Trong 2 ngày 18, 19-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 27 tại Hà Nội, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

Trong 2 ngày diễn ra phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về một số vấn đề lớn của 6 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.

- Dự án Luật Trọng tài thương mại: Về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại; tiêu chuẩn Trọng tài viên; Trọng tài có yếu tố nước ngoài; thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đăng ký phán quyết Trọng tài vụ việc; thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thu thập chứng cứ và Tòa án hỗ trợ Hội đồng trọng tài thu thập chứng cứ...

- Dự án Luật Thi hành án hình sự: Về phạm vi điều chỉnh, hình thức thi hành hình phạt tử hình; việc hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người bị thi hành hình phạt tử hình; việc giải quyết cho nhận thi hài của người thi hành hình phạt tử hình; cơ quan quản lý về thi hành án hình sự; về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự; xã hội hóa trong thi hành án hình sự...

- Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Về phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc và chính sách về sử dụng năng lượng; bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

- Dự án Luật An toàn thực phẩm: Về quản lý an toàn thực phẩm đối với thực phẩm sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ; hạn chế sử dụng thực phẩm; ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen; thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm; phân công trách nhiệm của các bộ trong quản lý nhà nước và an toàn thực phẩm...

- Dự án Luật Bưu chính: Về dịch vụ bưu chính công ích; kiểm tra, xử lý bưu gửi có dấu hiệu vi phạm luật; vấn đề giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại; cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã (điểm bưu điện văn hóa xã)...

- Dự án Luật Người khuyết tật: Về khái niệm người khuyết tật; phạm vi, đối tượng điều chỉnh; phân dạng, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận khuyết tật; chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật; quy định sử dụng lao động là người khuyết tật; việc bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận nhà ở, công trình công cộng và phương tiện giao thông công cộng; bảo trợ xã hội...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Đầu tư công và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2010 và nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011)./.