Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của khói thuốc thì bầu không khí trong nhà phải hoàn toàn không có khói thuốc. Môi trường hoàn toàn không khói thuốc còn có tác động tích cực trong việc hỗ trợ người hút thuốc giảm hút, thúc đẩy việc cai nghiện thuốc lá đồng thời tạo nếp sống lành mạnh nơi làm việc.

Xây dựng môi trường không khói thuốc đang trở thành xu thế chung trên thế giới. Ai-len là quốc gia đầu tiên trên thế giới xây dựng môi trường không khói thuốc nơi làm việc và nơi công cộng trong nhà từ năm 2004. Tiếp nối kinh nghiệm Ai-len là nhiều nước khác như Na-uy, Niu Di-lân, I-ta-li, U-ru-goay... Ủy viên châu Âu phụ trách về sức khỏe, bà An-đru-la Va-si-li-u (Androulla Vassiliou) cho rằng, mỗi công dân đều có quyền được bảo vệ chống lại tác hại của thuốc lá. Nhiễm độc thuốc lá thụ động đã khiến 6.000 người không hút thuốc tại EU tử vong trong năm 2008. Những quốc gia có lệnh cấm thuốc lá nghiêm ngặt nhất tại châu Âu là Ai-len và Anh, hai nước này đã cấm hút thuốc ở những nơi công cộng, các quán rượu và nhà hàng. Bun-ga-ri cũng sẽ thực hiện lệnh cấm tương tự vào tháng 6-2010. Các quốc gia châu Âu khác như I-ta-li-a, Man-ta, Thụy Điển, Pháp, Phần Lan, Lát-vi-a, Xlô-vê-ni-a và Hà Lan yêu cầu chỉ được hút thuốc tại những khu vực riêng trong các quán rượu và nhà hàng. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở châu Âu cho thấy 84% người dân EU ủng hộ mô hình "không khói thuốc" ở nơi làm việc, 77% muốn cấm hút thuốc tại các nhà hàng ăn, trong khi có tới 61% cho rằng cần cấm hút thuốc ở quán rượu.

Tại Xin-ga-po, chính sách không khói thuốc còn được mở rộng ra tại các quán karaoke và các nhà hàng. Hiện nay, 80% người Ca-na-đa và 50% dân số Mỹ đang sống ở những nơi có luật yêu cầu tất cả những nơi làm việc và nơi công cộng không khói thuốc.

Trung Quốc có kế hoạch mở rộng lệnh cấm hút thuốc lá tại khu vực công cộng ở 7 thành phố lớn, trong đó có những trung tâm thương mại "sầm uất" của nước này là Thiên Tân và Trùng Khánh. Cùng bảo trợ cho kế hoạch này là Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh của Chính phủ Trung Quốc và Hiệp hội Quốc tế chống bệnh lao và phổi. Ông Xinít Giôn (Sinead Jones), Giám đốc Hiệp hội Quốc tế chống bệnh lao và phổi cho rằng kế hoạch trên sẽ cứu sống hàng triệu người vì giảm được lượng tiêu thụ thuốc lá cũng như giảm bớt tác hại của khói thuốc lá đối với những người xung quanh.

Trung Quốc hiện chỉ cấm hút thuốc lá tại những điểm công cộng khép kín, nhưng lệnh cấm này được cho là ít có hiệu lực vì vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Thiên Tân và Trùng Khánh là những thành phố thương mại lớn, nơi việc hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động nằm trong danh sách những nguy cơ lớn về y tế, cùng với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, rác thải công nghiệp,... Trung Quốc chiếm hơn 1/4 trong tổng số 1,3 tỉ người hút thuốc lá trên thế giới, với trung bình 2 nghìn tỉ điếu thuốc bán ra mỗi năm ở nước này. Có tới 60% nam giới Trung Quốc hút thuốc. Trung Quốc cho biết, chiến dịch này cũng nhằm vào nạn kinh doanh thuốc lá giả và buôn lậu thuốc lá.

Năm 2010, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Tri-ni-đát Gi-mê-nét (Trinidad Jimenez) cho biết, Tây Ban Nha sẽ sửa đổi luật chống hút thuốc lá, trong đó mở rộng việc cấm hút thuốc lá tại các quán rượu, nhà hàng, quán càphê và tất cả các địa điểm công cộng khác trên toàn quốc vào năm tới.

Tuy nhiên, những địa điểm như phòng trong khách sạn, các câu lạc bộ hút thuốc của cá nhân, nhà tù và bệnh viện tâm thần sẽ được miễn áp dụng. Luật cấm thút thuốc lá đã có hiệu lực tại Tây Ban Nha từ tháng 1-2006, theo đó, việc hút thuốc sẽ bị cấm tại các địa điểm như nơi làm việc, cửa hàng, trường học, bệnh viện, các trung tâm văn hóa và trên các phương tiện giao thông công cộng. Dự luật sửa đổi sắp được ban hành đã vấp phải sự phản đối của Hiệp hội khách sạn và giải trí Tây Ban Nha với lý do có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các khách sạn và khu vực giải trí. Tuy nhiên, Chính phủ Tây Ban Nha đã bác bỏ lập luận này và dẫn chứng rằng các nước châu Âu khác cũng đã thực hiện lệnh cấm hút thuốc lá tại các quán rượu, nhà hàng và các khu vực giải trí khác mà vẫn không gây thiệt hại cho nền kinh tế của họ. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chết người ở nước này với trung bình khoảng 50.000 người bị tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
 
Năm 2010, Bộ Y tế Hy Lạp cho biết kể từ ngày 1-9-2010, nước này cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng.

Theo lệnh trên, việc hút thuốc tại các công sở, rạp chiếu phim, sân vận động, trên các phương tiện giao thông công cộng, trong trường học, bệnh viện, quán cà phê, nhà hàng và quán bar sẽ bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, lệnh cấm nói trên được hoãn thi hành tại các trung tâm vui chơi giải trí có diện tích trên 300 m2 trong 8 tháng tới. Những người vi phạm sẽ bị phạt từ 50 ơ-rô/mỗi điếu thuốc hút tại quán bar và số tiền phạt sẽ tăng lên 200 ơ-rô nếu hút tại công sở. Người chủ quản các cơ quan, chủ nhà hàng, quán bar... nếu để xảy ra sai phạm, cũng sẽ bị phạt từ 500 đến 10 nghìn ơ-rô. Trước đó, từ tháng 6-2009, Hy Lạp cũng đã cấm hút thuốc lá tại các phòng kín có diện tích dưới 70 m2, còn tại công sở hoặc xí nghiệp phải có phòng hút thuốc riêng. Thủ tướng Hy Lạp Gioóc-giơ Pa-pan-đrêu (George Papandreou) cho biết, lệnh cấm nói trên nhằm mục đích thay đổi thái độ, thói quen và hành vi của người dân đối với tệ nạn hút thuốc lá, vốn rất phổ biến ở nước này.
Hy Lạp là nước có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU), chiếm tới 42% dân số.

Ngày 19-7-2009, lệnh cấm hút thuốc lá tại các quán rượu, quán cà phê và nhà hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, do Chính phủ nước này ban hành, chính thức có hiệu lực. Đây là bước đi tiếp theo của Chính phủ Thủ tướng Tai-íp Éc-đô-gan (Tayyip Erdogan) trong nỗ lực giảm thiểu lượng khói thuốc lá và bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc, sau khi đã cấm hút thuốc tại văn phòng, trên các phương tiện giao thông công cộng và nhiều địa điểm công cộng khác từ tháng 5-2008. Để lệnh cấm hút thuốc được thực thi nghiêm túc, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ huy động lực lượng lên tới 4.500 người, tiến hành kiểm tra thường xuyên tại các địa điểm không được hút thuốc. Những người hút thuốc khi bị phát hiện sẽ bị phạt 45 USD/người, trong khi chủ các hàng quán, nếu không áp dụng biện pháp cần thiết cấm khách hàng hút thuốc, sẽ bị phạt từ 366-3.660 USD tùy theo mức độ vi phạm. Giới chủ các quán rượu, quán cà phê và nhà hàng cho rằng lệnh cấm này có thể tác động tiêu cực công việc kinh doanh của họ, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay. Họ đề nghị được phép mở những phòng đặc biệt dành cho người hút thuốc, nhưng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, với quyết tâm "nói không với khói thuốc lá", đã bác bỏ đề nghị này, đồng thời nhấn mạnh rằng lệnh cấm hút thuốc lá nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng. Khoảng 40% người dân Thổ Nhĩ Kỳ hút thuốc và mỗi ngày "đốt" khoảng 17 triệu bao thuốc, do vậy tỷ lệ người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá ở nước này lên tới 100 nghìn người/năm.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng Phần Lan, ngày càng nhiều chủ công ty ở các thành phố nước này khuyến khích hoặc thậm chí thưởng tiền cho những người làm công từ bỏ thói quen hút thuốc lá.

Các quận có bệnh viện đóng trụ sở là những đơn vị đầu tiên khởi xướng chính sách "nói không với thuốc lá". Giới chủ ở các thành phố Ét-xpu (Espoo), Nôkia (Nokia) và các trường đại học ở những thành phố Ô-lu (Oulu) và Cu-ô-pi-ô (Kuopio) đã ban hành lệnh cấm hút thuốc lá. Trong khi đó, giới chủ ở các thành phố như Hen-xin-ki (Helsinki), Va-xa (Vaasa) và Xây-na-giô-ki (Seinajoki), cũng như các công ty thuộc khu vực tư nhân ở khắp nước này đang vận động để biến những nơi làm việc của họ thành những khu vực "không có thuốc lá". Một số công ty sốt sắng hơn khi quyết định thưởng 1.000 ơ-rô cho những ai có thể bỏ thuốc trong một năm và tiếp tục thưởng thêm 170 ơ-rô/năm nếu người đó không hút thuốc trở lại. Giới chủ Phần Lan tin rằng các biện pháp hạn chế hút thuốc lá có tác dụng tăng hiệu quả làm việc và giảm thời gian nghỉ ốm đối với nhân viên.

Tại Việt Nam, theo Chương trình Phòng chống tác hiện nay trên cả nước đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện rất tốt việc cấm hút thuốc hoàn toàn trong khuôn viên cơ quan, đơn vị điển hình như: cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trường Đại học Y tế công cộng, ..một số bệnh viện như: bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng I...Điều này chứng minh đây là chủ trương đúng đắn và hoàn toàn có thể thực hiện được.

Hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật về phòng chống tác hại thuốc lá, vì vậy, trong Luật nên quy định các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn cần áp dụng tại trụ sở cơ quan tổ chức, nơi làm việc trong nhà, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, phương tiện giao thông công cộng, khu vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát. Đây là cách duy nhất có hiệu quả để giảm mức tiếp xúc khói thuốc thụ động./.