Để nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long bớt khó khăn vì “khát” vốn
Sự trợ lực của tín dụng nông nghiệp nông thôn
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nếu như năm 2001, dư nợ cho vay ở vùng ĐBSCL chỉ đạt 23.430 tỷ đồng thì đến năm 2011, mức dư nợ cho vay toàn vùng đã đạt 247.762 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần, chiếm 9,41% trong tổng dư nợ cho vay của cả nền kinh tế). Trong tổng dư nợ này, phần lớn là cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần cải thiện đời sống nông dân. Cụ thể, mức dư nợ tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn những năm gần đây liên tục tăng và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ với các mức lần lượt là 28,4% (năm 2006), 27,3% (năm 2007), 26,4% (năm 2008), 28,2% (năm 2009) và 26,8% (năm 2011). Trong hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo đối với ĐBSCL, 10 năm qua các ngân hàng đã đầu tư 664,5 tỷ đồng cho 13 tỉnh, thành.
Những nỗ lực của hệ thống ngân hàng thời gian qua đã giúp hàng chục ngàn hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương và từng bước hình thành các vùng chuyên canh lúa, cây ăn trái, hoa màu, cây công nghiệp có giá trị cao gắn với nhu cầu thị trường; giúp nhiều nông hộ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện phát triển một số ngành nghề, hình thành nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ nông - lâm - thủy hải sản ở các địa phương, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động khu vực nông thôn và gia tăng thu nhập cho nhiều nông dân. Song song đó, các nguồn vốn hỗ trợ an sinh xã hội, xóa đói giám nghèo, đặc biệt là từ hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp cho nhiều huyện, xã nghèo cơ bản xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, đời sống của các hộ nông dân nghèo từng bước được cải thiện. Nhiều công trình y tế cơ sở, trường học, cầu đường nông thôn… được xây dựng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao mức sống của nông dân.
Tình trạng “khát” vốn và những hệ lụy
Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc cung cấp các nguồn vốn cho khu vực nông nghiệp và đối tượng nông dân ở ĐBSCL, nhưng nhìn chung các nguồn vốn thời gian qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, bền vững; chưa giúp đại bộ phận nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất ra các loại nông sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, gia tăng lợi tức để vươn lên khá, giàu bền vững.
Theo số liệu của Viện Chiến lược ngân hàng, xét trên bình diện toàn xã hội thì lượng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn hiện vẫn còn rất hạn chế. Đáng lưu ý là, từ năm 2007 đến nay, tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực này có xu hướng giảm dần. Cụ thể là đầu tư cho nông nghiệp năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư của toàn xã hội, trong khi GDP của ngành nông nghiệp là 20,91%. Trước đó, năm 2008, tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp khoảng 6,45%; năm 2005 là 7,5%; năm 2000 là 13,85% tổng đầu tư của toàn xã hội. Có thể nói, luồng vốn đầu tư dành cho khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng nhu cầu và khả năng tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế của khu vực này. Nguồn vốn đầu tư vừa thiếu, vừa manh mún, vừa không đáp ứng nhu cầu phát triển, vừa không phát huy vai trò đòn bẩy cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hệ lụy tất yếu là đời sống của người nông dân, chủ thể của sản xuất nông nghiệp và nền kinh tế nông thôn, cũng đang trong tình thế bấp bênh. Đó cũng chính là thực trạng nhiều năm qua của nông dân vùng ĐBSCL, chủ thể của vùng trọng điểm sản xuất lương thực, cây ăn trái và thủy sản cả nước.
Theo nhận định của TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, sự phát triển của vùng ĐBSCL những năm gần đây ngày càng bộc lộ rõ thực trạng kém bền vững, vì sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu tăng nhanh, nhưng thu nhập của đại đa số hộ nông dân không tăng theo tương xứng, thậm chí còn bị giảm ở những vùng sản xuất khó khăn vì bị nhiễm phèn và ngập mặn. Nông dân trồng lúa ngày càng nghèo vì phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch hại; chi tiêu gia đình ngày càng cao (ăn uống, chữa bệnh, con cái học hành, đám tiệc, giỗ tết,...) do giá cả tăng; đầu tư cho sản xuất cao (giá vật tư cao, ứng vật tư sản xuất trước và trả lại sau khi thu hoạch mùa vụ lãi suất cao, trả lãi ngân hàng và trả nợ); thu nhập thấp do giá bán thấp, thị trường bấp bênh. Những thách thức đó đã làm cho khoảng cách giàu nghèo thành thị và nông thôn, kể cả trong khu vực nông thôn, ngày càng tăng, tạo ra nhiều tiềm ẩn về bất ổn xã hội.
Thực trạng dễ nhận thấy là, sản xuất nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo tăng cao ở nông thôn, tình trạng thu hẹp đất sản xuất ngày càng tăng, do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Bất bình đẳng thu nhập nông thôn và thành thị gia tăng. Nông dân là người dễ bị rủi ro và tổn thương do kỹ thuật sản xuất còn thấp, thiếu tổ chức sản xuất với quy mô lớn và khả năng vốn thấp. Do không có vốn nên ngày càng nhiều nông dân phải cầm cố, mất dần đất đai; phải mua chịu vật tư, phân bón, con giống, thức ăn,... (đầu vào) với giá cả và lãi suất khá cao. Đến khi bán sản phẩm lợi tức không còn bao nhiêu. Người trồng lúa, trồng cây ăn trái, nuôi tôm, nuôi cá tra phải chịu cảnh “trúng mùa thất giá” triền miên.
Những năm gần đây, Nhà nước đã triển khai các chương trình xóa nghèo kết hợp tín dụng với khuyến nông. Theo đó, nhiều nông dân vừa được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, vừa nhận được tín dụng để mua vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, không ít nông dân lại gặp bất cập khác là sản xuất trúng mùa nhưng không biết bán ở đâu hoặc bán với giá thấp hơn giá thành do qua quá nhiều tầng nấc trung gian của thương lái. Thực trạng giá lúa, giá cá tra, giá dừa cùng nhiều loại trái cây tụt giảm mạnh trong thời gian vừa qua là một minh chứng. Hệ lụy là, khả năng tích lũy vốn tái sản xuất và cải thiện đời sống của nhiều nông hộ ở ĐBSCL ngày càng... teo tóp.
Tình trạng lũ lụt, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch hại trên vật nuôi cây trồng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. ĐBSCL tuy là vùng tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, thủy hải sản nhưng do hệ thống kết cấu hạ tầng yếu kém, không đồng bộ; giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm chủ lực như lúa, trái cây, thủy hải sản không cao. Trong khi nhiều nông dân đang rất cần vốn để mở rộng quy mô sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm thì khả năng tiếp cận các ngân hàng của họ rất khó khăn vì các thủ tục còn nhiêu khê và nhiều ngân hàng cũng ngại cho nông dân vay, bởi tâm lý e ngại, tỷ lệ rủi ro cao.
Để vốn đến tận tay nông dân
Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Hội nghị Trung ương 7 khóa X xác định mục tiêu: “Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới”. Để đạt mục tiêu đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp lớn mà Nghị quyết đề ra là: “Rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, giảm bớt đầu tư cho các công trình có thể thu hồi vốn để tạo nguồn, tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn...; tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản hàng hóa; tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi và khuyến khích các ngân hàng, định chế tài chính cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn”.
Để giúp nông dân vùng ĐBSCL tăng nguồn vốn sản xuất, từng bước nâng khả năng đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực, tăng lợi tức và vươn lên khá giàu, các ngành, các cấp hữu quan cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:
- Các ngân hàng trong quá trình tái cơ cấu nên xem xét ưu tiên nguồn vốn cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bảo đảm dư nợ cho vay đối với kinh tế nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Các ngân hàng cũng nên giảm bớt đầu tư cho các dự án manh mún, cục bộ, đơn ngành; gia tăng vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh doanh có sự cộng tác và điều phối đa ngành trong các hợp tác xã hoặc cụm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. Có như thế mới có thể giúp phát triển nông nghiệp toàn diện, giúp nông dân khá giàu, nông thôn thịnh vượng.
- Tiếp tục sơ kết việc thực hiện và bổ sung, điều chỉnh kịp thời để tiếp tục triển khai có hiệu quả cao “Đề án mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân định hướng đến năm 2020”; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-4-2010, của Chính phủ “Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”; Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch”.
- Ngân hàng Nhà nước xem xét, bổ sung cơ chế ưu đãi mạnh hơn đối với các tổ chức tín dụng có tỷ trọng vốn đầu tư tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Trước mắt, có thể xem xét, nâng cấp một số ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lên quy mô tương xứng với sự phát triển của ĐBSCL. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để các tổ chức tín dụng tiếp tục củng cố và mở rộng mạng lưới tại địa bàn nông thôn, tạo điều kiện đưa vốn nhanh đến tận tay nông dân.
- Các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình phối hợp, hợp tác với các tổ chức chính trị - xã hội, như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để gia tăng nguồn vốn tín dụng đầu tư cho hội viên, đoàn viên là nông dân. Song song đó, các địa phương cũng có thể nghiên cứu phát triển mô hình hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để cung ứng vốn, các dịch vụ ngân hàng cho nông dân, cho khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng khép kín, gia tăng đồng bộ chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ khâu sản xuất, gieo trồng tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
- Chính phủ hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp cho nông dân. Thay vì hỗ trợ nông dân vay với lãi suất thấp, Chính phủ nên hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm rủi ro giá cả, do mất mùa, thiên tai, dịch hại cho các sản phẩm nông nghiệp. Có như thế, rủi ro trong hoạt động đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng sẽ giảm, thúc đẩy các tổ chức này mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vốn vào nông nghiệp, nông thôn. Cách làm này vừa tạo điều kiện phát triển thị trường bảo hiểm, vừa hỗ trợ thiết thực và đúng mục đích đối với nông dân.
- Đổi mới mạnh mẽ các định chế tài chính tại thị trường nông thôn; không ngừng cải thiện năng lực tài chính, năng lực hoạt động của các định chế này để giúp nông dân và các doanh nghiệp có quan hệ mua bán trực tiếp với nông dân tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn vốn tín dụng. Cần ưu tiên vốn tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL; phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp như liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, thực hiện phát triển nông - thủy sản theo tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP; hỗ trợ thiết lập các hệ thống thông tin về thị trường, giá cả, dự báo, giúp nông dân và doanh nghiệp có hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có lợi nhất.
- Xem xét, phân phối lại lợi tức phù hợp như: có thể sử dụng một phần lợi tức thu được từ các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy, hải sản để phân phối trở lại cho nơi trực tiếp sản xuất ra các loại hàng hóa đó để tái đầu tư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân./.
“Bí thư cần là người đứng mũi chịu sào”  (17/12/2012)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 10 đến 16-12-2012  (17/12/2012)
Một số điểm nhấn của Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc  (17/12/2012)
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường...  (17/12/2012)
Khởi công xây dựng Trung tâm Ung bướu Chợ Rẫy  (16/12/2012)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam