Báo chí và nhiệm vụ tuyên truyền những điểm mới trong văn kiện Đại hội XI của Đảng
TCCSĐT - Những quyết sách tại Đại hội XI của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới. Nhiệm vụ trọng tâm của báo giới trong năm 2011 và những năm tiếp theo trong chương trình toàn khóa là nắm vững và thấm nhuần sâu sắc, trước hết là nội dung các Văn kiện của Đại hội XI, bám sát các nghị quyết hội nghị Trung ương tiếp theo, dựa trên cơ sở lý luận và khoa học, tính thực tiễn khách quan để nhận thức rõ các quan điểm cơ bản, đặc biệt là những điểm mới của các văn kiện, từ đó làm rõ nội dung các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp, định hướng trong mỗi Văn kiện Đảng; xây dựng chương trình tuyên truyền phù hợp đạt hiệu quả cao, góp phần làm cho đời sống chính trị - xã hội có những chuyển biến sâu rộng. Trước hết là tuyên truyền việc nghiên cứu, học tập, quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng, xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị… đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống.
Vì thế, việc tổ chức “Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2011” là hết sức quan trọng và cần thiết để hiểu sâu hơn, nắm rõ hơn những nội dung và đặc biệt là những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XI, trên cơ sở đó triển khai công tác tuyên truyền của báo chí đạt hiệu quả cao hơn đối với sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay.
1. Văn kiện Đại hội XI của Đảng định hướng cho sự phát triển của đất nước đến giữa thế kỷ XXI
Đại hội XI đã thông qua Nghị quyết và các văn kiện quan trọng: (1) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); (2) Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020; (3) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá X; (4) Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi). Đại hội XI đã xác định các mục tiêu, chiến lược và những giải pháp cho thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên đất nước ta. Trong các văn kiện được Đại hội XI thông qua có nhiều điểm mới, có giá trị định hướng cho sự phát triển của đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) kế thừa các quan điểm tư tưởng của Cương lĩnh năm 1991, đồng thời có những điểm mới, như bổ sung đánh giá thành tựu của cách mạng sau 20 năm kể từ khi Cương lĩnh năm 1991 ra đời; bổ sung, cụ thể hoá một số bài học rút ra từ công cuộc đổi mới trong giai đoạn vừa qua; bổ sung đánh giá về đặc điểm thời đại của giai đoạn hiện nay của thời đại; bổ sung về những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa; bổ sung, cụ thể hoá một số nội dung về con đường đi lên CNXH, phát triển một số nội dung trong các phương hướng cơ bản xây dựng đất nước; bổ sung nội dung về việc nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ trong việc thực hiện các phương hướng cơ bản; điều chỉnh một số điểm trong mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ…
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, trên cơ sở các bài học kinh nghiệm và thực tế thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) đã thể hiện định hướng cốt lõi là “đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” (chuyển từ mô hình tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng sang mô hình kết hợp theo chiều rộng và chiều sâu một cách hợp lý; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả, hiện đại). Chiến lược đề ra 5 quan điểm phát triển, phát triển bền vững, nêu 3 khâu đột phá vào nội dung trọng tâm của Chiến lược.
Việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 sẽ đưa nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đề ra các mục tiêu chủ yếu sát hợp trên từng lĩnh vực.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XI là sự triển khai, cụ thể hoá những định hướng mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã đề ra. Định hướng cốt lõi của Báo cáo chính trị cũng là định hướng cốt lõi của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 “đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế” hướng tới mục tiêu bao trùm là đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
2. Báo chí trong việc tuyên truyền những điểm mới được nêu trong các văn kiện Đại hội XI
Để chủ trương, đường lối của Đảng đi vào thực tiễn đời sống xã hội và phát huy các giá trị, tạo ra sức mạnh trong hành động thực tiễn, để mọi người dân biết và hiểu được những điểm mới trong các văn kiện của Đại hội XI, tạo sự đồng thuận trong xã hội; từ đó xây dựng các chương trình hành động cụ thể, các phong trào cách mạng sâu, rộng triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, các phương tiện thông tin đại chúng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng - vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng.
Nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm, để báo chí hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền của mình, theo chúng tôi, cần chú ý tới một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hiểu rõ và nắm vững những điểm mới trong các văn kiện của Đại hội XI. Việc hiểu rõ đó được thể hiện ở một số khía cạnh chủ yếu: Một là, những điểm mới trong các văn kiện được Đại hội XI của Đảng thông qua là gì? Nội dung Văn kiện và nội hàm đích thực của nó như thế nào? Hai là, vì sao có những điểm mới đó, vì sao đó được coi là những điểm mới? Ba là, những điểm mới đó sẽ tác động như thế nào đối với đất nước, với xã hội; Bốn là, trên lộ trình thực hiện những điểm mới đó, làm cho nó đi vào cuộc sống thì sẽ đặt ra những thời cơ, thách thức gì?
Chẳng hạn, cần làm rõ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã kế thừa những nội dung Cương lĩnh năm 1991 vẫn còn nguyên giá trị; bổ sung những vấn đề đã được các đại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị (từ khoá VII đến khoá X) kết luận, những nội dung đã rõ, đã chín muồi, được thực tiễn chứng minh là đúng; điều chỉnh những điểm, mà đến nay không còn phù hợp; làm rõ thêm một số mối quan hệ cơ bản, quan trọng, có ý nghĩa chỉ đạo đối với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước ta mà tổng kết 20 năm đổi mới đã làm rõ một bước. Cụ thể là cần làm rõ một số điểm mới, như nhận định về bối cảnh quốc tế hiện nay; nhận định về đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại "là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới CNXH”; bổ sung thêm hai đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”; về định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối"…
Để tuyên truyền những điểm mới được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, báo chí cần phân tích các bài học được rút ra từ việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010, trong đó, cần nêu bật một số nội dung quan trọng, như việc phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; vấn đề chất lượng và hiệu quả của phát triển; vấn đề giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia và ổn định chính trị - xã hội. Một nội dung nữa cần tập trung phân tích là sự đổi mới trong quan điểm phát triển để đạt được mục tiêu tổng quát đã được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; làm rõ 5 quan điểm phát triển đã được Chiến lược đề ra, trong đó quan điểm “phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững” là yêu cầu xuyên suốt, là nền tảng. Lý do để xác định đây là quan điểm xuyên suốt bởi vì, phát triển nhanh và bền vững đều là yêu cầu đối với nước ta hiện nay và hoàn toàn mang tính khoa học, tính hội nhập cao trước xu thế thời đại. Không phát triển nhanh sẽ không đạt được mục tiêu tổng quát mà Chiến lược đã đề ra; tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các yếu tố để phát triển theo chiều rộng bảo đảm phát triển nhanh đang làm cho tài nguyên và các nguồn lực khác suy kiệt dần, vì thế phát triển theo chiều sâu, phát triển bền vững đã trở thành một yêu cầu cần được chú ý đúng mức để bảo đảm lợi ích cho các thế hệ tương lai của chúng ta. Một điểm nữa rất cần được tập trung tuyên truyền là lần đầu tiên Chiến lược đã nêu 3 khâu đột phá vào nội dung trọng tâm của Chiến lược với nhiều điểm mới, để phá vỡ các “điểm nghẽn”, cản trở sự phát triển bền vững, tạo sức bật cho sự phát triển. Những điểm nghẽn đó là: thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực; kết cấu hạ tầng, nền tảng cùng các điều kiện cần và đủ khác để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa hình thành đầy đủ. Những điểm mới trong 3 khâu đột phá của Chiến lược 2011-2020 là: một là, “hoàn thiện” thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với “trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng”, còn trong Chiến lược 2001-2010 là “xây dựng” với trọng tâm là đổi mới cơ chế chính sách nhằm giải phóng triệt để lực lượng sản xuất…”; hai là, “phát triển nhanh”; “đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao” so với Chiến lược của giai đoạn trước “tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực”; ba là, đưa ra đột phá mới về kết cấu hạ tầng. Đó chính là cái mới về chất, cái mới nhằm tạo ra bước ngoặt trong phát triển.
Hoặc, tuyên truyền về những phát triển quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng để phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh thế và lực của đất nước ta đã được tăng cường và tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến; thách thức, cơ hội đan xen, cùng những biến chuyển phức tạp, khó lường. Những điểm mới trong chính sách đối ngoại được thể hiện cụ thể ở chỗ nhấn mạnh về lợi ích quốc gia dân tộc; xác định rõ hơn khía cạnh an ninh khi nêu rõ nhiệm vụ “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”; chuyển từ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác”(1) sang “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”(2); bổ sung thêm nguyên tắc giải quyết các vấn đề tồn tại trên cơ sở các “nguyên tắc ứng xử của khu vực” trong định hướng giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới trên biển và thềm lục địa với các nước liên quan; mở rộng đối tượng quan hệ (ngoài các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền, Đảng ta chủ trương phát triển quan hệ với “các đảng khác”); định hướng trong quốc phòng an ninh “tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh”, “Tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh, song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc”(3)...
Thứ hai, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí để phát huy thế mạnh, đặc thù của mỗi loại hình báo chí nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Tạp chí cần các bài phân tích sâu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn; báo, đài phát huy các cách thể hiện phong phú, đa dạng của các thể tài báo chí. Các cơ quan báo chí cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể với các chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm, hội thảo phù hợp với các đối tượng để truyên truyền nội dung các văn kiện cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện ở các ngành, địa phương, cơ sở.
Thứ ba, mỗi phóng viên, biên tập viên cần luôn xác định và ý thức được tầm quan trọng của công việc mình làm, tầm ảnh hưởng của những điều mình viết đối với xã hội, công chúng, để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, sự nhạy cảm chính trị trong việc chuyển tải thông tin, bảo đảm thông tin chính xác, khoa học, được kiểm chứng. Ngoài việc tinh thông nghiệp vụ, năng động, nhạy bén, mức độ am hiểu những nội dung mới trong các văn kiện Đại hội XI của phóng viên sẽ tạo nên những tác phẩm báo chí có sức thuyết phục.
Thứ tư, cần nhận thức rõ việc truyên truyền Nghị quyết Đại hội có những thuận lợi cũng như những khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, đặc biệt là khi các trang điện tử và blog cá nhân nở rộ, các trang web trong và ngoài nước liên tục cập nhật các thông tin đúng có, sai có, bịa đặt có và một nửa sự thật cũng có với các ý đồ, mục tiêu khác nhau, người dân bị nhiễu trong biển thông tin hỗn độn đó. Người dân hiện nay có điều kiện và có khả năng để chọn cho mình tờ báo mà họ thích, thông tin mà họ quan tâm cũng như quan điểm, cách nhìn nhận họ cho là phù hợp. Vì vậy, người làm báo và các cơ quan báo chí phải hết sức coi trọng việc sàng lọc thông tin và nêu cao trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người cầm bút chuyên nghiệp.
Thực trạng đó cho thấy, để việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng thực sự có hiệu quả, thực sự đến được với người dân, cần hiểu rõ tâm trạng, tâm lý, sở thích, thói quen của người dân để có hình thức tuyên truyền phù hợp. Mỗi cơ quan báo chí, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, tuỳ theo đối tượng độc giả chủ yếu của mình có cách thể hiện khác nhau, có các thể loại tin, bài khác nhau về những nội dung được thông qua trong văn kiện Đại hội XI.
Thứ năm, các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành có các bài viết mang tính chỉ đạo trên một số tờ báo, tạp chí lớn để làm rõ hơn những điểm mới của ngành mình, lĩnh vực liên quan đến ngành mình theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Thực hiện nguyên tắc phối hợp và trách nhiệm cao trong hoạt động công tác Đảng và trách nhiệm cấp ủy viên để trở thành vừa là người lãnh đạo, vừa là cộng tác viên trên diễn đàn của báo chí. Đây sẽ là những bài viết rất quan trọng, vừa mang tính lý luận, vừa hàm chứa nội dung thực tiễn, nhằm làm rõ hơn cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và cả căn cứ thực tiễn của các vấn đề mới mà Đại hội XI đưa ra. Chỉ có như vậy, công tác tuyên truyền của báo chí mới nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống./.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, 2006, tr 112
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr 236
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr 235, 236
Thắt chặt quan hệ đồng minh  (25/05/2011)
Nước Mỹ trước nguy cơ vỡ nợ  (25/05/2011)
Khai mạc Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 8 (AMS 8)  (24/05/2011)
IMF thông báo thủ tục, điều kiện và kế hoạch bầu chọn Tổng Giám đốc mới  (24/05/2011)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm