, trong đó có giá trị kinh tế. Bảo tàng - Thư viện tỉnh Quảng Ninh với kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, nhiều hiện vật trưng bày có giá trị đang trở thành sản phẩm du lịch mới, mỗi năm thu hút trên 800 nghìn lượt du khách tới tham quan. Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh có kiến trúc độc đáo là nơi giới thiệu, triển lãm, quảng bá, tôn vinh thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, đồng thời là nơi giao lưu văn hóa, tổ chức hội chợ, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Nghệ thuật biểu diễn tại Quảng Ninh đã sớm xây dựng các chương trình mang thương hiệu của tỉnh như: múa rối nước, Carnaval Hạ Long, chương trình nghệ thuật “Hạ Long thần tiên”; các cuộc thi Người đẹp Hạ Long, Festival Áo dài và nhiều các sự kiện khác của tỉnh. Các chuỗi sự kiện, hoạt động này đã thu hút hàng vạn lượt du khách, người dân đến thưởng thức. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có những chương trình nghệ thuật góp phần tạo sản phẩm du lịch mới: các show âm nhạc, chương trình “Phố đêm du thuyền” với các chương trình biểu diễn nghệ thuật có các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng… thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến thưởng thức.
Tóm lại, Quảng Ninh có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế di sản nhưng hiện tại vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh đó. Ngoài các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa đang được đẩy mạnh và thu được một số kết quả nhất định thì các loại hình khác còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện được nhiều vai trò trong quá trình phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh.
Một số giải pháp
Kinh tế di sản là một lĩnh vực kinh tế đặc biệt, dựa trên các giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế. Đây là một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia, nhiều địa phương quan tâm. Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh đang đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản, nhưng đây là một lĩnh vực mới nên vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được nghiên cứu, thảo luận, tham vấn. Từ việc nhận thức về kinh tế di sản, đánh giá tiềm năng kinh tế di sản, thực trạng phát triển kinh tế di sản hay định hướng phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh đều là những vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong thời gian tới, để Kinh tế di sản thực sự trở thành một động lực tăng trưởng mới, phát huy hơn nữa vai trò của bản sắc văn hóa Quảng Ninh trong xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh phồn vinh, hạnh phúc, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục bổ sung, hòan thiện các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý di sản văn hóa, gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện phân cấp quản lý di sản văn hóa để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Chú trọng hơn nữa yếu tố bảo tồn di sản văn hóa trong công tác quy hoạch của địa phương, tiếp cận vấn đề một cách tổng thể, liên ngành để đề xuất các giải pháp thích hợp, tạo dựng cảnh quan phù hợp cho khu vực di sản văn hóa, góp phần làm tăng giá trị của di sản văn hóa và tạo điểm nhấn, sức hấp dẫn cho các địa phương có di sản trên địa bàn tỉnh.
Hai là, rà soát lại các loại hình kinh tế di sản để lựa chọn loại hình có tiềm năng, thế mạnh, dẫn đầu trong quá trình phát triển kinh tế di sản. Cần phải nhận thức rõ mối quan hệ giữa các loại hình kinh tế di sản để lựa chọn sao cho phù hợp, bởi không có một loại hình nào tồn tại và phát triển riêng lẻ, mà cần tạo sự kết nối giữa các địa phương trong phát triển kinh tế di sản, nhưng đồng thời cũng phải cho các địa phương, các cộng đồng chủ động phát triển kinh tế di sản dựa vào đặc trưng văn hóa riêng của mình.
Ba là, tăng cường đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn (nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa) và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, bảo tàng tiêu biểu. Triển khai áp dụng vào thực tiễn các giải pháp phát triển kinh tế di sản, thí điểm tại các khu vực thuận lợi trong việc xã hội hóa đầu tư. Phát triển các dự án kinh tế di sản tại các địa phương, lựa chọn các di tích, di sản (cốt lõi) đang thu hút được khách kết hợp với các hoạt động đầu tư cho du lịch, các ngành kinh tế khác để gián tiếp đầu tư cho bảo tồn và khai thác di sản. Triển khai lập các quy hoạch cho từng khu vực di sản trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư tại địa điểm lựa chọn các Vùng di sản trọng tâm của từng phân vùng.
Bốn là, nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy phát triển thị trường công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư dàn dựng, tổ chức các chương trình sản xuất phim điện ảnh, âm nhạc, giải trí, biểu diễn thực cảnh gắn với văn hóa biển, đảo, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Phát triển văn hóa ẩm thực Quảng Ninh thông qua việc lựa chọn, hòan thiện các món ăn địa phương, nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức kết nối thành điểm đến của khách du lịch, hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống. Phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của từng địa phương qua mô hình OCOP; xác định sản phẩm OCOP là sản phẩm văn hóa, phải quan tâm đầu tư nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp cho từng sản phẩm, mang đậm giá trị văn hóa địa phương./.
Tăng cường giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý di sản văn hóa góp phần phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh xanh, bền vững  (06/12/2024)
Huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế di sản  (06/12/2024)
Tăng cường vai trò của nền kinh tế xanh trong bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên ở tỉnh Quảng Ninh  (06/12/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay