“Phụ nữ - động lực của tăng trưởng kinh tế”
1. Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu - diễn đàn khẳng định vai trò, vị thế ngày càng tăng của nữ giới
Trong hơn 10 năm qua, kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1990, đến nay, vai trò của các kỳ hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu ngày càng tăng. Hội nghị trở thành cầu nối để qua đó, phụ nữ trên khắp thế giới chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, bày tỏ nhu cầu được cống hiến, nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực đưa ra các sáng kiến mới, ý tưởng mới, tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, phục vụ sự tiến bộ của phụ nữ. Điều này được thể hiện rất rõ qua chủ đề của các kỳ hội nghị được tổ chức thường niên, đặc biệt trong những năm gần đây - khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu xảy ra (từ năm 2008) - đang đặt thế giới trước rất nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Với chủ đề "Thiết lập mô hình mới cho các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế", Hội nghị lần thứ 19 (năm 2009, tại Chile) đã bàn những nội dung liên quan tới xu hướng kinh doanh chính trong khu vực và trên toàn thế giới; chiến lược thực tiễn để phát triển doanh nghiệp, trong đó có khả năng lãnh đạo doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và phát triển mô hình kinh tế vừa và nhỏ, phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại nhiều nước trên thế giới... Với lực lượng lao động chiếm trên 40% dân số, phụ nữ được khẳng định đã và đang giữ vị trí hết sức to lớn trong cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở những quốc gia đang phát triển.
Tại Hội nghị lần thứ 20 (năm 2010, ở Trung Quốc), theo chủ đề "Phụ nữ ở tuyến đầu của mọi thay đổi", các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung chính như “Hướng tới sự thay đổi dành cho phụ nữ thông qua hợp tác, đối tác”; “Các xu hướng lớn của thời hậu khủng khoảng kinh tế thế giới”; “Định hướng của chính phủ đối với phụ nữ”.
Đến năm 2011, tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hội nghị lần thứ 21 là diễn đàn để các nhà lãnh đạo nữ trao đổi về các giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với những vấn đề của thế kỷ XXI trong lĩnh vực kinh tế, tiền tệ, năng lượng, môi trường, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong hoạch định chính sách, tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc triển khai các chiến lược quản lý tư và công.
Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 22 đã trao giải “Lãnh đạo Nữ toàn cầu năm 2012” cho cựu Tổng thống Kyrgyzstan Roza Otunbayeva vì những đóng góp của bà cho sự nghiệp phát triển của phụ nữ. Tại Hội nghị, Malaysia đã chính thức tiếp nhận vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 23, diễn ra vào năm 2013. |
Bà Irene Natividad, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu nhấn mạnh: tình hình thế giới hiện nay mang lại cả thách thức và cơ hội cho phụ nữ trong việc thúc đẩy đoàn kết, phát huy sáng tạo để cùng hợp tác phát triển. Với tư chất thông minh, nhạy bén, linh hoạt, bền bỉ và là “vốn quý” của các quốc gia cũng như thế giới, phụ nữ đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Thực tế cho thấy, rất nhiều nữ doanh nhân đã thành công trong việc “chèo lái” doanh nghiệp vững vàng vượt qua sóng gió trong cơn khủng hoảng kinh tế - tài chính vừa qua.
2. Việt Nam cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới
Xuất phát từ chỗ cho rằng, cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ trên toàn thế giới tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng cho đến nay, trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, phụ nữ trên thế giới vẫn là nhóm đối tượng phải chịu tác động mạnh mẽ nhất; việc bảo đảm bình đẳng giới và nâng cao vai trò của người phụ nữ vẫn gặp nhiều thách thức trong một thế giới đang có nhiều biến đổi, tại các kỳ hội nghị, Đoàn đại biểu Việt Nam đã nêu các vấn đề, đề xuất các sáng kiến nhằm góp phần nâng cao vai trò, vị thế của hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, cũng như vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trong thế giới hiện đại. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động như hiện nay, phụ nữ cần được tạo điều kiện, khuyến khích để tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị, xã hội, những lĩnh vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế, góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế. Phụ nữ không chỉ là một đối tượng ưu tiên trong mọi thay đổi của đời sống quốc tế mà còn là chủ thể góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế, góp phần tạo ra mọi sự đổi mới tích cực nhằm giúp thế giới ngày càng hòa bình, thịnh vượng và tươi đẹp hơn. Với ý nghĩa đó, các quốc gia, các tổ chức quốc tế cần có sự nhìn nhận thích đáng đối với vai trò của phụ nữ, tạo mọi điều kiện để phụ nữ được tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội, trong đó có việc quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu cũng cần tăng cường tiếng nói tư vấn cho các tổ chức quốc tế, đề xuất giải pháp cho các chính phủ nhằm phát huy được vai trò và khả năng của phụ nữ trong việc giải quyết vấn đề chung của toàn xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 22, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của Hội nghị năm nay, đồng thời khẳng định, phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và gia đình, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như trong việc giải quyết những vấn đề lớn của quốc gia và quốc tế. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu tác động nhiều mặt đến các quốc gia, thời điểm khó khăn này là cơ hội để phụ nữ bứt phá vươn lên tự khẳng định mình, chọn hướng đi mới phù hợp với những diễn biến mới trên thế giới và những yêu cầu phát triển của từng quốc gia, theo hướng phát triển bền vững, chú trọng yếu tố khoa học công nghệ, dựa trên tiềm năng con người, phát triển kinh tế xanh và mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Bên cạnh việc Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích vai trò của phụ nữ, phụ nữ cần tự nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn để thực hiện quản trị, điều hành tổ chức doanh nghiệp có hiệu lực, hiệu quả; chủ động, tích cực tham gia các chương trình quốc gia, đặc biệt là các chương trình dành cho phụ nữ, trẻ em gái, nhằm góp phần thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Tham dự các kỳ hội nghị, Đoàn đại biểu Việt Nam đã tích cực trao đổi kinh nghiệm, tăng cường kết nối và hợp tác với phụ nữ các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng. Việt Nam luôn được coi là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế, là quốc gia có tốc độ thay đổi nhanh nhất về xóa bỏ khoảng cách giới trong 20 năm qua tại khu vực Đông Á. Đó là kết quả của việc Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện các cam kết vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, coi đó là một trong những yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững, hướng tới một xã hội công bằng và văn minh./.
Hưởng ứng Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam: Hành động cụ thể, thiết thực là cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền  (02/06/2012)
Hà Nội: Kêu gọi cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể, thiết thực  (02/06/2012)
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng: Thanh niên Vĩnh Long với Hội trại "Cội nguồn sức mạnh"  (02/06/2012)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên