TCCSĐT - Kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2010), tại các địa phương diễn ra nhiều hoạt động dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sáng 27-7, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

1. Chỉ thị của Bộ Chính trị về tổ chức các ngày lễ kỷ niệm

Ngày 22-7-2010, Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao. Đối với các ngày kỷ niệm: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch); Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890); Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945): Tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia 10 năm/1 lần (năm chẵn) ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương có liên quan đến sự kiện, không tổ chức diễu binh, diễu hành, duyệt binh trong các lễ kỷ niệm (khi cần thiết cấp có thẩm quyền xem xét quyết định). Kỷ niệm Ngày thành lập Đảng, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9 tổ chức tại Hà Nội. Kỷ niệm năm chẵn các ngày lễ lớn và các ngày kỷ niệm khác tổ chức ở địa phương, bộ, ban, ngành gắn với sự kiện đó. Kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của lãnh tụ, danh nhân, nhân vật lịch sử, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, Nhà nước: Thời gian tổ chức kỷ niệm lần đầu là khi tròn 100 năm, các lần tiếp theo là 10 năm/1 lần, giao địa phương, nơi sinh của lãnh tụ, danh nhân... tổ chức…

2. Bế mạc phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 26-7-2010, phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bế mạc. Ngoài việc nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến về 5 Dự án Luật và 2 Pháp lệnh sửa đổi, phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá lại kết quả kỳ họp Quốc hội thứ VII vừa qua, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ VIII Quốc hội khóa XII; việc chuẩn bị và tổ chức kỷ niệm 65 năm Quốc hội Việt Nam và thông qua tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch và nội dung tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII. Trên cơ sở nhận xét và rút kinh nghiệm kỳ họp thứ VII, phiên thảo luận thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp thứ VIII.Đánh giá về phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý các cơ quan hữu quan và Văn phòng Quốc hội cần sớm hoàn chỉnh dự thảo báo cáo để gửi các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan xem xét, chuẩn bị cho ý kiến trong kỳ họp sau. Về kỳ họp thứ VIII Quốc hội khoá XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị, nhất là nghiên cứu cải tiến, đề xuất về cách thức tổ chức, điều hành kỳ họp. Kỳ họp thứ VIII là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XII, diễn ra ngay thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nên công tác chuẩn bị lại càng phải chu đáo hơn.

3. Kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2010)

Kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh, liệt sĩ, tại các địa phương diễn ra nhiều hoạt động dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Sáng 27-7, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ; đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Tham dự Lễ tưởng niệm có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịchỦy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cùng nhiều đồng chíỦy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các vị lão thành cách mạng. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ". Sau khi đặt vòng hoa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các Anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc, đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.

4. Ðại hội thi đua yêu nước tại các cơ quan

Ngày 27-7-2010, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Ðại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2006-2010. Năm năm qua, cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Trung ương đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành nhiệm vụ được giao là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Ðảng trong lĩnh vực tuyên giáo, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo và một số lĩnh vực xã hội… Ngày 27-7-2010, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ IV nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và thành tích phong trào thi đua yêu nước của Ngành trong 5 năm qua, rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định mục tiêu thi đua trong thời gian tới. Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VII và kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, phong trào thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân đã và đang được triển khai rộng rãi, đều khắp và trở thành động lực làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận tứhc và hành động của mỗi tập thể, của từng cán bộ, công chức phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất. Nhân kỷ niệm lần thứ 81 Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 – 28-7-2010), ngày 28-7-2010, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức trọng thể Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII và tổng kết phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” lần thứ IV.

5. Mười lăm năm Việt Nam trở thành thành viên ASEAN (28-7-1995 - 28-7-2010)

Ngày 28-7, 15 năm trước, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên bầu trời Bru-nây Da-ru-xa-lam (nước chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN năm 1995) trong buổi lễ trang trọng kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam cũng như trong quá trình phát triển của ASEAN. Trong suốt chặng đường 15 năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN cũng như trong việc xác định tương lai phát triển, phương hướng hợp tác và các quyết sách lớn của ASEAN, góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Hiệp hội. Hội thảo khoa học với chủ đề: "Việt Nam - ASEAN: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai" do Học viện Ngoại giao tổ chức này 27-7-2010 đã tập trung thảo luận đánh giá quá trình nhận thức và thay đổi nhận thức của Việt Nam về hợp tác ASEAN trước và sau khi gia nhập tổ chức này, những thành tựu và hạn chế của hợp tác ASEAN 15 năm qua và triển vọng, vai trò và xu hướng phát triển của ASEAN trong những năm tới. Hội thảo là một hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đồng thời góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi năm Chủ tịch ASEAN 2010.

6. Hoàng tử Saudi Arabia Alwaleed Bin Talal Chuyến thăm Việt Nam

Ngày 28-7-2010, tại Phủ Chủ tịch, trong cuộc tiếp Hoàng tử Saudi Arabia Alwaleed Bin Talal Bin Abdul Aziz Al Saud và phu nhân cùng các thành viên trong đoàn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bày tỏ tin tưởng, chuyến thăm Việt Nam lần này của Hoàng tử sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước. Hoàng tử Alwaleed Bin Talal cũng nhấn mạnh, chuyến thăm mới đây của Chủ tịch nước tới Saudi Arabia đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước. Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của Hoàng tử và đoàn cũng nhằm thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Saudi Arabia đã có một số dự án tại Việt Nam, trong các lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, du lịch… và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh hơn vào các lĩnh vực này. Hoàng tử Alwaleed Bin Talal cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động từ thiện; đánh giá cao tinh thần làm việc của hàng ngàn người lao động Việt Nam tại Saudi Arabia và mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai nước trong lĩnh vực này. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao Huân chương Hữu nghị, phần thưởng cao quý của Nhà nước Việt Nam, tặng Hoàng tử Saudi Arabia vì đã có những đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Saudi Arabia

7. Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm việc với các tỉnh về Đại hội Đảng bộ

Trong các ngày 15, 28 và 29-7-2010, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đại diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có các buổi làm việc với Đảng bộ các tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Sơn La về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ ở các tỉnh này. Các buổi làm việc trên được thực hiện theo Kết luận số 74-KL/TW ngày 22-6-2010 của Bộ Chính trị và Chương trình làm việc đợt 1 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố và đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2010-2015. Tại các buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các tỉnh đảng bộ đã trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010; Dự thảo Nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ và phương án công tác nhân sự nhiệm kỳ 2010-2015; đồng thời nghe ý kiến đóng góp, gợi mở của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương. Sau phần phát biểu của các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn và Sơn La. Đây đều là những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đã đoàn kết phấn đấu đạt nhiều thành tựu khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch đúng hướng, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, công tác xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể được chú trọng...
 
8. Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long

Sáng 28-7-2010, tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và chương trình "Kiều bào và Tuần văn hóa dân tộc hướng về Đại lễ." Tham dự buổi lễ có Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư trong Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Hà Nội và hàng ngàn tăng, ni, Phật tử. Cùng dự lễ có nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội; các ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế, các tôn giáo và hơn 100 đại biểu Việt kiều. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc diễn văn nêu rõ, qua bao thăng trầm của lịch sử, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, Phật giáo Việt Nam luôn luôn là một, chung sức chung lòng, dựng nước và giữ nước, giữ gìn hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Diễn ra từ ngày 27-7 đến 2-8-2010, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội bao gồm nhiều hoạt động như rước Long vị vua Lý Thái Tổ và các bậc Danh Tăng từ Bắc Ninh về Hà Nội; Rước xá lợi Phật; Đại lễ cầu quốc thái dân an; Cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì nước qua các triều đại; Triển lãm cổ vật, mỹ thuật, nhiếp ảnh Phật giáo; Hội thảo Phật giáo với 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; Lễ hội hoa đăng và giao lưu nghệ thuật “Dấu ấn Thăng Long”.

9. Việt Nam bàn giao chức Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN

Ngày 29-7-2010, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức lễ bàn giao chức Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN tại Hàn Quốc cho Đại sứ Mi-an-ma. Các Đại sứ và Đại biện lâm thời Đại sứ quán các nước thành viên ASEAN tại Hàn Quốc đã tham dự. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam Trần Trọng Toàn, Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN tại Hàn Quốc nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2010, với tư cách là nước Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Hàn Quốc, Đại sứ quán Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò tổ chức, điều phối, hợp tác tích cực với các đối tác ASEAN và Hàn Quốc, Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, phát triển du lịch cũng như các hoạt động trao đổi văn hóa giữa các thành viên ASEAN và Hàn Quốc; tổ chức các cuộc hội thảo và chiếu phim về thúc đẩy thương mại, xúc tiến đầu tư... Trong lĩnh vực quan hệ công chúng và thông tin, Ủy ban ASEAN tại Hàn Quốc đã triển khai nhiều hoạt động như xây dựng “Góc ASEAN”, trang web, thành lập các “Hộp ASEAN”, "Hộp thư bạn đọc", tổ chức các chuyến dã ngoại cho các trường học cùng nhiều hoạt động phong phú khác. Đại sứ Trần Trọng Toàn đã trân trọng trao lá cờ ASEAN cho Đại sứ Mi-an-ma Mai-ô Lin (Myo Lwin). Trong bài phát biểu, Đại sứ Lin đã ghi nhận những kết quả mà Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đạt được trong thời gian qua, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía Đại sứ quán Việt Nam.

10. Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2009 về niên độ ngân sách năm 2008

Ngày 29-7-2010, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã công bố Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2009 về niên độ ngân sách năm 2008. Thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2009, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 21 bộ, cơ quan Trung ương; 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 22 dự án đầu tư, chương trình Mục tiêu quốc gia; 5 chuyên đề; 14 đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh; tỉnh ủy 6 tỉnh; 31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng; kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước, trong năm 2008, mặc dù chịu tác động của suy giảm kinh tế nhưng 88% (161/163) doanh nghiệp được kiểm toán kinh doanh vẫn có lãi. Kết quả đó đã đóng góp quan trọng vào phát triển và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội; đại bộ phận các doanh nghiệp đã bảo toàn và phát triển vốn. Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, báo cáo tài chính năm 2008 của phần lớn các tổng công ty đã phản ánh đúng đắn tình hình tài chính của doanh nghiệp; công tác quản lý tài chính cơ bản tuân thủ theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, những sai sót được phát hiện qua kiểm toán vẫn còn không ít.

11. Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng

Ngày 31-7-2010, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2010). Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã ôn lại những thời kỳ lịch sử hào hùng, những chặng đường gian khổ nhưng rất đỗi tự hào trong sự nghiệp Tuyên giáo của Đảng. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn mà ngành Tuyên giáo đã đạt được; đồng thời biểu dương, cảm ơn các thế hệ cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo đã có những đóng góp xuất sắc trong 80 năm qua. Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Xét trên phạm vi rộng toàn xã hội, công tác tuyên giáo, công tác tư tưởng là một bộ phận cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng. Xét trên pham vi hẹp hơn là công tác xây dựng Đảng. Công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo là một trong ba bộ phận cơ bản của công tác xây dựng Đảng, bảo đảm cho Đảng vững mạnh về cả chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trao bức trướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Ngành Tuyên giáo và phát biểu tại buổi lễ. Bức trướng có dòng chữ: Trung thành, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

12. Hội nghị xây dựng biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia

Trong hai ngày 30 và 31-7-2010, tại tỉnh Tây Ninh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Cam-pu-chia đã tổ chức hội nghị quốc tế “Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị Việt Nam-Cam-pu-chia 2010.” Tại hội nghị này, lãnh đạo Mặt trận hai nước đã báo cáo bốn năm thực hiện thỏa thuận hợp tác, thực hiện các nội dung trong bản Thông cáo chung ký ngày 10-4-2009 tại tỉnh Svay Rieng giữa 10 tỉnh của Cam-pu-chia và 10 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới. Hai bên nhất trí tăng cường củng cố, xây dựng chính quyền cơ sở vùng biên giới, quan tâm đặc biệt trong việc tạo sự ổn định trong khu dân cư, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị tại vùng biên giới. Hai bên tiếp tục trao đổi những thông tin, trao đổi các đoàn đại biểu các cấp, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về công tác mặt trận của hai nước từ Trung ương đến cơ sở, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, phổ biến những nội dung giao ước thi đua cho nhân dân hai địa phương có chung đường biên giới; tiếp tục khuyến khích và làm cầu nối cho các doanh nghiệp, doanh nhân của hai nước đầu tư vào các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội theo khả năng và tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán của mỗi nước. Hai bên thống nhất hai năm sẽ luân phiên tổ chức hội nghị một lần và tổ chức các đoàn cán bộ phối hợp kiểm tra các hoạt động theo nội dung hợp tác hai bên đã ký kết.
 
13. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới
 
Vào 6 giờ 30 ngày 1-8 (tức 20 giờ 30 ngày 31-7 theo giờ Bra-xin), tại Thủ đô Bra-xi-li-a của Bra-xin, kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới đã biểu quyết thông qua nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) là Di sản văn hóa thế giới. Đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa trước thềm Đại lễ Kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm Khu Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu với diện tích hơn 47 nghìn m2 và Thành cổ Hà Nội với diện tích hơn 138 nghìn m2, tạo thành một di sản thống nhất. Ủy ban Di sản thế giới công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới dựa trên ba tiêu chí. Đó là, những di tích trên mặt đất và khai quật được trong lòng đất tại Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại để tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng. Kết quả giao thoa, tiếp biến văn hóa đó được biểu đạt trong tạo dựng cảnh quan, quy hoạch các khu cung điện, trong nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí cung đình với diễn biến văn hóa đa dạng qua các thời kỳ lịch sử.
 
14. Cầu truyền hình Hà Nội - Viêng Chăn- Pa-ri
 
Chương trình được thực hiện tại 3 điểm cầu Hà Nội, Viêng Chăn, Pa-ri nhằm truyền tải tình cảm của nhân dân Việt Nam ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài cùng bạn bè thế giới hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 20 năm ngày UNESCO công nhận Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”. Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Cầu truyền hình là dịp để kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè thế giới hiểu thêm về một đất nước Việt Nam năng động và hội nhập, một dân tộc Việt Nam với truyền thống văn hiến lâu đời và tinh thần yêu chuộng hòa bình. Phó Chủ tịch nước nói: “Tôi hy vọng rằng thông qua chương trình này, kiều bào ta ở nước ngoài, nhân dân các nước và bạn bè quốc tế sẽ hiểu biết thêm về một Việt Nam năng động và hội nhập với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đang phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hiểu biết thêm về một dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, luôn hòa hiếu trong quan hệ với các nước trong tinh thần: Việt Nam muốn là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Chúng tôi tiếp tục mong nhận được sự giúp đỡ, hợp tác quý báu từ cộng đồng quốc tế và nguyện tiếp tục sẽ phấn đấu cho một nền hòa bình và sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới …”