Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
TCCS - Thời gian qua, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và các cấp ủy đảng trực thuộc luôn phối hợp chặt chẽ với đảng đoàn, ban cán sự đảng và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương trong thực hiện công tác phát triển đảng viên. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương vẫn còn một số hạn chế, cần có những giải pháp đồng bộ để khắc phục trong thời gian tới.
Tăng cường công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
Công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm giúp bổ sung cho Đảng những quần chúng ưu tú, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc kết nạp đảng viên mới vào Đảng không chỉ có ý nghĩa làm tăng về số lượng, mà qua đó còn từng bước cải thiện thành phần, cơ cấu, trẻ hóa đội ngũ đảng viên, khắc phục tình trạng “già hóa” ở các đảng bộ, chi bộ. Đồng thời, công tác phát triển đảng viên cũng cần chú trọng đến việc loại bỏ những đảng viên thoái hóa biến chất, đẩy lùi những quan niệm bảo thủ, trì trệ, duy ý chí,... trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Việc Đảng thường xuyên bổ sung vào hàng ngũ của mình những quần chúng ưu tú còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Đảng luôn chú trọng phát hiện và bổ sung kịp thời vào hàng ngũ của mình những người có đủ năng lực, phẩm chất chính trị vững vàng. Nếu không làm tốt công tác này, thì bất kỳ một tổ chức cơ sở đảng nào cũng sẽ bị già hóa, trì trệ, giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, không hoàn thành được vai trò lãnh đạo và sứ mệnh của mình đối với sự nghiệp cách mạng.
Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng cách mạng tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước trong tình hình mới, Đảng cần có một đội ngũ đảng viên hùng hậu, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Đảng luôn xác định phát triển đảng viên là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định sự tồn tại, phát triển của Đảng. Công tác phát triển đảng viên luôn được quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện theo đúng phương châm, nguyên tắc, quy trình, thủ tục về công tác kết nạp đảng viên và chuyển đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức, giới thiệu quần chúng ưu tú học cảm tình Đảng bảo đảm nguyên tắc của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Đảng về công tác đảng viên. Khi công tác phát triển đảng viên được thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức giai cấp, giác ngộ chính trị cho quần chúng, thúc đẩy quần chúng tích cực tham gia các phong trào cách mạng.
Trong giai đoạn phát triển như hiện nay, Đảng đang tiếp tục lãnh đạo công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ to lớn, nặng nề của công cuộc đổi mới được thực hiện trong điều kiện có thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen. Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ấy, Đảng phải thường xuyên kết nạp đảng viên mới, thường xuyên trau dồi nâng cao trình độ trí tuệ cho đội ngũ đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ - nguồn kế cận cho tương lai. Những đảng viên này sẽ góp phần nâng cao trình độ trí tuệ, tạo sự đa dạng, phong phú, đa chiều trong tư duy của Đảng, giúp Đảng có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, khách quan và đưa ra những quyết định sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”(1). Người vạch rõ tính tất yếu, yêu cầu, phương châm, phương pháp của công tác phát triển đảng viên là “Để làm tròn nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang... Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng”(2). Vì vậy, công tác phát triển đảng viên là yêu cầu khách quan, thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo và công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Xác định vị trí, vai trò quan trọng của phát triển đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta luôn chú trọng công tác kết nạp đảng viên. Trải qua từng thời kỳ phát triển, quan điểm của Đảng về công tác phát triển đảng viên luôn được thể hiện xuyên suốt, nhất quán và được cụ thể hóa trong từng điều kiện lãnh đạo phát triển. Đáp ứng với mỗi thời kỳ phát triển, tùy vào tình hình thực tế quan điểm này lại được hoàn thiện nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, từng bước nâng cao chất lượng phát triển đội ngũ đảng viên trong Đảng.
Tại Đại hội VI (12-1986) của Đảng, với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã nhận thấy số lượng đảng viên tuy đông nhưng không mạnh, phân bố không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Trên cơ sở đó, Đảng ta khẳng định: “phải tiếp tục coi trọng việc phát triển đảng viên đi đôi với điều chỉnh, phân bố hợp lý lực lượng đảng viên. Điều quan trọng là bảo đảm chất lượng đảng viên ngay từ khi lựa chọn, kết nạp”(3). Có thể nói, tại Đại hội này, công tác phát triển đảng viên đã được Đảng ta chỉ rõ và đưa ra những vấn đề cơ bản nhất, cấp thiết nhất nhằm phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của sự nghiệp đổi mới.
Tư tưởng xuyên suốt trong quan điểm của Đảng về công tác phát triển đảng viên là coi trọng chất lượng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VII xác định rõ phương châm “Công tác phát triển đảng phải nhằm tăng thêm sinh lực cho Đảng, trẻ hoá đội ngũ, bảo đảm sự kế thừa và phát triển của Đảng. Làm tốt công tác tạo nguồn để lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp những người ưu tú có đủ tiêu chuẩn trong Đoàn thanh niên, trong công nhân, nông dân, trí thức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang..., chú ý những cơ sở trọng yếu, những nơi còn ít và chưa có đảng viên. Coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bảo đảm chặt chẽ về nguyên tắc; đồng thời không định kiến, hẹp hòi”(4).
Công tác phát triển đảng viên tiếp tục được Đảng ta nhấn mạnh trong các nhiệm kỳ đại hội tiếp theo. Đến Đại hội XIII, Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng đảng viên. Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại đảng viên bảo đảm thực chất. Phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, phát huy vai trò của những đảng viên ưu tú, có triển vọng, chuẩn bị nguồn cán bộ chủ chốt các cấp. Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng”(5). Có thể nói, các quan điểm của Đảng về công tác phát triển đảng viên luôn gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực trạng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương bao gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan tham mưu cao nhất của hệ thống chính trị nước ta, nơi tập trung đội ngũ cán bộ tham mưu cấp chiến lược, có nhiều đồng chí giữ cương vị lãnh đạo, quản lý từ cấp cục, vụ, viện đến các chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Phần lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác nghiên cứu, quản lý, tham mưu đề xuất chính sách ở tầm vĩ mô được đào tạo bài bản, có trình độ cao về chuyên môn, lý luận chính trị; có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối có ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ngành, các đoàn thể, các cấp của hệ thống chính trị nước ta, cũng như quan hệ quốc tế, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.
Những năm qua, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, nhằm bổ sung lực lượng đảng viên trẻ, bảo đảm sự kế thừa, phát triển, tăng thêm nguồn sinh lực cho Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương luôn quán triệt những quy định của Trung ương và dựa vào đặc điểm, tình hình cụ thể của các cấp ủy để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác phát triển đảng viên, cũng như chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai nghiêm túc, sâu rộng Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ Khối, các quy định, hướng dẫn của Trung ương đến cấp chi bộ; chỉ đạo tổ chức những lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng viên cho các cấp ủy và cán bộ chuyên trách công tác đảng. Đảng bộ chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng để tạo nguồn phát triển đảng viên, có chỉ tiêu kết nạp đảng viên cụ thể hằng năm.
Từ năm 2011 đến tháng 6-2023, Đảng bộ Khối cơ quan Trung ương đã kết nạp được 46.259 đảng viên. Tính đến thời điểm tháng 12-2023, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có 79.024 đảng viên; trong đó, có 16.753 đảng viên là đoàn viên thanh niên, chiếm tỷ lệ 21,3%.
Có thể nói, trong quá trình hoạt động và phát triển, đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn đảng viên mới kết nạp được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn và trình độ giác ngộ lý tưởng cách mạng tốt; hầu hết có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng; nhiều đồng chí có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và được trưởng thành qua địa phương, cơ sở...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cũng cho thấy, chất lượng công tác phát triển đảng viên ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương còn tồn tại những hạn chế nhất định. Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở một số tổ chức đảng còn hạn chế, có nơi số lượng quần chúng đông nhưng đưa vào nguồn để phát triển đảng viên còn ít, có nơi quần chúng ít thì lại chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng các khâu, các bước trong việc thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện, thẩm tra hồ sơ và thực hiện các thủ tục, quy trình phát triển đảng viên nên còn có hiện tượng đảng viên kết nạp chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, hoặc thiếu chặt chẽ và đồng bộ trong các quy trình, thủ tục kết nạp; vẫn còn tồn tại hiện tượng đánh giá nguồn phát triển đảng viên theo kiểu “qua loa, hình thức” mà không căn cứ vào trình độ giác ngộ chính trị, động cơ phấn đấu vào Đảng của quần chúng ưu tú, vào chất lượng, hiệu quả, kết quả công việc. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên mới ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo được môi trường để đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách, vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn của một số đảng viên mới kết nạp chưa thật đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Trên thực tế, có đảng viên còn biểu hiện thỏa mãn, chững lại, “trung bình chủ nghĩa”, thiếu kiên trì trong phấn đấu, không tích cực học tập, rèn luyện, thậm chí có đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có những đảng viên có biểu hiện thực dụng, tính toán thiệt hơn, quá đề cao giá trị vật chất, coi nhẹ những vấn đề về lý tưởng, đạo đức, lối sống của người đảng viên...
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
Thời gian tới, để nâng cao công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể và cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm vững phương châm, quan điểm của Đảng, tinh thần các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình công tác phát triển đảng viên(6); nắm vững tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp gắn chặt chẽ với tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ mới. Phải coi phát triển đảng viên mới trong Đảng bộ Khối là một bước tạo nguồn cán bộ cho tương lai. Công tác phát triển đảng viên mới phải được coi là một giải pháp gắn liền với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Khối.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên. Việc phát triển đảng viên là tăng thêm số lượng và chất lượng đội ngũ đảng viên, làm cho Đảng đủ mạnh vươn lên ngang tầm nhiệm vụ trong từng giai đoạn; đồng thời, tạo bầu không khí lành mạnh, nhất là trong lớp trẻ, đó là bồi dưỡng khát vọng phấn đấu, vươn lên, khát vọng cống hiến vượt qua những điều tầm thường, để từ đó thúc đẩy khát vọng xả thân, cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên tích cực xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển đảng viên của cả nhiệm kỳ và hằng năm; tạo môi trường thuận lợi để quần chúng giác ngộ lý tưởng, có động cơ trong sáng, rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Các đảng bộ, chi bộ thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương căn cứ vào phương châm, phương hướng, tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp người vào Đảng của Trung ương và kết quả khảo sát về nguồn kết nạp vào Đảng để đề ra kế hoạch phát triển đảng viên phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đảng bộ và những biện pháp chỉ đạo thực hiện. Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chỉ đạo Ban Tổ chức chủ trì, phối hợp cùng với các ban tham mưu xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch phát triển đảng viên của Đảng bộ.
Cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương cụ thể hóa kế hoạch phát triển đảng viên của cấp ủy cấp trên phù hợp với đặc điểm, tình hình của đảng bộ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra chi bộ xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đảng viên. Định kỳ hằng tháng xét đề nghị của chi bộ để bổ sung, điều chỉnh danh sách cảm tình đảng của đảng bộ; xét, đề nghị cho cảm tình đảng đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng; xét đề nghị của chi bộ, quyết định cho cảm tình đảng được làm thủ tục xem xét kết nạp vào Đảng.
Chi bộ đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên; tổ chức tuyên truyền, giáo dục; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, giáo dục, lựa chọn đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu với chi bộ. Chi bộ giao nhiệm vụ cho cảm tình đảng để thử thách và có nghị quyết phân công đảng viên chính thức giúp đỡ cảm tình đảng phấn đấu vào Đảng.
Các cấp ủy tổ chức phong trào hành động cách mạng tại cơ sở để phát hiện những quần chúng ưu tú. Tổ chức đảng phải phân công đảng viên theo dõi giúp đỡ, giáo dục, thuyết phục những quần chúng ưu tú để họ tìm hiểu về Đảng, bởi đây chính là nguồn cho phát triển đảng viên. Một mặt, những đảng viên được chi bộ phân công theo dõi, giúp đỡ quần chúng phải là những đảng viên có uy tín để làm tấm gương cho quần chúng noi theo. Mặt khác, chi bộ phải cử cấp ủy viên có năng lực phụ trách các đoàn thể nhân dân để công tác tạo nguồn đạt kết quả tốt, tạo đà cho công tác phát triển đảng viên đi vào nền nếp.
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho người vào Đảng.
Cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho quần chúng và đảng viên mới về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Đề cao hơn nữa vai trò, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc định hướng chính trị cho quần chúng, đảng viên mới, bởi đây là cơ sở hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị, khắc phục tình trạng lười học, ngại học tập lý luận chính trị của quần chúng và một bộ phận đảng viên hiện nay. Đi đôi với đó là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của các cấp chính quyền, thực hiện tốt sự phân công, phân cấp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Phát huy tinh thần tích cực, tự giác học tập tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của quần chúng ưu tú và đảng viên mới. Bản thân mỗi quần chúng ưu tú, đảng viên mới phải tự ý thức được tinh thần, trách nhiệm, thấy được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, trong đó có học tập tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Xây dựng, thiết kế nội dung học tập cho quần chúng và đảng viên mới phải toàn diện, từ lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bổ sung kiến thức chuyên môn cần thiết đến rèn luyện phương pháp, kỹ năng, hoạt động trong phong trào thực tiễn; học tập trong trường, lớp và học tập từ thực tế công việc, trong cuộc sống và học hỏi nhân dân...
Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo, bồi dưỡng về chính trị với rèn luyện, thử thách quần chúng, đảng viên mới trong các hoạt động, các phong trào thực tiễn. Cấp ủy, lãnh đạo các cấp cần thường xuyên chăm lo thực hiện công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho quần chúng ưu tú, đảng viên mới thông qua các hình thức, như học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, khuyến khích tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống dành cho đối tượng kết nạp vào Đảng và đảng viên mới ngay tại cơ sở để học viên tiết kiệm được thời gian đi lại; tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng ưu tú, đảng viên mới được đi học thêm văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ chính trị; tổ chức các buổi tọa đàm, báo cáo chuyên đề, gặp gỡ đối thoại với những tấm gương điển hình tiên tiến... Sau đó, quần chúng ưu tú, đảng viên mới được viết bài thu hoạch nhận thức về Đảng với các nội dung đã được học tập, bồi dưỡng.
Bên cạnh đào tạo, bồi dưỡng về chính trị thì khâu rèn luyện, thử thách quần chúng ưu tú, đảng viên mới trong các hoạt động, các phong trào thực tiễn rất cần được quan tâm sâu sát, tạo sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “học đi đôi với hành”, giữa lý luận với thực tiễn. Cấp ủy cơ sở cần tổ chức các phong trào thi đua yêu nước để phát triển, bồi dưỡng, tạo nguồn quần chúng ưu tú cho Đảng; chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, nhất là việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có hiệu quả, để tạo môi trường thuận lợi cho quần chúng ưu tú và đảng viên mới tham gia các hoạt động, các phong trào thực tiễn. Giao cho họ thực hiện những công việc khó, đòi hỏi sự nhiệt tình, xung kích, giúp quần chúng ưu tú và đảng viên mới có điều kiện phát huy khả năng, bộc lộ suy nghĩ, nhận thức, nguyện vọng qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoạt động công tác xã hội.
Thứ tư, nâng cao chất lượng thực hiện quy trình công tác kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức.
Để nâng cao chất lượng thực hiện quy trình kết nạp và công nhận đảng viên chính thức, điều đầu tiên cần quan tâm là phải thực hiện đúng quy trình. Đây thuần túy là vấn đề có tính kỹ thuật. Việc làm đúng quy trình không khó, nhưng vấn đề đặt ra là mỗi bước trong quy trình phải tránh được những sai sót có thể ảnh hưởng tới chất lượng đảng viên mới kết nạp. Có thể khẳng định, chất lượng thực hiện quy trình phát triển đảng viên mới phụ thuộc vào chủ thể tham gia quy trình. Đó là các nhóm chủ thể mang tính chủ động: Cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể, cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm công tác đảng. Mỗi chủ thể tham gia quy trình phát triển đảng viên có một vai trò nhất định với ý nghĩa trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng kết nạp và chuyển đảng chính thức cho đảng viên dự bị.
Tăng cường tập huấn và hướng dẫn về nghiệp vụ công tác phát triển đảng viên, thực hiện tập huấn nghiệp vụ với cấp ủy trực thuộc trong công tác phát triển đảng viên. Tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phối hợp chỉ đạo thực hiện nhiều khâu trong công tác phát triển đảng viên; cho ý kiến thẩm định về tiêu chuẩn chính trị của người được kết nạp với một số trường hợp theo thẩm quyền; phối hợp mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới theo quy định.
Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy cấp dưới trong thực hiện công tác phát triển đảng viên. Đây là một nội dung lãnh đạo rất quan trọng của Đảng ủy Khối. Kịp thời biểu dương những đơn vị làm tốt công tác phát triển đảng viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; đồng thời, đôn đốc, chấn chỉnh những đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Nếu làm tốt, liên tục, thường xuyên sẽ trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên.
Tổ chức sơ kết, tổng kết kịp thời công tác phát triển đảng viên mới trong toàn Đảng bộ Khối. Làm tốt nội dung này sẽ phát huy mặt tích cực; đồng thời, đề ra được các giải pháp nhằm sửa chữa, uốn nắn kịp thời các sai sót trong thực hiện công tác phát triển đảng viên.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công tác phát triển đảng viên.
Cần xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra về nội dung công tác phát triển đảng viên. Đưa nội dung kiểm tra, giám sát công tác phát triển đảng viên vào nội dung kiểm tra, giám sát trong nhiệm kỳ và hằng năm của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp để tổ chức thực hiện. Phương pháp thực hiện là kiểm tra, giám sát định kỳ (bao gồm kiểm tra, giám sát trên sổ sách ghi chép và báo cáo của đối tượng kiểm tra, giám sát); kiểm tra, giám sát đột xuất trên cơ sở phát hiện những vấn đề không đúng quy định của Đảng trong công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát quy trình kết nạp đảng viên.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát công tác phát triển đảng viên. Ban Chấp hành Đảng bộ Khối ban hành nghị quyết về tăng cường công tác phát triển đảng viên ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Nghị quyết cần đánh giá thực trạng, kết quả và ưu điểm; hạn chế và khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát về công tác phát triển đảng viên. Đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Khối cụ thể hóa nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối thành chương trình, kế hoạch về công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác phát triển đảng viên để tổ chức thực hiện. Tổ chức kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác phát triển đảng viên.
Nâng cao vai trò, chức năng, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác phát triển đảng viên và công tác quản lý đảng viên đối với ban tổ chức cấp ủy các cấp trong Đảng bộ Khối. Thực hiện việc kiểm tra, giám sát chuyên đề phát triển đảng viên định kỳ; phát huy vai trò của cấp ủy các cấp trong việc tự kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát về nhiệm vụ phát triển đảng viên./.
-----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 276
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 419
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (Khóa VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 140
(4) Xem: Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 26-6-1992, của Hội nghị Trung ương 3 khoá VII, “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-vii/nghi-quyet-so-03-nqtw-cua-hoi-nghi-lan-thu-ba-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vii-ve-mot-so-nhiem-vu-doi-1121
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 186
(6) Điển hình như: Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30-7-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về thi hành Điều lệ Đảng”; Hướng dẫn số 01-QĐ/TW, ngày 28-9-2021, của Ban Bí thư, “Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể về thi hành Điều lệ Đảng”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 18-4-2022, của Ban Tổ chức Trung ương, “Về hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên”; Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”;…
Công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan, giai đoạn 2020 - 2025  (20/10/2024)
Phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên và doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước ở thành phố Cần Thơ hiện nay  (22/04/2024)
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 và tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng (2011 - 2025)  (14/03/2024)
Nâng cao nhận thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Khối các cơ quan Trung ương  (16/11/2023)
Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương - 75 năm xây dựng và phát triển  (07/11/2023)
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX