Palestine - Israel: Tiếp tục căng thẳng vì nhà định cư mới

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
22:34, ngày 20-04-2016
TCCSĐT - Trung tuần tháng 4-2016, Israel đã phê duyệt kế hoạch xây dựng gần 300 nhà ở mới tại các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây. Kế hoạch này có thể khiến cho giải pháp hai nhà nước giữa Palestine và Israel ngày càng xa vời.

Tăng gấp 3 lần số nhà định cư mới

Theo kế hoạch này, 54 nhà ở mới đã được cấp phép xây dựng tại khu định cư Har Brakha, 17 nhà sẽ được xây tại Revava và 48 nhà tại Ganei Modi'in. Ngoài ra, 34 nhà cũng đã được lên kế hoạch xây dựng tại Tekoa, phía Nam Jerusalem, 70 nhà tại Nokdim, phía Nam Bethlehem, và 70 nhà tại Givat Ze'ev, Tây Bắc Jerusalem.

Theo tổ chức Peace Now, một tổ chức phi chính phủ của Israel chuyên theo dõi hoạt động xây dựng nhà định cư Do Thái tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng, Israel đã tăng gấp ba lần số nhà định cư được lên kế hoạch xây mới trong quý I-2016 so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể từ tháng 01 đến tháng 3-2016 có 674 nhà đã được đưa vào kế hoạch xây mới, trong khi con số trong quý I-2015 chỉ là 194 nhà.

Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ Bờ Tây, Đông Jerusalem và dải Gaza trong cuộc Chiến tranh Trung Đông năm 1967. Cộng đồng quốc tế coi các khu định cư Do thái tại các vùng chiếm đóng của Palestines ở Bờ Tây và Đông Jerrusalm là bất hợp pháp.

Vấp phải chỉ trích

Ngày 19-4, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên án các hoạt động xây nhà định cư nói trên của Israel, đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc thảo luận với Tổng thống Palestines Mahmoud Abbas, Thủ tướng Merkel cho biết hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy một giải pháp hai nhà nước, dù kế hoạch này còn “rất khó khăn và phức tạp”.

Bà A. Merkel nhấn mạnh người dân Palestine cũng như Israel đều có quyền được sống trong hòa bình và an ninh, và giải pháp hai nhà nước thông qua đàm phán là cách duy nhất để đáp ứng các đòi hỏi hợp pháp của hai bên cũng như góp phần chấm dứt xung đột. Theo Thủ tướng Đức, các hoạt động xây dựng nhà định cư của Israel là phản tác dụng, đi ngược lại giải pháp hai nhà nước, cũng như thu hẹp nền tảng để tiến tới một giải pháp như vậy. Bà kêu gọi Palestine và Israel cùng nỗ lực tạo dựng các nền tảng nhằm duy trì bầu không khí đối thoại để có thể nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông, đặc biệt là cần tận dụng mọi khả năng trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình của Pháp để có thể đạt được bước tiến cho vấn đề này.

Trước đó, phát biểu với J Street, một nhóm cấp tiến ủng hộ Israel, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận ông “vô cùng thất vọng” đối với chính quyền Israel, cho rằng chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa đất nước đi theo định hướng sai lầm. Đây là những chỉ trích gay gắt bất thường của ông Biden đối với đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Theo ông J. Biden, những chính sách này đang đẩy Israel đến gần “thực tế một nhà nước” - nghĩa là sẽ chỉ có một nhà nước dành cho cả người Palestine và người Israel, trong đó người Do thái Israel sẽ không còn là đa số. Ông nhấn mạnh: “Thực trạng này rất nguy hiểm”. Tuy nhiên, ông J. Biden vẫn khẳng định nhiệm vụ của Mỹ là bảo đảm an ninh cho Israel, thúc đẩy Israel và Palestine hướng tới giải pháp hai nhà nước.

Cùng chung quan điểm với hai lãnh đạo Đức và Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) ngày 15-4 cũng ra tuyên bố chỉ trích Israel nối lại hoạt động xây dựng hàng rào chắn tại thung lũng Cremisan, phía Nam khu Bờ Tây, gần thị trấn Beit Jala của Palestine.

Người dân Palestine tại thị trấn Beit Jala phản đối mạnh mẽ động thái này, cho rằng việc Israel xây dựng hàng rào là nhằm mục đích kết nối hai khu định cư bất hợp pháp ở phía Nam Jerusalem là Gilo và Har Gilo. EU cho biết hàng rào này sẽ khiến khoảng 60 gia đình Palestine gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất nông nghiệp và ảnh hưởng đến sinh kế của họ.

Trong khi đó, Liên hợp quốc cho rằng hàng rào dài gần 60 km này được xây dựng trên đất của người Palestine và được biết đến như là “Bức tường Apartheid”. Israel bắt đầu xây dựng bức tường này vào năm 2002 với lý do bảo đảm an ninh. Trong một phán quyết không mang tính ràng buộc vào năm 2014, Tòa án Công lý quốc tế đã tuyên bố việc xây dựng bức tường này là bất hợp pháp.

Giải pháp hai nhà nước ngày càng xa vời

Trước tình hình trên, tại phiên thảo luận mở với chủ đề “Tình hình Trung Đông, trong đó có vấn đề Palestine” do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức ngày 18-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đưa ra cảnh báo: Giải pháp hai nhà nước, theo đó Palestine và Israel cùng chung sống hòa bình, có vẻ như ngày càng xa vời, do một loạt lý do bao gồm tình trạng bạo lực triền miên, các hoạt động của Israel xây nhà tái định cư và phá hủy nhà của người Palestine, và sự thiếu đoàn kết của người dân Palestine.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh bạo lực bùng phát trong sáu tháng qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 người Israel và 200 người Palestine. Tại khu vực Bờ Tây, Israel tiếp tục phá hủy kết cấu hạ tầng của người Palestine, khiến 840 người Palestine đã bị mất nhà cửa từ tháng 4-2015. Chính quyền Tel Aviv cũng tăng cường mở rộng các khu định cư trái phép, tuyên bố chủ quyền trên đất của người Palestine, vi phạm luật pháp quốc tế và gây phương hại đến giải pháp hai nhà nước.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng cho biết Nhóm Bộ Tứ Trung Đông - bao gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga, đang soạn thảo báo cáo đánh giá lại tình hình trên thực địa, những mối đe dọa đối với giải pháp hai nhà nước, đồng thời đưa ra những kiến nghị về cách thức thúc đẩy hòa bình. Nhiều nước hy vọng báo cáo của Nhóm Bộ Tứ về việc đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel - Palestine, cũng như ghi nhận sáng kiến của Pháp về việc dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế nhằm thúc đẩy các bên sớm quay trở lại vòng đàm phán./.