Hà Giang là tỉnh biên giới đầu tiên của cả nước có điện lưới quốc gia được hòa tới 100% trung tâm các xã, tuy nhiên con đường để ánh sáng điện đến với từng thôn, bản, hộ gia đình lại vô cùng khó khăn. Trên độ cao vời vợi, những thôn bản heo hút, nằm vắt lưng chừng các sườn núi của huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì, đồng bào nơi đây vẫn chưa được hưởng niềm vui có điện thắp sáng.

1 km, 100 triệu, 1 hộ dân

Là một phần của vòm cao nguyên đá Bắc Hà, Xín Mần, Hoàng Su Phì có địa hình yên ngựa khúc khuỷu, xen kẽ dốc đứng sắc nhọn, nhiều nếp gấp, bị phân cắt mạnh bởi núi cao, vực sâu, đường giao thông lên các thôn, bản hiểm trở, thi công thô sơ. Việc vận chuyển vật tư, thiết bị, vật liệu thi công các công trình điện rất khó khăn. Mặt khác, do tập quán, đồng bào các dân tộc sống rải rác nên việc kéo điện đến được hộ dân phải nối dài đường dây, dẫn đến tình trạng điện áp không bảo đảm, vốn đầu tư lớn. Nguyên nhân trên khiến kinh phí xây dựng đường dây hoặc trạm biến áp có giá thành rất cao, thời gian thi công thường kéo dài. Theo tính toán, chi phí cho 1 km đường dây 0,4 kV, nếu sử dụng cột thép là 90 triệu đồng và cột bê tông là trên 100 triệu đồng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh Hà Giang đầu tư đường dây trung áp, các trạm biến áp phân phối, trục đường hạ áp đến trung tâm các xã; nhân dân đóng góp nhân công, tiền mua vật liệu, vật tư như: cột, dây, xà, sứ... để dẫn đường trục từtrạm biến áp về hộ gia đình.

Như vậy, với việc tự bỏ ra một khoản tiền lớn để đấu nối điện đối với đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nghèo, thu nhập bình quân chưa đến 5 triệu đồng/năm, rõ ràng rất khó thực hiện. Một km đường dây, 100 triệu, cung cấp điện cho một đến vài hộ dân thực sự là bài toán không thể có lời giải trong điều kiện hiện tại, khi mà tỷ lệ hộ đói nghèo của Xín Mần vẫn ở mức cao gần 49%, Hoàng Su Phì là 43%, thu ngân sách năm 2007 mỗi huyện chỉ trên 10 tỉ đồng, đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu chi thường xuyên và các nhiệm vụ chính trị. Mong ước có điện đối với nhiều người dân của Xín Mần và Hoàng Su Phì dường như vẫn là mơ ước hết sức xaxôi.

Hiện nay, trên địa bàn hai huyện, nhiều thôn, bản vẫn “trắng” điện, với 40% thôn, bản tại Xín Mần (nhiều xã gần như không có điện như Pà Vầy Sủ có 6/7 thôn, Khuôn Lùng 5/6 thôn). Tại Hoàng Su Phì, số hộ chưa sử dụng điện lưới chiếm gần 60%, có xã chiếm tới trên 80%: Túng Sán, Bản Phùng, Nậm Ty, Tả Sử Choóng...

Theo tính toán, để phủ kín điện cho trên 650 thôn, bản chưa có điện còn lại trong tỉnh Hà Giang, nguồn vốn đóng góp của nhân dân ước khoảng 26 tỉ đồng. Mô hình nhân dân góp công, góp sức, chủ động bỏ vốn đầu tư đưa điện về gia đình đối với những địa phương có dân cư sống tương đối tập trung, gần trung tâm xã, thôn là hết sức khả thi. Song với những nơi dân cư sống ở vùng quá xa xôi, lại nằm đơn độc thì việc hòa lưới điện rất khó thực hiện. Chi nhánh điện của Xín Mần và Hoàng Su Phì trực tiếp quản lý và kinh doanh điện, chưa thành lập các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác dịch vụ điện như nhiều địa phương khác vì số hộ dùng ít, rải rác, kinh doanh không có lãi. Đường điện chất lượng hạn chế, hao tổn điện năng lớn, phải sửa chữa nhiều. Cán bộ đi thu tiền điện hết sức vất vả, có khi lặn lội đường rừng cả ngày chỉ để thu một vài hộ sử dụng với số tiền vài nghìn đồng. Mặc dù chính quyền đã hết sức cố gắng, song do đặc điểm tự nhiên và sự hạn chế về kinh phí nên con đường mang nguồn ánh sáng lưới điện quốc gia cho người dân vùng rẻo cao ở Xín Mần và Hoàng Su Phì vẫn còn nhiều gian khó.

Tìm kiếm những nguồn sáng mới

Đưa điện đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, các khu dân cư dãn dân vùng biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc không chỉ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chiến lược phát triển địa bàn vùng giáp biên của Hà Giang. Mang ánh sáng điện đến với nhân dân mặc dù là bài toán khó song luôn là nỗi trăn trở thường trực của các cấp chính quyền hai huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì, gắn với những giải pháp cấp bách và lâu dài.

Thụ hưởng dự án năng lượng nông thôn thực hiện bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, Xín Mần và Hoàng Su Phì đang và sẽ tiến hành xây dựng các đầu điểm công trình đưa điện tới các thôn, bản, thông qua việc xây dựng đường dây 35 kV, đường dây 0,4 kV và các trạm biến áp. Việc xây dựng được tiến hành với sự nhất trí của tập thể dân cư nơi được đấu nối, trên cơ sở cam kết tự làm đường dây, mua các thiết bị, ít nhất mỗi đầu điểm phải có từ 30 hộ trở lên. Tiếp đến, huyện sẽ đầu tư đường dây hạ áp, tỉnh và điện lực tỉnh đầu tư đường dây trung áp và trạm biến áp. Huyện Xín Mần hiện nay đang thăm dò, khảo sát, làm hồ sơ lưới điện năm 2009, với kế hoạch xây dựng 26 đầu điểm tại 26 thôn của 9 xã có vốn đầu tư 40 tỉ đồng. Sau khi dự án được triển khai, các đầu điểm hoàn tất sẽ có gần 1.500 hộ được thụ hưởng điện lưới quốc gia.

Bên cạnh việc đấu nối hòa lưới điện quốc gia cho các thôn bản, đối với những vùng xa xôi, dân cư sống rải rác không tập trung đủ 30 hộ trên một địa bàn, địa hình đồi núi quá khó khăn, việc xây dựng đường điện tốn kém thì việc sử dụng các loại năng lượng thay thế là giải pháp hữu hiệu. Mô hình trạm năng lượng tái tạo hỗn hợp đang được huyện Hoàng Su Phì nghiên cứu nhằm triển khai cho khu di dân định cư giáp biên thuộc xã Thàng Tín là một minh chứng sống động. Một trạm năng lượng tái tạo tổng hợp gồm 1 trạm thủy điện, 2 trạm phát điện sức gió, 1 tấm pin mặt trời chống hư bình ắc quy khi bị kiệt nguồn điện, tổng công suất gần 10 kW. Điện năng lượng tái tạo được khai thác từ thiên nhiên để vận hành, không dùng bất kỳ nguyên liệu xăng dầu, chất đốt nào. Các nguồn năng lượng từ sức nước, sức gió, tấm pin mặt trời sẽ phát điện và tập trung vào bộ nạp tự động cho tổ ắc quy dung lượng 1.000Ah, từ đây sẽ phát điện áp lên các đường trục chính đến khu vực dân cư, phục vụ cho nhu cầu thắp sáng, thiết bị sử dụng điện cho khoảng 40 hộ và các công trình sinh hoạt cộng đồng, với giá thành tiết kiệm gấp 6lần so với chi phí kéo điện lưới.

Phát triển thủy lợi cấp nước, tưới tiêu gắn với thủy điện nhỏ cũng là giải pháp hữu hiệu, tận dụng địa hình có độ dốc lớn, nhiều thác gềnh và sông, suối tại hai huyện. Thủy điện nhỏ là công nghệ phi tập trung, chi phí đầu tư và bảo dưỡng thấp, vận hành được liên tục, có một vài loại tua-bin thủy điện nhỏ và rất nhỏ với các công suất khác nhau từ 200 -250 kW. Một vài nhà máy thủy điện công suất nhỏ đã được xây dựng tại Xín Mần, song do xây dựng từ lâu nên hiệu quả sử dụng không cao. Hiện nay, nhiều hộ gia đình nhỏ lẻ tại Xín Mần và Hoàng Su Phì tự mua sắm, lắp đặt và sử dụng phổ biến loại máy phát điện mi-ni bằng nước với giá bán khoảng trên 300 nghìn đồng như một giải pháp tình thế nhưng đầu tư ít và phù hợp với những hộ dân nghèo, sống xa trung tâm, chưa có điện lưới. Ngoài ra, tại một số khu vực như thị trấn Vinh Quang, Hoàng Su Phì, người dân xây dựng hầm Bi-ô-ga để đun nấu và thắp sáng phục vụ sinh hoạt, sản xuất, vừa tiết kiệm năng lượng, giữ gìn vệ sinh môi trường, vừa thúc đẩy chăn nuôi phát triển...

Những giải pháp năng lượng trên chỉ là sự tham khảo, song rõ ràng, việc sử dụng phong điện, thủy điện, điện sản xuất từ sinh khối thực vật Bi-ô-mát và ánh sáng mặt trời là có điều kiện để thực hiện tại Xín Mần, Hoàng Su Phì. Tất nhiên, cần có sự vào cuộc của những nhà khoa học tâm huyết nhằm nghiên cứu, sản xuất, đưa ra những giải pháp tối ưu mang điện đến với đồng bào vùng cao. Do đầu tư xây dựng và sử dụng các loại năng lượng thay thế trên mất nhiều kinh phí nên rất cần được sự hỗ trợ từ những chương trình, dự án của Nhà nước, các tổ chức quốc tế như: Chương trình 135 từ nguồn vốn vay ODA của Phần Lan, dự án “Điện mặt trời nối lưới” do Tây Ban Nha hỗ trợ, dự án “Nguồn điện mặt trời cho vùng dân tộc miền núi” do ủy ban Dân tộc và Phần Lan thực hiện...

Đến với Xín Mần, Hoàng Su Phì hôm nay, các trung tâm xã của hai huyện đã sáng ánh điện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng cải thiện. Song tại nhiều nơi hẻo lánh, cuộc sống đồng bào vẫn chìm trong bóng tối của núi rừng, cùng với những hủ tục lạc hậu đã đè nặng từ bao đời, nỗi mong chờ một ngày nào đó ánh điện sẽ về thắp sáng cuộc sống của thôn, bản mình vẫn đau đáu.../.