Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội
Các đại biểu cho rằng 5 năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước vô cùng khó khăn...
Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 02-KL/TW ngày 16-3- 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP năm 2011 là quyết sách đúng đắn, kịp thời làm xoay chuyển tình hình và đem lại những thành tựu quan trọng.
Trong 5 năm qua, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát giảm từ 11,75% năm 2010 xuống còn 0,6% năm 2015, chất lượng tăng trưởng có bước chuyển biến tích cực: đóng góp của khoa học, công nghệ tăng, năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm cao hơn giai đoạn trước. Các cân đối lớn dần được cải thiện.
Theo đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực về tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công có chuyển biến tốt, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có những kết quả bước đầu. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đã có bước chuyển biến, cải thiện khả năng chi trả, bảo đảm an toàn hệ thống, nợ xấu ngân hàng giảm dần, đã sáp nhập một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ hoạt động yếu kém.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhìn nhận, năm 2015, năm cuối của nhiệm kỳ, Chính phủ đã có chuyển động mạnh, tạo điều kiện cho các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. 5 năm qua, sự tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự giám sát của Quốc hội, kinh tế-xã hội đã có bước tiến triển khá vượt bậc.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến mạnh, nhiều lễ hội phản cảm được kiên quyết chỉ đạo dẹp bỏ, tạo dư luận tốt trong nhân dân. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Chính trị - xã hội ổn định; công tác quốc phòng, an ninh luôn được tăng cường nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.
Băn khoăn còn nhiều
Tuy nhiên, đại biểu còn bày tỏ băn khoăn về nhiều vấn đề như cơ cấu thu chi ngân sách còn bất hợp lý, nợ công tăng nhanh, đang tiến đến ngưỡng cho phép, áp lực trả nợ lớn, không bảo đảm chi trả nợ và chi cho đầu tư phát triển, nợ Chính phủ đã vượt trần.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) đánh giá thực hiện chủ trương sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp - một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã sắp xếp được 558 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hóa 478 doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét về giá trị, cả nước mới thoái vốn được 9.924 tỷ đồng, đây là con số rất nhỏ so với số vốn điều lệ hơn 1,2 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm gần 1%. Nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa số lượng tỷ trọng bán ra hiệu quả rất ít, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chiếm trên 90%, điều này không bảo đảm đúng mục tiêu cổ phần hóa đặt ra là xã hội hóa đầu tư, làm thay đổi mô hình quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhà đầu tư chỉ thấy hấp dẫn khi bỏ tiền vào mua cổ phần, họ có cơ hội để thay đổi mô hình quản trị - đại biểu nhận định.
Phân tích một nguy cơ trong việc kiểm soát cổ phần hóa, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nêu khi chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, quyền tự chủ trong bộ máy quản lý điều hành của doanh nghiệp cao hơn rất nhiều trong khi các Luật và nghị định hướng dẫn chưa bảo đảm làm rõ trách nhiệm của người đại diện phần vốn cũng như việc quản lý để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, vì thế nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả nhưng không xử lý được, để lại khoản nợ lớn, gánh nặng cho nhà nước.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) nhìn nhận sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, các sản phẩm mặt hàng còn nhập nhiều, chưa có sản phẩm căn cơ, nền công nghiệp còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp và các điều kiện tổ chức sản xuất còn mạnh mún, chưa có mặt hàng mang tính chiến lược lâu dài. Một thực trạng buồn được đại biểu nêu lên là Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo/năm nhưng chưa có thương hiệu gạo Việt Nam; cà phê, hạt điều chủ yếu là xuất khẩu thô.
Các vấn đề về an sinh xã hội, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sự vô cảm, băng hoại đạo đức trong xã hội,… cũng là mối quan tâm của nhiều đại biểu. Các đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa), Trịnh Thế Khiết, Bùi Thị An, Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng giảm nghèo chưa thực sự bền vững, năng suất lao động xã hội thấp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn đạt thấp so với mục tiêu đề ra, quản lý nhà nước chưa tốt, bộ máy còn cồng kềnh...
Nhìn nhận Việt Nam có thể tiến nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa nhưng lại chưa tận dụng hết được các lợi thế của mình, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh khẳng định do vấn đề thể chế. Cải cách hành chính chưa bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế, vẫn còn có những thủ tục làm khó cho doanh nghiệp. Còn lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhiều đề xuất, kiến nghị
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại công tác quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực, cần quy rõ trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành, cho người đứng đầu; làm không tốt, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên, như vậy mới mang lại hiệu quả, tăng trưởng bền vững được; cần chọn đúng người đủ tầm, đủ tâm, đủ tư cách đạo đức vào hệ thống chính trị.
Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, nhiều ý kiến đề nghị cần triệt để thực hiện cổ phần hóa, trừ những lĩnh vực cấm, Trung ương cần quan tâm giảm bớt bộ quản lý doanh nghiệp, tách quản lý nhà nước với hoạt động kinh tế, để tránh cơ chế xin cho, để doanh nghiệp tư nhân được đối xử công bằng như doanh nghiệp nhà nước.
Về nông nghiệp, Chính phủ cần quan tâm quy hoạch vùng, phân vùng sản phẩm, đưa khoa học công nghệ cao vào.
Về quy hoạch sử dụng đất, đa số ý kiến tán thành với việc giữ nguyên diện tích đất lúa trên 3,8 triệu ha theo chỉ tiêu Quốc hội đã phê duyệt vì Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, giữ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực.
Cần xác định rõ Việt Nam cần bao nhiêu diện tích rừng phòng hộ, các khu vực cần giữ để ứng phó, phòng, chống thiên tai; đánh giá chất lượng rừng, không lấy đất rừng làm thủy điện. Nơi đã lấy đất rừng để làm thủy điện, khai khoáng,… phải trồng lại rừng và có kiểm soát chặt chẽ; quan tâm đặc biệt đến rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn xung yếu, không cho chuyển đổi.
Đất khu công nghiệp cần giảm xuống bởi diện tích đất khu công nghiệp chưa được lấp đầy còn khá nhiều, cần rà soát lại, không nên đầu tư dàn trải chia cắt theo địa giới hành chính.
Các đại biểu cũng kiến nghị đánh giá lại tác động của biến đổi khí hậu, các điều kiện về trồng lúa, nước sông, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng để có giải pháp căn cơ lâu dài hơn. Đất chuyên dùng phải sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường liên kết “4 nhà” để phát huy hiệu quả của đất đai./.
Phản ứng mạnh mẽ đối phó khủng bố (24/03/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên