Tuổi già sống khỏe, sống vui, sống hữu ích
Ảnh: Hội nhiếp ảnh Hà Nội

Nhân kỷ niệm Ngày Người cao tuổi ở Việt Nam (1-10), phóng viên của Tạp chí Cộng sản Điện tử đã có buổi trao đổi với PGS, TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

PV: Rất cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi cùng Tạp chí Cộng sản Điện tử. Câu hỏi đầu tiên, xin ông cho biết một số nét mới, nổi bật về cơ cấu dân số của nước ta hiện nay? 

PGS, TS Nguyễn Đình Cử: Cơ cấu dân số theo độ tuổi ở nước ta hiện nay đang thay đổi rất nhanh. Thí dụ, năm 1979, số trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 42% dân số; từ 15 đến 60 tuổi chiếm 51%; trên 60 tuổi chiếm 7%. Đến năm 2008, con số tương ứng là 26% - 64% và 10%. Những người cao tuổi là những người ở độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Trình độ phát triển càng cao thì dân số ở tuổi già càng lớn, tỷ lệ trẻ em giảm. Cơ cấu dân số ở nước ta thay đổi như hiện nay có những mặt tích cực. Thứ nhất, do tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm xuống, nên cha mẹ có điều kiện chăm sóc thể chất cho con em mình tốt hơn, vì thế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm. Các em có điều kiện được hưởng sự giáo dục tốt hơn, đặc biệt là trẻ em gái. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em gái, trẻ em trai ở nước ta được đến trường là ngang nhau. Đây là yếu tố thể hiện rất rõ sự bình đẳng giới. Thứ hai, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tăng, tỷ lệ người ngoài độ tuổi lao động giảm. Trong Dân số học, người ta thường tính tỷ số phụ thuộc, tức là tính xem, cứ 100 người trong độ tuổi lao động tương ứng có bao nhiêu người ngoài độ tuổi lao động. Ở nước ta, năm 1979, tỷ số này là xấp xỉ 100; năm 2008, con số này là 66 (cứ 100 người trong tuổi lao động thì có 66 người ngoài độ tuổi lao động). Tỷ số này cho thấy, nước ta đang tiến đến “cơ cấu dân số vàng”.

PV: Theo ông, Việt Nam phải làm gì để tận dụng cơ hội do "cơ cấu dân số vàng" mang lại và phải lường trước vấn đề gì?

PGS, TS Nguyễn Đình Cử: Tỷ lệ nói trên cho thấy, nền kinh tế nước ta đang có điều kiện để tích lũy. Cơ cấu dân số vàng, theo ước tính, sẽ diễn ra ở nước ta từ 2015 đến 2025. Tất nhiên, lân cận khoảng thời gian này, tỷ số phụ thuộc vẫn thấp. Vì thế rất cần tận dụng khoảng thời gian đặc biệt thuận lợi này để phát triển kinh tế - xã hội. Muốn thực hiện được điều đó, cần tăng đầu tư, tạo nhiều việc làm, mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, thu hút người trong độ tuổi lao động làm việc.

Khi tỷ lệ trẻ em giảm xuống phải đẩy mạnh giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng lao động trong tương lai. Đối với người cao tuổi, do kinh tế phát triển, sức khỏe của người già được nâng lên, tuổi thọ tăng thì việc sử dụng sức lao động của người già một cách hợp lý, thích hợp, hiệu quả, nhất là đối với những người có trình độ, có kinh nghiệm và còn sức khỏe là rất cần thiết. “Cơ cấu dân số vàng” thường tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, nhưng chỉ là cơ hội thôi. Nếu không tăng được việc làm, chúng ta sẽ để cơ hội "vuột" qua. Vì thế, theo tôi trọng tâm trước mắt là phải rất chú trọng tạo việc làm.

Điều cần nói ở đây là, theo tiêu chuẩn của thế giới, nước ta bắt đầu có dấu hiệu bước vào ngưỡng của xã hội già hóa, bởi đơn giản là, sau khoảng thời gian tỷ lệ trẻ em giảm xuống, thì tỷ lệ người già sẽ tăng lên. Xã hội già hóa sẽ đặt ra những thách thức rất lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc người già cũng như giải quyết nhiều vấn đề khác, như: việc làm, thu nhập, nguồn sống cho người già... Một số chính sách cho người cao tuổi cũng cần được xem xét lại, thí dụ như độ tuổi nghỉ hưu; quan hệ giữa các thế hệ già - trẻ; thái độ của người trẻ - già đối với khung cảnh xã hội có những thay đổi dữ dội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập.
 
Ở nước ta, những khác biệt này có cơ sở xã hội của nó. Thế hệ những người già sinh ra trong chiến tranh, chủ yếu sống trong nền kinh tế bao cấp; trong khi đó thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh (60% dân số sinh ra sau năm 1975), sống trong điều kiện kinh tế thị trường. Những người già phần lớn sống ở nông thôn, những người trẻ chủ yếu sống ở đô thị. Những người già lớn lên trong nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển, nghèo; những người trẻ sinh ra trong một xã hội tương đối đầy đủ, kinh tế phát triển, thậm chí một bộ phận sống trong sự giàu sang, được hưởng thụ là chính. Những người già sống trong xã hội đóng, khép kín; những người trẻ sống trong xã hội mở, hội nhập, thông tin bùng nổ, thông tin nhiều kênh, nhiều chiều, đa dạng. Những khác biệt này được đặt trong một khung cảnh có nhiều biến động, làm cho người già và người trẻ có nhiều khác biệt. Nếu chúng ta không xử lý tốt, trong đó có việc giáo dục tư tưởng, những sự khác biệt này sẽ trở thành mâu thuẫn giữa các thế hệ.

PV: Vậy theo ông, khi Việt Nam bước vào ngưỡng già hóa dân số thì cần có những sự chuẩn bị gì, và Nhà nước cần có những hình thức và chính sách xã hội nào cho phù hợp?

PGS, TS Nguyễn Đình Cử: Khi Việt Nam bước vào ngưỡng già hóa dân số thì xã hội, Nhà nước và mỗi người, cả người trẻ và người già có nhiều việc phải làm. Về vật chất, Nhà nước nên khuyến khích và ưu đãi đối với những nhà đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để chăm sóc người già (nhà dưỡng lão) như cấp đất, cho vay vốn... Trong xã hội hiện đại, vai trò của nhà dưỡng lão rất quan trọng. Điểm thứ hai là cần đa dạng hóa các hình thức phục vụ, dịch vụ sử dụng trong nhà dưỡng lão để tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho người già. Chẳng hạn, người già có thể lựa chọn hình thức ở một năm, nhưng cũng có thể ở vài ngày, hoặc, ở lâu dài trong nhà dưỡng lão, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi gia đình. Việc ở nhà dưỡng lão có nhiều ưu việt, vì nếu cha mẹ già sống cùng con cái, có thể tuổi già cảm thấy đầm ấm, nhưng người trẻ lại cảm thấy mất tự do. Hoặc, con cái đi làm cả ngày, cha mẹ ở nhà một mình, không có người nói chuyện, lại cảm thấy cô đơn, tủi thân, buồn chán. Những tâm lý, suy nghĩ, tâm tư như vậy rất dễ dẫn đến xung đột trong gia đình, có thể sống chung đấy, nhưng có khi lại không có niềm vui chung. Theo tôi, hiện nay mô hình tốt nhất chăm sóc người cao tuổi là sự kết hợp giữa việc để người già khi ở nhà, khi ở nhà dưỡng lão. Chắc chắn rằng, xã hội càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nhà dưỡng lão càng trở nên cần thiết.

Điều đặc biệt nữa ở nước ta là, như trên tôi đã nói, người già sống chủ yếu ở nông thôn nên tỷ lệ người già có lương hưu và trợ cấp là rất thấp, phần lớn người già không có bảo hiểm xã hội. Vì thế Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, chẳng hạn hiện nay ở nước ta các cụ từ 90 tuổi trở lên được Nhà nước nuôi toàn bộ, trong điều kiện mới, Nhà nước nên mở rộng diện được hưởng chính sách này. Nếu các cụ không có lương hưu, có thể được Nhà nước trợ cấp, nuôi toàn bộ ở độ tuổi từ 80-85.

Việc tổ chức cuộc sống cho người già, quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động đối với người cao tuổi (như tập dưỡng sinh, sinh hoạt văn nghệ, nghe thời sự...); đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho toàn xã hội về kiến thức, thái độ hành vi chăm sóc người cao tuổi là hết sức cần thiết. Thí dụ, trong xã hội nông nghiệp, thời gian rảnh rỗi nhiều, năng suất lao động không cao, nên việc chăm sóc người già cũng theo mô hình “tự cung tự cấp” (người nhà mình chăm sóc người nhà mình); nhưng trong xã hội hiện đại, cường độ lao động cao, thời gian lao động nghiêm ngặt, vì thế mô hình chăm sóc trên không còn phù hợp. Việc bảo vệ, chăm sóc người già phải trở thành lĩnh vực được dịch vụ hóa. Đây là một điều rất khó, đặc biệt đối với xã hội nước ta. Vì thế, cả thế hệ già và trẻ cần được chuẩn bị một cách đầy đủ về tâm lý cho thích hợp với xã hội đô thị, hiện đại, với nền kinh tế thị trường, nghĩa là, phải thay thế dần mô hình “tự cung tự cấp” bằng dịch vụ hóa việc bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi. Công việc này cần được thực hiện rất đồng bộ để tránh gây mâu thuẫn giữa các thế hệ.
 
Ngay việc chuẩn bị tư tưởng để thay đổi quan niệm thế nào là "hiếu" đối với cha mẹ, cho cả người già và người trẻ cũng là vấn đề rất khó. Không phải một sớm, một chiều mà có thể thay đổi cả một quan niệm đã in sâu trong tiềm thức người Việt Nam. Một thí dụ đơn giản là, khi sử dụng các hình thức dịch vụ để chăm sóc bố mẹ, mà không trực tiếp chăm sóc, hoàn toàn không có nghĩa là không có hiếu với bố mẹ. Chúng ta cần khẳng định rằng, trong xã hội ngày nay, chữ hiếu vẫn còn, chỉ có điều, hình thức biểu hiện khác nhau. Trước đây, con cái tự giặt quần áo cho bố mẹ thì ngày nay con cái thuê dịch vụ làm việc này. Việc sử dụng dịch vụ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn vì trình độ phục vụ được chuyên môn hóa sẽ có chất lượng tốt hơn.
 
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta cần phải kiên trì tuyên truyền sao cho cả xã hội rất rõ rằng, ai cũng đến lúc già, để mọi người có ý thức chuẩn bị cho tuổi già, chăm sóc tuổi già ngay từ khi còn trẻ. Những hành vi của tuổi trẻ như hút thuốc lá, uống rượu, sinh hoạt thiếu điều độ... sẽ để lại những hậu quả tai hại, thậm chí di chứng cho tuổi già. Về kinh tế, phải tiết kiệm ngay từ khi còn đang trẻ, vì tuổi già không có thu nhập nhưng vẫn phải chi tiêu, thậm chí chi tiêu rất lớn do ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, để có điều kiện ở nhà dưỡng lão, được hưởng dịch vụ chăm sóc tốt phải có sự tích lũy về kinh tế từ khi còn trẻ.
 
Tóm lại, để tránh tình trạng môi trường sống là "thiên đường của tuổi trẻ, nhưng lại là địa ngục của tuổi già" mà ngay cả những nước phát triển nhấtcũng đang gặp phải, thì việc chuẩn bị cho một xã hội già hóa trong tương lai, sao cho người già được sống khỏe, sống vui, sống hữu ích là việc mà cả xã hội phải đồng lòng, chung tay, chung sức./.

PV: Vâng, đúng như vậy. Xin cảm ơn ông về những thông tin thú vị trong cuộc trao đổi này!