TCCSĐT - Có nhiều cách tiếp cận nghiên cứu cơ cấu xã hội và sự biến đổi cơ cấu xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung xem xét cách tiếp cận nghiên cứu biến đổi cơ cấu xã hội theo lý thuyết xung đột. Xã hội bao giờ cũng tồn tại thành một hệ thống với các mối liên hệ biện chứng với nhau giữa các thành tố của nó. Xung đột là một hiện tượng xã hội đặc biệt, luôn tạo ra sự vận động và biến đổi của hệ thống xã hội. 


Về lý thuyết xung đột

Xã hội luôn tồn tại với tư cách là một chỉnh thể thống nhất của các thành tố với một cơ cấu hợp lý vừa ổn định vừa bất định. Sự thống nhất của xã hội chính là sự thống nhất của các mâu thuẫn bởi các mặt đối lập của cơ cấu xã hội. Vì vậy, không một cơ cấu xã hội nào tránh khỏi mâu thuẫn - xung đột. Mọi sự vận động của xã hội đều xoay quanh xung đột và thống nhất. Nói cách khác, xã hội luôn tồn tại trong trạng thái xung đột và thỏa thuận, hòa hợp.

Có thể nói xung đột là một tất yếu của sự vận động và phát triển xã hội. Bản thân sự phân chia xã hội thành giai cấp, tầng lớp, tập đoàn, nhóm, cá thể đã cho thấy về mặt tự nhiên đó là nguồn gốc của xung đột. Cơ cấu xã hội càng phức tạp, xã hội càng phân chia thì càng nhiều lợi ích, mục đích, giá trị bất tương đồng, mâu thuẫn... đó chính là nguồn gốc tiềm tàng của nhiều mâu thuẫn, xung đột, bất ổn xã hội.

Xung đột là những kiểu tác động xã hội mà chủ thể và người tham gia trong đó là các cá nhân, giai cấp, tập đoàn, nhóm và các tổ chức xã hội. Xung đột là những mâu thuẫn giữa các nhóm xã hội khác nhau. Dĩ nhiên, không phải mâu thuẫn nào cũng phát triển đến xung đột mà chỉ mâu thuẫn gay gắt, mâu thuẫn đối kháng không thể dung hòa được, mang tính đối đầu mới dẫn đến xung đột. Cơ sở của xung đột xã hội là những mâu thuẫn xã hội - đó là những mâu thuẫn đối kháng, nhất là mâu thuẫn giữa các giai cấp đối lập trong xã hội. Nguyên nhân của các mâu thuẫn này lại do sự bất đồng về lợi ích, nhu cầu, mục đích.

Chức năng của xung đột xã hội

Xung đột là một cuộc đảo lộn xã hội có tác động mạnh mẽ đến đời sống các bên đối lập nói riêng và xã hội nói chung. Sự tác động ấy thực chất là thể hiện các vai trò, chức năng tích cực và tiêu cực của xung đột xã hội.

Xem xét xung đột xã hội, ta thấy chúng có một số chức năng tích cực sau: thúc đẩy sự phát triển xã hội khi nó làm bộc lộ và giải quyết các mâu thuẫn gay gắt trong quan hệ xã hội; làm ổn định và liên kết quan hệ trong nội bộ các bên tham gia xung đột và các tập đoàn khác, qua đó làm giảm căng thẳng xã hội; trong sự đảo lộn xã hội, xung đột làm tăng cường lực các liên kết và quan hệ, kích thích các quá trình xã hội, khuyến khích sáng tạo và kích thích tính năng động thúc đẩy tiến bộ xã hội; thúc đẩy quá trình nhận thức về các lợi ích của bản thân và đối thủ trong xung đột; góp phần tiếp nhận thông tin từ môi trường xã hội xung quanh; góp phần đoàn kết, thống nhất nội bộ các giai cấp, tập đoàn, nhóm xã hội. Ngoài ra, xung đột xã hội còn góp phần nhận diện các “đối tác” và “đối tượng”, bạn và thù trong các quan hệ xã hội; xung đột cũng chỉ rõ vị trí, vai trò, lợi ích và mục tiêu của các bên tham gia xung đột, qua đó tạo lập ý thức về sự cân bằng xã hội; trong xã hội cởi mở, xung đột có chức năng là “van an toàn’ của xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh các chức năng tích cực, xung đột cũng có những chức năng tiêu cực. Đó là: dẫn tới tình trạng đảo lộn, hỗn độn và mất ổn định xã hội; sự an toàn và trật tự không được bảo đảm; sinh mạng của con người bị đe dọa trong suốt quá trình diễn ra xung đột; khi bạo lực diễn ra nó đưa đến những thiệt hại to lớn cho xã hội cả con người và của cải; hậu quả của xung đột là để lại sự tổn thất lớn cả về vật chất và tinh thần một cách lâu dài; làm gián đoạn hoặc sai lệch sự phát triển và tiến bộ xã hội...

Chủ thể và khách thể xung đột

Các chủ thể tham gia xung đột. Chủ thể xung đột đó là bên tích cực có năng lực tạo ra tình thế xung đột và chi phối quá trình xung đột phù hợp với lợi ích của mình. Chủ thể xung đột khi tham gia đối đầu tự giác là nhằm theo đuổi và bảo vệ mục đích, lợi ích, nhu cầu của mình. Người tham gia xung đột có thể tự giác hoặc không tự giác và cũng có thể không ý thức được mục đích, nhiệm vụ đối kháng khi tham gia xung đột, hoặc có thể thụ động bị lôi kéo vào xung đột. Tuy nhiên trong quá trình xung đột cũng có thể diễn ra sự thay thế và đổi chỗ giữa chủ thể và người tham gia xung đột. Người ta còn phân biệt người tham gia trực tiếp và người tham gia gián tiếp xung đột. Người tham gia gián tiếp là các thế lực theo đuổi những lợi ích riêng của mình trong các cuộc xung đột của người khác. Đôi khi người ta còn coi người tham gia gián tiếp là “bên thứ ba”, “người tham gia thứ ba”, “đối tượng trung gian, - họ thực chất là lợi dụng xung đột để kiếm lợi, đạt các mục tiêu riêng của mình...

Bên cạnh đó, người ta còn bàn tới quy chế xã hội, lực và môi trường xung quanh. Quy chế xã hội là nhân tố gây ảnh hưởng đến vị thế của chủ thể và người tham gia trong các cuộc xung đột. Lực trong xung đột xã hội là khả năng và năng lực của các bên xung đột hiện thực hóa các mục tiêu của mình mặc dù gặp sự chống đối quyết liệt của đối thủ. Lực đó là toàn bộ nguồn lực trực tiếp vận hành trong cuộc đối đầu cũng như tiềm ẩn. Môi trường xung quanh cũng là một trong những yếu tố tham gia cơ cấu xung đột. Nó bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Khách thể của xung đột. Khách thể xung đột đó là nguyên nhân, động cơ, động lực cụ thể của xung đột. Khách thể được phân ra thành 3 loại: loại không thể phân chia thành các phần và không thể hợp sức cùng ai để chế ngự chúng; loại có thể phân chia theo những tỷ lệ khác nhau giữa những người tham gia xung đột; và, các khách thể mà cả hai bên xung đột có thể hợp sức chế ngự chúng. Xác định khách thể các cuộc xung đột không hề đơn giản bởi lẽ các bên tham gia xung đột có thể theo đuổi mục tiêu thực hoặc mục tiêu ảo, có thể dấu giếm, che đậy, ngụy trang, đánh lộn các động cơ dẫn đến sự đối đầu giữa họ. Việc xác định khách thể một cách chính xác là điều kiện để giải quyết có hiệu quả các xung đột. Trái lại, xung đột sẽ không được giải quyết hoặc giải quyết không triệt để nếu các khách thể gây nên xung đột vẫn tồn tại đâu đó hoặc ở dạng tiềm năng.

Các hình thức và các giai đoạn phát triển xung đột cơ bản

Các hình thức xung đột

Dựa vào nguyên nhân xung đột, người ta chia xung đột thành 3 loại: Xung đột về quyền lực và vị trí quyền lực hiện có của các chủ thể; xung đột về vật chất; và, xung đột về các giá trị, lối sống. Dựa vào hình thức, phương pháp và cường lực xung đột, chia xung đột thành xung đột bạo lực và không bạo lực, công khai và ngấm ngầm; mạnh và yếu... Dựa vào thời gian, chia xung đột dài hay ngắn; Dựa vào qui mô, chia xung đột thành cục bộ và toàn thể. Dựa vào nguyên nhân xung đột và nhận thức của chủ thể, người ta chia xung đột thành: Xung đột giả, xung đột tiềm năng, xung đột thực, xung đột có tính xây dựng, xung đột ngẫu nhiên, xung đột lẫn lộn, xung đột bị gán ghép sai sự thật...

Các giai đoạn phát triển của xung đột

Tiền xung đột. Xã hội tồn tại trong các quan hệ và mâu thuẫn lẫn nhau, trong đó, có những mâu thuẫn được các chủ thể tiềm năng nhận thức là những mặt đối lập cơ bản về lợi ích, mục đích, nhu cầu... ngày càng trở nên căng thẳng và gay gắt sẽ phát triển thành xung đột. Giai đoạn tiền xung đột bao giờ cũng xuất hiện các căng thẳng xã hội trong một môi trường xã hội phức tạp. Căng thẳng xã hội đó là trạng thái tinh thần của cá nhân, nhóm hoặc cả cộng đồng. Nguyên nhân của căng thẳng xã hội có thể là sự tổn thương về lợi ích, nhu cầu, mục đích, giá trị của mọi người hoặc sự nhận thức không đúng về những diễn biến của các quan hệ xã hội; hoặc, thông tin bị bóp méo, bị thổi phồng mang tính đánh tráo thông tin nhằm mục đích kích động...

Có thể chia tiền xung đột thành 3 thời kỳ sau: phát sinh mâu thuẫn giữa các chủ thể tranh chấp, gia tăng căng thẳng, các yêu sách đơn phương, giảm tiếp xúc và tích tụ oán hận; Khẳng định tính đúng đắn của yêu sách đơn phương, buộc tội đối phương, xuất hiện thái độ định kiến và hằn học; Phá bỏ các quan hệ tương tác, xuất hiện sự đe dọa, tăng cường gây sự, xây dựng hình ảnh kẻ thù và chuẩn bị tranh chấp... Như vậy xung đột từ dạng tiềm năng đã dần trở nên rõ nét và công khai. Tuy nhiên, như thế vẫn chỉ là tiền xung đột, muốn trở thành xung đột phải có lý do chính đáng - đó là cái cớ. Cớ chẳng qua chỉ là một cái lý do “vớ vẩn” bề ngoài để khởi sự cuộc đụng độ giữa các bên. Cái cớ là kết quả tất yếu của quá trình tích tụ căng thẳng giữa các bên nhưng nhiều khi nó lại xuất hiện một cách rất ngẫu nhiên.

Cái cớ đánh dấu sự chuyển hóa của xung đột sang một chất mới (từ tiềm năng xung đột sang xung đột thực sự). Đó là quá trình tất yếu những thay đổi về lượng dẫn đến nhảy vọt về chất. Chính ở tình thế này có các kịch bản như sau: các bên tìm cách dàn xếp mâu thuẫn nảy sinh và nhượng bộ; một trong số các bên tỏ vẻ cho vấn đề không có gì nghiêm trọng (lảng tránh xung đột); và, cớ thực sự là tín hiệu khởi sự cho đối đầu công khai. Trong 3 kịch bản này, lựa chọn kịch bản nào là do các bên xung đột tự quyết định. Tuy nhiên, quyết định lựa chọn kịch bản nào đó là do sự tính toán các lợi ích của mỗi bên tham gia xung đột.

Phát triển xung đột. Đây là giai đoạn các bên đối đầu sử dụng các hành động tấn công, chống lại nhau. Theo đó có ba dạng hành vi xung đột: hành vi chủ động (tấn công), hành vi bị động (đáp trả) và hành vi nhượng bộ (thương lượng). Phát triển xung đột thường qua các giai đoạn: - Từ trạng thái tĩnh (án binh) sang trạng thái động (khởi). Lúc này tranh chấp mới xẩy ra mang tính thăm dò, hạn chế nguồn lực và cục bộ. Đây cũng là cơ hội để tìm cách hóa giải xung đột tìm cách giải quyết mâu thuẫn bằng phương pháp khác; - Xung đột leo thang, đối đầu căng thẳng. Các bên bắt đầu huy động mọi nguồn lực và tiềm năng của mình dồn sức cho xung đột. Thời điểm này cơ hội chấm dứt xung đột bằng biện pháp hòa bình hầu như không còn. Xung đột phát triển mạnh mẽ các bên không thể kiểm soát được; - Xung đột phát triển đến đỉnh điểm, cao trào, các bên huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cho cuộc đối đầu. Đó là một cuộc chiến mang tính tổng lực một mất một còn. Đây là giai đoạn các bên chỉ có một mục tiêu duy nhất là tiêu diệt đối thủ và nguyên nhân, mục đích của cuộc xung đột hầu như đã bị lãng quên.

Giải quyết xung đột. Chính trong quá trình phát triển xung đột mà các bên cũng từng bước nhận thức đúng hơn về mình và đối thủ; đồng thời, cũng nhận thức rõ các lợi ích và mục tiêu của mình là nguyên nhân thúc đẩy gây ra xung đột. Vì lẽ đó, sau khi xung đột phát triển đến cao trào, đỉnh điểm sẽ xuất hiện một tình thế mới của xung đột đó là khả năng chấm dứt xung đột. Vào thời điểm này có thể xuất hiện các kịch bản chấm dứt xung đột sau: Bên mạnh hơn nắm quyền đưa ra điều kiện đơn phương chấm dứt xung đột; chiến đấu đến cùng để phân thắng bại; do cả hai bên gặp khó khăn về nguồn lực nên xung đột nhùng nhằng kéo dài; do hai bên đều thiệt hại nặng nề dẫn đến không thể phân biệt được kẻ thắng người thua; xung đột được giải quyết do lực lượng thứ ba đứng ngoài xung đột.

Để chấm dứt xung đột có nhiều cách, nhưng nhìn chung có thể là: loại bỏ khách thể xung đột; loại bỏ một bên tham gia xung đột; thay đổi tính chất của khách thể và chủ thể xung đột; thay đổi lập trường và thái độ của các bên tham gia xung đột; công bố những thông tin mới về khách thể hoặc áp đặt cho nó những điều kiện để bổ sung; ngăn chặn, tách rời những người đối đầu không để họ tiếp xúc trực tiếp; thuyết phục các bên chấp nhận trọng tài phân giải...

Cuối cùng thời kỳ giải quyết xung đột là đàm phán qua đây chính thức hóa về mặt pháp lý các vấn đề hai bên thỏa thuận chấp nhận. Dĩ nhiên, trước khi tiến hành đàm phán các bên phải cùng thống nhất đình chiến tạm thời. Cơ sở của đàm phán phải là sự nhượng bộ của các bên, họ phải nhường nhịn hoặc chấp nhận nhau, bỏ qua những lợi ích tranh chấp cùng hướng tới giải quyết những vấn đề tồn tại.

Hậu xung đột. Chấm dứt cuộc chiến giữa các bên không có nghĩa xung đột đã kết thúc hoàn toàn. Nó như thế nào, phụ thuộc vào các khía cạnh sau: mục tiêu của các bên đã đạt được như thế nào trong xung đột và trong đàm phán; tranh chấp đã diễn ra theo cách thức nào; các bên bị tổn thất ra sao; sau khi ký kết chấm dứt xung đột các căng thẳng đã được giai tỏa chưa; đàm phán dựa trên cơ sở nào; lợi ích của các bên đã thỏa đáng chưa; sự thỏa thuận là kết quả của sự áp đặt hay sự cùng tìm kiếm cách giải quyết xung đột; phản ứng của xung quanh đối với xung đột của các bên là như thế nào?

Dù cách giải quyết xung đột như thế nào thì sự căng thẳng, sự oán hận trong xã hội giữa các đối thủ cũng rất khó dỡ bỏ và chúng thường tồn tại trong một thời gian dài; thậm chí, có những cuộc xung đột di chứng kéo dài hàng chục năm và phải đến thế hệ mới thì sự căng thẳng và oán thù mới dần được cởi bỏ. Cá biệt có những di chứng trở thành sự hận thù truyền kiếp mang tính tiềm thức giữa các đối thủ.

Hậu xung đột đánh dấu sự xuất hiện của những lực lượng và quan hệ mới với so sánh lực lượng mới, thái độ mới của các bên, xã hội cũng nhìn nhận các bên từng xung đột theo cách mới... tóm lại, đó là một giai đoạn phát triển mới của đời sống xã hội.

Một số lý thuyết về xung đột

Có nhiều cách tiếp cận về xung đột khác nhau do đó cũng có những hệ thống lý thuyết xung đột khác nhau. Xin nêu hai cách tiếp cận về xung đột: tiếp cận xã hội học và tiếp cận tâm lý học.

Tiếp cận Xã hội học về xung đột. Trong xã hội học, xung đột được xem là một nhân tố tất yếu của đời sống xã hội, nó diễn ra một cách phổ biến cả về qui mô và phạm vi không - thời gian, vì lẽ đó nó được xem xét theo những chiều cạnh khác nhau. Đó là, xung đột không chỉ diễn ra các hành động chống đối nhau mà còn diễn ra cả những hành động nhằm giải quyết xung đột theo nhiều cách khác nhau (như hòa giải, thỏa hiệp, rút lui...); xung đột có nhiều nguồn gốc khác nhau và bản thân mỗi cuộc xung đột có một nguyên nhân riêng; xung đột có thể diễn ra giữa cộng đồng này, tập đoàn này với cộng đồng khác, tập đoàn khác, cũng có thể chỉ diễn ra trong nội bộ một cộng đồng hay một tập đoàn; ganh đua, cạnh tranh trong nhiều trường hợp cũng được coi là một dạng xung đột. Xuất phát từ những quan niệm này, các nhà xã hội học đã đưa ra lý thuyết vai trò, lý thuyết tập đoàn để xem xét và giải thích các cuộc xung đột xã hội.

Tiếp cận Tâm lý học về xung đột. Xung đột là một sự biến xã hội nó nảy sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng trong đó sự căng thẳng về tâm lý xã hội cũng như tâm lý cá nhân của các chủ thể tham gia xung đột cũng đóng vai trò không nhỏ trong quá trình diễn ra xung đột và dĩ nhiên nó cũng để lại những di chứng nặng nề về tâm lý cho xã hội sau xung đột. Tuy nhiên không giống các nhà xã hội học, các nhà tâm lý học nhìn nhận xung đột theo khía cạnh tích cực của sự “tiếp biến” - phát triển xã hội. Một số lý thuyết tâm lý học về xung đột thường được nhắc đến là: lý thuyết tiếp biến văn hóa, lý thuyết trung tâm - ngoại vi và lý thuyết chủ nghĩa thực dụng nội địa, lý thuyết xã hội nhiều thể chế và lý thuyết tái khẳng định dân tộc...

Lý thuyết xung đột có vai trò đặc biệt quan trọng để phân tích xã hội trong quá trình vận động và phát triển. Nó là sự bổ sung quan trọng cho lý thuyết hình thái kinh tế - xã hội, đấu tranh giai cấp, cách mạng không ngừng, lý thuyết vai trò - cấu trúc - chức năng. Ngoài ra, lý thuyết xung đột cho ta một cái nhìn xã hội một cách lạc quan hơn, ngay cả khi sự xung đột được xem là mang lại những hậu quả không mấy tích cực. Tuy nhiên, lý thuyết xung đột cũng bị phê phán gay gắt bởi nó chưa nhận thức đúng tính trật tự và bền vững của xã hội. Xã hội theo thuyết xung đột là vận động và biến đổi không ngừng trong khi đó thực ra đó cũng chỉ là một mặt của sự tồn tại xã hội, thực ra, sự ổn định, bền vững cũng là một thuộc tính căn bản của tồn tại xã hội./.