TCCSĐT - Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường, số lượng cán bộ, công chức qua các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng khá lớn nhưng nhìn chung chất lượng, nhất là kiến thức quản lý nhà nước mới với kỹ năng nghiệp vụ hành chính của cán bộ, công chức còn thấp. Bằng cấp, chứng chỉ tăng nhưng chất lượng về chuyên môn của cán bộ, công chức có bằng cấp, chứng chỉ đang là vấn đề đáng lo ngại.

Cần chuyển hướng đào tạo công chức

Tổng kết mười năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, các chuyên gia thống nhất nhận định: “Yếu kém lớn nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế mới. Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường, số lượng cán bộ, công chức qua các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng khá lớn nhưng nhìn chung chất lượng, nhất là kiến thức quản lý nhà nước mới với kỹ năng nghiệp vụ hành chính, thật sự đạt được ở tỷ lệ thấp. Bằng cấp, chứng chỉ tăng nhưng chất lượng về chuyên môn của cán bộ, công chức có bằng cấp, chứng chỉ đang là vấn đề đáng lo ngại”.

Đó là do phương thức đào tạo chủ yếu theo chức nghiệp, nhằm vào việc tiêu chuẩn hóa chức danh cán bộ, công chức chứ chưa chú trọng đầy đủ những kiến thức và kỹ năng để xây dựng cho người công chức năng lực thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao. Hiện trạng công tác đào tạo này đang gây ra tình trạng hẫng hụt về năng lực thực thi thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước đối với người công chức. Sự hẫng hụt này càng trở thành thách thức lớn đối với chính quyền các cấp. Nói cho dễ hiểu, ta mới chỉ chú ý việc đưa họ ngồi vào “ghế” mà chưa quan tâm đến chuyện họ “ngồi vào ghế rồi phải làm như thế nào?”.

Để khắc phục tình trạng trên, cần hướng đến việc đào tạo năng lực cho công chức. Năng lực là tập hợp của nhiều yếu tố như kiến thức, các kỹ năng, khả năng, sự sẵn sàng để hành động và trách nhiệm. Có thể định nghĩa năng lực là “sự liên kết mang tính tổng hợp giữa kiến thức, kỹ năng và thái độ mà nó ảnh hưởng đến công việc (vai trò hay trách nhiệm), chúng tương quan lẫn nhau trong quá trình thực thi nhiệm vụ và có thể nâng cao được thông qua đào tạo và phát triển”. Ngoài ra, để thực hiện được tốt nhiệm vụ, người công chức cần có những kỹ năng mang tính bổ trợ cho cá nhân, tùy theo loại công chức. Bên cạnh đấy, công chức còn phải có các năng lực quản lý hiện đại cơ bản.

Tổ chức UNDP hỗ trợ kỹ thuật cải cách hành chính cho TP. Hồ Chí Minh đang chuyển giao cho thành phố chương trình đào tạo những kỹ năng trên dưới dạng 20 môđun. Các kỹ năng này được xây dựng trên nền tảng phẩm chất, thái độ và hành vi tương thích nhằm giúp người công chức có khả năng hoàn thành nhiệm vụ tương ứng với vị trí chức danh một cách chủ động và tích cực trong bối cảnh khó khăn, thách thức, yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong thực tiễn.

Kiểm tra công tác thực hiện cải cách hành chính, tư pháp tại Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên

Ngày 13-12, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã dẫn đầu Đoàn kiểm tra công tác thực hiện cải cách hành chính, tư pháp tại Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên, đồng chí Nguyễn Văn Thạo, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã trực tiếp báo cáo Đoàn công tác về việc thực hiện cải cách hành chính, tư pháp của đơn vị.

Năm 2012, số các loại vụ án ngành đã thụ lý ngày một tăng cao (tăng 549 vụ) so với năm 2011, về tính chất, mức độ ngày một phức tạp. Toàn ngành đã nỗ lực giải quyết được 2.536 vụ/2.967 vụ án các loại; tổ chức hoà giải được 1.085 vụ/1.513 vụ, đạt tỷ lệ 71,7%.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TAND tỉnh Hưng Yên đã nêu ra những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, tư pháp. Đồng chí Trương Hòa Bình đã đề nghị lãnh đạo các vụ, viện trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao cùng đi trong đoàn công tác lắng nghe, giải thích cũng như có giải pháp trình lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao để sớm khắc phục những khó khăn của địa phương.

Hà Nội: Điều tra xã hội học đối với 5 sở “nhạy cảm”

Ngày 13-12, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết Hà Nội sẽ mở đợt điều tra xã hội học về việc năng lực, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuộc 5 sở quan trọng, liên quan nhiều đến dự án đầu tư, đến người dân và doanh nghiệp.

Để nắm rõ hơn chuyển biến về nhận thức của cán bộ, đảng viên, Thành ủy Hà Nội quyết định tổ chức đợt điều tra xã hội học tập trung vào cán bộ, công chức của 5 sở “nhạy cảm” nhất, là đầu mối giải quyết công việc liên quan đến dự án đầu tư, ngân sách, đến nhu cầu hàng ngày của người dân và doanh nghiệp. 5 sở này cũng là những cơ quan mà vừa qua dư luận trong một bộ phận cán bộ, nhân dân có ý kiến còn nhiều vấn đề này, vấn đề kia. Cụ thể gồm: Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng.

Phạm vi điều tra nằm trong công việc quản lý nhà nước của 5 sở nêu trên nhưng đi vào đánh giá hoạt động của các phòng chức năng trực thuộc 5 sở; tập trung vào thái độ, trách nhiệm, năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức; mối quan hệ công việc liên thông giữa cấp quận, huyện với cấp sở.
Trong phiếu lấy ý kiến, có 4 câu hỏi : Cán bộ, công chức (cấp sở) đã hướng dẫn cán bộ, công chức làm đầu mối liên thông giải quyết thủ tục hành chính (cấp quận, huyện) rõ ràng và đầy đủ chưa? Hướng dẫn không đầy đủ, phải làm lại nhiều lần? Có hiện tượng nhũng nhiễu tiêu cực hay không?

Về năng lực và trình độ chuyên môn, đánh giá theo 4 cấp độ: tốt - khá - trung bình - yếu. Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, có 3 câu hỏi: trả trước thời hạn, trả đúng hạn và trả chậm.

Về đối tượng điều tra, tập trung phát phiếu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp quận, huyện, thị xã; trưởng, phó phòng chuyên môn trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo quận, huyện về các lĩnh vực thuộc 5 sở nêu trên; Ban quản lý dự án của các quận, huyện.

Hà Nội đã bắt đầu triển khai và sẽ phát 1.000 phiếu cho cuộc điều tra này. Phấn đấu đến 15-1-2013 sẽ hoàn tất đợt điều tra. Kết quả điều tra xã hội học là một kênh thông tin rất quan trọng đối với lãnh đạo Thành ủy, căn cứ vào kết quả, sẽ có những đề xuất cụ thể.

TP. Hồ Chí Minh: Tinh giản nhiều thủ tục hành chính

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chương trình đột phá cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị giai đoạn 2011 - 2015 ở TP. Hồ Chí Minh đã cho kết quả khả quan:

Cắt giảm 30% thủ tục hành chính

Chương trình Cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền đô thị được triển khai từ đầu năm 2011, đến nay đã có 18/18 sở, ngành và 24/24 quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình.

Về tổ chức thực hiện Kế hoạch rà soát thủ tục hành chính trọng tâm năm 2012 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố đã giao thủ trưởng các sở, ngành chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt chỉ tiêu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và đảm bảo đúng tiến độ theo quy định.

Một cửa liên thông

Thành phố đã triển khai mô hình liên thông kết nối hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc cho toàn thành phố. Mô hình này thực hiện việc kết nối liên thông văn bản, hồ sơ công việc từ UBND thành phố đến sở, ban, ngành, quận, huyện nhằm hiện đại hóa nền hành chính thay thế dần văn bản giấy bằng văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số. Tính đến nay, đã triển khai hệ thống quản lý văn bản cho 72 sở, ngành, quận, huyện và đã liên thông kết nối các đơn vị triển khai với nhau; có 22/24 quận, huyện đã triển khai liên thông phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc xuống phường, xã.

Hiện có 7 sở, ngành và 24 quận, huyện tham gia hệ thống “Một cửa điện tử” cung cấp thông tin tình trạng giải quyết hồ sơ cho công dân. Việc triển khai hệ thống “Một cửa điện tử” trên điện thoại di động trên cơ sở ứng dụng mạng 3G bước đầu cũng đã phát huy hiệu quả tạo thuận lợi để người dân có thể tra cứu tình trạng hồ sơ hành chính mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai áp dụng chữ ký số cho thông tin chỉ đạo, điều hành tại các quận, huyện, sở, ban, ngành trên hệ thống cityweb và hệ thống văn bản nhằm tăng cường tính pháp lý của hệ thống văn bản số. Tính đến nay, tổng số đơn vị được cấp chứng thư số là 71 đơn vị.

Bảo đảm thực chất, khách quan

Việc triển khai thí điểm bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính (PAR Index) tại một số bộ, địa phương đã cho thấy nhiều ưu điểm, song cũng bộc lộ những điểm chưa phù hợp. Do đó, Bộ Nội vụ đã điều chỉnh, hoàn thiện và ban hành bộ chỉ số để năm 2013 triển khai trên toàn quốc, bảo đảm tính thực chất, khách quan.

Từ các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị trong quá trình thí điểm, Bộ Nội vụ đã xem xét và tiếp thu những ý kiến phù hợp để chỉnh sửa, hoàn thiện bộ chỉ số. Ngày 3-12, Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1294/QĐ-BNV phê duyệt Đề án "Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương". Theo đó, bổ sung một số tiêu chí thành phần đánh giá vào điều tra, khảo sát để tăng tỷ trọng tiêu chí thành phần đánh giá khách quan. Với việc điều chỉnh đó, bộ chỉ số PAR Index cấp bộ sẽ gồm 7 lĩnh vực và tăng từ 30 lên 31 tiêu chí, từ 83 lên 89 tiêu chí thành phần, số điểm qua điều tra, khảo sát giữ nguyên là 40 điểm (trên thang điểm 100). PAR Index với cấp tỉnh sẽ gồm 8 lĩnh vực, tăng từ 32 lên 34 tiêu chí, từ 86 lên 104 tiêu chí thành phần và số điểm điều tra, khảo sát từ 35 lên 38 điểm. Các câu hỏi sẽ cụ thể, đơn giản, dễ hiểu hơn và phiếu hỏi phù hợp hơn cho từng loại đối tượng. Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí, tiêu chí thành phần của bộ chỉ số cấp bộ, cấp tỉnh. Điểm tự đánh giá của các bộ, tỉnh sẽ được xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học sẽ do Bộ Nội vụ thực hiện. Tổng hợp điểm qua điều tra xã hội học và điểm các đơn vị tự đánh giá (được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận) - là căn cứ để tính chỉ số cải cách hành chính của từng bộ, tỉnh…

Mới là lần đầu thực hiện áp dụng bộ chỉ số cải cách hành chính, song ngay sau khi áp dụng thí điểm, bộ chỉ số đã được chỉnh sửa, hoàn thiện. Hy vọng, với cách làm nghiêm túc, bài bản của Bộ Nội vụ, khi triển khai áp dụng trên diện rộng vào năm 2013, bộ chỉ số PAR Index sẽ xứng đáng là công cụ đánh giá cải cách hành chính thực chất, khách quan.

Cần điều hành đồng bộ

Để thúc đẩy việc trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện cho ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước. Qua đó, các bộ, ngành, địa phương đã từng bước ứng dụng CNTT, góp phần nâng cao năng suất lao động và thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính.

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa phát huy hết hiệu quả. Thực tế cho thấy nhiều đơn vị đã được trang bị hệ thống CNTT nhưng chỉ sử dụng một phần tính năng của phần mềm nên chưa mang lại hiệu quả cao trong việc tiết kiệm thời gian và chi phí. Ngay tại những địa phương đã triển khai ứng dụng CNTT mạnh mẽ hiện nay như Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Cần Thơ, Hải Phòng... cũng chưa phát huy hết hiệu quả của ứng dụng CNTT. Những khó khăn mà các đơn vị gặp phải là: phần mềm không ổn định, kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn hạn hẹp; số lượng, trình độ cán bộ chuyên trách về CNTT nhiều nơi còn hạn chế.

Ứng dụng CNTT cần có rất nhiều yếu tố như kinh phí, trình độ cán bộ, quyết tâm của lãnh đạo, song, để việc ứng dụng CNTT phát huy hết hiệu quả thì không thể tồn tại lâu dài tình trạng phát triển ở quy mô nhỏ lẻ. Đã đến lúc không nên để mỗi nơi tự thuê một đơn vị tư vấn thiết kế, dẫn tới phần mềm giữa các cơ quan nhà nước không đồng bộ, mà cần có ứng dụng CNTT quy mô quốc gia, tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử trên diện rộng. Như thế mới tránh được tình trạng tỷ lệ số nơi ứng dụng và tỷ lệ cán bộ được trang bị ứng dụng cao nhưng hiệu quả thực tế lại chưa tương xứng.

Kiến nghị cơ chế riêng cho chính quyền đô thị

“TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ cần tăng cường phân cấp quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công, có cơ chế riêng cho chính quyền đô thị”.

Đó là một trong số những kiến nghị của UBND thành phố trình Chính phủ tại báo cáo sơ kết hai năm triển khai thực hiện chương trình đột phá cải cách hành chính gắn với xây dựng mô hình chính quyền đô thị giai đoạn 2011 - 2015 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Minh Trí ký ngày 6-12.

Thành phố cũng kiến nghị Chính phủ sớm khắc phục tình trạng không đồng bộ trong quy định pháp luật (luật đã có hiệu lực nhưng phải chờ nghị định, rồi nghị định chờ thông tư…). Đồng thời, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua các quyết định thực thi theo Đề án 30 của Chính phủ…

Hơn 2.500 cơ quan hành chính nhà nước được chứng nhận ISO 9001:2008

Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 đã được đưa vào áp dụng tại các cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2006 theo Quyết định 144/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến 30-10-2012, cả nước đã có 2.589 cơ quan hành chính nhà nước được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp ISO 9001:2008. Trong đó, tại địa phương có 2.265 cơ quan hành chính thuộc 63/63 tỉnh, thành phố; tại Trung ương có 324 cơ quan thuộc 13/26 bộ, ngành được cấp giấy chứng nhận.

Qua báo cáo tổng kết và thông tin phản hồi từ cơ quan hành chính nhà nước cho thấy, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đã mang lại các kết quả như: xây dựng được quy trình giải quyết công việc một cách khoa học, từng bước cải tiến phương pháp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, phòng, ban giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả; đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc; giảm tác động tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức; hồ sơ được sắp xếp thuận tiện cho việc giải quyết công việc; góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công.

Bên cạnh các kết quả tích cực, cũng đã có nhiều ý kiến phản ảnh về chất lượng và hiệu quả của việc áp dụng ISO 9001 tại các cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, việc thủ trưởng cơ quan chưa quan tâm và chủ động triển khai là một trong các vấn đề mấu chốt.

Thanh tra đột xuất về thái độ của công chức

“Ngay từ tuần tới, Thanh tra Sở Nội vụ sẽ triển khai thanh tra đột xuất ở các địa phương về thái độ công chức thực thi công vụ và tiến độ giải quyết hồ sơ của dân. Nếu phát hiện vi phạm sẽ yêu cầu lãnh đạo đơn vị xử lý tại chỗ theo thẩm quyền”. Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh khẳng định như trên trong phiên chất vấn về cải cách hành chính tại kỳ họp HĐND thành phố chiều 6-12.
Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thống kê có đến hơn 44% hộp thư điện tử thành phố không được sử dụng. “Đến email lãnh đạo đơn vị còn không sử dụng thì làm sao khuyến khích chuyên viên ứng dụng công nghệ tích cực được” - ông Hỷ nói và cho rằng có lẽ do người đứng đầu đơn vị không ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, điều hành nên khó thúc đẩy hiện đại hóa nền hành chính địa phương.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Minh Trí nhấn mạnh vấn đề mấu chốt trong cải cách hành chính là con người. Quan trọng nhất là lãnh đạo đơn vị phải tự kiểm soát, điều chỉnh nhân viên. Mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, đặt camera giám sát tiếp dân… cũng chỉ nhằm kiểm soát hành vi cán bộ, công chức, qua đó ngăn ngừa hiện tượng nhũng nhiễu dân. “Chỉ áp dụng mô hình chính quyền đô thị mới giải quyết rốt ráo vấn đề cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, thẩm quyền thành phố. Còn cải cách hành chính hoài vẫn vướng là thế” - ông Trí cho hay.

Cà Mau: Kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2012 tại Sở Tư pháp

Thực hiện Quyết định số 1403/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2012, ngày 07-12-2012, Đoàn Kiểm tra tỉnh đã tổ chức kiểm tra tại Sở Tư pháp.

Qua buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thay mặt Đoàn Kiểm tra tỉnh kết luận: Sở Tư pháp đã tổ chức tốt việc thực hiện các văn bản của Trung ương và của tỉnh liên quan đến hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính. Kết quả trong năm 2012 đã tổ chức rà soát và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công bố sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 02 lần với 34 thủ tục hành chính (trong đó sửa đổi 31 thủ tục hành chính, ban hành mới 03 thủ tục hành chính) phù hợp với quy định hiện hành. Việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính được triển khai, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc tại Bộ phận một cửa, một cửa liên thông của Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc. Các thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức; thái độ của công chức giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định, không gây phiền hà cho các đối tượng có yêu cầu; thường xuyên tổ chức lấy ý kiến của khách hàng theo quy trình ISO 9001:2008. Trong hoạt động đơn giản hóa thủ tục hành chính, đã rà soát, trình và thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm của tỉnh với 3/4 thủ tục hành chính được Chủ tịch UBND tỉnh thông qua, chủ yếu là đơn giản thành phần hồ sơ, đã tiết kiệm chi phí/3 thủ tục hành chính là 11.202.863 đồng, với tỷ lệ tiết kiệm từ 08% đến 18%.

Điểm mới, điểm sáng được Đoàn Kiểm tra tỉnh ghi nhận và đề nghị nhân rộng trong toàn tỉnh là đã cập nhật công khai kết quả giải quyết hồ sơ vào cuối ngày làm việc trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp (http://sotuphap.camau.gov.vn, mục Kết quả giải quyết hồ sơ hàng ngày), đã tạo điều kiện cho tổ chức, công dân được biết và đến nhận kết quả sớm./.