Tôn giáo là một hiện tượng xã hội phức tạp, có liên quan và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những năm gần đây, trên thế giới cũng như ở nước ta, tôn giáo có chiều hướng phục hồi, phát triển và đặt ra nhiều vấn đề cần được lý giải cả về lý luận cũng như thực tiễn. Do đó, việc tìm hiểu những luận điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu lý luận, góp phần thực hiện tốt công tác tôn giáo của Đảng.

Đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng, tôn giáo và xử lý các vấn đề về tôn giáo là những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo.

1. Đoàn kết tôn giáo

Việt Nam là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo. Có những tôn giáo được hình thành từ nước ngoài rồi du nhập vào nước ta và có những tôn giáo được hình thành ngay tại Việt Nam. Nhìn chung các tôn giáo ở Việt Nam có truyền thống đoàn kết, hòa đồng, gắn bó với dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa của dân tộc ta. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, đại đoàn kết toàn dân, trong đó có đoàn kết dân tộc và tôn giáo là yếu tố cơ bản đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong mọi giai đoạn. Tư tưởng ấy nằm trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc được thể hiện rõ qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao và giáo dục ý thức trong cộng đồng: “Lực lượng toàn dân tộc là lực lượng vĩ đại hơn ai hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”.(1)

Để tập hợp và đoàn kết Lương - Giáo, Người thường xuyên nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước phải quan tâm, chăm sóc cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo và mong sao: “Sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”.(2) Năm 1962, khi nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, Người căn dặn: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào Lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc. Phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do, tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”.(3) Tôn trọng tự do, tín ngưỡng cần đi đôi với việc phân biệt rõ nhu cầu tín ngưỡng chân chính của quần chúng với âm mưu lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, xâm hại đến độc lập dân tộc. Chia rẽ dân tộc là thủ đoạn xảo quyệt của thực dân, đế quốc, của các thế lực phản động, Người nói: “Địch âm mưu chia rẽ thì ta nêu lên khẩu hiệu: đoàn kết toàn dân”.(4) Nhờ nâng cao tinh thần đoàn kết Lương - Giáo, hòa hợp dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều chức sắc, tín đồ các tôn giáo và họ cũng hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước. Từ đó, những định kiến, mặc cảm về vấn đề tôn giáo do lịch sử để lại được xóa dần và âm mưu chia rẽ tôn giáo của các thế lực thù địch bị thất bại. Theo Người, đoàn kết Lương - Giáo là đoàn kết lâu dài, toàn diện, là vấn đề chiến lược, tạo sức mạnh cho cách mạng Việt Nam trong bất cứ giai đoạn nào.

Với tình cảm chân thành, cởi mở, bao dung và luôn thấu hiểu nỗi trăn trở, suy tư của đồng bào, Bác đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tín đồ các tôn giáo. Tình cảm của đồng bào các tôn giáo được thể hiện sâu đậm qua phát biểu tại Đại hội đại biểu của những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ III, tại Hà Nội, ngày 30-12-1997: “Người Công giáo Việt Nam hết lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ân cần chăm sóc đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Công giáo. Cũng nhờ chính sách đại đoàn kết của Người, những ngăn cách giữa các tôn giáo bị xóa bỏ, hiện nay tình đoàn kết giữa các tôn giáo ngày càng tốt hơn, thân ái hơn để giúp nhau xây dựng cuộc sống tốt đạo, đẹp đời”.

2. Tự do tín ngưỡng

Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người và quyền ấy được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Trong Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, có đoạn viết: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Người đã kế thừa và phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ về quyền con người trong các cuộc cách mạng dân chủ tư sản trên thế giới. Chỉ một ngày, sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh nêu lên 6 vấn đề cấp bách cần làm ngay, trong đó, vấn đề thứ 6 là: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết”.(5) Ngày 09-11-1946, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; trong đó ghi nhận: “Nhân dân có quyền tự do tín ngưỡng”.(6) Tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng là một trong những quan điểm quan trọng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo. Tư tưởng đó của Người được thể hiện nhất quán cả trong lý luận và các hoạt động thực tiễn, trong cách mạng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa và đã trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Sắc lệnh số 234/SL ngày 14-6-1955 đã quy định những hoạt động tôn giáo trong chế độ mới. Với 5 chương, 16 điều, Sắc lệnh đã chi tiết và cụ thể hóa về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và được đồng bào theo đạo và không theo đạo nhiệt liệt hoan nghênh, tiếp thu.

3. Giải quyết hài hòa vấn đề tôn giáo với lợi ích quốc gia, dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng việc vận động mọi người tôn trọng niềm tin; giáo dục những người theo đạo và không theo đạo đoàn kết để đạt mục đích giải phóng dân tộc và cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc. Do vậy, phải có thái độ mềm dẻo, hiểu đúng bản chất để giải quyết; có cách nhìn nhận, đánh giá về tôn giáo một cách đúng đắn, khách quan và biện chứng.

Năm 1958, trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, khi trả lời câu hỏi: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?”, Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại và khẳng định thái độ của người Cộng sản đối với tôn giáo ở Việt Nam: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy”.(7)

Là một hiện tượng xã hội phức tạp, tôn giáo cũng có những mặt tích cực và mặt tiêu cực. Hồ Chí Minh khuyên mọi người giữ gìn và phát huy cái tốt; đồng thời hạn chế và loại bỏ cái xấu có trong tôn giáo. Người nêu ra những giá trị đạo đức và văn hóa vốn có của tôn giáo để những người theo đạo và không theo đạo biết và làm theo ý của Người, như sau: “Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”.(8) Người coi tôn giáo là di sản văn hóa của nhân loại, do đó, phải tôn trọng, chấp nhận sự khác nhau về nhận thức; phải biết khai thác sự tương đồng để tìm ra mẫu số chung về mục tiêu để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ cao cả là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người chân chính yêu nước đồng thời cũng là những tín đồ trung thành của Chúa Giê-su . Bởi Chúa Giê-su hy sinh vì mong muốn cho loài người được tự do, hạnh phúc. Người kêu gọi đồng bào cả Lương lẫn Giáo cũng vì tự do hạnh phúc của toàn dân mà hy sinh phấn đấu. Người nêu lên mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với dân tộc hết sức giản dị, dễ hiểu và khái quát nên những nét độc đáo, sâu sắc: Kính Chúa gắn liền với yêu nước, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì đạo mới có tự do. Bởi vì, đối với người theo đạo, đức tin tôn giáo và lòng yêu nước không hề mâu thuẫn. Kẻ chống lại Tổ quốc cũng chính là kẻ phản Chúa - đó là mẫu số chung mà Hồ Chí Minh đưa ra để giải quyết hài hòa vấn đề tôn giáo.

*
* *

Cho đến ngày nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở lý luận quan trọng của Đảng ta về lĩnh vực tôn giáo, là bài học quý cho chúng học tập và làm theo.



(1) Hồ Chí Minh toàn tập, T4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr. 20.
(2)
 Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.15.
(3)
Sđd, T10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, tr. 606.
(4)
Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr. 430.
(5)
Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4, tr. 9.
(6)
Hồ Chí Minh tiểu sử, NxbLý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr. 387.
(7)
Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 9, tr. 176.
(8) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 6, tr. 225.