Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vẫn còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ đẩy giấy phép con”
Chiều 21-2, tại Hà Nội, chủ trì Hội nghị của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng “gói ghém” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ hoặc đơn vị trong xây dựng dự thảo các văn bản quy định để khắc phục việc dự thảo văn bản bị trả đi trả lại nhiều lần. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Theo báo cáo, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ triển khai xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2017 và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017. Trong quý III-2018, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát trên 30 nghìn phiếu tới người dân và doanh nghiệp, phục vụ cho việc xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018.
Kết quả cụ thể về cải cách thể chế, việc xây dựng văn bản quy định chi tiết đã có sự chuyển biến tích cực khi số lượng văn bản nợ ban hành chỉ còn 4 văn bản. Tính đến cuối năm 2018, Ban Chỉ đạo cũng đã tham mưu Chính phủ khóa XIV ban hành 28/30 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 6 cơ quan thuộc Chính phủ. Qua đó, nhiều đơn vị đã giảm mạnh đầu mối, như Bộ Công an đã sắp xếp, bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp vụ và gần 300 đơn vị cấp phòng; Bộ Tài chính đã ban hành quyết định giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; sắp xếp lại, cắt giảm được 18 chi cục thuế; Bộ Nội vụ đã giảm 14 đơn vị cấp phòng thuộc vụ và tương đương.
Từ năm 2015 đến giữa tháng 10-2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người, trong đó số biên chế về hưu trước tuổi chiếm khoảng 86%.
Hiện nay đã có 39 địa phương xây dựng và triển khai mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, một số nơi đã thí điểm cấp huyện, để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng nêu ra 5 kết quả nổi bật của công tác cách hành chính, trong đó thể chế và thủ tục hành chính được cải cách và hoàn thiện thêm một bước quan trọng, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra về nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác công vụ và đã bước đầu thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở một số bộ, ngành và địa phương.
Thủ tướng cho biết, theo đánh giá của Liên hợp quốc, năm 2018, mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân Việt Nam tăng 29 bậc. Đây là thông tin vui nhưng Thủ tướng nêu rõ không được chủ quan về kết quả này.
Với những thành quả của cải cách hành chính đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm qua, nổi bật là môi trường đầu tư kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước, bộ máy.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, bất cập trong cải cách hành chính, trong đó có tình trạng gắn lợi ích cục bộ trong xây dựng các văn bản, quy định. Nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”, đùn đẩy sợ trách nhiệm. Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực còn hạn chế, chồng chéo, chậm trễ, kém chất lượng cần sửa đổi.
Một bộ phận cán bộ có thái độ phục vụ, nhất là cán bộ tiếp xúc với dân còn bất cập, chưa tận tụy và thuyết phục. Một số cơ quan thực hiện chế độ tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp. Tình trạng công dân, doanh nghiệp hỏi cơ quan Nhà nước không trả lời vẫn còn.
Thủ tướng cũng nêu thực trạng thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà; vẫn còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ đẩy giấy phép con”, thủ tục hành chính còn nhiều, đi liền với đó là chi phí không chính thức...
Dẫn ra Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, có 5 bất cập chủ yếu trong thủ tục hành chính là: Trình tự thực hiện phức tạp; thủ tục thiếu các bước thực hiện; thiếu mốc thời gian trong trình tự thủ tục hành chính; thời hạn giải quyết thủ tục kéo dài; tiêu chí xem xét giải quyết thủ tục hành chính còn mơ hồ. Đây chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu và “tham nhũng vặt”, Thủ tướng nói.
Về giải pháp thời gian tới trong cải cách hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh đến phương châm hành động 12 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” và đặt yêu cầu “bứt phá, hiệu quả” cho Ban Chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính mà trước hết là cơ quan thường trực của Ban.
Thứ hai là nền hành chính phục vụ nhân dân phải được quán triệt trong mọi cơ quan, mọi cơ quan hành chính, kể cả đơn vị sự nghiệp công để phục vụ nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, sửa các văn bản lạc hậu, sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật theo hướng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề công chức, viên chức, bộ máy... liên quan đến người dân và doanh nghiệp phải được cụ thể hơn, rõ hơn. Trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành bộ tiêu chí theo dõi đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật của các bộ, ngành và địa phương.
Yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng “tham nhũng vặt”, gây bức xúc trong xã hội, Thủ tướng cũng chỉ đạo tất cả các địa phương, các ngành đều phải có phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm điều kiện kiểm tra chuyên ngành, tránh tình trạng cắt giấy phép mẹ, đẩy giấy phép con, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới  (21/02/2019)
Việt Nam và Đức khẳng định tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực  (21/02/2019)
Doanh nghiệp Việt Nam và Argentina thúc đẩy cơ hội hợp tác  (21/02/2019)
Toàn văn thông cáo chung giữa hai nước Việt Nam và Argentina  (21/02/2019)
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tiêu chí đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử cho các doanh nghiệp hiện nay  (21/02/2019)
Hậu Giang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh  (21/02/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên