Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc), sinh ngày 1-7-1915, trong một gia đình công chức yêu nước tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 12-1986 đến tháng 6-1991) luôn là “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đảng viên cộng sản rất mực kiên cường, trung thành, tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, một người lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, nhân dân và quân đội ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế”.

Một tấm gương cộng sản kiên cường

Sớm giác ngộ cách mạng, năm 14 tuổi, đồng chí tham gia phong trào Học sinh Đoàn Hải Phòng do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo. Một năm sau, ngày 1-5-1930, trong lúc tham gia rải truyền đơn chống đế quốc Pháp, đồng chí bị bắt và bị kết án tù chung thân đày đi Côn Đảo.

Năm 1936, thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp đã buộc chính quyền thực dân Pháp trả tự do cho Nguyễn Văn Linh. Năm đó, người thanh niên 21 tuổi, Nguyễn Văn Linh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia hoạt động trong công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội, từng bước xây dụng cơ sở cách mạng, gây dựng cơ sở Đảng và thành lập Thành ủy lâm thời Hải Phòng.

Năm 1939, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng điều động vào công tác ở thành phố Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Do chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp, cuối năm 1939, nhiều cơ sở cách mạng trong cả nước bị tan rã, Nguyễn Văn Linh được phân công ra Trung Kỳ bắt liên lạc với cơ sở Đảng còn lại ở các tỉnh để lập lại xứ ủy Trung Kỳ. Đầu năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Vinh và đưa về Sài Gòn, xử án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo lần 2.

Trong thời kỳ hoạt động cách mạng, mặc dù bị địch bắt 2 lần và hơn 10 năm bị gông cùm trong ngục tù đế quốc; dù bị tra tấn dã man, tàn bạo, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn một mực kiên trung, giữ vững khí tiết người cộng sản, tin tưởng vào lý tưởng cao quý của Đảng và tương lai tươi sáng của dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí trở về Nam Bộ hoạt động và giành “hơn một nửa cuộc đời hoạt động cách mạng của mình gắn bó máu thịt với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Đầu tiên là ở miền Tây, sau đó lên Sài Gòn - Chợ Lớn và trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ngay trong thành phố Sài Gòn với các cương vị Bí Thư Thành ủy, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1947, đồng chí được bầu vào xứ ủy Nam Bộ. Hai năm sau, đồng chí tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ. Và từ năm 1957 đến năm 1960, đồng chí là quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Trên cương vị Bí thư và Phó Bí thư, đồng chí đã cùng Trung ương Cục miền Nam trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ những năm tháng đen tối đến ngày toàn thắng trong mùa Xuân lịch sử 1975. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc về toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh”.

Nhà hoạch định, nhà lãnh đạo thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng

Nhận trọng trách Tổng Bí thư khóa VI trong bối cảnh quốc tế và trong nước cực kỳ phức tạp, khó khăn là một thử thách lớn đối với đồng chí trên cương vị mới. Đất nước bị bao vây cấm vận, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra nghiêm trọng, lạm phát 3 con số, đời sống của cán bộ và nhân dân hết sức khó khăn, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước bị giảm sút. Trên thế giới, công cuộc cải tổ của Liên Xô và Đông Âu đã phạm những sai lầm về chiến lược, chủ nghĩa xã hội thế giới đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong bối cảnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương vững tay chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua sóng to, gió lớn, quyết tâm và kiên trì đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Dưới sự chủ trì vững vàng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Hội nghị Trung ương (khóa VI) của Đảng đã khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để, nhưng có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp: tập trung làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt đông của hệ thống chính trị; kiên quyết không chấp nhận đa nguyên đang đảng; coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ quan trọng đó đã kịp thời chỉnh đốn những lệch lạc, định hướng đúng đắn, tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển.

Nét nổi bật trong phong cách lãnh đạo của đồng chí là tác phong tỉ mỉ, cụ thể, dân chủ. Ở đồng chí, mỗi quyết sách đều là kết quả tìm tòi của người lãnh đạo trên cơ sở đã tập hợp được trí tuệ của quần chúng. Trước mỗi hiện tượng mới, đồng chí thường đi xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi để mọi người phát biểu, tranh luận, đề xuất; đồng chí bình tĩnh lắng nghe, nhất là những ý kiến ngược với suy nghĩ của mình, rồi tiếp tục suy nghĩ cân nhắc, tìm tòi để tìm ra cách giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất.

Mỗi khi hoạch định, ban hành một đường lối, chính sách mới đồng chí đều xuất phát từ thực tiễn, từ tình hình cụ thể của đất nước. Trước mỗi vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí đều lấy thực tiễn để thuyết phục, kết luận; thường xuyên nhắc nhở cấp ủy đảng và cán bộ các cấp phải đi vào cuộc sống, tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Đồng chí thường nói với cán bộ: “Mọi vấn đề đều có thể tranh luận quyết liệt nhưng đã quyết thì phải theo đa số, rồi thực tiễn sẽ là ông thầy phán xét”. Chính đường lối đổi mới của Đảng ta cũng hình thành và phát triển từ tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân.

Đánh giá những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh trên trọng trách Tổng Bí thư khóa VI, Đảng ta trân trọng ghi công: “Suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”

Một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh không thường xuyên làm việc bên cạnh Bác nhưng đồng chí luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, sinh thời đồng chí Nguyễn Văn Linh đã từng viết: “Trình độ trí tuệ dù quan trọng đến mấy cũng chỉ là một nhân tố trong những điều cần có của một cán bộ. Chú ý rằng phẩm chất cách mạng là yếu tố hết sức cơ bản. Lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân; ý chí cách mạng tiến công, sự chiến đấu không mệt mỏi để xây dựng chủ nghĩa xã hội một cách có hiệu quả; sự gắn bó và ý thức phục vụ nhân dân lao động; tôn trọng và xây dựng quyền làm chủ của nhân dân lao động; tính trung thực; ý thức dám đấu tranh và biết tự phê phán cùng với sinh hoạt cá nhân lành mạnh, nêu gương được cho mọi người xung quanh… nếu tất cả những điều này không có trong cán bộ nào đó, thì dù trí tuệ có cao đến đâu cũng không có ích gì cho cách mạng”.

Cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn giữ được đức tính liêm khiết, khiêm tốn,giản dị của người cách mạng, giữ gìn cuộc sống cá nhân mẫu mực, trong sáng theo gương của Bác Hồ.

Đồng chí sớm nhìn thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành quốc nạn, thành nguy cơ đe doạ sự ổn định của xã hội, của chế độ. Những bài báo đề xuất “những việc cần làm ngay” đăng trên náo Nhân dân, ký tên N.V.L đã thổi lên một luồng gió mới, khơi dạy phong trào nhân dân và báo chí cả nước tham gia đấu tranh chống tiêu cực. Việc làm của đồng chí đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới nhân dân, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta không bao giờ cho phép bất cứ cá nhân hay tập thể nào “có quyền đứng ngoài vòng pháp luật và kỷ cương của chúng ta” để vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, chiếm đoạt hoặc làm thất thoát tài sản của Đảng và Nhà nước.

Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), mặc dù còn sức khoẻ, trí tuệ minh mẫn, được nhiều đoàn đại biểu đề cử, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn xin phép toàn Đảng, toàn dân thôi giữ chức vụ Tổng Bí thư và không ứng cử vào Trung ương với lời hứa dù không còn ở Trung ương nữa vẫn xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng đến hơi thở cuối cùng. Trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện và hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng.

Kỷ niệm 10 năm ngày mất của đồng chí (27-4-1998 – 27-4-2008), chúng ta càng thêm kính trọng một tấm gương sáng ngời về tinh thần “tận trung với nước, hiếu với dân”. Những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam thể hiện sự hội tụ tài năng của một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất, Tổ quốc và nhân dân sẽ mãi tôn vinh người cộng sản ưu tú này./.