TCCSĐT - Nằm ở trung tâm Tiểu vùng Tây sông Hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, với 87% diện tích là đất sản xuất nông nghiệp, 70% dân số trong độ tuổi lao động, tỉnh Hậu Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để mời gọi đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế, qua 15 năm tái lập tỉnh, Hậu Giang đã và đang không ngừng nỗ lực cải thiện các chính sách và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với quyết tâm vươn lên thành tỉnh khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020.

Ưu đãi về chính sách, phát huy thế mạnh để thu hút đầu tư

Được tái lập từ đầu năm 2004 sau khi chia tách từ tỉnh Cần Thơ (cũ), Hậu Giang có 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo quy định của Chính phủ, 7 đơn vị hành chính này được hưởng ưu đãi đầu tư. Trên cơ sở đó, tỉnh đã áp dụng cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.

Cụ thể, khi thực hiện các dự án đầu tư ở các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như: Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Phụng Hiệp, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, nhà đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 09 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; được miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định; được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động.

Riêng ở thành phố Vị Thanh, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhà đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 04 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 17% trong vòng 10 năm; được miễn thuế đối với thiết bị, máy móc nhập khẩu để tạo tài sản cố định; được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong vòng 07 năm kể từ ngày đưa dự án vào hoạt động. Ngoài ra, nếu đầu tư vào lĩnh vực mà tỉnh chọn là đặc biệt ưu đãi như nông nghiệp, nông thôn, công nghệ cao…, nhà đầu tư sẽ được hưởng thêm một số chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ như miễn 100% tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất; được hỗ trợ tập trung đất đai, tiếp cận tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao…

Một trong những nét nổi bật trong thu hút đầu tư của Hậu Giang những năm gần đây là tập trung nhiều nguồn vốn đầu tư để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vốn là thế mạnh của tỉnh và phát triển nhiều vùng chuyên sản xuất hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ đó, đến nay, Hậu Giang đã có vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích 32.000 ha, mía 12.000 ha, bưởi khoảng 2.500 ha, cam sành 6.000 ha, khóm 2.000 ha, xoài 3.000 ha, quýt 1.000 ha, cá thát lát 100 ha, cá rô đồng 200 ha. Với việc đầu tư phát triển những vùng sản xuất chuyên canh này, tỉnh đã định hình và phát triển 10 loại nông sản chủ lực được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản là: Bưởi năm roi Phú Thành, Cam sành Ngã Bảy, Chanh không hạt Hậu Giang, Lúa Hậu Giang 2, Cá rô Hậu Giang, Quýt đường Long Trị, Cá thát lát Hậu Giang, Khóm Cầu đúc Hậu Giang, Xoài cát Hậu Giang, Cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, 03 loại nông sản là: cam sành, khóm và cá thát lát đã phát triển thành thương hiệu được thị trường cả nước biết đến.

Song song với thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây, nhờ chú trọng cải thiện các cơ chế, chủ trương thu hút đầu tư theo hướng thuận tiện, thông thoáng, Hậu Giang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, với nhiều dự án lớn đã được đưa vào hoạt động. Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Minh Phú đầu tư Nhà máy sản xuất xuất khẩu tôm, Công ty Cổ phần Nước Aquaone đầu tư dự án Nhà máy cấp nước sạch công suất 800.000 - 1.000.000m3/ngày, Tập đoàn Masan đầu tư Nhà máy sản xuất bia Sư Tử Trắng, Tập đoàn Vincom đầu tư Trung tâm Thương mại Vincom thành phố Vị Thanh, Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh sản xuất - xuất khẩu nước ép mãng cầu tại Phụng Hiệp, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 công suất 5.200MW dự kiến vận hành thử trong năm 2019... Riêng năm 2018, một số dự án lớn đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư như: Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Amecc đầu tư dự án Bến xe tỉnh Hậu Giang với quy mô khoảng 8,7ha, tổng vốn khoảng 75 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát đầu tư dự án Khu đô thị mới Ngã Sáu với tổng vốn 139 tỷ đồng; Khu đô thị mới Vạn Phong tại thị xã Long Mỹ với tổng vốn 140 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Đất Xanh, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ đang thực hiện các thủ tục theo quy định để đầu tư các dự án nông nghiệp hữu cơ, đô thị mới trên địa bàn tỉnh...

Mở rộng không gian mời gọi đầu tư

Với quyết tâm mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư, tăng cường quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài, đầu tháng 11-2018, Đoàn công tác tỉnh Hậu Giang do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lữ Văn Hùng dẫn đầu đã có chuyến công tác tại Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Hậu Giang với các địa phương của Nhật Bản như: Fukuoka, Osaka, Sakai, vùng Kyushu. Sau chuyến đi này, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã thống nhất sẽ phối hợp với Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh (JETRO Hồ Chí Minh) tổ chức cuộc Tọa đàm “Gặp gỡ Nhật Bản - Hậu Giang” vào cuối tháng 01-2019 và sau đó tiếp tục triển khai chi tiết việc hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với tỉnh Saga, tỉnh Fukuoka, tỉnh Osaka và Cơ quan xúc tiến hợp tác kinh tế quốc tế vùng Kyushu (Nhật Bản).

Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 4.984 doanh nghiệp đã triển khai thực hiện 524 dự án. Trong đó có 496 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 46.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 41.093 lao động; 28 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), có tổng vốn trên 808 triệu USD, giải quyết việc làm cho trên 6.100 lao động. Ngoài Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (diện tích 5.200ha), tỉnh còn có 02 Khu công nghiệp (diện tích hơn 492 ha) và 8 cụm công nghiệp tập trung. Đến nay, 100% diện tích Khu công nghiệp Sông Hậu đã được các doanh nghiệp sử dụng; các khu cụm công nghiệp đều có các nhà máy đi vào hoạt động khai thác. Tại các khu cụm công nghiệp do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý, hiện có 45 nhà đầu tư thực hiện 50 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 23.000 lao động.

Nhằm tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 11-10-2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã công bố danh mục kêu gọi đầu tư 06 dự án lớn. Đây là những dự án có tính thí điểm về ưu tiên rút ngắn trình tự thủ tục đầu tư, với khoảng thời gian ban hành Quyết định chủ trương đầu tư là 07 ngày, kể từ khi nhà đầu tư nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định. Đó là các dự án: Đầu tư kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A (diện tích khoảng 100ha, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng); Khu tái định cư, dân cư Cụm công nghiệp tập trung Nhơn Nghĩa A (diện tích khoảng 43,7ha, tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng); Khu đô thị mới thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A (diện tích khoảng 102ha, tổng mức đầu tư khoảng 816 tỷ đồng); Cánh đồng mẫu lớn xã Vị Thanh, huyện Vị Thuỷ do nhà đầu tư và nông dân hợp tác (diện tích khoảng 216ha, tổng mức đầu tư khoảng 216 tỷ đồng); Vùng nông nghiệp kỹ thuật cao xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (diện tích khoảng 209ha, tổng mức đầu tư khoảng 418 tỷ đồng) và Đầu tư kinh doanh hạ tầng Cụm Công nghiệp kho tàng bến bãi Tân Tiến (diện tích khoảng 56,08ha; tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng).

Ngoài các dự án lớn nêu trên, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung mời gọi đầu tư vào 4 lĩnh vực là: (1) hạ tầng khu cụm công nghiệp; (2) chợ đầu mối, nhà máy chế biến và tiêu thụ nông sản; (3) khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các dự án sử dụng công nghệ cao; (4) xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch - liên kết với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong xây dựng các tuyến du lịch. Trong đó, tỉnh chú trọng mời gọi đầu tư vào Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang; định hướng quy hoạch đầu tư nông nghiệp hữu cơ dọc theo tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp; đầu tư mạnh cho du lịch sinh thái (khôi phục Chợ nổi Ngã Bảy, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân...).

Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh

Tuy có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng theo Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang 5 năm (2016 - 2020) của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Đó là:

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật còn yếu, thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng trong các lĩnh vực giao thông, công nghiệp, thương mại, du lịch. Nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Đến nay, tỉnh chưa thành lập được Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hạn chế trong việc hỗ trợ vốn đầu tư cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh chỉ thu hút thêm được 6.300 tỷ đồng của các doanh nghiệp địa phương vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Kết quả này được đánh giá là rất thấp so với tiềm năng hiện có trong dân.

- Nhiều chính sách kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tuy đã được ban hành nhưng thiếu tính khả thi, chưa đồng bộ với các chính sách khác, chưa ổn định nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn đang ở giai đoạn dò dẫm triển khai; hoạt động chuyển giao khoa học- công nghệ trong nông nghiệp còn chậm, chưa có bước đột phá, nhất là trong các khâu giống và công nghệ sau thu hoạch,… nên chưa thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Tỉnh còn thiếu quỹ đất sạch, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, nhất là ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chưa được đầu tư đồng bộ. Công tác giải phóng mặt bằng từng lúc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, từng lúc, từng nơi những bấp cập, rắc rối, nhiêu khê trong việc thực hiện các thủ tục hành chính vẫn còn, khiến một số doanh nghiệp, nhà đầu tư nản lòng, chưa mạnh dạn đầu tư vào một số lĩnh vực mà tỉnh đang kêu gọi, nhất là các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Để phát huy những thành tựu đã đạt được, sớm khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo ra động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, qua đó kiến nghị loại bỏ những thủ tục phức tạp, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hướng đến mục tiêu cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS). Quan điểm nhất quán của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hậu Giang là “Coi sự phát triển của doanh nghiệp là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, “Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh”.

Thứ hai, rà soát lại tất cả các quy hoạch trên địa bàn, quy hoạch ngành, xóa bỏ quy hoạch không còn phù hợp; công bố rộng rãi, đầy đủ, kịp thời thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, chương trình phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên; các vị trí quy hoạch tiềm năng; danh mục các dự án kêu gọi đầu tư để kêu gọi đầu tư phù hợp. Tiếp tục rà soát tình hình thực hiện các dự án đã được triển khai trong thời gian qua, qua đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đồng thời, xem xét thu hồi quyết định chủ trương đầu tư các dự án chậm triển khai, triển khai không đúng tiến độ.

Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là trong giả quyết công việc cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; gắn công tác hỗ trợ, doanh nghiệp với công tác thi đua, khen thưởng của các sở, ban, ngành, địa phương. Theo đó, người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phản ánh, phàn nàn, búc xúc về thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý.

Thứ tư, nghiên cứu cơ chế vốn để tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, xây dựng lại giá đất cho tương đối ngang bằng với các tỉnh lân cận; phát triển vùng nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng đối với các mặt hàng, sản phẩm mà tỉnh đã xây dựng thương hiệu. Nghiên cứu chọn từ 01 - 02 sản phẩm và đầu tư đúng mức để nâng tầm thành sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có thương hiệu nổi tiếng trên trên thị trường trong và ngoài nước.

Thứ năm, duy trì thường xuyên các cuộc đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương, đơn vị với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt những kiến nghị, nhu cầu, bức xúc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó, kịp thời có giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, phát triển. Đồng thời, qua tiếp xúc, đối thoại, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nâng cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất - kinh doanh, chú trọng các giải pháp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hoạt động đúng với quy định của pháp luật.

Thứ sáu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến nông sản ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là việc chủ động tạo quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, kho chứa, hệ thống bảo quản sau thu hoạch,… Củng cố, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã để gắn kết những vùng sản xuất chuyên canh với ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ 4.0.

Thứ bảy, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp; sớm ban hành giá thuê đất ở từng cụm công nghiệp tập trung nhằm tạo thuận lợi thu hút đầu tư. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, liên kết, hợp tác, tận dụng các cơ hội và tranh thủ sự giúp đỡ đầu tư từ các nguồn vốn ODA, NGO, FDI để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời, tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa để tranh thủ thêm nguồn vốn thực hiện các dự án giao thông, xây dựng khu dân cư đô thị, nhà ở cho người nghèo, nước sạch, điện nông thôn, xử lý rác,…/.