Hợp tác thương mại - đầu tư của Thái Lan trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng
TCCS - Là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển trong khu vực, Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác chung về thương mại và đầu tư tại Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS). Nhờ việc tham gia tích cực các cơ chế này, Thái Lan đã nhanh chóng vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2008 và trở thành mắt xích kết nối GMS với các đối tác trên thế giới.
Thái Lan là một trong những quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và luôn tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Với chính sách hướng đến xuất khẩu và trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi sản xuất toàn cầu, Thái Lan không chỉ thay đổi cơ cấu kinh tế để thích ứng với quá trình toàn cầu hóa mà còn chủ động ký kết và tham gia nhiều cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế, trong đó có GMS. Lợi thế địa - chiến lược tạo điều kiện giúp Thái Lan phát huy tối đa vai trò kiến tạo kết nối khu vực. Vì vậy, Thái Lan trở thành trung tâm kết nối và tăng trưởng của GMS cũng như ASEAN. Với hệ thống giao thông phát triển, Thái Lan là động lực tăng trưởng kinh tế của Hành lang kinh tế Bắc - Nam (đường cao tốc Côn Minh - Bangkok); Hành lang kinh tế Đông - Tây và Hành lang kinh tế phía Nam. Không chỉ vậy, Thái Lan cũng là đối tác thương mại và đầu tư lớn của các nước trong GMS và đã cung cấp nhiều gói hỗ trợ để đưa nền kinh tế khu vực phát triển.
Ngược lại, GMS cũng là cơ chế hợp tác đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia thành viên, trong đó có Thái Lan. Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thái Lan đã đề xuất và thực hiện “Chiến lược kinh tế Thái Lan 4.0” nhằm hướng đến nền công nghiệp phát triển thông qua đổi mới sáng tạo, các hệ thống kỹ thuật số và tự động hóa công nghệ cao. Để đạt được các mục tiêu này, việc tham gia GMS sẽ giúp Thái Lan phát huy được thế mạnh của mình với việc đẩy mạnh kết nối giữa sáu quốc gia thuộc tiểu vùng thông qua hệ thống giao thông và các thỏa thuận hợp tác nhằm chung tay đưa nền kinh tế khu vực phát triển bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho các quốc gia. Trong giai đoạn 2010 - 2021, một số lĩnh vực hợp tác đã và đang được thực hiện khá thành công, đem lại nhiều lợi ích cho Thái Lan. Do đó, GMS là cơ sở quan trọng để Thái Lan đạt được mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất của khu vực.
Tuy nhiên, hiện nay, các nước trong GMS, trong đó có Thái Lan, cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như dịch vụ hậu cần kém phát triển, kết cấu hạ tầng xuyên biên giới chưa hoàn thiện, tình trạng lao động phi chính thức, buôn bán tiểu ngạch, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và chênh lệch phát triển giữa các nước trong tiểu vùng. Hơn nữa, từ năm 2010 đến nay, nền kinh tế của Thái Lan cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ trận lũ lụt lịch sử (năm 2011), cuộc đảo chính (năm 2014) và đến nay là dịch bệnh COVID-19. Điều này khiến quá trình tham gia các dự án trong GMS của quốc gia này bị đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế chung của tiểu vùng. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra chính sách thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương trong GMS và đạt được những kết quả tích cực.
Thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư trong GMS
GMS đặt ra yêu cầu cao về trao đổi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể, thông qua việc loại bỏ hoặc giảm thiểu các rào cản phi vật thể; tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn qua biên giới; phát triển hệ thống logistic hiệu quả. Chính phủ Thái Lan đã ký kết thỏa thuận Hiệp định tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới (CBTA) giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng để thuận lợi hóa các hợp tác thương mại và đầu tư xuyên biên giới thông qua các cam kết về thủ tục hải quan và vận tải. Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới, Thái Lan cùng các quốc gia GMS đã hợp tác với nhau để tăng cường các CBTA song phương cũng như cơ chế phối hợp liên quan. Các quốc gia trong GMS có nhiệm vụ đánh giá toàn diện các chính sách và hiệp định song phương hiện có, cùng cơ chế điều phối thương mại xuyên biên giới; hỗ trợ soạn thảo và sửa đổi CBTA song phương và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán song phương đối với CBTA(1).
Tháng 6-2012, Thái Lan bắt đầu thực hiện thí điểm dự án “Cam kết về quyền chuyển giao giữa Thái Lan và Campuchia” tại biên giới Aranyaprathet - Poipet. Điểm kiểm tra tại biên giới Aranyaprathet - Poipet đóng vai trò quan trọng với giá trị trao đổi thương mại trung bình hằng năm khoảng 40 triệu bath, chiếm gần 50% tổng giá trị thương mại biên giới của Thái Lan. Dự án này cho phép xe tải và xe khách của hai quốc gia có thể dễ dàng hoạt động dọc theo tuyến đường Bangkok - Aranyaprathet - Poipet - Siem Reap và tuyến đường Bangkok - Aranyaprathet - Poipet - Phnom Penh. Dự án này được triển khai theo một hạn ngạch tương ứng với 40 loại giấy phép. Trong đó, Campuchia có 30 giấy phép cho xe khách và 10 giấy phép cho xe tải; ngược lại, Thái Lan có 30 giấy phép cho xe tải và 10 giấy phép xe khách(2).
Tháng 3-2013, Thái Lan ban hành Luật Giao thông qua biên giới cho phần “Giám định chung ở lãnh thổ nước ngoài”. Đạo luật này cho phép Thái Lan và các đối tác nước ngoài có thể tiến hành một cách hợp pháp việc thanh tra chung ở nước ngoài và trong phạm vi lãnh thổ Thái Lan để được miễn thủ tục nhập cảnh. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc giám định thông qua thuế hải quan chung của cả Thái Lan và các quan chức nước ngoài tại khu vực kiểm soát chung.
Năm 2014, để tạo thuận lợi cho các hợp tác thương mại, Thái Lan cùng Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam bắt đầu ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác với các khu vực tư nhân. Chương trình “Hỗ trợ kỹ thuật tư vấn và chính sách khu vực” (R-PATA) nhằm cải thiện thương mại thông qua việc đơn giản hóa, tiêu chuẩn hóa và hài hòa hóa các thủ tục và hoạt động hải quan của các quốc gia tham gia ký kết. Mục tiêu đạt được bao gồm: 1- Khảo sát nhận thức kinh doanh dành cho các bên liên quan trong khu vực tư nhân tham gia vào thương mại quốc tế (như khu vực công nghiệp, các nhà giao nhận và môi giới thương mại trong khu vực); 2- Thúc đẩy đối thoại khu vực công - tư để tạo thuận lợi thương mại thông qua việc tổ chức các hội thảo chung và sự tham gia của các bên liên quan trong khu vực tư nhân, bao gồm Diễn đàn Doanh nghiệp GMS và đại diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME); 3- Nâng cao năng lực, nhận thức để cải thiện cách tiếp cận khu vực tư nhân thông qua việc xem xét các quy định và thực tiễn hiện hành liên quan đến các tiêu chuẩn an ninh... (3).
Với mục tiêu phát triển nền kinh tế 4.0 để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Thái Lan đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa đầu tư thông qua nền tảng dịch vụ thông tin thương mại và đầu tư của GMS. Dự án này được thực hiện từ năm 2014 đến nay với mục đích thiết lập cổng thông tin điện tử chính thức và duy nhất cho tất cả các thành viên GMS. Cổng thông tin này được xây dựng với nội dung tập trung vào cung cấp thông tin của các hành lang kinh tế, bao gồm các website độc lập và được kết nối với nhau dựa trên các lĩnh vực chính, như chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, thủ tục hải quan, đầu tư, thương mại điện tử và hậu cần. Trong thời gian tới, các vấn đề về công nghệ, phương thức vận hành và hệ thống kinh doanh sẽ được hoàn thiện khi lĩnh vực công nghệ thông tin của mỗi quốc gia thành viên GMS phát triển. Ngoài ra, dự án này còn có nhiệm vụ tăng cường chia sẻ thông tin thị trường giữa các quốc gia thành viên, gồm: 1- Xây dựng và cải thiện cơ sở dữ liệu về thị trường cho các mặt hàng chủ lực của từng quốc gia thông qua hình thức mua bán qua biên giới đất liền; 2- Khởi xướng và thể chế hóa việc chia sẻ thông tin về các cơ chế giữa các chủ thể liên quan.
Để thể hiện vai trò kết nối thương mại và đầu tư của mình trong khu vực Tiểu vùng nhằm vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đại dịch COVID-19, tháng 8-2021, Thái Lan đã tổ chức Diễn đàn CLMVT+ 2021(4) với chủ đề “Tăng tốc phục hồi”. Văn phòng Chiến lược và Chính sách thương mại của Bộ Thương mại Thái Lan (TPSO) đã chỉ ra rằng, việc đạt được tăng trưởng đồng đều trong GMS là điều cần thiết hiện nay. Để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia trong GMS cần: Một là, cải thiện thương mại xuyên biên giới bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số; hai là, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do khu vực; ba là, hỗ trợ khu vực công để giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa phát triển bền vững thông qua thương mại kỹ thuật số; bốn là, thúc đẩy thương mại và đầu tư thân thiện với môi trường(5). Việc đưa ra những nhận định này đã thể hiện sự tích cực và vai trò tiên phong của Thái Lan trong GMS, giúp khu vực này vượt qua thời kỳ khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và đưa tiểu vùng trở thành trung tâm thương mại và đầu tư chất lượng cao phù hợp với tiến trình phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Một số đánh giá về hợp tác thương mại - đầu tư của Thái Lan trong GMS
Về thành công, nhờ các chính sách thuận lợi hóa thúc đẩy thương mại, tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu và đầu tư của Thái Lan tới các quốc gia trong GMS đã tăng lên nhanh chóng. Tỷ trọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Thái Lan và các quốc gia GMS tăng gần gấp đôi, từ 63,28 tỷ USD năm 2010 lên đến gần 113 tỷ USD năm 2020. Sau Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 16 vào năm 2010, với chủ đề: “GMS trong thập niên tiếp theo: Những lĩnh vực hợp tác mới”, tỷ trọng thương mại của Thái Lan với các quốc gia GMS tăng lên 26%, mức độ tăng trưởng cao nhất trong một thập niên trở lại đây. Hầu hết những sản phẩm Thái Lan xuất khẩu sang các nước trong khu vực đều là hàng hóa có giá trị cao, là các sản phẩm của ngành chế tạo và phương tiện vận tải, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu trong khu vực. Tỷ trọng thương mại của GMS đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Thái Lan (chiếm gần 22% tổng thương mại của Thái Lan với bên ngoài trong giai đoạn 2010 - 2020). Năm 2021, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Thái Lan với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu lên đến 80,34 tỷ USD; Việt Nam là đối tác thương mại thứ 5 của Thái Lan với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu lên đến 14,83 tỷ USD. Hiện Thái Lan là quốc gia chiếm tỷ trọng lớn trong dòng chảy thương mại của khu vực GMS. Điều này cho thấy, thương mại của Thái Lan trong tiểu vùng đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Ngoài thương mại, đầu tư của Thái Lan trong khu vực GMS cũng tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2020. Tổng trữ lượng đầu tư của Thái Lan trong khu vực giai đoạn 2010 - 2019 tăng gấp hơn 5 lần sau 9 năm, từ 5.837 triệu USD lên đến 30.434 triệu USD. Đặc biệt, mức tăng trưởng nhanh chóng như vậy chủ yếu từ các khoản đầu tư ra bên ngoài, với tổng đầu tư đạt 128.770 triệu USD. Trong đó, Trung Quốc luôn là đối tác hàng đầu của Thái Lan với 164 dự án trên tổng số 904 dự án, đạt 939 triệu USD năm 2020. Tính đến tháng 9-2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp, nhưng Trung Quốc vẫn là 1 trong 5 nhà đầu tư hàng đầu tại Thái Lan với 89 dự án(6).
Nguyên nhân giúp tăng trưởng thương mại và đầu tư của Thái Lan với các nước GMS tăng lên là do Thái Lan đã ký kết các hiệp định tạo thuận lợi cho thương mại, như Hiệp định Khung ASEAN về tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh... Để thúc đẩy hơn nữa các cơ chế đa phương, Thái Lan đã ký kết thỏa thuận vận tải song phương với hầu hết các nước trong tiểu vùng. Ngoài ra, cùng với sự phát triển về công nghệ và đề ra chiến lược “Kinh tế Thái Lan 4.0”, Thái Lan đã thành công trong việc phát triển các trung tâm dịch vụ một cửa. Các dự án phát triển hành lang kinh tế, tuyến đường giao thông, cũng như dự án kết cấu hạ tầng kết nối các quốc gia trong khu vực đã giúp Thái Lan đẩy nhanh quá trình xuất, nhập khẩu và giảm thiểu chi phí khi giao thương. Vì vậy, giá trị thương mại đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Thái Lan còn lập kế hoạch để xúc tiến đầu tư sang các nước trong GMS, như thành lập mạng lưới xúc tiến đầu tư để hướng dẫn các nhà đầu tư Thái Lan tìm kiếm cơ hội và hiểu biết rõ hơn về thị trường của các nước trong GMS. Đồng thời, liên kết đối tác trong GMS với nhà đầu tư Thái Lan để tăng cường hợp tác đầu tư, mở rộng thị trường và tận dụng lợi ích từ các dự án trong GMS và ưu đãi trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Bộ Thương mại Thái Lan có văn phòng thương mại ở các nước GMS, với chức năng cung cấp thông tin thương mại và dịch vụ tư vấn liên quan đến tiếp thị, đầu tư, kinh doanh, chính sách pháp luật và quy định kinh doanh của nước sở tại. Các dự án đầu tư của Thái Lan chủ yếu liên quan đến tài nguyên thiên nhiên, dự án nông nghiệp, công nghiệp chế biến và các khoản đầu tư dựa trên dịch vụ, như khách sạn, công ty du lịch, nhà hàng. Hiện nay, Thái Lan đang lựa chọn xu hướng đầu tư phân chia theo các ngành hàng phù hợp với tiềm năng của quốc gia tiếp nhận đầu tư trong GMS. Chẳng hạn như, Thái Lan sẽ đầu tư vào hàng may mặc, hàng điện tử và thiết bị điện tử tại Việt Nam; đầu tư khai thác tài nguyên thiên nhiên, hàng nông nghiệp tại Myanmar. Từ đó, phát huy được lợi thế cạnh tranh của từng quốc gia và tạo thành chuỗi sản xuất bền vững trong khu vực, với Thái Lan đóng vai trò chủ chốt.
Về thách thức, mặc dù đã có những bước tăng trưởng đáng kể, song thương mại của Thái Lan với các quốc gia trong GMS không ổn định và chịu nhiều tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài quốc gia. Đơn cử, riêng năm 2019, tăng trưởng thương mại hai chiều giảm 7,27% so với năm 2018 khiến giá trị thương mại của Thái Lan với các nước GMS, nhất là với Trung Quốc giảm mạnh, từ hơn 122 tỷ USD năm 2018 xuống còn 113 tỷ USD năm 2019. Nguyên nhân một phần do tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng và những bất ổn chính trị trong nước. Sự suy giảm này chủ yếu do Thái Lan giảm kim ngạch nhập khẩu từ các quốc gia này (giảm 17,6%). Năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, song nhờ những nỗ lực của các bên, giá trị thương mại của Thái Lan với các nước trong GMS đã tăng trưởng sau đà giảm của năm 2019, đạt 116,5 tỷ USD. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng này có được là do gia tăng kim ngạch nhập khẩu. Khi tham gia các cơ chế thuận lợi hóa thương mại trong GMS, Thái Lan luôn trong tình trạng nhập siêu, cán cân thương mại liên tục giảm với giá trị âm. Cụ thể, cán cân thương mại năm 2012 là -0,99 tỷ USD, năm 2019 là -3,58 tỷ USD và lớn nhất là năm 2020 với -8,1 tỷ USD.
Cơ cấu thương mại của Thái Lan với các quốc gia trong GMS khá chênh lệch, thương mại của Thái Lan phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nhất là nhập khẩu. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của Thái Lan từ Trung Quốc chiếm trung bình đến hơn 80% và kim ngạch xuất khẩu là hơn 52% trong giai đoạn 2015 - 2020. Cơ cấu thương mại theo quốc gia không cân bằng và phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường khiến Thái Lan khó có thể chủ động được nguồn xuất nhập khẩu. Điều này được minh chứng bằng việc giá trị thương mại của Thái Lan trong GMS biến động theo sự tăng trưởng của Trung Quốc. Đồng thời, các cơ chế trong GMS chưa thực sự giúp cân bằng tỷ trọng thương mại và thúc đẩy thương mại nội khối với các nước GMS là thành viên ASEAN. Do đó, Thái Lan chưa thực sự đạt mục tiêu là trung tâm sản xuất và giao thương của khu vực.
Một số vấn đề đặt ra
Với những nỗ lực của Thái Lan khi tham gia các cơ chế, chương trình và dự án của GMS, quốc gia này đã đạt được một số thành công nhất định. Thái Lan đã góp phần xây dựng các hành lang kinh tế và khu kinh tế đặc biệt dọc theo đường biên giới để mở rộng mạng lưới sản xuất khu vực; cùng với đó, quốc gia này cũng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ nhằm kết nối giao thương trong nước và liên kết với các nước trong khu vực để thúc đẩy hợp tác kinh tế tại GMS. Kết cấu hạ tầng đồng bộ đã tạo thuận lợi cho hợp tác năng lượng của Thái Lan trong GMS có thể đáp ứng được nhu cầu về điện và phân phối điện một cách hiệu quả, hợp lý. Nhờ các cơ chế thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, nhất là đầu tư xuyên biên giới, giá trị xuất nhập khẩu và đầu tư của Thái Lan tới các quốc gia trong GMS đã tăng lên nhanh chóng. Thái Lan cũng là quốc gia dẫn đầu khu vực về thu hút số lượng khách quốc tế đến tham quan, du lịch. Mặc dù đã giải quyết được một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến môi trường và quản lý lao động nhập cư, nhưng Thái Lan vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình hợp tác tiểu vùng trong bối cảnh mới, như an ninh năng lượng, bảo tồn hệ sinh thái… đều chưa thực sự được cải thiện, đặc biệt là vấn đề xã hội liên quan đến người nhập cư trong tình hình dịch bệnh gia tăng làm cản trở đến các kế hoạch Thái Lan đã đặt ra khi tham gia các cơ chế hợp tác thương mại và đầu tư tại GMS.
Qua thực tiễn hợp tác thương mại - đầu tư của Thái Lan với các nước GMS, có thể rút ra một số kinh nghiệm để Việt Nam thực hiện hiệu quả hơn nữa các cơ chế hợp tác tại GMS trong thời gian tới. Đó là, cần xây dựng kế hoạch phát triển đầu tư và thương mại giữa các tỉnh biên giới phù hợp với bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới. Tận dụng tối đa các cơ chế thuận lợi hóa thương mại và đầu tư đã ký kết với các đối tác trong GMS. Đồng thời, triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… để có thể tương xứng với tiềm năng, lợi thế đất nước và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của các nước đối tác. Quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới cần liên kết với các trục đường chính đến các tỉnh, thành phố để tạo được mạng lưới liên kết trong khu vực. Tăng cường các cơ chế thuận lợi hóa thương mại số trên các lĩnh vực, như hải quan một cửa, chứng nhận xuất xứ điện tử, trao đổi thông tin qua cổng thông tin trên nền tảng kỹ thuật số, quản lý hệ thống vận tải xuyên biên giới để đẩy nhanh tiến trình xuất, nhập khẩu và đầu tư, cũng như giảm thiểu chi phí cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhìn từ trường hợp của Thái Lan, Việt Nam cần đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư, để tránh tình trạng phụ thuộc khi tham gia cơ chế chung của GMS. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp hiện nay, thương mại và đầu tư xuyên biên giới đang bị đình trệ, việc duy trì thông quan hàng hóa là điều vô cùng cần thiết. Do vậy, các tỉnh biên giới cần tích cực chỉ đạo, kết nối các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp, tăng cường trao đổi, hội đàm với các quốc gia láng giềng, sớm khôi phục hoạt động thông suốt của các cửa khẩu.
Thái Lan đã rất thành công khi đẩy mạnh các cơ chế thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong GMS. Điều này góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của các nước trong tiểu vùng. Những kết quả đạt được không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn tạo tiền đề thuận lợi để phát triển cả về chính trị, an ninh, văn hóa - xã hội cho các quốc gia thành viên GMS, góp phần bảo đảm môi trường ổn định, giúp các nước thành viên tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với nhau và với các nước đối tác của GMS, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Thái Lan trong khu vực và trên trường quốc tế./.
--------------------------------------
(1) The Asian Development Bank: “Greater Mekong Subregion Economic Cooperation Program - Regional Investment Framework Pipeline of Protential Projects (2013 - 2022)” (Tạm dịch: Chương trình hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong Mở rộng - Khung Đầu tư khu vực cho các Dự án tiềm năng (2013 - 2022)), Vientiane, Lao People’s Democratic Republic, 2013.
(2) Michelle Barnett: “Cambodia v. Thailand: a case study on the use of provisional measures to protect human rights in international border disputes”(Tạm dịch: “Trường hợp Campuchia và Thái Lan: Nghiên cứu điển hình về sử dụng các biện pháp tạm thời bảo vệ nhân quyền trong các tranh chấp biên giới quốc tế”), Brooklyn Journal of International Law, 2012, t. 38, tr. 269-303.
(3) The Asian Development Bank: “Greater Mekong Subregion Economic Cooperation Program - Regional Investment Framework Pipeline of Protential Projects (2013 - 2022)”, Tlđd.
(4) CLMVT bao gồm 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan. Diễn đàn CLMVT+ được tổ chức nhằm tập hợp các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và giới học thuật để trao đổi về các cách thức hỗ trợ hội nhập kinh tế, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong CLMVT.
(5) Greater Mekong Subregion: “Forum Emphasizes Importance of Even Economic Recovery in the GMS” (Tạm dịch: “Diễn đàn thúc đẩy phục hồi kinh tế đồng đều trong GMS”), https://greatermekong.org/forum-emphasizes-importance-even-economic-recovery-gms, ngày 7-9-2021.
(6) Thailand Board of Investment: “Foreign Direct Investment Statistics and Summary Years 2021 January - September” (Tạm dịch: “Số liệu thống kê về đầu tư trực tiếp nước ngoài từ tháng 1 đến tháng 9-2021”), https://www.boi.go.th/un/statistics_condition_promotion, 2021.
Hành lang Kinh tế Đông - Tây: Thành tố quan trọng thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế ở Tiểu vùng sông Mê Công  (19/02/2022)
Chiến lược của Trung Quốc và Nhật Bản trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam  (29/11/2021)
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu 2021  (03/09/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp các đại sứ trình quốc thư  (14/07/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên