Phạm Xuân Nam
 
GS, TS
 
Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Cu-ba thành công.Với lịch sử hơn 500 năm của dân tộc Cu-ba, thì chưa phải là dài, song đã có biết bao sự kiện lớn lao, bao biến đổi sâu sắc diễn ra trong đời sống của hơn 11 triệu dân trên "Hòn đảo ngọc của biển Ca-ri-bê". Đây là sự phản ánh quá trình nỗ lực phấn đấu của toàn thể nhân dân Cu-ba nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã lựa chọn.

1. Hoàn thành Cương lĩnh Môn-ca-đa, giải quyết những nhu cầu bức thiết về kinh tế - xã hội của đông đảo quần chúng nhân dân lao động

Từ cuộc tiến công trại lính Môn-ca-đa ngày 26-7-1853 cho đến cuộc tổng công kích của các đơn vị Nghĩa quân trên khắp các mặt trận, kết hợp với cuộc tổng bãi công chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn quốc đảo, ngày 1-1-1959, cách mạng giải phóng dân tộc Cu-ba đã giành được thắng lợi vẻ vang. Chế độ độc tài Ba-ti-xta, công cụ của chủ nghĩa thực dân Mỹ ở trên đảo bị đập tan. Chính quyền cách mạng của nhân dân được thiết lập trong cả nước.

Ngày 8-1-1959, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang khởi nghĩa Phi-đen Ca-xtơ-rô tuyên bố: "Chúng ta đang ở vào một thời điểm quyết định của lịch sử đất nước. Chế độ độc tài đã bị lật đổ. Nỗi vui mừng thật không sao kể xiết. Song vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta không hề ảo tưởng mà tin rằng từ nay mọi việc đều sẽ dễ dàng. Có thể từ nay mọi việc sẽ còn khó khăn hơn" (1)). Về sau, ông lại nói rõ thêm: Với việc đánh đổ chế độ độc tài Ba-ti-xta, "chúng ta biết rằng một giai đoạn hoàn toàn mới đã bắt đầu trong lịch sử của Tổ quốc, rằng con đường sẽ còn dài và khó khăn, nhưng đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, chúng ta sẽ tiến lên. Đã đến lúc phải thực hiện lời hứa ở Môncađa" (2).

Lời hứa ở Môn-ca-đa chính là bản Cương lĩnh cách mạng dân tộc - dân chủ triệt để mà Phi-đen Ca-xtơ-rô cùng các đồng chí cốt cán của ông đã vạch ra khi chuẩn bị phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang ngày 26-7-1953(3).

Theo tinh thần của bản Cương lĩnh đó, cuộc cải cách ruộng đất triệt để nhất ở Tây bán cầu đã được thực hiện. Cuộc cải cách thành thị rộng lớn cũng đã được triển khai. Chiến dịch xóa nạn mù chữ đã được hoàn thành trong thời gian kỷ lục. Hầu hết trại lính của chế độ độc tài được cải tạo thành trường học. Nhiều bệnh viện và trạm y tế được xây dựng mới ở cả những vùng nông thôn hẻo lánh.

Những cuộc cải cách kinh tế - xã hội vì dân và do dân kể trên đã diễn ra trong cuộc đấu tranh gay go quyết liệt giữa một bên là tuyệt đại bộ phận nhân dân Cu-ba yêu nước vừa mới giành được chính quyền về tay mình, được các nước xã hội chủ nghĩa, các nước độc lập dân tộc và cả loài người tiến bộ đồng tình, ủng hộ và một bên là các thế lực thù địch do giới cầm quyền bảo thủ, hiếu chiến ở Oa-sinh-tơn lúc bấy giờ ra sức kích động và tiếp tay. Lúc đó, thay mặt Chính phủ cách mạng và thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân trên đảo, Thủ tướng Phi-đen Ca-xtơ-rô đã tuyên bố trước toàn thế giới về tính chất xã hội chủ nghĩa của cách mạng Cu-ba. Ông khẳng định: "Công cuộc giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội của chúng ta phải gắn bó chặt chẽ với nhau, tiến lên là một tất yếu lịch sử, dừng lại là hèn nhát và phản bội, và như vậy sẽ biến Cuba một lần nữa thành thuộc địa của Mỹ và thành nô lệ cho bọn phản động" (4).

2. Thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân

Sau chiến thắng Hi-rôn lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Tổ chức Cách mạng thống nhất (5) (về sau phát triển thành Đảng Cách mạng xã hội chủ nghĩa thống nhất, rồi Đảng Cộng sản Cu-ba), do lãnh tụ Phi-đen Cax-tơ-rô đứng đầu, nhân dân Cu-ba đã kiên cường vượt qua cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10-1962, bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền của Tổ quốc, làm thất bại âm mưu của các thế lực hiếu chiến Mỹ định tiến công "tiêu diệt" Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Tây bán cầu bằng các vũ khí chiến lược.

Từ giữa những năm 60 thế kỷ XX, như Phi-đen Ca-xtơ-rô đã nhận định: "Sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam và cuộc kháng chiến anh hùng của dân tộc anh em này đã làm cho những hành động quân sự chống Cu-ba giảm dần và nhân dân Cu-ba có thể có một thời kỳ hòa bình tương đối" (6). Tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi đó, toàn Đảng, toàn dân Cu-ba đã tập trung sức mạnh công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong thời kỳ 1961-1965, thời kỳ mà những nguồn lực chủ yếu phải dồn cho nhiệm vụ sống còn là bảo vệ nền độc lập dân tộc, tổng sản phẩm xã hội của Cu-ba chỉ tăng bình quân 1,9%/năm. Bước sang thời kỳ 1966-1970, tổng sản phẩm xã hội trung bình hằng năm tăng 3,9%, và đến thời kỳ 1971-1975 thì tốc độ đó đã đạt tới 10%, một tốc độ mà không một nước ở khu vực Mỹ La-tinh nào khác thời bấy giờ dám nghĩ tới.

Từ năm 1976 đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Cu-ba lần lượt thực hiện các kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội theo phương hướng mà Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Cu-ba (năm 1995) đã đề ra là: "Tổ chức lại và phát triển nền kinh tế quốc dân, xóa bỏ sự mất cân đối trong cơ cấu của nó, phát triển nền công nghiệp dân tộc, cải tạo và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi), tăng các mặt hàng và khối lượng sản phẩm xuất khẩu, thay thế các mặt hàng nhập khẩu, nâng cao mức sống của nhân dân"(7).

Với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự lao động cần cù, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cộng với sự giúp đỡ có hiệu quả của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác trong Hội đồng tương trợ kinh tế thời đó, Cu-ba đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu của các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nêu trên.

Trên cơ sở của những thành tựu phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Cu-ba đặc biệt coi trọng thực hiện các chính sách xã hội nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Nạn thất nghiệp cao do chế độ cũ để lại đã bị xóa bỏ. Tình trạng thiếu nhà trầm trọng trước đây từng bước được giải quyết. Trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp của công nhân, viên chức được chăm lo bồi dưỡng, nâng cao. Giáo dục và y tế thật sự trở thành niềm tự hào của chế độ mới. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nêu trên, trong thời kỳ các kế hoạch 5 năm 1980-1985 và 1986-1990, Cu-ba đã không đạt được tất cả các chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân là đất nước đã phải đương đầu với nhiều khó khăn khách quan do thiên tai, dịch bệnh và do những khuyết điểm, sai lầm chủ quan trong quản lý kinh tế, được Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát hiện từ đầu năm 1985 (8). Ngoài ra, những diễn biến phức tạp trong quá trình cải tổ và cải cách ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu nửa cuối những năm 80 cũng bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình Cu-ba.

3. Phấn đấu ra khỏi "Thời kỳ đặc biệt trong hòa bình" và tiếp tục tiến lên giành những thành tựu mới về phát triển kinh tế - xã hội

Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và sự tan rã của Liên Xô đã gây nên một cú sốc lớn đối với tình hình kinh tế Cu-ba. Trong một thời gian dài, khoảng 75% tổng lượng nhập khẩu (chủ yếu là thiết bị, nguyên liệu và nhiên liệu) và trên 80% tổng lượng xuất khẩu của Cu-ba gắn với các nước nói trên. Thêm vào đó, Mỹ ngày càng xiết chặt bao vây, cấm vận kinh tế chống Cu-ba hòng bóp nghẹt và làm thất bại sự nghiệp cách mạng trên Hòn đảo này.

Những năm 1990-1993, lạm phát lên tới 121%, thâm hụt ngân sách 158% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 35%. Đảng và Nhà nước Cu-ba đã chính thức tuyên bố: Đất nước bước vào "Thời kỳ đặc biệt trong hòa bình".

Trong thời kỳ này, Cu-ba đã áp dụng hàng loạt biện pháp quan trọng như: Thắt chặt kỷ luật tài chính, giảm chi tiêu cho lực lượng vũ trang và bộ máy hành chính để kiềm chế lạm phát và ổn định tiền tệ quốc gia. Cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, hợp lý hóa hệ thống xí nghiệp và phi tập trung hóa cơ chế quản lý. Đa dạng hóa quan hệ ngoại thương, mở cửa tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Phần lớn đất đai của Nhà nước và công ty nông nghiệp nhà nước được chuyển thành các hợp tác xã nửa tư nhân. Tuy nhiên, sở hữu nhà nước vẫn giữ ưu thế trong phần lớn các khu vực then chốt.

Mục tiêu của các giải pháp nói trên là nhằm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ và cải tiến chủ nghĩa xã hội, tạo ra những cơ sở kinh tế - xã hội để tiếp tục phát triển khi cuộc khủng hoảng qua đi(9).

Kết quả là, với ý chí tự lực tự cường và bằng những giải pháp sáng tạo, những bước đi thận trọng, vững chắc phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, Cu-ba đã thành công trong công cuộc điều chỉnh cơ cấu kinh tế và cải tiến cơ chế quản lý đối với nền kinh tế quốc dân.

Sau 4 năm (1990-1993) giảm sút nghiêm trọng, từ năm 1994, kinh tế đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại. Từ 1994 đến 2000, GDP tăng bình quân 4,3%/năm. Từ 2001 đến 2006, trung bình hằng năm GDP tăng 6,3%, năm 2007 tăng 7,3% và dự kiến năm 2008 tăng gần 8% (nhưng dự kiến này có thể giảm bớt ít nhiều do sự tàn phá của hai cơn bão Gu-xta và I-ke vào giữa năm nay).

Nhờ kinh tế tăng trưởng khá, thâm hụt ngân sách từ 33,5% GDP năm 1993 giảm xuống chỉ còn trên dưới 3% suốt từ 1996 đến 2007. Tỷ lệ lạm phát, thể hiện ở chỉ số giá tiêu dùng, từ ba con số trong thời kỳ đặc biệt giảm xuống còn một con số trong những năm gần đây.

Một đặc trưng nổi bật của mô hình phát triển ở Cu-ba là luôn dành ưu tiên cho việc thực hiện các chính sách xã hội. Ngay trong những năm khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, Nhà nước vẫn bằng mọi cách giữ vững những thành quả phát triển xã hội đạt được kể từ khi cách mạng thành công. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Phát triển xã hội Đan Mạch (tháng 3-1995), Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã nói: "Tuy phải chịu một sự bao vây tội lỗi chỉ vì không tán thành các tư tưởng của người láng giềng hùng mạnh của nó ở phương Bắc, Cu-ba, một nước mất 70% nhập khẩu do sự tan rã của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa vẫn không có một trường học, một bệnh viện, một nhà dưỡng lão, một nhà trẻ phải đóng cửa, và bất chấp là một nước nghèo khi so sánh với các nước khác trên thế giới, ngày nay Cu-ba vẫn thuộc về những nước có số giáo viên, thày thuốc, cũng như những huấn luyện viên thể thao và những chỉ đạo viên nghệ thuật tính theo đầu người cao nhất. Tỷ lệ tử vong trẻ em ở Cu-ba dưới 10 phần nghìn tổng số trẻ sơ sinh, không còn người mù chữ và tuổi thọ trung bình của là 75" 910).

Từ năm 1995 trở đi, cùng với quá trình phục hồi nền kinh tế trong nửa cuối những năm 90, rồi vươn lên đạt tỷ lệ tăng trưởng khá cao (trên 6%/năm) từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Nhà nước Cu-ba càng có thêm điều kiện để tăng đầu tư cho các chương trình phát triển xã hội.

Giáo dục là một lĩnh vực luôn được ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm cho sự phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững của đất nước phù hợp với xu thế phát triển kinh tế tri thức trên thế giới. Hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí cho toàn dân tiếp tục phát triển. Một nguồn vốn lớn từ ngân sách nhà nước đã được đầu tư cho việc nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học, làm cơ sở cho việc sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có chất lượng và hiệu quả cao. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách xã hội khác cũng đạt được những bước tiến mới rất đáng khích lệ. Trong quý II năm 2007, một cuộc thảo luận toàn quốc về các cơ chế, chính sách để tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách của nhân dân đã được tiến hành. Tháng 4-2008, Hội đồng nhà nước Cu-ba, do Chủ tịch Ra-un Ca-xtơ-rô, người kế tục Phi-đen Ca-xtơ-rô vừa được kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 7 bầu lên, đã quyết định bổ sung cho quỹ phúc lợi xã hội đã có trong năm thêm 837 triệu pê-xô, tương đương 1,3% GDP, để thực hiện việc tăng lương, tăng tiền hưu trí và trợ giúp xã hội(11).

Tóm lại, trong 50 năm qua, bất chấp những bước thăng trầm của lịch sử, nhân dân Cu-ba với bản lĩnh kiên cường, trí thông minh và khả năng sáng tạo dồi dào đã luôn biết nắm lấy các thời cơ, vận hội và vượt lên mọi khó khăn, thách thức để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo con đường lớn của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì tự do, ấm no, hạnh phúc và nhân phẩm của mình.

Dĩ nhiên, từ một xuất phát điểm thấp về trình độ phát triển đi lên, hiện nay đời sống kinh tế của nhân dân Cu-ba chưa hết khó khăn, không ít vấn đề cần giải quyết đang còn ở phía trước. Song với những tiến bộ to lớn đã đạt tới, những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được, nhân dân Cu-ba nhất định sẽ tiếp tục tiến lên, thu thêm nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở cho việc bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc và xây dựng thành công một nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa phồn vinh ở Tây bán cầu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ở Mỹ La-tinh và trên toàn thế giới./.


(1) Nước Cộng hòa Cuba. Nxb Sự thật, Hà Nội 1984, tr. 35 - 36

(2) Phiđen Caxtơrô: Cuba trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nxb Sự thật, Hà Nội 1978, tr. 33

(3) Docunentos originales para la historia de la revolucion Cubana. Tập I, tr. 53-54

(4) Phiđen Caxtơrô: Cuba trên đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Sđd, tr. 38

(5)Tổ chức Cách mạng thống nhất (ORI) được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức của Phong trào 26 tháng Bảy, Đảng Xã hội nhân dân và Ban Chỉ đạo cách mạng 13 tháng Ba.

(6) Như trên, tr. 44

(7) Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Cu-ba. La Ha-ba-na 1976, tr. 63

(8) Như trên, tr. 253 - 254

(9) Xem Elda Molina Diaz: Cuba - economic restructuring, recent trends and main challenges. June 7, 2007, tr. 2-3 (Tài liệu do Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội cung cấp).

(10) Fidel Castro Ruz: Address at the World Summit for Social Development. Copenhague, Denmark. March 12, 1995.

(11) Informe de la CEPAL sobre la economía cubana (18-9-2008), p. 3