TCCSĐT - Sáng 24-5, tại Hà Nội, Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 8 (AMS 8) do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển phát thanh - truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (AIBD) tổ chức chính thức khai mạc.

Tham dự, có 400 đại biểu quốc tế gồm các bộ trưởng, tổng giám đốc, giám đốc điều hành, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia học giả hàng đầu trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; 200 đại biểu trong nước, gồm: lãnh đạo các bộ, ngành, chức năng, các đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dự và có bài phát biểu quan trọng.


Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã gửi băng hình chúc mừng Hội nghị.


Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á là sự kiện quan trọng hàng đầu khu vực trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình và Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 8 (AMS 8) năm nay lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam đăng cai tổ chức.


Với chủ đề “Phát thanh - truyền hình trong kỷ nguyên số” và chuỗi phiên họp, hội thảo chuyên đề: “Sáng tạo và đổi mới nội dung trong kỷ nguyên số”, “Sáng tạo công nghệ - Chân trời mới cho phát thanh - truyền hình”, “Tối ưu hóa phát thnah - truyền hình và truyền thông mới cho phát triển”, “Phương thức mới cho phát thanh - truyền hình phục vụ tăng trưởng và phát triển bền vững”, “Chiến lược hiệu quả trong việc quản lý sự thay đổi”...,  Hội nghị thể hiện quyết tâm trong việc tìm hiểu và đánh giá ý nghĩa, ảnh hưởng của truyền thông kỹ thuật số và xác định chiến lược phát triển ngành phát thanh - truyền hình trong tương lai.

Phát biểu khai mạc, GS, TS Vũ Văn Hiền, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng: Hội nghị sẽ là diễn đàn hữu ích để các cơ quan, tổ chức phát thanh - truyền hình trong khu vực chia sẻ kinh nghiệm và có những thu lượm bổ ích, nhằm đưa sự nghiệp phát thanh - truyền hình ngày càng phát triển trong kỷ nguyên số”. Chủ tịch Đại hội đồng AIBD, Ngài T.Mô-ha-met Oa-hit cũng nhấn mạnh: thế giới số đang hiện hữu trong cuộc sống chúng ta, tạo ra một cuộc cách mạng về luật hấp dẫn vốn đang chi phối ngành truyền thông.


Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những bước tiến mới, quan trọng cũng như những thách thức mới với ngành phát thanh - truyền hình trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như vũ bão cùng sự xuất hiện của máy tính xách tay, điện thoại di động và máy tính bảng... Tóm lại, các đại biểu cho rằng với “công nghệ số mọi nơi”, cuộc chiến thu hút công chúng đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Phân tích về nhu cầu công chúng, các đại biểu cũng thống nhất, công chúng đang phân khúc rõ ràng hơn, chọn lựa chương trình kỹ càng hơn và đòi hỏi một loại hình truyền thông mà họ có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi (email, blog, facebook và twitter...)


Thực tế này đòi hỏi những người làm phát thanh, truyền hình phải nghiên cứu, xây dựng những mô hình thông tin truyền thông mới. Và như Ngài T.Mô-ha-met Oa-hit nhấn mạnh: Hội nghị Cấp cao Báo chí châu Á đang đóng vai trò ngày một quan trọng đối với ngành phát thanh - truyền hình và các bên liên quan để tìm ra giải pháp hiệu quả hơn nữa với thông tin của ngành phát thanh - truyền hình.


Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: “Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng phát triển báo chí truyền thông nói chung và ngành phát thanh - truyền hình nói riêng.... Đến nay, 67 đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước, với nòng cốt là 2 đài quốc gia: Đài Tiếng  nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đang cung cấp gần 200 kênh phát thanh, truyền hình. Ngoài ra, mấy năm gần đây, hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam cũng đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, đã cung cấp đến người xem hơn 50 kênh truyền hình trả tiền trong nước và 75 kênh truyền hình nước ngoài”.


Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã có định hướng chiến lược rõ ràng, bước đi cụ thể và quyết liệt chỉ đạo triển khai thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Sau 4 năm thử nghiệm, năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã quyết định triển khai rộng rãi truyền hình số mặt đất áp dụng tiêu chuẩn truyền hình số châu Âu (DVB –T) trên phạm vi cả nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi trước trong hoạt động số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình trong khu vực và trên thế giới. Năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Theo đó, lộ trình chuyển đổi số hóa truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đã được đề ra rất cụ thể cho từng giai đoạn, bảo đảm đến năm 2020 cơ bản chấm dứt việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sử dụng công nghệ tương tự; đồng thời, khuyến khích việc chuyển đổi hoàn toàn truyền dẫn, phát sóng phát thanh từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trước năm 2020.


Theo số liệu của Ban Tổ chức, năm 2007, phạm vi phủ sóng phát thanh mặt đất tại Việt Nam đạt hơn 99%, phủ sóng truyền hình mặt đất đạt gần 95%; năm 2008, sau khi phóng thành công vệ tinh viễn thông Vinasat -1 lên quỹ đạo, tỷ lệ phủ sóng phát thanh và truyền hình ở Việt Nam đã đạt xấp xỉ 100%; dịch vụ Internet băng rộng ở gần 87% số xã, phường, thị trấn đã giúp hơn 20 triệu người sử dụng Internet thường xuyên và tất cả các trường học ở Việt Nam - từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông, qua đó, việc phủ sóng phát thanh, truyền hình trên Internet đã và đang được Việt Nam chú trọng phát triển. Năm 2009, khi dịch vụ viễn thông công nghệ 3G phát triển ở Việt Nam và đến nay các thử nghiệm đầu tiên với công nghệ 4G đã và đang giúp cho nhiều người dân, nhất là giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận với phát thanh -truyền hình di động, truy nhập Internet và các chức năng dữ liệu chuyên sâu khác bằng điện thoại di động.


Như vậy, nhờ ứng dụng mạnh mẽ hầu hết công nghệ hiện có của thế giới trong lĩnh vực truyền dẫn, phát sóng, ngành phát thanh - truyền hình Việt Nam đã và đang có những bước phát triển nhanh theo hướng hiện đại./.