Kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc năm 2021: Xác định các mục tiêu, định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035
TCCS - Từ ngày 4-3 đến 10-3-2021, Trung Quốc đã lần lượt tổ chức hai kỳ họp của Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (gọi tắt là Lưỡng hội). Diễn ra theo thời gian như thông lệ hằng năm (tháng 3), Lưỡng hội Trung Quốc năm 2021 đã thông qua Nghị quyết về đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) và tầm nhìn đến năm 2035, phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thông qua Quy chế bầu cử của đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc)...
Kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc năm 2021 đánh dấu mốc cho khởi đầu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, tạo cơ hội cho mục tiêu phát triển kinh tế mới và thực hiện chính sách kinh tế tuần hoàn kép, cũng như tạo cơ hội cho giới lãnh đạo vạch kế hoạch dài hạn.
Các mục tiêu, định hướng phát triển của Trung Quốc
Trong Báo cáo công tác chính phủ năm 2021, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh những mục tiêu quan trọng của Chính phủ Trung Quốc, trong đó:
Thứ nhất, về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2021, Trung Quốc xác định: Một là, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt trên 6%. Tại khu vực thành thị, số lượng việc làm mới dự kiến tăng 11 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát trong khoảng 5,5%; mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào khoảng 3%. Thực hiện chính sách tài khóa bền vững, ổn định, hóa giải các rủi ro tài chính tiềm ẩn, kiên quyết phòng ngừa rủi ro chi tiêu trong bảo đảm (1). Tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế, phí, dành nhiều ưu đãi về thuế và phí cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hai là, đưa ra các chỉ số mục tiêu chính trong đề cương Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2035, với 20 chỉ tiêu chính thuộc 5 lĩnh vực, trong đó có 3 chỉ tiêu về phát triển kinh tế, 3 chỉ tiêu về định hướng đổi mới sáng tạo và 7 chỉ tiêu về sinh kế người dân, 5 chỉ tiêu về môi trường sinh thái xanh; triển khai một số dự án công trình lớn trên ba lĩnh vực khoa học - công nghệ, công trình kết cấu hạ tầng và dân sinh(2). Ba là, tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc chiến xóa đói - giảm nghèo, chuyển trọng tâm từ “xóa đói - giảm nghèo” sang “chấn hưng nông thôn”; đồng thời nhấn mạnh, chuẩn thoát nghèo của Trung Quốc không chỉ xét trên thu nhập cao hơn ngưỡng nghèo, vốn cao hơn ngưỡng nghèo cùng cực do Ngân hàng Thế giới (WB) quy định, mà còn tuân thủ nguyên tắc “hai không lo” (không lo ăn, không lo mặc) và “ba bảo đảm” (bảo đảm giáo dục bắt buộc, bảo đảm chăm sóc y tế cơ bản và bảo đảm an ninh nhà ở). Trong năm 2021, Trung Quốc sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ chấn hưng nông thôn với quy mô 156 tỷ nhân dân tệ (NDT) theo hướng xây dựng quy hoạch nông thôn có tính tương thích và thiết thực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, làm tốt dịch vụ xã hội và quản trị nông thôn. Bốn là, dự kiến tăng chi tiêu quốc phòng thêm 6,8% lên mức hơn 1,3 nghìn tỷ NDT trong năm 2021; đồng thời, đẩy nhanh hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, thực hiện thống nhất quan điểm nước giàu và cường quân. Năm là, khẳng định an ninh lương thực là vấn đề nước này hết sức coi trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chỉ đạo “phải nắm thật chắc quyền chủ động về an ninh lương thực”; cho biết 17 năm qua, sản lượng lương thực của Trung Quốc liên tục được mùa, 6 năm gần đây luôn duy trì trên 650 triệu tấn; lương thực bình quân đầu người của Trung Quốc hiện là 474 kg/người, cao hơn so với chuẩn an toàn lương thực quốc tế (400 kg); đồng thời khẳng định, Trung Quốc hoàn toàn có năng lực bảo đảm an ninh lương thực. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đưa ra nhiều phương án cụ thể, đề ra hàng loạt chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển lương thực, duy trì ổn định các chính sách trợ giá, đẩy mạnh triển khai các dự án bảo vệ đất canh tác, tăng cường khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.
Thứ hai, khẳng định tự chủ, tự cường và sáng tạo về khoa học - công nghệ. Điều này thể hiện quyết tâm “phải mạnh từ bên trong” của Trung Quốc, đồng thời cho thấy trong 5 năm tới, mục tiêu phát triển khoa học - công nghệ đối với Trung Quốc trở thành một vấn đề quan trọng hơn kinh tế. Mặc dù Trung Quốc đang có nhiều tiến bộ trong khoa học - công nghệ, nhưng vẫn còn phụ thuộc không ít vào Mỹ và các nước phương Tây (nhập khẩu linh kiện công nghệ cao). Theo đó, Trung Quốc cho rằng, nếu không đẩy mạnh khoa học - công nghệ, thúc đẩy lực lượng sản xuất thì mục tiêu hiện đại hóa đất nước khó có thể thực hiện được, do vậy, cần phải thay đổi để tạo ra bước đổi thay sức sản xuất.
Thứ ba, thông qua Quy chế bầu cử ở đặc khu hành chính Hong Kong. Theo đó, sẽ có một ủy ban đánh giá năng lực ứng cử viên để bảo đảm chỉ “những người yêu nước” mới đủ tiêu chuẩn tranh cử vào các cơ quan lập pháp. Việc Trung Quốc thông qua Luật An ninh quốc gia và thay đổi hệ thống bầu cử ở Hong Kong được xem là một trong những bước đi mạnh mẽ của chính quyền Trung Quốc đối với Hong Kong, cũng như thể hiện quyết tâm thay đổi cơ bản “luật chơi” chính trị lâu đời tại đặc khu hành chính Hong Kong. Ngoài ra, việc này cũng được cho là nhằm loại bỏ “rủi ro” trong hệ thống bầu cử, bảo đảm thực thi ổn định và sự thành công của “một quốc gia, hai chế độ”, phục vụ lợi ích phát triển của Trung Quốc…
Thứ tư, nhấn mạnh chính sách ngoại giao với các nhiệm vụ đưa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển thành hai ưu tiên đối ngoại hàng đầu.
Từng bước tiến tới mục tiêu toàn cầu
Được tổ chức trước thềm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 7-2021), kỳ họp Lưỡng hội năm 2021 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc. Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị tổng kết và đánh giá thực hiện các mục tiêu được đề ra tại Đại hội XIX, trước khi diễn ra Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (dự kiến vào năm 2022). Những vấn đề nghị sự quan trọng tác động sâu rộng tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Trung Quốc, cùng với những điều chỉnh từ nền tảng luật pháp đến cơ cấu bộ máy của Chính phủ Trung Quốc đã được xem xét và thông qua tại kỳ họp lần này. Trung Quốc cũng đã phê chuẩn RCEP và thúc đẩy giải quyết những bất đồng với Mỹ để hạ nhiệt căng thẳng, tạo thuận lợi cho mục tiêu tăng trưởng. Những động thái đó cho thấy, Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa toàn diện.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, việc ấn định mục tiêu tăng trưởng là cần thiết, góp phần định hướng phấn đấu cho các bộ, ngành, địa phương và mục tiêu GDP năm 2021 đạt trên 6% là hợp lý, một mặt, xuất phát từ việc phục hồi kinh tế trong năm 2020 và nhu cầu bảo đảm nền kinh tế phát triển ổn định; mặt khác, xét đến tính ổn định của mục tiêu tăng trưởng trong những năm sau, có lợi cho việc thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Chính phủ Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh đến thúc đẩy chính sách kinh tế tuần hoàn kép, độc lập tự cường, thay thế môi trường dựa vào bên ngoài như thời kỳ trước đây. Xét về lâu dài, nếu chiến lược phát triển kinh tế mới này thành công sẽ có tác động rất lớn đối với chính trị toàn cầu, sớm đưa Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chuyên gia kinh tế toàn cầu thuộc Viện nghiên cứu chứng khoán Quốc Thái Hua Chung Chun cho rằng, việc Chính phủ Trung Quốc đưa ra mục tiêu tăng trưởng 6% thấp hơn so với dự báo 8% và tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 5,5% cho thấy, đây là cách làm lấy ổn định làm trọng tâm, cũng như truyền tải thông điệp Trung Quốc không hướng đến con số tăng trưởng mà đang dần chuyển hướng sang nền kinh tế chất lượng cao và chuyển đổi xanh. Đến năm 2030, chỉ cần tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6%, GDP của Trung Quốc dự báo sẽ tăng gấp đôi, đủ đưa Trung Quốc trở thành thị trường toàn cầu và là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong kỳ họp lần này, Trung Quốc cũng chính thức phê chuẩn RCEP, thể hiện sự coi trọng liên kết với bên ngoài và yêu cầu cải cách mở cửa cấp độ cao. Chính phủ Trung Quốc đề ra chính sách tuần hoàn kép thể hiện sự coi trọng đối với nội địa hóa và khu vực hóa; đề ra cải cách, mở cửa cấp độ cao, mở rộng thể chế, mở rộng tiếp cận; đồng thời, để xây dựng mục tiêu phát triển mới, không chỉ xây dựng thị trường nội địa có chất lượng cao và lớn nhất thế giới mà vẫn cần có thị trường bên ngoài để tạo đà, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước (Nhật Bản, Hàn Quốc) và nhiều liên kết khu vực khác (dự kiến xem xét tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP), thúc đẩy quan hệ kinh tế với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như xây dựng nhiều khu vực thương mại tự do và mở rộng tăng cường hợp tác kinh tế hơn nữa.
Về hoạt động đối ngoại, Trung Quốc vẫn giữ nguyên chính sách như các kỳ họp Lưỡng hội trước, tuy nhiên, năm 2021 có phần nhấn mạnh đến việc tham gia các liên kết khu vực và FTA, xem xét chuẩn bị tham gia CPTPP và thúc đẩy hơn nữa Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) nhằm thực hiện tham vọng bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc chủ trương hạ nhiệt căng thẳng, vẫn tiếp tục duy trì khuôn khổ vừa đấu tranh, vừa hợp tác, vạch “lằn ranh đỏ” đối với một số lĩnh vực gây bất đồng giữa hai bên và có những động thái sẵn sàng hợp tác trên một số lĩnh vực… Trước những động thái ngoại giao này, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc dường như đang theo đuổi các chính sách dựa trên thực lực kinh tế và quân sự đang ngày càng lớn mạnh, trong khi đó sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế bị giảm sút trong những năm qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố, cột mốc 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc được xem là “khúc dạo đầu” của thập niên mới. Do đó, thời kỳ 5 năm lần thứ 14 là 5 năm đầu tiên sau khi Trung Quốc hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện và thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ nhất, bắt đầu hành trình mới xây dựng nhà nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa toàn diện và phấn đấu vì mục tiêu 100 năm lần thứ hai. Tinh thần đó được thể hiện rõ thông qua những động thái mới đây của Trung Quốc theo hướng tăng cường sức mạnh từ bên trong, mở rộng ra bên ngoài. Với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, sự phát triển của Trung Quốc sẽ tác động mạnh mẽ tới khu vực và thế giới./.
-----------------------
(1) Bảo đảm đời sống người dân, bảo đảm lương, bảo đảm hoạt động
(2) Các dự án lớn, như: Dự án thăm dò giữa các vì sao; dự án liên quan tới vấn đề an ninh năng lượng, lương thực và chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng; Dự án tuyến đường sắt Tứ Xuyên - Tây Tạng, tuyến đường sắt ven biển dọc sông Dương Tử, phát triển thủy điện ở hạ lưu sông Yarlung Tsangpo (Tây Tạng); dự án cải tạo khu nhà ở cũ ở thành thị, xây dựng cơ sở dịch vụ công cộng, chăm sóc người già và trẻ em
Các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sau 5 năm thực hiện kế hoạch “Made in China 2025”  (25/03/2021)
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2021  (03/03/2021)
Mô hình phúc lợi xã hội của Trung Quốc  (30/01/2021)
Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP năm 2021 tăng 6,5%  (29/12/2020)
An ninh lương thực của Trung Quốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19  (23/08/2020)
Kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh bùng phát đại dịch COVID-19  (01/04/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển