Lạc Dương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
TCCSĐT - Lạc Dương là huyện miền núi cao nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng. Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện đã có những bước chuyển đáng kể, người dân đã từng bước chuyển đổi phương pháp sản xuất truyền thống sang áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua
Ngày 31-12-2015 Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch số 112/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016, trong đó xác định kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp là định hướng hình thành các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản cho nông dân, tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là chú trọng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả khá khả quan như sau:
Trước hết, Ủy ban Nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm nông nghiệp triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và bà con nông dân tham gia chuyển đổi một phần diện tích cây cà phê, cây hồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như rau, hoa, atisô, dâu tây... sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình sản xuất.
Thứ hai, thực hiện lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, chính sách tín dụng của các ngân hàng cùng với nguồn vốn tự có của người dân. Cụ thể như sau: Tổng nguồn vốn: 1.965,25 triệu đồng, trong đó: Nhà nước hỗ trợ: 1.286,2 triệu đồng; vốn tín dụng: 554,05 triệu đồng; người dân tự đóng góp: 225 triệu đồng.
Thứ ba, triển khai thực hiện mô hình Mô hình trồng dâu tây trong nhà kính trên địa bàn thị trấn Lạc Dương với quy mô thực hiện 0,1 ha. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ giống dâu tây New Zealand (cấy mô) và xơ dừa với tổng số tiền 99,45 triệu đồng, hộ dân tham gia thực hiện mô hình tự bỏ vốn đầu tư xây lắp nhà kính, hệ thống tưới... Sau 04 tháng triển khai, cây dâu tây sinh trưởng, phát triển tốt và thích nghi với điều kiện khí hậu tại huyện Lạc Dương. Từ tháng thứ 5 trở đi, cây dâu tây đã cho sản phẩm, cụ thể như sau: tháng thứ 5 sau trồng thu được 10kg/1 lần hái, tháng thứ 6 là 20 kg/1 lần hái. Dự kiến từ tháng thứ 7 trở đi là 30kg đến 40 kg/1 lần hái với giá bán 180.000 đồng; ước doanh thu 1 năm khoảng 570 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và khấu hao nhà kính lợi nhuận thu được 1 năm khoảng 300 triệu đồng/0,1ha. Từ năm thứ hai trở đi ước doanh thu khoảng 900 triệu, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 500 triệu đồng.
Thứ tư, triển khai thực hiện mô hình Mô hình trồng hoa Cúc trong nhà kính tại địa bàn 02 xã Đạ Nhim và Đạ Chai với quy mô 500 m2/01 hộ/01 xã. Người dân được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng nhà kính, lắp đặt hệ thống tưới, hỗ trợ kinh phí mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với tổng kinh phí 99,91 triệu đồng/1 mô hình và cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống mô hình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa cúc cho các hộ dân tham gia thực hiện mô hình. Đồng thời, xúc tiến liên kết với Công ty Ngọc Mai Trang ký hợp đồng để tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, công ty còn cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nông nghiệp hướng dẫn nông hộ thực hiện mô hình. Qua quá trình triển khai thực hiện mô hình trồng hoa Cúc chùm bước đầu đã cho kết quả khả quan. Mô hình được Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá đạt hiệu quả. Sau 3 tháng thực hiện, mỗi mô hình đạt doanh thu khoảng 20 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và khấu hao nhà kính, lợi nhuận thu được khoảng 10 - 12 triệu đồng. Như vậy, với 0,1ha lợi nhuận 1 vụ trồng hoa cúc thu được khoảng 25 triệu đồng. Dự tính 01 năm thực hiện được 04 vụ thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng /0,1ha.
Thứ năm, Mô hình trồng cây Atisô trái vụ, được triển khai thực hiện tại địa bàn thị trấn Lạc Dương. Mô hình đầu tư hỗ trợ cho 03 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số với quy mô 0,1ha/01 hộ. Hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới, kinh phí mua cây giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với tổng kinh phí 99,91 triệu đồng. Qua 8 tháng triển khai thực hiện, các mô hình Atisô sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai cũng như trình độ canh tác của người đồng bào dân tộc thiểu số, vốn đầu tư không cao.
Thứ sáu, triển khai Nguồn vốn Khoa học công nghệ và Nguồn vốn Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ thực hiện được 0,2ha/2 hộ/2 mô hình tại địa bàn xã Đạ Nhim. Kinh phí thực hiện mô hình là 104,8 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 74,8 triệu đồng, hộ dân đối ứng 30 triệu đồng. Với thời gian sinh trưởng là 01 năm. Trung tâm nông nghiệp được giao chủ trì thực hiện đã hướng dẫn các hộ dân gieo hạt từ tháng 10-2016. Qua 02 tháng triển khai thực hiện, mô hình đang phát triển tốt. Đơn vị chủ trì vẫn đang tiếp tục theo dõi và báo cáo hội đồng khoa học - công nghệ huyện trong năm 2017. Đối với nguồn vốn này, định suất hỗ trợ cho các mô hình là Nhà nước hỗ trợ 30% tổng kinh phí thực hiện, người dân đóng đối ứng 70%. Trong năm 2016, đã triển khai thực hiện được 02 mô hình.
Thứ bảy, đối với Mô hình hỗ trợ nhà kính để trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao, thực hiện xây dựng mới 0,45 ha nhà kính/03 mô hình (02 hộ 0,1ha, 01 hộ 0,25ha) để các hộ dân trồng rau, hoa theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; tổng kinh phí thực hiện là 576,55 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 172,97 triệu đồng, hộ dân đối ứng 403,59 triệu đồng. Sau khi được hỗ trợ xây dựng nhà kính, các hộ dân đã tiến hành trồng các loại rau, hoa như: Pó xôi, xà lách xoăn, tần ô, hoa cúc các loại, hoa cát tường, ly ly, cẩm chướng. Đến nay, các mô hình này đã phát huy hiệu quả cho thu nhập ổn định, hạn chế sâu bệnh và không chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, giảm rủi ro trong quá trình sản xuất. Bình quân 0,1ha trồng các loại rau lợi nhuận thu được khoảng 90 đến 100 triệu đồng/năm; trồng hoa các loại cho lợi nhuận bình quân 100 triệu đến 200 triệu đồng/năm (cẩm chướng, cát tường, hoa hồng…).
Thứ tám, triển khai Mô hình trồng cây Atisô ngoài trời. Đã chỉ đạo xây dựng được 05 mô hình/05 hộ dân/1,6ha tại xã Đạ Nhim. Tổng vốn thực hiện là 310,4 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 93,12 triệu đồng (bao gồm kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tự động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), người dân đối ứng 217,28 triệu đồng. Qua 6 tháng triển khai thực hiện, các mô hình Atisô sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, cũng như trình độ canh tác của người đồng bào dân tộc thiểu số, vốn đầu tư không cao. Đến nay Atisô đã bắt đầu ra bông. Giá bán hiện nay trên thị trường cho 1 kg bông Atisô là 150.000 đồng. Lá tươi 1.000 đồng/kg. Ước doanh thu 1 gốc Atisô từ thân, rễ, lá, bông 1 năm là 200.000 đồng/gốc. Từ đó cho thấy, 1 năm trồng cây atisô với diện tích 0,1 ha cho doanh thu khoảng 136 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư lợi nhuận thu được khoảng 80 - 90 triệu đồng.
Những khó khăn và thách thức
Trong quá trình thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Lạc Dương còn nhiều khó khăn, thách thức nhất định cần phải giải quyết, đó là: Việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà kính mặc dù đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, tuy nhiên, vốn đầu tư ban đầu cao nên người dân không có đủ tiền để đầu tư, do đó, các mô hình nhân rộng chủ yếu được xây dựng trên địa bàn thị trấn, còn địa bàn các xã khác chỉ có khoảng một, hai hộ người dân tộc thiểu số có khả năng tự đầu tư nhà kính để sản xuất rau, hoa. Việc triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013, của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để đầu tư hỗ trợ sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Định mức hỗ trợ, nguồn vốn đầu tư các mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính còn chưa nhiều do nguồn vốn đầu tư ít. Mỗi xã chỉ được đầu tư từ 2 - 3 nhà kính (xã Lát 0,15ha, Đạ Chai 0,15 ha, Đạ Nhim 0,15ha, Đạ Sar 0,1ha) chủ yếu từ nguồn vốn khoa học - công nghệ nên người dân chỉ phải đóng đối ứng 1 phần hệ thống tưới và công lao động. Riêng nguồn vốn nông nghiệp công nghệ cao, định suất hỗ trợ của Nhà nước là 30%, còn lại hộ dân đối ứng 70% nên nguồn vốn này rất khó triển khai thực hiện tại các xã, nhất là đối với hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc nhân rộng các mô hình vào sản xuất còn chậm. Người dân thiếu vốn đầu tư sản xuất, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, giá cả nông sản bấp bênh. Một số mô hình sau khi chuyển giao kỹ thuật xong, việc duy trì và phát triển của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có những mô hình không còn duy trì được. Công tác quản lý Nhà nước về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng còn gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình, mặc dù đã liên kết với một số doanh nghiệp, công ty để ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho người dân nhưng số lượng thu mua chưa nhiều. Nguyên nhân là do chất lượng sản phẩm của người dân chưa đúng với tiêu chuẩn đề ra, mẫu mã hàng hóa chưa đáp ứng so với yêu cầu của thị trường nên chủ yếu người dân bán sản phẩm cho thương lái. Một số hộ dân sử dụng điện sinh hoạt để tưới cho cây trồng nên chi phí đầu tư lớn dẫn đến lợi nhuận chưa cao. Sự phối kết hợp của các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền đôi lúc chưa kịp thời,…
Cần nhiều giải pháp và những mục tiêu cho thời gian tới
Phấn đấu năm 2017, từ các nguồn vốn tập trung hỗ trợ xây dựng đồng bộ 08 mô hình nhà kính và hệ thống tưới tự động trên 0,5 ha cho các hộ dân. Lồng ghép các nguồn vốn thực hiện ít nhất là 30 mô hình hỗ trợ hệ thống tưới phun tự động phục vụ sản xuất rau, hoa. Tập trung ưu tiên thu hút đầu tư đối với các xã vùng sâu, vùng xa, phấn đấu thu hút từ 1 - 2 doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn xã Đưng Knơh. Tổ chức tổng kết thực tiễn tất cả các mô hình được đầu tư năm 2017 trên địa bàn toàn huyện.... Trong thời gian tới, Lạc Dương cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả trên địa bàn huyện, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung. Đẩy mạnh sản xuất rau, hoa, dâu tây, dược liệu theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng Lạc Dương thành khu vực vệ tinh của thành phố Đà Lạt về sản xuất rau, hoa:
Một là, Ủy ban mặt trận và các đoàn thể cùng với các phòng, ban chuyên môn và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn các xã tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, atiso, dâu tây để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Hai là, bằng các nguồn vốn chương trình, dự án được phân bổ hằng năm lồng ghép với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình Nông thôn mới, nguồn vốn giảm nghèo ưu tiên hỗ trợ cho việc phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ có nhu cầu chuyển đổi sang trồng rau hoa tập trung ở các xã Đa sar, Đa Nhim, xã Lát, thôn Lán Tranh (xã Knớ). Lồng ghép các nguồn vốn được phân bổ hằng năm để hỗ trợ cho người dân ưu tiên cho người đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng nhà kính sản xuất rau, hoa có giá trị kinh tế cao nhằm mục đích tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ba là, tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Mô hình sản xuất rau, hoa, dâu tây, Atisô… Trong đó, tăng cường nhân rộng mô hình liên kết sản xuất ở xã Đa Sar ra các xã Đa Nhim, xã Lát, thôn Lán Tranh (xã Đưng Knớ). Vận động bà con nông dân chuyển đổi một phần diện tích càphê già cỗi, cho năng suất, chất lượng thấp sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như: rau, hoa các loại, dâu tây và cây dược liệu.
Bốn là, huy động tối đa các nguồn vốn vay tín dụng theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013, của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09-6-2015, của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để đầu tư hỗ trợ sản xuất.
Năm là, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân có đất nông nghiệp sản xuất ổn định. Từ đó, người dân có điều kiện vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất.
Sáu là, chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các công ty đóng trên địa bàn mở các lớp dạy nghề trồng rau, hoa các loại, trồng dâu tây trong nhà kính… ứng dụng công nghệ cao để người dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, tạo nguồn lao động cho các công ty giúp người dân tăng thu nhập ổn định đời sống. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm nông nghiệp thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống địa bàn, tăng cường kiểm tra, theo dõi các mô hình đang được triển khai để hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, giúp người dân kịp thời tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bảy là, triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời khuyến khích thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất tạo chuỗi giá trị cho nông sản. Tiếp tục liên kết với các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện để cung ứng trước vật tư, phân bón.., đồng thời thu mua sản phẩm cho người dân tạo đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất./.
Tọa đàm kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga  (24/11/2017)
Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ tổn thương ven biển Việt Nam  (24/11/2017)
Khánh Hòa xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ  (24/11/2017)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đại sứ Singapore  (23/11/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên