Gặp mặt, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2020)
TCCS - Ngày 11-10-2020, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Bân vận Trung ương tổ chức gặp mặt, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2020).
Đến dự có đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Bân vận Trung ương; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội..., cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ Ban Dân vận Trung ương qua các thời kỳ, trưởng ban dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, cùng 203 điển hình toàn quốc trong Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020.
Diễn văn khai mạc, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định, từ trải nghiệm trong những năm tìm đường cứu nước, thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp năm 1917, với bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Véc-xây năm 1919, tham gia thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp năm 1921, Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á năm 1925, xuất bản báo Người cùng khổ, tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1925, trực tiếp huấn luyện những chiến sĩ trung kiên làm hạt nhân đi sâu vào các tầng lớp nhân dân tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, gieo niềm tin cách mạng, tinh thần đoàn kết trong các giai tầng xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ nguồn gốc sức mạnh của Đảng là từ sức mạnh to lớn của nhân dân, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, trước tình hình các tổ chức quần chúng chỉ có 2.747 hội viên ở Bắc Kỳ, 327 hội viên ở Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột, Người nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh, nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay, anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng”. Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930) đã thông qua các Án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Hội nghị xác định rõ: “Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động”, đặt nền tảng cho sự ra đời nhanh chóng hệ thống Ban chuyên môn và đội ngũ cán bộ về các giới vận động của Đảng, bao gồm Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi hỏi dân sinh, dân chủ ở nhiều nơi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất, khẳng định quan điểm của Đảng, đó là, đoàn kết giai cấp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Cao trào cách mạng năm 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh là mốc son sáng chói đánh dấu việc lần đầu tiên một đảng cách mạng dù còn rất non trẻ đã thể hiện vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn trong việc lãnh đạo, đoàn kết, huy động quần chúng nhân dân, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “một phong trào quần chúng mạnh lớn xưa nay chưa từng có ở nước ta”, “chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam”. Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất khi chính quyền thực dân thi hành “khủng bố trắng” nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, cơ sở cách mạng thì niềm tin yêu của nhân dân, sự hy sinh, che chở, bảo vệ của nhân dân đã làm nên sức mạnh giúp Đảng kiên cường, vững vàng vượt qua mất mát, tổn thất, đối mặt với mọi thách thức cam go, giữ vững được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai cách mạng. Bằng các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp thúc đẩy các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ năm 1936 - 1939, phong trào Phản đế năm 1939 - 1941, phong trào Mặt trận Việt Minh năm 1941 - 1945, tạo được sức lan tỏa rộng rãi, trở thành trung tâm tập hợp các tầng lớp nhân dân ở mọi miền Tổ quốc hăng hái tham gia, phát triển lực lượng, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành khí thế cách mạng, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ kinh nghiệm sâu sắc về xây dựng lực lượng cách mạTg, trong suốt 30 năm từ 1945 - 1975, lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng luôn chú trọng công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng, hướng tới mọi tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp bằng các phong trào cách mạng thiết thực; đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.
Giai đoạn 1954 - 1975, miền Bắc trở thành hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, động viên đồng bào, chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trong nước, đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đưa đất nước bước sang thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội VI của Đảng năm 1986, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức và cán bộ, đổi mới phong cách làm việc, đánh dấu bước chuyển quan trọng, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bài học đầu tiên trong 4 bài học lớn, đó là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”; “phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và nhân dân”. Tư tưởng đó, tiếp tục được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Thực hiện Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27-3-1990, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” yêu cầu khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, chuyên quyền, độc đoán, tham ô, hối lộ, sống xa hoa, lãng phí, làm giảm nhiệt tình cách mạng, hạn chế việc phát huy khả năng to lớn của nhân dân trong công cuộc xây dựng đất nước.
Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, hệ thống chính trị đối với công tác dân vận.
Tháng 10-1999, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, để đẩy mạnh công tác dân vận của Đảng, học tập và làm theo những lời dạy của Bác về thực hành công tác dân vận, Bộ Chính trị khóa VIII đã quyết định chọn ngày 15 tháng 10 - ngày bài báo “Dân vận” được đăng trên Báo Sự thật - là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, ngày dân vận của cả nước. 90 năm qua, với quan điểm xuyên suốt “Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, công tác dân vận luôn là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009, trở thành trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước ngành dân vận, được cấp ủy, hệ thống chính trị tích cực hưởng ứng, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác dân vận đã gắn liền với trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu gương của cán bộ, đảng viên; qua đó, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được phân công, mà quan trọng hơn còn là nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, xây dựng hình ảnh cán bộ, đảng viên trước nhân dân, động viên, thuyết phục nhân dân ủng hộ, đồng thuận, tham gia thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của công tác dân vận, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020.
Thời gian tới, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, tác động đến quá trình phát triển của đất nước và cuộc sống của nhân dân. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trước yêu cầu của tình hình mới, công tác dân vận cần tiếp tục đổi mới, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chung sức, chung lòng cho những mục tiêu phát triển chung của đất nước; đồng thời, quan tâm đến cuộc sống, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu - nghèo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, quan tâm các đối tượng yếu thế trong cuộc sống, lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo và nhấn mạnh, tiếp thu tinh hoa tư tưởng của nhân loại và cha ông ta về vai trò của nhân dân, Đảng ta luôn coi trọng công tác vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, với nhận thức sâu sắc rằng: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, “Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng” .
Từ nhận thức ấy, Đảng ta xác định, công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Công tác dân vận được thực hiện thông qua vai trò, trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên; được tiến hành thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, địa bàn, lĩnh vực, hướng đến mọi giai tầng xã hội, gắn với tâm tư, nguyện vọng, cuộc sống của nhân dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực tiễn cách mạng nước ta 90 năm qua đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta đoàn kết một lòng, triệu người như một, hiên ngang bước vào cuộc trường chinh vô cùng khó khăn, đầy gian khổ, hy sinh, đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những thành tựu to lớn, quan trọng của gần 35 năm đổi mới tiếp tục khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng với nhân dân là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, Đảng đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công tác dân vận của cơ quan nhà nước được chú trọng đẩy mạnh, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, tập trung xử lý, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đoàn thể nhân dân được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, thực chất hơn, bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đội ngũ cán bộ dân vận được kiện toàn, nâng cao chất lượng, năng lực công tác...
Để phù hợp với yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, thấm nhuần sâu sắc lời Bác Hồ dạy “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, năm 2009, Ban Dân vận Trung ương đã phát động trong toàn quốc phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đến nay, qua hơn 10 năm, cả nước có hơn 900 nghìn mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” các cấp. Năm 2020, nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, Ban Dân vận Trung ương tổ chức tuyên dương 203 điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc.
Chúng ta trân trọng, ghi nhận thành tích của những tấm gương “Dân vận khéo”, đó là những cán bộ hưu trí, người cao tuổi, cựu chiến binh, già làng, trưởng bản, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang…, đã không ngại khó khăn, bất kể ngày đêm, đồng cam, cộng khổ, gắn bó mật thiết, tận tụy giúp đỡ nhân dân, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào mình. Họ chính là minh chứng sống động về hình ảnh của Đảng, Nhà nước ta trong con mắt của nhân dân.
Đặc biệt, có rất nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở các địa phương, đơn vị, như cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã vận động được 258 hộ gia đình di dời gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở; giúp đỡ được 64 hộ thoát nghèo bền vững; trực tiếp nuôi dưỡng 30 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, các cháu được sống tại đồn biên phòng, được đơn vị nuôi cho ăn học đến lớp 12,...
Từ năm 2017, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”, nhằm phát hiện, tuyên truyền, biểu dương điển hình “Dân vận khéo”. Đến nay, cuộc thi đã trải qua 4 năm, với hơn 21 nghìn tác phẩm dự thi ở các cấp; năm 2020, đã lựa chọn được 31 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Đây là những tác phẩm báo chí được thực hiện công phu với cách thể hiện sáng tạo, có sức ảnh hưởng, truyền cảm và lan tỏa các tấm gương “Dân vận khéo” trong cộng đồng, xã hội.
Với những kết quả đã đạt được, phong trào “Dân vận khéo” trở thành hoạt động thường xuyên của hệ thống chính trị; một phong trào vì nhân dân, hướng tới nhân dân, góp phần tham gia giải quyết vấn đề cấp thiết của cuộc sống; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Để công tác dân vận thời gian tới đạt kết quả cao, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiến tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vai trò quan trọng của công tác dân vận; về mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa Đảng với nhân dân; công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đề cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận, với tinh thần phải “thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”. Không ngừng đổi mới hoạt động dân vận theo hướng thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Thứ hai, tiếp tục khẳng định, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thực chất là tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời, phải động viên, tổ chức nhân dân tham gia vào quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đó một cách hiệu quả nhất. Tuân thủ cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, có thêm nhiều cán bộ, đảng viên, nhiều tấm gương dân vận khéo được quần chúng tin yêu, qua đó phát huy sức mạnh, trí tuệ, sức sáng tạo của nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Muốn vận động được nhân dân, được dân tin yêu, trước hết, phải bằng mọi cách tuyên tuyền, giải thích, thuyết phục để nhân dân hiểu và tin tưởng, tự giác thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không để các thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng nhân dân, chống phá, tạo bất ổn xã hội. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng trong cuộc sống để nhân dân noi theo. Bác Hồ đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Thứ tư, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ làm công tác dân vận. Dân vận là công việc gian nan, hiệu quả khó định lượng; liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, nhất là trong bối cảnh dân trí ngày một cao hơn. Vì thế, đòi hỏi mỗi cán bộ dân vận phải kiên trì, không nóng vội, chủ quan, phải nhiệt tình, trách nhiệm, say mê với công việc. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải thực sự quan tâm, tạo mọi điều kiện để tiến hành công tác dân vận; chú trọng, kịp thời khen thưởng, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình, có thành tích trong công tác dân vận, nhất là ở cấp cơ sở.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao đã tặng bằng khen của Ban Dân vận Trung ương cho 72 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020.
Trước đó, ngày 10-10-2020, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, tuyên dương 203 điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc và trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 64 tập thể và cá nhân; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao tặng bằng khen của Ban Dân vận cho 67 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020./.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục đổi mới, sáng tạo để định hình một dòng âm nhạc tích cực và mang tính thẩm mỹ cao  (08/08/2020)
Tạp chí Cộng sản: Vẻ vang truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển  (04/08/2020)
Tạp chí Cộng sản: Vẻ vang truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển  (04/08/2020)
Đại hội Thi đua yêu nước của Ủy ban Kiểm tra Trung ương  (30/07/2020)
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thăm, làm việc tại Ninh Thuận  (13/07/2020)
Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XIV, năm 2019  (22/06/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay