An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
TCCS - Thái Lan là một nước nông nghiệp, có nguồn tài nguyên nước khá dồi dào với hệ thống sông ngòi dày đặc, lượng mưa trung bình hằng năm tương đối cao. Tuy nhiên, thách thức mà Thái Lan cần phải giải quyết nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước nằm ở công tác quản lý nguồn nước và bảo đảm chất lượng nước. Thái Lan đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quản lý nguồn nước, góp phần bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc tìm hiểu về an ninh nguồn nước và các giải pháp ứng phó của Thái Lan trong bảo đảm an ninh nguồn nước sẽ là cơ sở để Việt Nam tham khảo kinh nghiệm, góp phần phát triển bền vững tài nguyên nước của quốc gia.
Thái Lan là một quốc gia có nguồn nước tự nhiên khá dồi dào do lượng mưa trung bình hằng năm khá lớn, khoảng 1539mm - cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 990mm. Ngoài lượng nước có được từ mưa chuyển thành dòng chảy vào các kênh, rạch, suối, còn có lượng nước nguồn và lượng nước được tái tạo… Do đó, ở Thái Lan, trung bình hằng năm, mỗi người dân sẽ có khoảng 2.868 m3 nước - cao hơn mức mà Liên hợp quốc đánh giá là mức đủ để sử dụng cho mỗi người trung bình hằng năm là 1.700m(1). Nước tiêu dùng của Thái Lan được chia thành bốn loại chính: 1- nước dùng trong nông nghiệp, 2- nước sinh hoạt, 3- nước dùng trong công nghiệp, thương mại và 4- nước dùng để bảo tồn hệ sinh thái. Từ năm 2020 đến nay, Thái Lan trung bình sử dụng hằng năm khoảng 162,311 tỷ m3 nước. Trong đó, lượng nước tiêu thụ cho nông nghiệp khoảng 65 tỷ m3, cho tiêu dùng khoảng 6,490 tỷ m3, cho công nghiệp và thương mại khoảng 3,913 tỷ m3, cho bảo tồn hệ sinh thái là 27,090 tỷ m3. Như vậy, mức nước tiêu thụ thực tế trung bình cho mỗi người dân ở Thái Lan tương đương 1.391 m3/năm, thấp hơn lượng nước mà Thái Lan có thể cung cấp hằng năm cho người dân.
Một số kết quả đạt được trong bảo đảm an ninh nguồn nước ở Thái Lan
Thứ nhất, về chất lượng nước sinh hoạt.
Trước đây, Thái Lan được coi là quốc gia có chất lượng nước ở trong điều kiện khá tốt. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, chất lượng nước đang có xu hướng xấu đi. Nước sạch là vấn đề vô cùng quan trọng đối với sự sống còn và phát triển của con người. Con người cần nước sạch để uống, để sinh hoạt… Việc cần có nước tiêu dùng đủ tiêu chuẩn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với cuộc sống con người và cũng là quyền cơ bản của con người. Vì vậy, Chính phủ Thái Lan đã có những biện pháp xử lý nguồn nước để mang nước sạch đến cho người dân. Kết quả là, hơn 98% dân số ở Thái Lan có thể tiếp cận nguồn nước ăn uống sạch, trong khi con số này ở thế giới là 87%, châu Á là 84% và Đông Nam Á là 85%. Thái Lan đứng thứ 46 trên thế giới và thứ 9 ở châu Á về quốc gia tiếp được cận nguồn nước sinh hoạt sạch(2). Vì vậy, những năm gần đây, ở Thái Lan, tỷ lệ tử vong do mắc các bệnh vì thiếu nước sạch ở trẻ sơ sinh và các bệnh do nước bẩn gây ra đã giảm đáng kể.
Trong cuộc sống hằng ngày, con người sử dụng nước cho nhiều hoạt động để duy trì sự sống. Việc xây dựng hệ thống xử lý và tiêu hủy nước thải là rất cần thiết đối với từng hộ gia đình cũng như đối với toàn xã hội. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 67% dân số thế giới có đủ nước để sử dụng cho các vấn đề vệ sinh, tỷ lệ này ở châu Á là 70% và ở Đông Nam Á là 71%. Trong khi đó, con số này ở Thái Lan là khá cao 96%(3).
Thứ hai, về nguồn nước trong sản xuất.
Nguồn nước là một yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất lương thực, thực phẩm và có ảnh hưởng lớn đến năng suất nông nghiệp của một quốc gia. Khi năng suất nông nghiệp giảm sẽ dẫn đến sản lượng lương thực giảm và có thể gây ra khủng hoảng lương thực. Như vậy, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, Thái Lan rất coi trọng vấn đề an ninh nguồn nước và luôn chủ động xây dựng các chiến lược ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu - nguyên nhân chủ yếu gây ra các bất ổn trong an ninh nguồn nước, ảnh hưởng tới năng suất nông nghiệp. Hiện nay, Thái Lan có khoảng 25% tổng diện tích đất nông nghiệp đã sử dụng hệ thống tưới tiêu. Diện tích được tưới trong nông nghiệp của Thái Lan được xếp hạng cao thứ 8 trên thế giới, cao hơn diện tích đất được tưới toàn cầu là 19% và ASEAN là 18%(4). Điều này cho thấy, Thái Lan rất chú trọng tới nguồn nước dành cho phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực.
Ở Thái Lan, ngành thủy sản đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp - nông thôn, tham gia xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của cộng đồng cư dân không chỉ vùng nông thôn, mà ở cả các vùng núi và trung du Thái Lan. Do xuất phát từ yếu tố vị trí địa lý thuận lợi, là cơ sở quan trọng giúp có được nhiều sản phẩm từ nước ngọt, Thái Lan đã khai thác diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt lên tới 3.750km2 với năng suất khoảng 757.700 tấn, chiếm 20% tổng sản lượng thủy sản nước ngọt của thế giới(5). Hiện nay, Thái Lan dành một lượng nước lớn để phát triển ngành thủy sản, với 1.385.801 m3/người - lớn hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 346.734 m3/người và mức trung bình của châu Á là 1.241.323 m3/người(6).
Thứ ba, góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Từ năm 2000 đến nay, thời tiết ở Thái Lan có rất nhiều biến động, lũ lụt và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan đã can thiệp kịp thời bằng những biện pháp, chiến lược góp phần phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Từ năm 2010 đến nay, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra 5.016 dự án về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, nâng lượng dự trữ nước thêm 1,5 tỷ mét khối, với lượng tưới tăng thêm 336.000ha. Các dự án quản lý nước được chia thành nhiều loại khác nhau, như dự án hồ chứa nước là 626 dự án, dự án “Túi má khỉ” là 555 dự án, hệ thống kiểm soát nước và thoát nước có 1.886 dự án, nạo vét kênh và diệt cỏ có 1.994 dự án. Riêng đối với lưu vực sông Chao Phraya, các dự án nhằm giải quyết vấn đề lũ lụt và hạn hán từ năm 2010 đến nay gồm 321 dự án, đã góp phần nâng dung tích chứa nước lên 190 triệu mét khối, diện tích tưới tiêu tăng 81.600ha.
Kết quả là năm 2019 mặc dù là năm có tình hình hạn hán cực kỳ nghiêm trọng, nhưng do tích cực triển khai các chính sách ứng phó kịp thời trong công tác quản lý nước, nên chỉ có 30 làng ở Thái Lan công bố tình trạng hạn hán. Vào mùa khô năm 2020 và 2021 không có khu vực nào công bố là khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Năm 2019 là năm đầu tiên mà thiệt hại do hạn hán, lũ lụt gây ra chỉ tiêu tốn 94 triệu baht - mức thấp nhất trong vòng 20 năm. Năm 2020 thiệt hại là 223 triệu baht - mức thấp nhất kể từ trận “Đại hồng thủy” năm 2011(7).
Thứ tư, khôi phục rừng đầu nguồn.
Những năm 1960, Thái Lan có diện tích rừng chiếm tới 53% diện tích lãnh thổ. Sau đó, diện tích rừng ở Thái Lan bị thu hẹp dần với tốc độ trung bình 2,5%/ năm. Từ năm 1990 đến năm 2000, diện tích rừng của Thái Lan chỉ còn chiếm khoảng 26% - 27% diện tích lãnh thổ. Từ năm 2000 đến nay, Thái Lan rất tích cực triển khai các biện pháp nhằm bảo tồn và phục hồi diện tích rừng đầu nguồn bị suy thoái. Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp Hoàng gia (RFD) năm 2019, Thái Lan đã tăng diện tích rừng lên 16,32 triệu héc-ta, chiếm 31,56 % diện tích toàn lãnh thổ. Thái Lan đặt ra mục tiêu tiếp tục khôi phục diện tích rừng đầu nguồn để có được tỷ lệ rừng che phủ 40% diện tích đất nước, tương đương khoảng 20 triệu héc-ta, bằng cách trồng rừng ở những khu vực thượng nguồn bị suy thoái, kiểm tra các đập nước, chống xói mòn đất ở các khu vực đầu nguồn bằng cách lập biểu đồ sử dụng lưu vực, thiết lập hệ thống bảo tồn đất và nước, trồng cỏ vetiver... Đến năm 2023, diện tích rừng của Thái Lan vẫn giữ được ở mức 31,57%(8).
Vấn đề đặt ra trong bảo đảm an ninh nguồn nước ở Thái Lan
Tuy Thái Lan là một quốc gia có tiềm năng nước dồi dào và tỷ lệ người dân được tiếp cận nguồn nước sạch khá cao trên thế giới, song quốc gia này vẫn còn khoảng 2% dân số chưa tiếp cận được với nguồn nước sạch; 4% dân số chưa có đủ nước sử dụng cho các vấn đề vệ sinh, chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở các vùng, miền núi phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan. Để đạt được mục tiêu đề ra trong “Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030” mà Thái Lan và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua năm 2015, Chính phủ Thái Lan cần phải tập trung giải quyết những thách thức về nước sạch và vệ sinh ở các vùng nông thôn.
Ngoài ra, việc xử lý nước thải cũng là một vấn đề đáng quan tâm của Thái Lan hiện nay. Các sông ở khu vực đô thị, đặc biệt là hạ lưu sông Chao Phraya bị ô nhiễm do chất thải của các nhà máy thải ra, gồm thuốc trừ sâu, phân bón, nước thải đô thị và dư lượng hóa chất, nhưng chỉ có khoảng 15% tổng lượng nước tiêu thụ được dùng để xử lý nước thải. Hiện nay, Thái Lan chỉ có hơn 100 nhà máy xử lý nước thải, trong đó có tới hơn 1.500 nhà máy cần xử lý chất thải và nước thải. Hệ thống xử lý chất thải và nước thải ở Thái Lan có thể xử lý khoảng 2,7 triệu mét khối nước thải mỗi ngày (khoảng 27% tổng lượng nước thải cộng đồng). Vì vậy, trong Quy hoạch tổng thể quản lý tài nguyên nước giai đoạn 2020 - 2040, Thái Lan xác định, từ nay cho đến năm 2037, cần phải xây dựng thêm được khoảng 700 hệ thống xử lý nước thải. Tính đến đầu năm 2021, Thái Lan đã xây dựng thêm được 19 nhà máy xử lý và dự kiến sẽ tăng công suất xử lý nước thải của Thái Lan lên 10%/năm trong thời gian tới(9).
Thái Lan có mức tiêu thụ nước trung bình trong lĩnh vực nông nghiệp cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực. Lượng nước sử dụng cho nông nghiệp ở Thái Lan là 1.322m3/người, trong khi đó mức tiêu thụ nước cho nông nghiệp trung bình toàn cầu là 354m3, châu Á là 712m3 và ở các nước ASEAN là 424m3. Về tiêu thụ nước trong nông nghiệp, Thái Lan đứng thứ 9 thế giới, thứ 7 châu Á và đứng đầu ASEAN(10). Tuy nhiên nếu so về số lượng gạo xuất khẩu, Thái Lan lại chỉ đứng thứ ba thế giới, trong khi Ấn Độ và Việt Nam đứng thứ nhất và thứ hai, đều là những quốc gia có lượng tiêu thụ nước trong nông nghiệp ít hơn nhiều so với Thái Lan. Ngoài ra, năng suất lúa gạo của Thái Lan xếp vị trí thứ 17 của thế giới, khoảng 4,5 - 5 tấn/ha, trong khi năng suất lúa gạo của Việt Nam ở vị trí thứ 5 thế giới với khoảng 7 tấn/ha(11). Như vậy, có thể thấy, đây chính là điểm hạn chế trong việc sử dụng nước cho nông nghiệp của Thái Lan bởi hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp được đánh giá còn tương đối thấp.
Nước là yếu tố rất quan trọng trong quá trình sản xuất công nghiệp. Hiện nay, lượng nước sử dụng cho công nghiệp hằng năm trên thế giới chiếm khoảng 20% tổng lượng nước tiêu dùng. Các quốc gia có ngành công nghiệp phát triển thì lượng nước dành cho công nghiệp càng nhiều, thậm chí có quốc gia dùng tới 60% tổng lượng nước tiêu dùng. Tuy vậy ở Thái Lan, lượng nước dành cho công nghiệp chỉ chiếm khoảng 3% tổng lượng nước tiêu dùng trên cả nước, khoảng 34m3/người, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới là 97m3, châu Á là 60m3, Đông Nam Á là 49m3(12).
Nước là một nguồn năng lượng sạch và nguồn nước dùng trong việc sản xuất năng lượng có thể tái sử dụng trở thành nguồn nước sạch dùng trong các lĩnh vực khác. Vì vậy, Thái Lan đã sử dụng năng lượng nước trong việc tạo ra điện năng. Tuy nhiên, điện năng ở Thái Lan mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng năng lượng của cả nước, trong khi tỷ lệ này của thế giới là 31%, châu Á là 20%, Đông Nam Á là 14%. Như vậy, có thể thấy, một trong những điểm hạn chế trong an ninh nguồn nước của Thái Lan là chưa khai thác được hết tiềm năng của tài nguyên nước trong việc tạo ra năng lượng để sử dụng.
Ở Thái Lan, nước mưa là một nguồn nước rất quan trọng. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, lượng mưa trung bình cả năm đạt khoảng 1.539 mm. Khi có mưa, nước mưa sẽ chuyển thành dòng chảy vào các kênh, rạch, suối cùng các hồ chứa..., một phần ngấm xuống đất, một phần bay hơi hoặc chảy trôi ra biển, chảy vào các cống thoát nước... Như vậy, nước mưa rơi xuống sẽ chỉ sử dụng được một phần và một phần sẽ mất đi, thậm chí nếu không kịp thoát sẽ gây ra ngập lụt. Đây cũng là một vấn đề mà chính phủ Thái Lan đang cố gắng điều chỉnh để sử dụng và quản lý nguồn nước mưa đạt hiệu quả hơn.
Một số gợi mở đối với Việt Nam
Việt Nam có một nguồn tài nguyên nước khá dồi dào. Tổng lượng nước trên lãnh thổ Việt Nam đạt khoảng 830 tỷ mét khối, nhưng chỉ có khoảng 310 tỷ mét khối là nước nội sinh, còn 520 - 525 tỷ m3 (63%) là nước chảy từ các quốc gia láng giềng vào lãnh thổ Việt Nam(13). Đây cũng là khó khăn của Việt Nam trong việc chủ động quản lý và sử dụng nguồn nước. Ngoài ra, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, tài nguyên nước của Việt Nam đang có chiều hướng suy thoái. Trong khi đó nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, sức ép về gia tăng dân số, chất lượng cuộc sống người dân, sự tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước tăng lên cả về số lượng và đa dạng về chất lượng.
Hiện nay, thiên tai và biến đổi khí hậu đe dọa nguồn tài nguyên nước của cả thế giới. Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia ven biển, là một trong các quốc gia trên thế giới chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, ô nhiễm môi trường... xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng lớn, để lại hậu quả ngày càng nặng nề hơn về kinh tế - xã hội, trong đó có nguồn tài nguyên nước. Cũng giống như Thái Lan, chất lượng nguồn nước của Việt Nam đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng, thiếu hụt không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng nước bởi áp lực tăng dân số, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực... Bên cạnh đó, do các chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên rừng, tài nguyên nước thiếu đồng bộ, kém hiệu quả..., gây ra những hệ quả nghiêm trọng, như tài nguyên rừng bị tàn phá, xói mòn đất nghiêm trọng, bão lũ bất thường, tài nguyên nước cạn kiệt, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước... Theo dự báo, nguồn nước Việt Nam sẽ giảm đi khoảng 40 tỷ mét khối vào năm 2025, tổng lượng nước mùa khô sẽ giảm đi khoảng 13 tỷ mét khối...(14). Tình trạng hạ thấp mực nước trên các dòng sông diễn ra nghiêm trọng, gây nên hạn hán kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ năm 2010 đến năm 2020, nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và công nghiệp của Việt Nam khoảng 70 - 80 tỷ mét khối/năm, dự báo năm 2030 nhu cầu nước sẽ tăng lên 87 - 90 tỷ mét khối/năm(15). Nhu cầu nước gia tăng trong khi nguồn nước suy giảm cả về số lượng và chất lượng là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Việt Nam, Thái Lan cùng có chung dòng sông Mekong, do đó an ninh nguồn nước của mỗi quốc gia lưu vực Mekong đều có những ảnh hưởng nhất định tới các quốc gia còn lại. Đối với Việt Nam, lưu vực sông Mekong trải dài khoảng 65.000km2, chiếm 8% diện tích lưu vực và chiếm 20% diện tích quốc gia. Lượng nước sông Mekong trên lãnh thổ Việt Nam chiếm 61% tổng lượng nước sông toàn quốc, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là khu vực dòng nước nhiều nhất trong cả nước cũng như so với các nước hạ lưu sông Mekong, chiếm 55,8% tổng lượng nước sử dụng hạ lưu vực sông Mekong(16). Đồng bằng sông Cửu Long - hạ lưu sông Mekong giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của cả nước, nhất là đối với ngàng nông nghiệp, thủy sản. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới 55% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, chiếm 65% diện tích nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu, đóng góp 27% GDP cả nước(17)... Như vậy, sông Mekong nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia cuối nguồn nước nên những thách thức gặp phải cũng sẽ lớn hơn so với 3 quốc gia ở hạ lưu sông Mekong. Ở cuối nguồn nước, do tác động biến đổi khí hậu, hậu quả của các công trình thủy điện ở thượng nguồn, nên Việt Nam khá bị động trong việc quản lý, điều tiết và sử dụng nguồn nước. Các vấn đề như thay đổi dòng chảy, khả năng điều tiết nguồn nước giữa các mùa, gây nên những bất thường, như khô hạn, lũ lụt, nước biển dâng, xâm nhập mặn, xói mòn, sụt lún... tác động lớn đến ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó là sự suy giảm lượng phù sa cũng ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và thủy sản, tác động gián tiếp sẽ vấn đề việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống của người dân ven sông, kéo theo đó là những hệ lụy về môi trường sống, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Dưới góc độ quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần kết hợp với các bộ, ngành và địa phương để có chiến lược nghiên cứu, khảo sát tổng thể tài nguyên nước và dự báo nhu cầu sử dụng nước của quốc gia để có cơ sở, căn cứ xây dựng chiến lược, hoạch định lộ trình quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả và bền vững trong hiện tại và tương lai.
Chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể về an ninh quốc gia trong tình hình mới nhằm ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, bảo đảm phát triển bền vững đất nước. Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của quốc gia gắn liền với quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ phải đặt trong tổng thể, toàn diện với tầm nhìn chiến lược quốc gia trong trung hạn và dài hạn. Ví dụ như phát triển nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực, phát triển thủy điện bảo đảm an ninh năng lượng nhưng cần phải tính đến an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, biến đổi khí hậu..., tránh gây lãng phí, gây ra hệ quả khó lường như tình trạng xây dựng đập thủy điện vừa và nhỏ tràn lan như trước kia.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chủ động và tích cực áp dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ trong sản xuất, tiêu dùng nhằm tiết kiệm, sử dụng hợp lý tài nguyên nước quốc gia, như phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học... bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu áp lực năng lượng thủy điện, tiết kiệm tái tạo nguồn nước, ngăn chặn nhiễm mặn và xử lý nước mặn phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương về tiết kiệm tài nguyên nước, ngăn chặn ô nhiễm môi trường nước, khai thác hợp lý, có hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước của quốc gia.
Về mặt pháp lý, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế, cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và cán bộ khoa học chuyên ngành chất lượng cao, khuyến khích ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại... nhằm quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước quốc gia hợp lý, có hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tích cực hơn trong hội nhập quốc tế và khu vực. Chủ động, tăng cường hợp tác hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, xây dựng cơ chế phối hợp, thông tin giữa các quốc gia trong việc quản lý, khai thác tài nguyên nước xuyên quốc gia hợp lý, hiệu quả, cùng có lợi. Đặc biệt, cần chủ động trong hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước sông Mekong, như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc để cùng khai thác hợp lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, bảo vệ an ninh nguồn nước và phát triển bền vững đất nước.
Đối với Thái Lan cũng như Việt Nam, nguồn nước là một trong những yếu tố giúp phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, góp phần đưa Thái Lan và Việt Nam trở thành những quốc gia xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Trong điều kiện nhu cầu về năng lượng không ngừng gia tăng, tài nguyên nước đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng của Thái Lan và Việt Nam. Vì vậy, từ những thách thức trong quản lý tài nguyên nước đã đặt ra yêu cầu cấp bách, cần có những giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do biến đổi khí hậu gây nên. Trên tinh thần đó, Thái Lan cũng như Việt Nam đã và đang tiếp tục đề cao việc bảo vệ và quản lý nguồn nước, coi đây là một công tác quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia./.
--------------------------
(1) Sucharit Koonthanakulwong: “แนวคิดความมั่นคงด้านทรัพยากรน้ำ – ประเทศไทยกับนานาชาติ” (Tạm dịch: An ninh nguồn nước Thái Lan và quốc tế), Trường Đại học Chulalongkon, Bangkok, 2020
(2) Sucharit Koonthanakulwong: “แนวคิดความมั่นคงด้านทรัพยากรน้ำ – ประเทศไทยกับนานาชาติ” (Tạm dịch: An ninh nguồn nước Thái Lan và quốc tế), Tlđd
(3) Bộ ngoại giao Thái Lan: น้ำสะอาดและสุขาภิบาล (Tạm dịch: Nước sạch và vệ sinh), https://anyflip.com/ekvxf/tepg/basic
(4) Thaweesak Thana-dachophol, Vipob Teamsuwan...(2021): “การวิเคราะห์การจัดการน้ำในสภาวะแห้งแล้ง ปี 2563” (Phân tích quản lý nước trong điều kiện khô hạn năm 2020), Cục Thủy lợi, Bộ Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Bangkok
(5 Số liệu thống kê ngành thủy sản quốc gia, 2019, nhóm nghiên cứu và phân tích dữ liệu, Trung tâm thông tin, Cục Thủy sản Thái Lan
(6) Trung tâm thông tin, Cục Thủy sản Thái Lan: “สถิติการประมงแห่งชาติ” (Tạm dịch: Số liệu thống kê ngành thủy sản quốc gia), https://opendata.nesdc.go.th/dataset/fisheries-statistics
(7) Cục thoát nước Bangkok, Trung tâm điều hành hệ thống phòng chống lũ lụt quốc gia: “การบริหารจัดการนาในกรุงเทพมหานคร” (Tạm dịch: Quản lý nước ở Bangkok), https://dds.bangkok.go.th/public_content/files/001/plan63_3.pdf
(8) Quỹ Sueb Nakasathien: “สถานการณ์ป่าไม้ไทย 2023” (Tạm dịch: Tình hình rừng Thái Lan năm 2023) https://www.seub.or.th/document/%E0%B8%AA%E0%B8%96%E0%B8%B2%E0%B8%99%E0%B8%81%E0%B8%B2%E0%B8%A3%E0%B8%93%E0%B9%8C%E0%B8%9B%E0%B9%88%E0%B8%B2%E0%B9%84%E0%B8%A1%E0%B9%89%E0%B9%84%E0%B8%97%E0%B8%A2/2023-235/
(9) Monnapa Poosomboonwattana: “DSPOT สนับสนุนการจัดการข้อมูลระบบบำบัดน้ำเสียชุมชนระดับประเทศ” (Tạm dịch: DSPOT hỗ trợ quản lý dữ liệu của hệ thống xử lý nước thải cộng đồng quốc gia), https://www.thai-german-cooperation.info/th/dspot-supports-thailands-data-management-of-domestic-wastewater-treatment-plants/
(10) Sucharit Koonthanakulwong: “Khái niệm an ninh nguồn nước”, http://project-wre.eng.chula.ac.th/watercu_eng/sites/default/files/technic.pdf
(11) Chaiwat Sowcharoensuk: “แนวโน้มธุรกิจ/อุตสาหกรรม 2023 - 2025: อุตสาหกรรมข้าว” (Tạm dịch: Xu hướng kinh doanh/công nghiệp 2023 - 2025: ngành lúa gạo), https://www.krungsri.com/th/research/industry/industry-outlook/agriculture/rice/io/io-rice-2023-2025
(12) Sucharit Koonthanakulwong: “Khái niệm an ninh nguồn nước”, Tldd
(13) Viện Chiến lược phát triển: “Báo cáo hợp phần: Thực trạng và phương hướng khai thác, sử dụng tài nguyên nước quốc gia”, https://vids.mpi.gov.vn/van-ban-phap-quy/bao-cao-hop-phan-thuc-trang-va-phuong-huong-khai-thac-su-dung-tai-nguyen-nuoc-quoc-gia-966.html#:~:text=T%E1%BB%95ng%
(14) Trương Đình Dụ và nhóm tác giả: “Tình trạng cạn kiệt nước trên sông Hồng và kiến nghị giải pháp khắc phục”, http://dwrm.gov.vn/index.php/vi/news/Tai-nguyen-nuoc/Tinh-trang-can-kiet-nuoc-tren-song-Hong-va-kien-nghi-giai-phap-khac-phuc-1245/
(15) Văn Hào: “Nguồn nước đối với phát triển năng lượng”, Báo Tin tức, ngày 26-12-2017, https://baotintuc.vn/xa-hoi/nguon-nuoc-doi-voi-phat-trien-nang-luong-bai-1suy-giam-ca-ve-chat-va-luong-20171226121541156.htm
(16) Lê Kiên: “63% lượng nước sông của Việt Nam phụ thuộc các quốc gia khác”, Báo Tuổi trẻ, ngày 17-8-2020, https://tuoitre.vn/63-luong-nuoc-song-cua-viet-nam-phu-thuoc-cac-quoc-gia-khac-20200817113720574.htm
(17) L.H.V: “Chuỗi giá trị nông sản đồng bằng sông Cửu Long còn lỏng lẻo”, Báo Tiền phong, ngày 23-3-2024, https://tienphong.vn/chuoi-gia-tri-nong-san-dong-bang-song-cuu-long-con-long-leo-post1622792.tpo
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra  (30/08/2024)
Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Thái Lan và một số gợi mở đối với Việt Nam  (05/01/2024)
Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến quảng bá giữa Thái Lan và các nước Tiểu vùng sông Mekong  (10/10/2023)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay