1. Hiến chương ASEAN chính thức có hiệu lực

Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12-2008 sau 30 ngày được cả 10 nước thành viên nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn. ASEAN đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm sự kiện quan trọng này tại Trụ sở Ban thư ký ASEAN, Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a, với sự tham dự của các Ngoại trưởng và đại diện 10 nước thành viên. Sự kiện Hiến chương chính thức có hiệu lực mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ASEAN trong bối cảnh Hiệp hội đang nỗ lực hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên 3 trụ cột vào 2015,đó là: ASEAN sẽ hoạt động dựa trên một khung pháp lý vững vàng, trở thành một tổ chức hoạt động dựa trên các quy tắc pháp lý; các thỏa thuận, quyết định sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc hơn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác ASEAN; ASEAN sẽ có tư cách pháp nhân trong quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế, qua đó gia tăng vị thế quốc tế của Hiệp hội với các đối tác bên ngoài; bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động của ASEAN sẽ có nhiều chuyển biến đáng kể, góp phần đối phó tốt hơn với những thách thức đang đặt ra, khắc phục những khiếm khuyết hiện có và cải tiến chất lượng và hiệu quả các chương trình, hoạt động hợp tác của Hiệp hội; ASEAN gửi thông điệp rõ ràng đối với khu vực và bên ngoài về cam kết nghiêm túc của Hiệp hội cũng như khả năng hiện thực hóa các kế hoạch hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN.

2. Vua Thái Lan phê chuẩn ông A-bi-xít làm Thủ tướng

Ngày 17-12-2008, Nhà Vua Thái Lan Phu-mi-phôn A-đun-da-đệt (Bhumibol Adulyadej) ký Sắc lệnh Hoàng gia chính thức bổ nhiệm Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) A-bi-xít Vây-gia-gi-va (Abhisit Vejjajiva) làm Thủ tướng thứ 27 của nước này. Trong diễn văn tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng A-bi-xít Vây-gia-gi-va nhấn mạnh việc giải quyết những mâu thuẫn kéo dài trong nước và nhiệm vụ đầu tiên của ông là chấm dứt "hệ thống chính trị suy yếu", đồng thời khôi phục nền kinh tế đã bị tổn hại nghiêm trọng sau 6 tháng rối loạn chính trị. Tân Thủ tướng Thái Lan tuyên bố sẽ đến thăm vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi có đông dân nghèo và vốn được coi là "thành trì" của lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Thạc-xỉn Xin-vắt nhằm thúc đẩy đất nước phát triển cả về kinh tế và chính trị, và khôi phục hình ảnh trước đây của Thái Lan trong lòng bạn bè thế giới. Trước đó, ông A-bi-xít đã cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách dân túy của chính phủ tiền nhiệm.

3. Tổng thống đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma giành danh hiệu “Nhân vật của năm 2008”

Ngày 17-12-2008, sau nhiều tuần thảo luận giữa các biên tập và phóng viên, Tạp chí Mỹ “Time” tuyên bố đã bầu Tổng thống Mỹ mới đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma là “Nhân vật của năm 2008” kèm theo lời giải thích là do “ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã tự tin vạch ra một tương lai đầy tham vọng cho nước Mỹ vào thời khắc đen tối’’. Tạp chí “Time” cho rằng, Ba-rắc Ô-ba-ma đã thể hiện năng lực khiến người Mỹ hy vọng ông có thể chiến thắng và vì thế đã chinh phục hoàn toàn công chúng Mỹ, mặc dù trước đó hai năm, 50% người Mỹ chưa từng nghe nói về ông.

4. OPEC quyết định giảm sản lượng khai thác dầu 2,2 triệu thùng mỗi ngày

Ngày 17-12-2008, OPEC nhóm họp đãnhất trícắt giảm sản lượng khai thác dầu 2,2 triệu thùng mỗi ngày- mức cắt giảm trong một lần kỷ lục của tổ chức này. OPEC đã cắt giảm sản lượng hai lần kể từ tháng 9-2008, đưa khối căt giảm tổng cộng 4,2 triệu thùng mỗi ngày trong vòng 4 tháng qua. Bất chấp mức cắt giảm kỷ lục, giá dầu tiếp tục trượt dốc khi dữ liệu thống kê ở Mỹ cho thấy bằng chứng mới về sự tụt giảm nhu cầu. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11-2008 tại Mỹ giảm xuống còn 39,94 mỗi thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu tụt xuống dưới mức 40 USD kể từ tháng 7-2004. Quyết định cắt giảm của OPEC sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2008 nhưng một vấn đề lớn đối với OPEC là liệu các thành viên có thực sự cắt giảm theo cam kết hay không. Một số nhà phân tích nghi ngờ lần cắt giảm này sẽ giúp đẩy giá dầu lên cao hơn ngay cả khi các thành viên giữ đúng cam kết.

5. Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê về hội nhập và phát triển (CALC)

Ngày 18-12, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê về hội nhập và phát triển (CALC) đã bế mạc. Hội nghị thông qua một tuyên bố đặc biệt yêu cầu chính quyền của Tổng thống đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma ngay lập tức dỡ bỏ lệnh bao vây, cấm vận chống Cu-ba trong gần nửa thế kỷ qua. Tuyên bố đặc biệt này cộng thêm việc Mỹ không được mời tham gia cuộc họp cho thấy, các nước Mỹ La-tinh ngày càng trở nên độc lập hơn và có sự đồng thuận chính trị cao hơn trong các vấn đề tại khu vực, trong khi Oa-sinh-tơn đang mất dần ảnh hưởng tại khu vực này. Với trọng tâm chương trình là các biện pháp tăng cường liên kết và hợp tác phát triển bền vững tại khu vực, đây là lần đầu tiên các nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê họp mà không phải do một thể chế bên ngoài triệu tập. Các quyết định đưa ra tại Hội nghị cho thấy, lãnh đạo các nước Mỹ La-tinh nhấn mạnh nhu cầu tăng cường liên kết, có được tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế, nhất trí xúc tiến thành lập Liên minh Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê trong một hội nghị khu vực, dự kiến diễn ra năm 2010 tại Mê-hi-cô. Sáng kiến này sẽ giúp 33 nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực các xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa.

6. Trung Quốc kỷ niệm 30 năm cải cách mở cửa

Ngày 18-12-2008, Trung Quốc tổ chức buổi lễ long trọng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh để kỷ niệm tròn 30 năm cải cách mở cửa. Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh, chính sách cải cách, mở cửa đã cung cấp nền tảng lý thuyết cho sự thịnh vượng của kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách cải cách và mở cửa vốn đã đưa nước này từ nghèo đói trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới sau 30 năm thực hiện.Kinh tế Trung Quốc kể từ đó đã tăng trưởng mạnh và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, sau Mỹ, Nhật Bản và Đức, thu nhập bình quân theo đầu người tăng vọt lên gần 19.000 nhân dân tệ (2.760 USD) năm 2007, so với 380 nhân dân tệ năm 1978.

7. Ngành ô tô Mỹ được Chính phủ giải cứu bằng 17,4 tỉ USD

Ngày 19-12-2008, Chính quyền của Tổng thống G.Bu-sơ quyết định cứu ngành ô tô Mỹ bằng cách cho các công ty sản xuất ô tô đang gặp khó khăn là GM, Chrysler và Ford vay 17,4 tỉ USD bởi không thể để mặc cho các công ty ô tô phá sản, vì làm như thế là “không có trách nhiệm". Theo Tổng thống G.Bu-sơ, “phá sản sẽ là một cú đòn đau không thể chấp nhận được với những người lao động chăm chỉở Mỹ". Một quan chức chính quyền cho biết, khoảng 13,4 tỉ USD sẽ được cung cấp ngay trong tháng 12-2008 và tháng 1-2009, số còn lại sẽ được cấp sau. Theo đó, General Motors Corp sẽ nhận được 9,4 tỉ USD, Chrysler - 4 tỉ USD. Đây là hai công ty từng tuyên bố sẽ không thể thanh toán các hoá đơn nếu không có sự trợ giúp của chính phủ liên bang. Ford Motor Co cho biết, họ chưa cần hỗ trợ ngay lập tức. Khoản 13,4 tỉ USD trên thuộc gói cứu nguy 700 tỉ USD dành cho các tổ chức tài chính. Chính phủ cũng đặt hạn chót là ngày 31-3-2009, các công ty ô tô Mỹ phải tự đứng vững, nếu qua thời hạn này mà họ không đưa ra được kế hoạch nào thì các khoản vay sẽ bị thu hồi.

8. NATO khôi phục quan hệ ngoại giao với Nga

Ngày 19-12-2008, Tổng thư ký NATO đã gặp phái viên Nga Rô-gô-din để nối các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa liên minh này với Mát-xcơ-va sau 4 tháng "đóng băng" quan hệ song phương kể từ cuộc chiến tranh Nam Ô-xê-ti-a hồi đầu tháng 8-2008. Phát biểu trước các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thư kí NATO, phái viên Nga cho biết, Nga ủng hộ Tổng thư ký NATO về mong muốn bắt đầu các cuộc đàm phán và đối thoại song phương cũng như khôi phục quan hệ giữa Nga với NATO. Ông Rô-gô-din tiết lộ thêm rằng, Hội đồng Nga - NATO sẽ tổ chức một cuộc gặp không chính thức ở cấp đại sứ vào tháng 1-2009. Phái viên Nga so sánh cuộc tiếp xúc giữa ông với Tổng thư ký NATO tại một nhà hàng của I-ta-li-a, gần trụ sở NATO, với việc các hiệp sĩ thời Trung cổ chạm cốc để rượu trong cốc của người này tràn sang cốc của người kia nhằm đảm bảo rằng thức uống của họ không có độc.

9. Mỹ và U-crai-na ký hết Thoả ước về đối tác chiến lược

Ngày 19-12-2008, Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ và Ngoại trưởng U-crai-na, ông Vla-đi-mia Ốc-rư-cô, đang ở thăm Mỹ, đã ký hết Thoả ước về đối tác chiến lược Mỹ - U-crai-na, theo đó, U-crai-na và Mỹ sẽ mở rộng quy mô các chương trình đang được xúc tiến trong các vấn đề quốc phòng và an ninh nhằm hoá giải các nguy cơ, thúc đẩy hoà bình và ổn định. Trong khuôn khổ Uỷ ban U-crai-na - NATO, hai bên sẽ tăng cường các biện pháp nhằm phối hợp tiềm lực của U-crai-na và NATO, trong đó có các biện pháp huấn luyện và trang bị cho quân đội U-crai-na. Hai bên sẽ thành lập Nhóm công tác về an ninh năng lượng, hiện đại hoá hạ tầng cơ sở vận chuyển khí đốt, tạo điều kiện cho U-crai-na độc lập về nguồn nhiên liệu hạt nhân. Phía Mỹ sẽ tiếp tục mỗ lực hành động để kết nạp U-crai-na vào NATO./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 8-12 đến 14-12-2008)