TCCS - Nửa thế kỷ trôi qua sau những ngày quật khởi, giờ đây, Đảng bộ và nhân dân Trà Bồng đang đoàn kết, năng động, khắc phục khó khăn, xóa đói, giảm nghèo, vững bước đi lên xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc.

Cách đây tròn 50 năm, vào những ngày tháng Tám lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Trà Bồng (huyện miền núi của Quảng Ngãi) đã nổi dậy làm nên kỳ tích cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, mở đầu thời kỳ đánh và thắng đế quốc Mỹ ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tại đây, sáng sớm ngày 28-8-1959, khắp rừng núi Trà Bồng đã vang dậy tiếng cồng chiêng, tiếng tù và tiếng hò reo hòa lẫn trong tiếng súng ầm vang, báo hiệu thời khắc nổ ra cuộc khởi nghĩa đã đến. Từ 16 xã vùng cao của huyện (huyện Trà Bồng cũ), người dân đồng loạt nổi dậy, phối hợp cùng lực lượng vũ trang của tỉnh - đơn vị C339 và các đội du kích từ những "trại sản xuất" tiến công vào đồn bót, trụ sở của địch. Với lợi thế địa hình rừng núi quen thuộc, quần chúng cách mạng đã bao vây, chốt chặn, ngăn đường, diệt ác ôn, phá kìm kẹp và bằng mọi thứ vũ khí có trong tay như giáo, mác, gậy gộc, cung tên... đã cùng lực lượng vũ trang giáng những đòn chí mạng vào đội quân tay sai của chính quyền Mỹ Diệm. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều đồn bốt, trụ sở của ngụy quyền ở khắp các xã vùng cao như đồn Đá Líp (xã Trà Hiệp), đồn Eo Reo (xã Trà Nham), đồn Eo Chim, Tầm Rung (xã Trà Lãnh), đồn Tà Lạt (xã Trà Lâm), đồn Nước Vọt (xã Trà Sơn)... bị ta tấn công tiêu diệt  và làm chủ. Trước khí thế nổi dậy của quân và dân Trà Bồng, sau mấy ngày hoang mang dao động, chiều ngày 31-8-1959, bộ chỉ huy quân ngụy ở Trà Bồng bức rút tháo chạy bỏ cả quận lỵ. Bộ máy ngụy quyền tan rã và huyện Trà Bồng đã được giải phóng. Sau đó, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan tới các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long và đã giành thắng lợi. Miền Tây Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng, hàng vạn đồng bào các dân tộc anh em của các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - Diệm.

Phát huy thắng lợi khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, nhân dân Trà Bồng tiếp tục theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Những ngày đầu tháng 9 năm 1969, cùng với cả nước, nhân dân Trà Bồng vô cùng đau buồn khi nhận được tin Bác đi xa, để biến đau thương thành hành động cách mạng, dân tộc Kor ở Trà Bồng (chiếm 64% số dân ở Trà Bồng) tự nguyện đề nghị và được Trung ương chấp thuận cho người Kor ở Trà Bồng được mang họ Bác Hồ. Từ đó, nhân dân Trà Bồng gửi trọn niềm tin theo Đảng, tiếp tục đóng góp to lớn sức người, sức của cho cách mạng, nêu cao ý chí, truyền thống quật khởi góp phần cùng cả tỉnh, cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

* *
*

Năm mươi năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng hào khí của khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn còn in đậm trong tâm khảm của mọi người; truyền thống quật khởi mùa Thu năm ấy vẫn còn mãi với thế hệ hôm nay và mai sau. Đảng bộ, quân và dân Trà Bồng luôn ý thức rằng bất kể trong hoàn cảnh nào dù kẻ thù có hung hãn đến mấy, có khó khăn, gian khổ đến mấy nhưng biết đoàn kết sáng tạo, vận dụng đúng đắn nghị quyết của Đảng vào đúng thời điểm, điều kiện cụ thể; biết nêu cao tinh thần cách mạng tiến công; biết dựa vào dân, động viên được sức mạnh của nhân dân thì nhất định sẽ giành thắng lợi.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cũng như bao địa phương khác trong tỉnh, nhân dân Trà Bồng phải bắt đầu đi lên từ hoang tàn, đổ nát của chiến tranh. Nhưng với truyền thống cách mạng sẵn có, Đảng bộ huyện Trà Bồng đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt với quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu và từng bước ổn định cuộc sống. Mười năm sau giải phóng (1975 - 1985) Trà Bồng đã có những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, giảm trên 70% số người mù chữ; định canh, định cư cho 62% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số; tại trung tâm huyện lỵ đã có trường cấp 3; có dòng điện của thủy điện Cà Đú phục vụ sản xuất và đời sống; y tế đã phát triển đến thôn, bản kịp thời khám chữa bệnh cho nhân dân; hộ đói nghèo từng bước giảm dần... đặc biệt hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố, kiện toàn luôn là hạt nhân của các phong trào hành động cách mạng, là đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị tại địa phương.

Trong những năm gần đây, nhất là từ sau ngày tách huyện (tháng 01-2004). Mặc dù đội ngũ cán bộ thiếu, nhất là cán bộ chủ chốt cấp huyện. Song, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện đã phát huy truyền thống, phát huy nội lực đồng thời tranh thủ thời cơ, nhất là sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức vừa củng cố, sắp xếp lại bộ máy vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh - quốc phòng. Sau 5 năm phấn đấu thực hiện, toàn huyện đã có chuyển biến khá rõ nét nhiều lĩnh vực. Báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ huyện khẳng định, các chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội do Nghị quyết đại hội đề ra đến nay đều đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12%/năm (năm 2006 tăng 11,7%, năm 2007 tăng 12,04%, năm 2008 tăng 12,6%). Tổng giá trị sản xuất năm 2007 đạt 223,6 tỉ đồng, đạt 98,65% kế hoạch; năm 2008 đạt 255,8 tỉ đồng (theo giá cố định năm 1994), vượt 11,8% chỉ tiêu đề ra, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ tăng nhanh; thu ngân sách trên địa bàn đạt 102% kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 4,7 triệu đồng/người năm 2007, đến 5,4 triệu đồng/người năm 2008, hộ nghèo giảm từ 61,3% năm 2007 còn 55,38% năm 2008, đời sống của nhân dân được nâng lên, có mặt được cải thiện đáng kể. Các gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, hộ neo đơn đều có sự quan tâm hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Đi đôi với tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật từng bước được xây dựng, đường ô tô đã đến được 10/10 xã, thị trấn, 100% số xã có trạm y tế, 30% số trạm y tế có bác sỹ phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân; 100% trường lớp được ngói hóa, quy mô và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, cuối năm 2008 huyện được công nhận phổ cập trung học cơ sở, 6/10 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập tiểu học; hệ thống điện quốc gia đã về đến các xã vùng sâu, vùng xa của huyện, 80% số hộ được sử dụng điện, 80% - 85% số thôn, bản được phủ sóng truyền hình. Nhiều công trình phúc lợi khác cũng đã và đang được xây dựng như Bảo tàng Trà Bồng, Nhà Văn hóa, Quảng trường 28-8, khu tái định cư làng Choen, Thủy điện Hà Nan, Khu Du lịch sinh thái Trà Bình từng bước hình thành và phục vụ đời sống nhân dân. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua công tác an ninh - quốc phòng cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của huyện, xây dựng huyện thành đơn vị liên hoàn, tăng cường khả năng phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm, đặc biệt là tai nạn giao thông từng bước được kiềm chế, đơn thư khiếu nại được giải quyết kịp thời, các hoạt động tôn giáo dần đi vào nền nếp theo đúng pháp luật, toàn huyện không có điểm nóng về chính trị - xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả chủ trương của huyện là hướng về cơ sở, làm cho cơ sở mạnh để làm tiền đề cho sự phát triển. Nhờ đó, năm 2004 (thời điểm tách huyện) toàn huyện có 30 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 21% là cơ sở yếu kém, đến năm 2008 Đảng bộ có 38 tổ chức cơ sở đảng, với 57,8% số cơ sở trong sạch vững mạnh, không còn cơ sở đảng yếu kém, 100% số thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều đã có tổ chức đảng lãnh đạo và huyện được Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá là một trong những đơn vị sớm khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố trắng tổ chức đảng. Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/HU về xây dựng đội ngũ cán bộ, từ năm 2007 đến nay huyện đã mở một lớp trung cấp chính trị, một lớp trung cấp hành chính tại huyện và cử đi đào tạo 120 cán bộ cấp huyện và 211 cán bộ cấp cơ sở... Với những kết quả đã đạt được có thể rút ra kết luận rằng, công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên là nhân tố quan trọng, quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện trong những năm qua.

* *
*

Năm mươi năm một chặng đường biết bao gian khổ, chông gai nhìn lại truyền thống quật khởi từ khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi và từ thực tiễn sinh động cuộc sống hôm nay trên quê hương Trà Bồng, Đảng bộ, nhân dân Trà Bồng nhận thức rõ sự gắn kết quý báu giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện thực để tiếp tục bứt phá, đi lên trên bước đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Tự hào về khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, Đảng bộ nhân dân Trà Bồng quyết tâm xây dựng huyện khá về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; vững mạnh về quốc phòng, an ninh luôn xứng đáng với truyền thống Trà Bồng quật khởi. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13% - 13,5% trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015; tỷ trọng công nghiệp sẽ tăng từ 21,2% năm 2010 lên 26,2% năm 2015, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 19,8% năm 2010 lên 24,3% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt từ 16 - 17 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí hiện nay xuống dưới 25% vào năm 2015... Để đạt được các mục tiêu này huyện tập trung thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau.

Một là, quan tâm và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo và quản lý của Đảng bộ và chính quyền huyện đối với cơ sở, triển khai thực hiện tốt kế hoạch số 28-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với nội dung Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trên cơ sở đó, tiếp tục làm tốt công tác tổ chức cán bộ, tăng cường công tác giám sát, quản lý đảng viên, khắc phục tình trạng đảng viên thiếu gương mẫu, giảm sút tính chiến đấu, thoái hóa biến chất.

Hai là, tiếp tục phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại mở rộng theo hướng xã hội hóa, phát huy tốt nhất các tiềm năng, lợi thế của địa phương phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Huyện có biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Chú ý phát triển mạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh phát huy được lợi thế của địa phương. Giải quyết tốt việc làm cho người lao động, giảm nhanh hộ nghèo.

Ba là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhằm bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa kết hợp một cách linh hoạt giữa chăn nuôi, trồng trọt và các dịch vụ nông nghiệp.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở các vùng xa trung tâm. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chính sách đoàn kết tôn giáo, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình giảm nghèo, tín dụng ưu đãi, vốn kích cầu của Chính phủ, giúp người dân ổn định, phát triển sản xuất phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.