Một sự kiện quan trọng cho công tác khuyến học và giáo dục nước ta
Sáng nay (2-10-2008), tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày khuyến học Việt Nam” và kỷ niệm 12 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2-10-1996 - 2-10-2008)
Tham dự buổi lễ có các đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học; đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Đến dự còn có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương; đại biểu của các Hội Khuyến học và các cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học trong cả nước.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã nghe Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam và Thư của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, gửi cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Việt Nam, nhân dịp lễ công bố Ngày Khuyến học Việt Nam (2-10) và kỷ niệm 12 năm ngày thành lập Hội.
Thay mặt Đảng, Chính phủ, phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng và sự ra đời của ngày Khuyến học; đồng thời đánh giá cao những kết quả trong hoạt động của Hội Khuyến học trong suốt 12 năm qua. Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn rằng, khuyến học ngày nay không chỉ nhằm khuyến khích để có nhiều người được đi học, được học cao mà cần phải khuyến khích và hướng nghiệp cho người học, để họ có thể học theo nhu cầu và khả năng của bản thân, học làm người, học làm nghề. Khuyến học cần gắn với hướng nghiệp. Phó Thủ tướng lưu ý, cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các hội khoa học, với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngành, các cấp, làm cho phong trào khuyến học ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả.
Trong diễn văn chào mừng, đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, đã ôn lại chặng đường hơn 60 năm qua của nền giáo dục nước nhà, ghi nhận đóng góp của biết bao chiến sĩ vô danh trong phong trào khuyến học, khuyến tài cho đất nước, từ sự khởi nguồn của phong trào học tập Hội Truyền bá quốc ngữ đến phong trào Bình dân học vụ và phong trào khuyến học, khuyến học tài ngày nay trên khắp mọi miền đất nước. Đã có biết bao tấm gương sáng về sự tận tụy hy sinh quên mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước. Trong 12 năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài đã phát triển nhanh chóng và trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng.
Từ chỗ có khoảng 100.000 hội viên năm 1996, đến nay Hội đã có trên 6 triệu hội viên. Hội đã có mặt ở tất cả 64 (nay là 63) tỉnh thành, 100% huyện, thị, quận, trên 98% xã, phường, và đã lan toả đến thôn, làng, bản, trường học, doanh nghiệp, nhà chùa, nhà thờ, đơn vị lực lượng vũ trang…, nói chung, đến mọi địa bàn dân cư trong cả nước. Đến nay đã có hàng vạn lớp học với hàng triệu người tham gia. Hàng triệu học sinh đã được quỹ khuyến học trợ giúp. Trong 5 năm lại đây, mỗi năm Quỹ khuyến học các cấp đã chi trung bình từ 250 đến 300 tỉ đồng vào việc này. Phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học và dòng học khuyến học" là một mô hình độc đáo của nước ta.
Một cao trào học tập đang dâng cao. Các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia học tập để xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, quyết tâm thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cao trào đó có được là do Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao phát huy truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc; sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội Khuyến học với ngành Giáo dục và Đào tạo; sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, đặc biệt là những tổ chức đã ký kế hoạch hợp tác hàng năm với Hội như Tổng Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người Cao tuổi, Hội Cựu Giáo chức, v.v..
Với những thành tích đạt được trong 12 năm qua, Nhà nước đã quyết định lấy ngày 2-10 hằng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh: Chúng ta tự hào chào đón ngày này, xem đây là sự kiện quan trọng động viên toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh hơn nữa phong trào khuyến học, khuyến tài, sớm xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, theo đúng tinh thần Chỉ thị 11/CT/TW, ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xác định: "Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta" và Chỉ thị 02-2008/CT-TTg, ngày 8-1-2008, của Thủ tướng Chính phủ thể chế hoá về mặt nhà nước Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị nhằm đưa chủ trương lớn của Đảng vào cuộc sống, quyết tâm thực hiện mong muốn của Bác Hồ: "dân tộc ta phải là một dân tộc thông thái"./.
Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Hội Khuyến học Việt Nam nhân "Ngày Khuyến học Việt Nam"  (02/10/2008)
Khai mạc trọng thể Hội nghị Trung ương 8 (khóa X)  (02/10/2008)
Nguồn gốc các cuộc xung đột và khủng hoảng chính trị tại châu Phi  (02/10/2008)
Thủ tướng tiếp đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam  (02/10/2008)
Đảng lao động cầm quyền ở Bra-xin hiện nay  (02/10/2008)
Chuẩn bị cho một xã hội già hóa  (01/10/2008)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay