Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Nghị quyết “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Từ nghiên cứu Nghị quyết và soi rọi vào tình hình thực tế về nông nghiệp, nông thôn của Bình Phước, yêu cầu mới đặt ra là phải làm như thế nào để góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, tập trung xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của một tỉnh có thế mạnh về nông, lâm nghiệp.

Thực trạng và những yêu cầu đặt ra

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng tiềm năng phát triển kinh tế Đông Nam Bộ, nhưng xuất phát điểm của Bình Phước lại thấp hơn so với các tỉnh, thành trong khu vực. Hơn nữa, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông nghiệp vẫn chiếm số lượng lớn, trong khi công nghiệp và dịch vụ lại phát triển chưa cao.

Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm qua được xác định là đúng hướng, nhưng tỷ trọng nông, lâm nghiệp bình quân mỗi năm mới giảm 1,58%, trong khi tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng bình quân mỗi năm chỉ tăng được 1,33%. Đến cuối năm 2007, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm 53,17%. Báo cáo giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đánh giá, trong cơ cấu ngành nông nghiệp tuy có chuyển dịch nhưng không đáng kể, chăn nuôi hầu như không có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp dù đạt nhiều đột phá và thành tựu, nhưng về tổng thể, vẫn là sản xuất quy mô nhỏ và manh mún, chậm ứng dụng công nghệ, nếu có cũng còn rất khiêm tốn, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong lĩnh vực nông nghiệp, bình quân giai đoạn 2006 - 2008, mỗi năm tăng 10,77%, nhưng cơ cấu chủ yếu vẫn là trồng trọt 93%, chăn nuôi 6,85%, dịch vụ nông nghiệp chỉ mới đạt 0,15%. Thu nhập của người dân vùng nông thôn còn thấp, vốn tích lũy để tái đầu tư không nhiều, vấn đề tái đầu tư chủ yếu tập trung ở khu vực kinh tế trang trại, nhờ có thu nhập cao từ hiệu quả ứng dụng khoa học - công nghệ tương đối tốt.

Tuy kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Bình Phước trong những năm qua được xác định là đúng hướng, nhưng tỷ trọng nông, lâm nghiệp bình quân mỗi năm mới chỉ giảm 1,58%. Đến cuối năm 2007, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm 53,17%.

Thêm vào đó, những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa nông thôn, việc quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng ít nhiều tác động và ảnh hưởng đến nông nghiệp. Cùng với nhu cầu tất yếu cần đẩy mạnh công nghiệp - dịch vụ và phát triển thị trấn, thị tứ từ vùng nông thôn trước đây, người dân chưa chuẩn bị tốt tâm lý, tư thế để sống chung với tốc độ đô thị hóa. Tình trạng thất nghiệp trong nông thôn tăng lên. Lao động ở nông thôn đang theo hướng dịch chuyển ra khỏi sản xuất nông nghiệp, người dân tìm những công việc không chính thức, không ổn định, lao động thủ công là chủ yếu. Một trong những nguyên nhân là do trình độ dân trí còn thấp và công tác đào tạo nghề của tỉnh còn nhiều bất cập, người dân thiếu tích cực, chưa chủ động trong việc học nghề. Ước đến hết năm 2008 số lao động được đào tào mới đạt 25%.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thị trường hóa và toàn cầu hóa đồng thời diễn ra cùng lúc, đã tác động mạnh mẽ đến khu vực nông thôn. Trong khi đó, lao động có tay nghề ở khu vực nông nghiệp của Bình Phước vừa thiếu, vừa yếu; sản phẩm nông nghiệp trong tỉnh chưa tạo lợi thế cạnh tranh, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường; mối liên kết phối hợp giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) chưa thật sự phát huy đúng tầm. Sản xuất nông nghiệp của người dân còn mang tính tự phát cao, cây trồng nào mất giá thì phá bỏ để trồng loại cây có giá, tình trạng này liên tiếp diễn ra; người dân và kể cả doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn nặng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Quán triệt quan điểm của Đảng ta và xác định nông dân là “nhân vật chính” trong bức tranh kinh tế - xã hội nông thôn và nông nghiệp của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền Bình Phước với mục tiêu hướng về nông dân, vì nông dân phục vụ, đặt chiến lược tăng trưởng bền vững gắn với các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, nhất là công tác giảm đói nghèo ở khu vực nông thôn được đặt lên ưu tiên hàng đầu.

Xuất phát từ ý nghĩa và mục tiêu trên, qua phân tích, đánh giá thực tiễn, vận dụng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, vấn đề đặt ra đối với Bình Phước là tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh một số giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn trong những năm tiếp theo, cụ thể:

Một là, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn ở Bình Phước phải phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên và thế mạnh của tỉnh, trước hết là đất đai, lao động; nâng cao ý thức tự lực tự cường, chuẩn bị tốt tâm thế cho nhân dân trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nắm vững các nguyên tắc ứng xử trong cơ chế thị trường. Cốt lõi của vấn đề là ngày càng giảm khoảng cách giàu nghèo giữa vùng nông thôn và thị tứ, xây dựng nông thôn hòa thuận, ổn định, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, xem đó là động lực cho quá trình phát triển.

Hai là, hoàn thành cơ bản việc rà soát, bổ sung quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp hợp lý, xem xét chuyển đổi những diện tích đất rừng nghèo kiệt thành vùng trồng cây công nghiệp, cụ thể là trồng cây cao-su, vừa bảo đảm độ che phủ rừng vừa tạo công ăn, việc làm cho người dân lao động, nhất là đồng bào dân tộc. Riêng vấn đề này, tỉnh đã chủ trương khi giao đất rừng nghèo kiệt cho các doanh nghiệp trồng cây cao-su kèm theo quy định ràng buộc là các doanh nghiệp phải bảo đảm sử dụng 70% lao động của địa phương, ưu tiên sử dụng lao động của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hạn chế việc phá rừng, ổn định thu nhập cho đồng bào gắn liền định canh, định cư. Đặc biệt, tỉnh đã giao cho mỗi công ty cao-su trên địa bàn trách nhiệm trồng và giao khoán 200 ha cao-su cho đồng bào thiểu số tham gia chăm sóc, khai thác.

Theo báo cáo của Cục Thống kê, trong lĩnh vực nông nghiệp, bình quân giai đoạn 2006 - 2008, mỗi năm tăng 10,77%, nhưng cơ cấu chủ yếu vẫn là trồng trọt 93%, chăn nuôi 6,85%, dịch vụ nông nghiệp chỉ mới đạt 0,15%.

Ba là, quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với quy hoạch phát triển đô thị; thực hiện chuyển dịch cơ cấu và công nghiệp hóa nông, lâm nghiệp của tỉnh; chú trọng phát huy quỹ đất sản xuất hiện có, nâng cao hiệu quả canh tác, hiệu quả kinh tế trên một héc-ta diện tích sản xuất. Đi liền với vấn đề chuyển dịch cơ cấu theo tỷ trọng công - nông - dịch vụ sẽ chú trọng nghiên cứu chuyển giao, áp dụng khoa học - công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Trước hết, quan tâm đặt hàng những đề tài khoa học có ứng dụng thực tiễn phù hợp với sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương, gắn với lợi ích thiết thân của nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế. Bảo đảm lộ trình xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản thế mạnh của Bình Phước như thương hiệu hạt điều, một số loại cây ăn quả, vật nuôi... Trong quá trình triển khai các khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt, bảo đảm lợi ích cho người dân, không để người dân bị thua thiệt, nhất là trong việc xác định giá đền bù. Quy hoạch đô thị nông thôn, công nghiệp hóa nông thôn Bình Phước phải bảo đảm yêu cầu không phá vỡ môi trường sinh thái, tránh sự tác động đến môi sinh của người dân vùng nông thôn.

Bốn là, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn của tỉnh, tạo bước đột phá trong việc xây dựng nông thôn mới. Trước hết, coi phát triển giao thông nông thôn là điều kiện tiên quyết để thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản của nhân dân; quan tâm xây dựng hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là ở những xã thường xuyên mất mùa do thiếu nguồn nước. Bảo đảm 100% số hộ nông thôn có điện sử dụng.

Năm là, phát triển chăn nuôi đại gia súc, đa dạng ngành nghề nông, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến các loại nông sản có lợi thế của tỉnh để xuất khẩu. Tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn, đẩy mạnh cơ khí hóa nông nghiệp cùng với quá trình tích tụ ruộng đất, tránh để sản xuất manh mún như hiện nay. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hơn nữa nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình kinh tế trang trại, phát triển các hình thức tổ sản xuất dịch vụ, tổ hợp tác và hợp tác xã theo phương châm: “trình độ người dân đến đâu thì hình thức tổ chức sản xuất đến đó”. Đặc biệt chú trọng đào tạo nghề cho nông dân thông qua các hình thức tại các trung tâm dạy nghề địa phương, bồi dưỡng kiến thức tại các trung tâm học tập cộng đồng, mô hình của chương trình khuyến nông và đào tạo theo hướng khuyến khích nông dân truyền đạt kinh nghiệm cho nông dân, học tập trang trại mẫu... Ngoài ra, chú trọng đào tạo một số ngành nghề công nghiệp dịch vụ, trong đó quan tâm việc đào tạo nghề cho đối tượng thanh niên nông thôn.

Sáu là, phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển văn hóa - xã hội, giải quyết đồng bộ các vấn đề của nông thôn như: các thiết chế văn hóa, tăng cường giáo dục, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo. Đối với người dân bị thu hồi đất để phục vụ phát triển đô thị nông thôn, áp dụng chính sách bảo đảm cho người dân có cuộc sống ổn định và cao hơn so với trước khi thu hồi đất, nhất là tạo điều kiện cho người dân có nghề mới, ổn định thu nhập, nhằm bảo đảm an sinh xã hội vùng nông thôn. Tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa chương trình 135 giai đoạn 2, quan tâm đến vấn đề bảo hiểm nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi, xây dựng quỹ rủi ro thiên tai, bảo hiểm mất mùa cho nông dân. Thực hiện quyền bình đẳng giới cho phụ nữ nông thôn, nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ở khu vực này. Hiện nay, ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2357/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề tỉnh Bình Phước giai đoạn 2008 - 2010 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia với tổng vốn đầu tư là 3,4 tỉ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành Quyết định số 2357/QĐ-UBND phê duyệt phương án tổng thể về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển ngành nghề tỉnh Bình Phước giai đoạn 2008 - 2010 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia với tổng vốn đầu tư là 3,4 tỉ đồng.

Bảy là,
quán triệt vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, vai trò quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị đối với vấn đề này, trong đó, cần khẳng định vai trò của Hội Nông dân gắn bó mật thiết với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở, với tư cách là người đại diện cho hơn 700.000 người dân đang sống ở vùng nông thôn toàn tỉnh, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội, phải chú trọng nhiệm vụ tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hội Nông dân các cấp phải luôn đồng hành với lợi ích thiết thân của nông dân trong cơ chế thị trường. Hoạt động của Hội Nông dân phải là “bà đỡ” cho nông dân trong tư vấn, hướng dẫn, các hình thức dịch vụ... giúp nông dân có đời sống vật chất và tinh thần cao hơn trước. Yêu cầu này tất yếu quy định việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tình hình mới.

Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Bình Phước trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh phát huy tinh thần yêu nước, phát huy cao hơn nữa và không ngừng động viên tinh thần nỗ lực to lớn, ý thức tự lực tự cường của nhân dân trong tỉnh, nhất là khu dân cư nông thôn. Với quyết tâm cao, bộ mặt nông thôn của tỉnh, vị thế chính trị của nông dân Bình Phước sẽ được nâng lên và cùng với lực lượng công nhân, đội ngũ trí thức tạo nền tảng chính trị vững chắc trong công cuộc xây dựng Bình Phước giàu mạnh và phát triển bền vững./.