Nguyễn Hữu Dũng
 
TS. Trợ lý Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
 
 
Thực hiện chính sách an sinh xã hội đúng đắn, hướng vào phát triển con người, vì hạnh phúc của nhân dân là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước. Nông thôn nước ta có 73% dân số đang sinh sống, luôn là địa bàn chiến lược của cả nước. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với nông dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội sẽ góp phần tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước.

I - Nhận thức về chính sách an sinh xã hội đối với nông dân nước ta

Chính sách an sinh xã hội có đặc trưng rất cơ bản là hướng vào phát triển con người với những giá trị và chuẩn mực xã hội tiến bộ; mang tính xã hội, nhân văn và nhân đạo sâu sắc; thể hiện trách nhiệm cao của Nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mọi công dân; đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn. Chính sách an sinh xã hội liên quan chặt chẽ với văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Có thể nói rằng, chính sách an sinh xã hội gắn liền với phát triển, là yếu tố của phát triển, đầu tư cho chính sách an sinh xã hội cũng chính là đầu tư cho phát triển.

Chính sách an sinh xã hội đối với nông dân có vị trí đặc biệt quan trọng khi nước ta chuyển mạnh từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường, kinh tế nông thôn vẫn phát triển chậm hơn thành thị, đặc biệt là vùng miền núi, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; người nghèo phần lớn tập trung ở khu vực nông thôn. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa là một xu thế khách quan, là yếu tố quyết định thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng hiện đại, song quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn diễn ra khá chậm chạp tạo sức ép về việc làm rất lớn đối với nông dân, nhất là tình trạng thiếu việc làm rất nghiêm trọng.
 
Phát triển kinh tế thị trường, trong đó có thị trường lao động mở ra khả năng to lớn về cơ hội việc làm cho mọi người lao động có nhu cầu, song đối với khu vực nông thôn, một mặt, khả năng cạnh tranh của lao động còn rất yếu kém do phần lớn chưa qua đào tạo, nhất là đào tạo nghề, nên khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, họ chỉ có thể tham gia vào thị trường lao động giản đơn với thu nhập thấp; mặt khác, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc và phần lớn tập trung vào khu vực nông thôn. Vì vậy, nếu không đặt đúng vị trí chiến lược của nông thôn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, không gắn chặt giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với nông dân ngang tầm với kinh tế sẽ là rào cản rất lớn trên con đường phát triển đất nước.

Chính sách an sinh xã hội là một trong những chính sách xã hội cơ bản của quốc gia hướng vào bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các thành viên trong xã hội trong các trường hợp rủi ro dẫn đến bị giảm hoặc bị mất thu nhập hoặc phải tăng chi phí đột xuất do nhiều nguyên nhân khác nhau - gọi là "rủi ro xã hội". An sinh xã hội dựa trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm và công bằng xã hội, là một trong những chỉ báo quan trọng của một xã hội phát triển.

Chính sách an sinh xã hội có hai chức năng cơ bản là: 1) bảo đảm an toàn cho mọi thành viên trong xã hội ở mức tối thiểu về thu nhập, dịch vụ y tế và xã hội để cho phép họ có một cuộc sống xã hội có ý nghĩa, và 2) duy trì thu nhập, khi các thành viên xã hội đang hoạt động kinh tế hoặc mọi công dân khi nghỉ hưu, cho phép họ duy trì được mức sống hiện tại trong các trường hợp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tuổi già, tàn tật, mà không có khả năng tạo thu nhập.

Xã hội càng phát triển, đời sống con người càng phong phú, nhu cầu đáp ứng về an sinh xã hội càng đa dạng và tăng lên. Các nhu cầu về an sinh xã hội cơ bản bao gồm bảo hiểm xã hội; duy trì mức thu nhập đủ sống khi gặp rủi ro thông qua chính sách trợ giúp xã hội và cứu trợ xã hội; tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

II - Thể hiện trong thực tế chính sách an sinh xã hội đối với nông dân

1 - Chính sách việc làm và tăng thu nhập cho nông dân

Đối với khu vực nông thôn và nông dân, vấn đề đặt ra là phải tạo đủ việc làm, khắc phục tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng và việc làm thu nhập thấp trong nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành công của nước ta về chính sách việc làm đối với nông dân khi chuyển sang kinh tế thị trường là làm cho người nông dân trở thành chủ thể trong phát triển kinh tế (kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã kiểu mới...) và tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận những nguồn lực sản xuất kinh doanh (đất đai, vốn, tín dụng, khoa học - kỹ thuật...) gắn với thị trường. Nhà nước có chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn (chính sách thuế, đất đai, tín dụng...), hỗ trợ dạy nghề cho nông dân và hỗ trợ phát triển thị trường lao động nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, di chuyển lao động, nhất là thanh niên từ nông thôn vào các khu công nghiệp, khu chế xuất làm việc.

Những năm qua dân số và lực lượng lao động nông thôn về mặt tỷ trọng tuy có giảm, nhưng vẫn chiếm khá lớn trong tổng dân số và lực lượng lao động xã hội, là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2007, lực lượng lao động nông thôn chiếm tới 74,57% tổng lực lượng lao động xã hội. Giai đoạn 2001 - 2007, lao động có việc làm trong khu vực nông thôn vẫn có xu hướng tăng từ 29,2 triệu người (năm 2001) lên 34,30 triệu người (năm 2007), bình quân mỗi năm khu vực nông thôn tạo thêm được 0,85 triệu chỗ làm việc mới, chiếm 57% tổng chỗ việc làm mới được tạo ra, tăng trưởng việc làm bình quân trên 2,92%/năm. Khu vực nông thôn giải quyết việc làm cho hơn 75% lực lượng lao động cả nước.

Chuyển dịch cơ cấu lao động nói chung, khu vực nông thôn nói riêng theo hướng tích cực. Tỷ trọng lao động nông, lâm, ngư nghiệp liên tục giảm, từ 70,1% (năm 1995), xuống còn 52,81% (năm 2007), bình quân mỗi năm giảm 1,08%; tương ứng lao động phi nông nghiệp tăng từ 29,9% lên 47,19%. Trong khu vực nông thôn, tỷ trọng lao động nông nghiệp cũng đang giảm, đồng thời tăng tỷ trọng lao động làm ngành nghề phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cũng đang đặt ra những vấn đề rất bức xúc về việc làm đối với nông dân. Các chính sách chưa đủ mạnh để giải phóng triệt để mọi nguồn lực nông thôn, nông dân cho đầu tư phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm; nhất là thiếu chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động nông thôn. Chất lượng lao động nông thôn và nông dân quá thấp, lao động nông thôn năm 2006 có tới 91,84% chưa qua đào tạo, học nghề, còn nông dân là 97,53%, nên chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất, của thị trường lao động. Mâu thuẫn lớn hiện nay là chuyển dịch cơ cấu lao động không theo kịp và lạc hậu rất xa so với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Đến năm 2007, cơ cấu giá trị trong GDP của nông nghiệp đã giảm mạnh chỉ còn chiếm 20%, nhưng cơ cấu lao động nông nghiệp vẫn chiếm tới 52,81%.

2 - Chính sách xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giàu nghèo đối với nông thôn và nông dân

Xóa đói, giảm nghèo theo hướng bền vững ở nước ta dựa trên bốn trụ cột cơ bản là: Tạo cơ hội cho người nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập; mở rộng khả năng cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt...) có chất lượng, thuận tiện và chi phí thấp; giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong kinh tế thị trường và rủi ro xã hội khác, nhất là thiên tai, dịch bệnh; thực hiện cơ chế dân chủ ở cơ sở với nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm cho người nghèo tham gia vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế và xóa đói, giảm nghèo; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn (giai đoạn 1998 - 2000, 2001 - 2005 và 2006 - 2010) và hình thành quỹ quốc gia xóa đói, giảm nghèo từ nhiều nguồn (ngân sách nhà nước, đóng góp của các tổ chức kinh tế, các cá nhân và hợp tác quốc tế...). Nhờ đó, chúng ta đã từng bước nâng cao mức sống nhân dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, xã nghèo.

Theo số liệu của tổng cục thống kê, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn liên tục giảm. Tỷ lệ nghèo chung khu vực nông thôn giảm từ 66,4% năm 1993 xuống còn 45,5% năm 1998, 35,6% năm 2002, 25% năm 2004, 20,4% năm 2006 và 18% năm 2007. Tuy nhiên, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta đang đặt ra không ít những vấn đề bức xúc. Nếu nhìn vào bản đồ tăng trưởng, đầu tư và nghèo đói thì thấy rất rõ có khoảng cách (khoảng trống) rất lớn giữa nông thôn và thành thị. Công nghiệp hóa, đô thị hóa nói chung ưu thế lợi ích nghiêng về thành thị, còn hậu quả xã hội lại rơi vào nông thôn. Xóa đói, giảm nghèo chưa gắn chặt với phát triển cộng đồng và phát triển nông thôn. Một số cơ chế, chính sách hiện hành không còn phù hợp và có nhiều rào cản trong tổ chức thực hiện, dân khó tiếp cận; đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vấn đề nâng cao năng lực thị trường cho người nghèo, biến họ thành chủ thể, chủ động và tích cực trong phát triển kinh tế chưa được quan tâm đúng mực; người nghèo chưa chủ động tham gia thị trường, trong khi đó, chưa có hệ thống chính sách khuyến khích hộ nghèo thoát nghèo, vươn lên no ấm.

Kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo rất lớn (70% - 80%), chỉ cần gặp rủi ro là họ lại rơi vào nghèo đói; tỷ lệ tái nghèo còn cao (7% - 10%); bất bình đẳng về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các tầng lớp dân cư còn lớn và có xu hướng gia tăng. Theo chuẩn nghèo hiện nay, 90% số hộ nghèo sống ở nông thôn và tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn cao (18% so với 14,75% của cả nước); đặc biệt hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm tới 36% tổng số hộ nghèo.

3 - Chính sách bảo hiểm xã hội đối với nông dân

Bảo hiểm xã hội đã được xây dựng thành luật được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1-7-2007. Luật Bảo hiểm xã hội bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó bảo hiểm tự nguyện chủ yếu cho đối tượng là nông dân.

Nông dân làm việc trong nông nghiệp, nông thôn là khu vực có rất nhiều rủi ro, việc làm không ổn định, năng suất và thu nhập thấp, rất dễ bị tác động của giá cả thế giới và tranh chấp quốc tế (sự gia tăng của giá dầu thế giới, các vụ kiện quốc tế về chống phá giá sản phẩm xuất khẩu...). Trong khi đó, mức độ tham gia bảo hiểm xã hội lại rất thấp vì đây là khu vực tự làm trong kinh tế hộ gia đình, không có quan hệ lao động, nên chưa được điều chỉnh của Bộ Luật lao động, và do đó chưa được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, mô hình bảo hiểm xã hội cho nông dân của tỉnh Nghệ An đã ra đời từ năm 1998 và thu hút gần 9 vạn nông dân tham gia. Mới đây bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đưa vào luật để điều chỉnh đối tượng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, nhưng có hiệu lực áp dụng từ 1-1-2008, tuy nhiên đến thời điểm này, nông dân vẫn chưa tham gia bảo hiểm xã hội theo luật định.

Hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện cho nông dân những năm trước đây, cùng với một số chế độ bảo hiểm y tế cho người nghèo, bảo hiểm y tế tự nguyện và cho trẻ em thuộc các chương trình mục tiêu đang được thực hiện, nhưng với độ bao phủ thấp. Ngoài ra, hệ thống bảo hiểm thương mại phát triển mạnh, nhất là bảo hiểm nhân thọ, tạo cơ hội cho một số nông dân có khả năng kinh tế tham gia, nhưng cũng rất hạn chế. Nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội của nông dân là rất lớn (kết quả điều tra là 47%), nhưng khả năng đóng góp rất hạn chế (chỉ 10% có khả năng đóng góp), hoặc nếu có tham gia cũng chỉ có khả năng đóng góp theo phương án thấp, và như vậy, mức độ thỏa mãn cũng thấp.

4 - Chính sách bảo trợ xã hội

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến nhóm đối tượng chính sách xã hội và xác định Nhà nước có vai trò, trách nhiệm chủ yếu trong việc chăm sóc đối tượng. Hệ thống chính sách bảo trợ xã hội bao gồm trợ giúp đột xuất (cứu trợ đột xuất), nhất là do thiên tai và trợ cấp thường xuyên cho đối tượng đặc biệt khó khăn, không có người nuôi dưỡng. Hệ thống chính sách bảo trợ xã hội của nước ta dựa trên cơ sở bảo đảm mức sống tối thiểu cho đối tượng, không để một ai bị gạt ra bên lề xã hội, thông qua chế độ trợ cấp của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, "lá lành đùm lá rách" cộng với sự nỗ lực tự vươn lên của bản thân đối tượng. Trợ cấp xã hội của Nhà nước thường xuyên được điều chỉnh theo mức độ tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều năm qua, chính sách bảo trợ xã hội đã đi vào cuộc sống, góp phần ổn định và cải thiện từng bước đời sống đối tượng.

Chính sách bảo trợ xã hội cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Chúng ta chưa có chính sách khuyến khích chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng; mức trợ cấp xã hội của Nhà nước còn thấp, chỉ bằng 1/2 chuẩn nghèo, mới đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu của đối tượng. Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội phù hợp với cơ chế thị trường chưa phát triển. Thiệt hại về người và của do thiên tai rất lớn, việc hỗ trợ, phòng tránh và khắc phục hậu quả mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ (10% - 20%). Tỷ lệ đối tượng cần bảo trợ xã hội chưa được hưởng trợ cấp xã hội rất lớn (48%). Mức độ xã hội hóa chưa cao, tỷ lệ chăm sóc đối tượng tại cộng đồng chưa nhiều, chủ yếu vẫn là nguồn lực của Nhà nước.

5 - Chính sách cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với nông dân

Đây là loại chính sách nhằm thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu, thiết yếu nhất của người dân mà Nhà nước và xã hội phải có trách nhiệm cung cấp, nhất là đối với người nghèo, nhóm xã hội yếu thế dễ bị tổn thương, nhằm mục tiêu an sinh xã hội, thực hiện công bằng xã hội. Dịch vụ xã hội cơ bản bao gồm giáo dục cơ bản (giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, xóa mù chữ cho người lớn...); chăm sóc sức khỏe ban đầu (chương trình sức khỏe cộng đồng, dịch vụ y tế cơ sở từ tuyến huyện trở xuống, chương trình quốc gia về dinh dưỡng...); dân số và kế hoạch hóa gia đình (sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, kế hoạch hóa gia đình...); cung cấp nước sạch sinh hoạt (cho cộng đồng dưới 30.000 dân và cho khu vực nông thôn)...

Trong hệ thống chính sách cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, quan trọng nhất là chính sách giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cấp nước sạch sinh hoạt đối với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, độ bao phủ còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu. Người nông dân còn khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản do các khoản phải đóng góp ngoài quy định khá lớn, xu hướng thị trường hóa cũng tác động mạnh đến nông dân, nhất là tác động của yếu tố lạm phát cao hiện nay và đặc biệt, nông dân, nhất là nông dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số... chưa thể tiếp cận các dịch vụ xã hội chất lượng cao.

III - Chính sách an sinh xã hội đối với nông dân trong những năm tới

Chính sách an sinh xã hội đối với nông dân trong những năm tới phải bảo đảm kết hợp giữa giải quyết những vấn đề xã hội cơ bản và lâu dài ở nông thôn với những vấn đề nóng bỏng, cấp bách trước mắt hướng vào phát triển bền vững xã hội nông thôn; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, văn hóa, nhất là vấn đề giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo và hòa nhập nhóm xã hội yếu thế; giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người, phát huy tối đa yếu tố con người, nguồn nhân lực nông thôn vào công cuộc xây dựng đất nước. Để đạt được những mục tiêu đó, chúng ta phải tập trung nỗ lực giải quyết những nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tiếp tục thế chế hóa thành cơ chế, chính sách, luật pháp các chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách an sinh xã hội. Trong đó, tiếp tục thể chế hóa hướng vào giải phóng triệt để sức sản xuất và sức lao động, tự do hóa mạnh hơn nữa đối với lao động nông thôn; thể chế hóa chính sách an sinh xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội đa tầng và linh hoạt, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận; sửa đổi chính sách hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, dạy nghề, nhà ở... phù hợp với tăng trưởng kinh tế; xây dựng luật về người cao tuổi, luật về người tàn tật; xây dựng quỹ dự phòng thiên tai tại địa phương; xây dựng chiến lược phát triển hệ thống an sinh xã hội đến năm 2020.

Hai là, nghiên cứu đánh giá và cảnh báo tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến phát triển xã hội, an sinh xã hội để có chính sách phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực. Trước mắt, để ổn định đời sống của người nghèo, đối tượng chính sách xã hội và người có thu nhập thấp trong tình hình lạm phát cao hiện nay, Chính phủ tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng, kịp thời, có hiệu quả các chính sách bảo trợ xã hội, chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được ban hành, không để bất kỳ người dân, hộ gia đình nào bị đói, có chính sách mà không được hưởng; đồng thời các tỉnh, thành phố có điều kiện về ngân sách sớm xem xét, quyết định mức trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định. Tăng nguồn lực cho chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, miền núi, đặc biệt ưu tiên cho 61 huyện nghèo nhất. Nghiên cứu điều chỉnh chuẩn nghèo và trợ cấp xã hội phù hợp để áp dụng cho giai đoạn tiếp theo.

Ba là, tăng đầu tư và ngân sách cho thực hiện hiệu quả chính sách và các chương trình mục tiêu về phát triển xã hội, an sinh xã hội như việc làm, phát triển nguồn nhân lực, dạy nghề, xuất khẩu lao động và chuyên gia; giảm nghèo; hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn; chương trình trợ giúp người cao tuổi, chương trình chăm sóc thay thế trẻ em đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng; chương trình trợ giúp người tàn tật; chương trình phòng chống tệ nạn xã hội. Để bảo đảm việc thực hiện các chính sách và chương trình phát triển xã hội, an sinh xã hội đã ban hành, Chính phủ ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn và tăng dự trữ, dự phòng; đồng thời xây dựng cơ chế thực thi và chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm nguồn hỗ trợ của Nhà nước kịp thời, đúng đối tượng và hiện quả, không để thất thoát, lãng phí.

Bốn là, hoàn thiện và đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của hệ thống sự nghiệp cung cấp dịch vụ xã hội, an sinh xã hội theo hướng đơn vị tự chủ và tự chịu trách nhiệm, chuyển mạnh sang cung cấp dịch vụ công và chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng; bảo đảm cho sự phát triển bền vững lĩnh vực an sinh xã hội.

Năm là, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành và thực hiện các chính sách, chương trình phát triển xã hội, an sinh xã hội đối với nông dân. Phát triển công tác xã hội thành một nghề chuyên nghiệp và nâng cao năng lực cán bộ theo hướng chuyên môn hóa để tư vấn, hỗ trợ và tham gia chăm sóc đối tượng tại cộng đồng. Đưa công nghệ thông tin vào hoạt động điều hành hệ thống an sinh xã hội, trước hết là quản lý đối tượng và chi trả chế độ trợ cấp./.