Sáng 20-1, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, đã khai mạc phiên họp toàn thể thứ 1118 của Khóa họp đầu tiên Hội nghị giải trừ quân bị (viết tắt tiếng Anh là CD) năm 2009 dưới sự chủ trì của Đại sứ Việt Nam Lê Hoài Trung, Chủ tịch luân phiên của Hội nghị giải trừ quân bị, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị. Tổng Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc tại Giơ-ne-vơ kiêm Tổng thư ký Hội nghị giải trừ quân bị Xéc-gây O-đơ-gio-ni-kit-de (Sergey Ordzhonikidze) và đại diện của 65 nước thành viên CD đã tham dự khóa họp.

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Đại sứ Lê Hoài Trung đã bày tỏ niềm vinh dự của Việt Nam được đảm nhận chức Chủ tịch Hội nghị giải trừ quân bị - diễn đàn đa phương duy nhất của thế giới về giải trừ quân bị.

Đại sứ nhấn mạnh: Việt Nam đảm nhận nhiệm vụ này với cam kết là một nước thành viên và trên cơ sở chính sách ngoại giao độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển của mình. Chính sách nhất quán của Việt Nam là phấn đấu vì hòa bình, ngăn chặn chiến tranh và thúc đẩy giải trừ quân bị và an ninh quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tiến bộ trong các vấn đề này là vô cùng quan trọng đối với các mục tiêu hàng đầu của chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là duy trì môi trường hòa bình và tạo ra những điều kiện quốc tế thuận lợi khác cho sự nghiệp cải cách, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam. Nó cũng bắt nguồn từ nguyện vọng thiết tha đối với hòa bình của nhân dân Việt Nam, những người đã từng là nạn nhân của các cuộc chiến tranh phá hoại và hiện vẫn phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Đại sứ cũng nêu bật những đóng góp cụ thể của Việt Nam cho những nỗ lực hòa bình, hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á và tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà Việt Nam đang là thành viên không thường trực; cũng như việc Việt Nam là một phần của tất cả các hiệp ước đã được Hội nghị giải trừ quân bị và các tổ chức tiền thân thông qua. Trong đó gần đây nhất, Việt Nam đã ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 2006 và Nghị định thư bổ sung cho các hiệp định bảo vệ an toàn hạt nhân năm 2007.

Đại sứ nêu rõ: "Chúng ta đều biết rằng Hội nghị giải trừ quân bị đã không đạt được kết quả từ sứ mệnh thương lượng của nó trong thập kỷ qua. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của bế tắc đó có thể được xem xét từ cách nhìn mà chúng ta đều nhất trí rằng giải trừ quân bị, tôn trọng quyền tự quyết và độc lập dân tộc, giải quyết các cuộc tranh chấp bằng hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và vấn đề tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế liên quan mật thiết với nhau. Đồng thời, chúng ta cũng đều biết rằng Hội nghị giải trừ quân bị cần đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh và những lợi ích phát triển trước những thách thức an ninh truyền thống cũng như những thách thức mới đang nổi lên từ việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chủ nghĩa khủng bố hoặc an ninh năng lượng, an ninh lương thực và thay đổi khí hậu. Tiến bộ trong công việc của Hội nghị giải trừ quân bị là cần thiết cho việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương như một nguyên tắc trọng tâm của các cuộc thương lượng trong lĩnh vực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí. Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra và tình trạng suy thoái ở nhiều nước cho thấy nhu cầu cấp bách phải tăng cường các nỗ lực nhằm tiến tới một thế giới an toàn hơn, nơi có thể sử dụng nhiều nguồn tài nguyên hơn cho các mục đích kinh tế và phát triển".

Đại sứ cũng nhắc lại các công việc chuẩn bị của phái đoàn ta khi đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội nghị giải trừ quân bị trong thời gian qua, đặc biệt đã tiến hành các cuộc tham vấn sâu rộng ở Niu Oóc và Giơ-ne-vơ với các nước thành viên, các chủ tịch Hội nghị giải trừ quân bị năm ngoái và các chủ tịch của Hội nghị năm nay, các điều phối viên và Ban thư ký do ông Xéc-gây O-đơ-gio-ni-kit-de đứng đầu, và cho rằng thông điệp rõ ràng nhất mà chúng ta có được từ các cuộc tham vấn này là vô cùng quan trọng cho tất cả các nước thành viên tiến hành công việc của Hội nghị giải trừ quân bị.

Đại sứ bày tỏ hy vọng rằng chương trình nghị sự của Hội nghị giải trừ quân bị năm 2009 sẽ được thông qua sau cuộc họp không chính thức được tiến hành ngay sau khóa họp này.Khóa họp đầu tiên của Hội nghị giải trừ quân bị sẽ kéo dài đến ngày 15-2.

Mỗi năm, Hội nghị giải trừ quân bị làm việc trong 24 tuần, được chia làm 6 kỳ; mỗi kỳ do một nước thành viên làm chủ tịch luân phiên theo thứ tự chữ cái của tiếng Anh. Năm 2009, ngoài Việt Nam, còn có các nước Dim-ba-bi-ê, An-giê-ri, Ac-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a và Áo làm chủ tịch Hội nghị./.