Dứt khoát không được để cho người dân thiếu đói
Ngày 27-4-2008, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có cuộc họp giao ban truyền hình trực tuyến với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Khánh Hoà và Đắk Lắc. Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm và việc triển khai các giải pháp kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững của các địa phương.
Đây là cuộc họp giao ban đầu tiên do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, được tiến hành bằng phương thức truyền hình trực tuyến. Đây cũng là chương trình nằm trong chủ trương của Chính phủ nhằm giảm dần các cuộc họp tập trung đông người theo cách truyền thống để tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả, từng bước đưa phương thức họp này trở thành hoạt động bình thường trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Với phương thức họp truyền hình trực tuyến, các thủ tục khai mạc phiên họp được tiết giảm đáng kể so với các cuộc họp truyền thống. Báo cáo của các địa phương đã đi thẳng vào trọng tâm, về tình hình và giải pháp cụ thể của từng vấn đề. Những kiến nghị của địa phương cũng được các ban, ngành giải đáp. Và tiếp đó là kết luận của Thủ tướng ngay sau mỗi phần báo cáo.
Theo các báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng của các địa phương ghi nhận đã chững lại, giảm từ tháng 3 và giảm mạnh hơn trong tháng 4, trong khi việc tập trung cho các biện pháp tháo gỡ về sản xuất, kinh doanh đã làm cho kết quả của các hoạt động sản xuất, xuất khẩu, đầu tư tăng trưởng khá. Các địa phương cũng đang tập trung vào các hoạt động kiểm soát thị trường, giá cả, đảm bảo cân đối các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, chống đầu cơ, buôn lậu.
Các biện pháp về hỗ trợ an sinh, nhất là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các vùng bị thiên tai, dịch bệnh đã được tiến hành khẩn trương và có kết quả. Các giải pháp về giám sát đầu tư công, cắt giảm chi phí hành chính cũng được các địa phương thực hiện triệt để và sáng tạo. Lãnh đạo các địa phương cũng khẳng định, hệ thống các giải pháp, biện pháp của Trung ương là khá đầy đủ và nếu triển khai thực hiện tích cực sẽ đảm bảo các mục tiêu đề ra từ đầu năm mà không phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, các địa phương đã chấp hành nghiêm túc Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Những nỗ lực của từng địa phương cùng sự chung sức của cả nước đã giúp cho việc kiểm soát lạm phát có kết quả mà cụ thể là tháng 4-2008, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 2,2%, giảm so với mức tăng 2,99% của tháng trước. Ngoài ra, nhiều chỉ tiêu vĩ mô khác cũng có kết quả khả quan.
Thủ tướng cũng yêu cầu với mục tiêu hàng đầu hiện nay là kiềm chế lạm phát và phấn đấu kiềm chế tăng giá theo hướng giảm dần, các địa phương trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, không được chủ quan mà phải tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo.
Cũng trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ hàng đầu của các địa phương vẫn là tập trung cho việc tháo gỡ những khó khăn và đẩy mạnh việc hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư, vì đây là giải pháp gốc quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như giúp bảo đảm cho các mục tiêu an sinh xã hội.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý các địa phương chỉ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh: nếu giữ được tăng trưởng nông nghiệp thì đây chính là điều kiện cải thiện đời sống nhân dân, nhất là người nông dân, vì hiện các mặt hàng nông nghiệp, lương thực, thực phẩm và nông sản nói chung đang vượt giá.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm các đầu tư công, cắt giảm chi tiêu hành chính, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, kiểm soát giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu cũng được Thủ tướng lưu ý các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc.
Đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng, các chính sách cơ bản đã được ban hành, vấn đề còn lại là việc triển khai nhanh và tích cực của các địa phương. Các địa phương phải cam kết dứt khoát không được để cho người dân thiếu đói dù là thiếu đói cục bộ.
Thủ tướng khẳng định, năm 2008, Việt Nam không thiếu gạo mà việc “sốt” gạo hiện nay là do đầu cơ. Thủ tướng đã có công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, yêu cầu:
- Các công ty kinh doanh lương thực tiếp tục thu mua lúa gạo theo yêu cầu, kế hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiêu dùng và xuất khẩu, cung ứng gạo ổn định cho các khu vực trong nước, không để xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ. Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều hành việc xuất khẩu gạo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 481-TTg-KTTH ngày 31-3-2008, không để xảy ra tình trạng mất cân đối lương thực trong nước và để bảo đảm lợi ích của nông dân.
- Nghiêm cấm các tổ chức cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mua vét đầu cơ lúa, gạo, nếu vi phạm pháp luật sẽ phải bị xử lý nghiêm. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp đầu cơ, tăng giá gạo, gây bất ổn định thị trường trong nước và xuất khẩu lậu lúa, gạo.
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin chính xác, tránh bình luận thiếu chính xác và đưa ra các dự báo thiếu cơ sở đối với tình hình cân đối lương thực và giá lúa, gạo gây tác động không tốt tới tâm lý người dân và mất ổn định thị trường.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương bảo đảm cung cấp đủ giống, vật tư nông nghiệp, chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh và sản xuất vụ hè thu - một vụ mùa thắng lợi.
- Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan, chủ động nắm tình hình và điều hành theo chức năng được giao, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng nhấn mạnh, sản lượng lúa vụ đông xuân năm 2008 là tăng so với năm ngoái. Lượng gạo tồn kho trong dân và doanh nghiệp từ sau vụ đông xuân năm nay cũng đạt trên 1,3 triệu tấn. Bên cạnh đó, Nhà nước còn đang tiếp tục mua tăng lượng gạo dự trữ quốc gia. Việc tăng giá gạo hiện nay chỉ là cơn “sốt: giả tạo do một số kẻ xấu lợi dụng tình hình khan hiếm lương thực của một số nước trên thế giới đã tung tin thất thiệt về khả năng mất cân đối lương thực trong nước để tiến hành mua gom gạo các nơi nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi. Như vậy, sản lượng lương thực của Việt Nam năm 2008, hoàn toàn có khả năng bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong nước và giành một phần cho xuất khẩu.
Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện các cuộc họp truyền hình trực tuyến như thế này sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức hội họp. Thủ tướng yêu cầu sắp tới các bộ, ngành cần tăng cường triển khai họp hay giải quyết công việc theo hình thức này. Đây sẽ là bước tiến mới trong việc xây dựng mô hình Chính phủ điện tử và đối thoại điện tử trong tương lai.
Cộng hòa Nam Phi kỷ niệm lần thứ 14 Ngày Tự do  (27/04/2008)
Thông tin cơ bản về nước Cộng hòa Nam Phi và quan hệ với Việt Nam  (27/04/2008)
Sao Khuê 2008: Giải thưởng vinh danh trí tuệ Việt Nam trong ngành công nghệ thông tin  (27/04/2008)
Một tấm gương cộng sản kiên cường, nhà hoạch định chiến lược của Đảng  (27/04/2008)
15 nhãn hiệu nổi tiếng quốc gia năm 2008  (27/04/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên