Xã luận: Bình tĩnh vượt qua bão táp 2009, tự tin bước tới thành công 2010
TCCS - Khi năm 2009 khép lại cũng là thời khắc ghi dấu toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã bình tĩnh đi qua một năm đầy sóng gió, bão táp với vô vàn khó khăn - một cách tự tin, thận trọng và đạt được những thắng lợi quan trọng.
Chúng ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tới hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cơn bão khủng hoảng toàn cầu đó diễn biến phức tạp, gây hậu quả to lớn cả về quy mô, tính chất và chiều sâu đối với các nước, trong đó có nước ta. Đặc biệt, năm 2009, cuộc khủng hoảng lại diễn ra trong bối cảnh thế giới hết sức phức tạp, những bất ổn mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc tăng lên... đã tác động xấu tới chúng ta.
Năm 2009 cũng là năm thế giới đối mặt với thiên tai một cách dữ dội và giải quyết những hậu quả rất nặng nề và lâu dài của nó. Đối với nước ta, hệ quả của thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra làm trầm trọng thêm những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế, và sự nan giải của những vấn đề xã hội. Dù đã chủ động phòng, chống và tích cực khắc phục hậu quả 11 trận bão cùng lũ lụt, sạt lở dồn dập... từ Bắc vào Nam, nhưng chúng ta vẫn thiệt hại ước tính với tổng giá trị 23.000 tỉ đồng, gần 500 người chết và mất tích; làm cho tỷ lệ hộ nghèo và tình trạng thiếu đói có nguy cơ xảy ra trên diện rộng một cách thường trực và nghiêm trọng...
Trước bối cảnh đó, với những dự báo, quyết sách kịp thời và chính xác của Đảng, sự chủ động điều hành vĩ mô trúng, đúng và hiệu quả của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt bậc và bền bỉ của toàn dân tộc, chúng ta bình tĩnh vượt qua năm 2009 một cách chủ động và đạt được những thành tựu cơ bản, có ý nghĩa quan trọng, một cách khá toàn diện.
Về kinh tế, đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng khá và tăng được nguồn lực đầu tư phát triển trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng sản phẩm trong nước tăng 5,2%, được thế giới đánh giá là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất châu Á.
Nổi bật nhất là sản xuất nông nghiệp. Dù đương đầu với thiên tai khốc liệt, sản xuất lương thực vẫn đạt 44 triệu tấn (tăng 700 nghìn tấn so với năm 2008), trong đó thóc đạt 39,3 triệu tấn (tăng 500 nghìn tấn so với năm 2008), xuất khẩu gạo đạt hơn 6 triệu tấn (tăng 33% so với năm 2008) - mức cao nhất cả về sản xuất lương thực với cơ bản là thóc và xuất khẩu gạo. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,3% tỉ USD - mức kỷ lục từ nhiều năm nay.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 8%, tuy thấp hơn tốc độ so với năm 2008 nhưng tăng dần từng quý. Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, song 18 trong số 34 sản phẩm chủ yếu vẫn tăng mạnh so với năm 2008. Một số tỉnh, thành phố vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng khá như: Quảng Ninh và Thanh Hóa: 13%, Bà Rịa - Vũng Tàu: 10%...
Lĩnh vực đầu tư tuy chỉ đạt 22 tỉ USD vốn FDI (giảm 70% so với năm 2008), trong đó vốn đăng ký mới đạt trên 17 tỉ USD, vốn đăng ký bổ sung đạt 5 tỉ USD nhưng vốn thực hiện đạt khá (10 tỉ USD, bằng 47% vốn đăng ký), cao hơn năm 2008 là 18%. Kim ngạch xuất, nhập đạt 69 tỉ USD, tuy giảm 17% so với năm 2008, nhưng thị trường lớn nhất vẫn được giữ vững (Nhật Bản, Trung Quốc...) và chủ yếu nhập máy móc, thiết bị... phục vụ sản xuất. Nét mới về xuất khẩu năm 2009 là, một số thị trường lớn nhất vẫn được bảo đảm: Hoa Kỳ với gần 10 tỉ USD (tăng mạnh so với năm 2008), EU với 8 tỉ USD và khu vực ASEAN đạt gần 8 tỉ USD. Nhập siêu giảm 33%, cân đối với kim ngạch xuất khẩu giảm 12,71% so với năm 2008, nhưng vẫn là 12 tỉ USD.
Có thể nói, rõ ràng sự vận động của nền kinh tế nước ta, về cơ bản đã phục hồi, tăng trưởng với tốc độ 5,2% là khả quan, rất đáng ghi nhận.
Trên bình diện xã hội, đã thực hiện có kết quả việc bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển mới trong điều kiện kinh tế suy giảm.
Nét nổi bật là, chúng ta đặc biệt coi trọng an sinh xã hội và quan tâm chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách và những vùng khó khăn, với tổng giá trị chi khoảng gần 23.000 tỉ đồng, tăng hơn 60% so với năm 2008. Trong thiên tai liên miên và nặng nề, so với năm 2008, số hộ thiếu đói giảm 31% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 27,6%, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 11%. Thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ và giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Chương trình 135 giai đoạn 2. Tính tới ngày 25-12-2009, toàn bộ 59.731 hộ nghèo trên cả nước có nhà mới, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, trực tiếp giảm bớt khó khăn và động viên tinh thần nhân dân, góp phần ổn định tình hình ngay từ mỗi cơ sở, ở những vùng khó khăn nhất, tạo tiền đề phát triển sản xuất, phát huy đồng thuận xã hội, chung tay khắc phục nhanh chóng khó khăn...
Các lĩnh vực khác của đời sống xã hội tiếp tục có bước phát triển tích cực đạt kết quả đáng ghi nhận, nhất là giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, khoa học - công nghệ. Quy mô giáo dục, đào tạo các cấp học đều tăng: Tổng số học sinh mẫu giáo và phổ thông tăng 5%, tuyển mới đại học và cao đẳng tăng 9,2%, cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 18,2%... Hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ được đầu tư phát triển đồng bộ hơn. Tăng cường mạnh cán bộ, bác sĩ và thiết bị y tế cho tuyến dưới, trực tiếp nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đã xây mới 85 bệnh viện tuyến huyện, 16 bệnh viện đa khoa ở các tỉnh vùng núi, vùng khó khăn, v.v.. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, các công trình văn hóa quốc gia, được quy hoạch và xây dựng với tiến độ nhanh hơn, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa thông tin của nhân dân, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, với 300 nhà văn hóa cấp xã xây mới, 99% số hộ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và 98% số hộ xem truyền hình Việt Nam...
Công tác xây dựng Nhà nước, xây dựng Đảng, trước hết là công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Chương trình xây dựng luật của Quốc hội cơ bản hoàn thành, với chất lượng và tiến độ đáng ghi nhận. Các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố hoàn thành và công bố 5.700 thủ tục hành chính thực hiện tại 4 cấp chính quyền. Đó là bước tiến mới trong cải cách thủ tục hành chính theo hướng "một cửa liên thông". Chính quyền các cấp giải quyết xong gần 84% số vụ, việc khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có nhiều vụ, việc tồn tích, kéo dài. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tấm gương đạo đức Bác Hồ được hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng từ tất cả các cấp, các ngành, và các địa phương tới đồng bào ta ở nước ngoài. Hàng trăm tỉ đồng được tiết kiệm để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, giúp đỡ đồng bào nghèo, đồng bào ở các vùng bị thiên tai tàn phá. Mặt khác, thực hiện đồng bộ các giải pháp mạnh để phòng chống tham nhũng, xử lý dứt điểm nhiều vụ tham nhũng tồn đọng: Khởi tố điều tra gần 300 vụ với gần 700 bị can, truy tố hơn 160 vụ với hơn 390 bị can, tịch thu và sung công quỹ gần 40 tỉ đồng do tham nhũng.
Toàn Đảng đã nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đi vào chiều sâu và thiết thực hơn trong Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo, tập trung khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, phát huy dân chủ, ổn định đời sống nhân dân, chuẩn bị tiến tới Đại hội đảng bộ các cấp vào năm 2010.
Trên bình diện an ninh, quốc phòng và đối ngoại, tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh được tăng cường; vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.
Công tác an ninh, quốc phòng tiếp tục được coi trọng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội được củng cố; việc thực hiện dân chủ, công bằng xã hội và công tác dân tộc, tôn giáo tiến những bước quan trọng. Những hành vi lợi dụng dân chủ, nhân quyền và chính sách tôn giáo, dân tộc hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất trật tự an toàn xã hội đã bị xử lý nghiêm minh.
Công tác đối ngoại đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Quan hệ hợp tác giữa nước ta với Trung Quốc, các nước láng giềng, các đối tác lớn và các đối tác chiến lược có bước phát triển mới; hợp tác kinh tế với các nước khu vực Trung Đông mở rộng và đi vào chiều sâu, quan hệ với các nước châu Phi, Mỹ La-tinh được mở rộng; đảm nhiệm thành công vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009... Những kết quả đạt được sau 3 năm gia nhập WTO chứng tỏ quyết sách của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, hội nhập sâu rộng và đa diện vào nền kinh tế thế giới với lợi ích tổng thể của đất nước ngày càng lớn, góp phần tăng cường tiềm lực kinh tế, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế, v.v..
Tuy nhiên, nhìn lại năm 2009, cùng với những thành tựu đáng ghi nhận, cần nghiêm túc nhận rõ những hạn chế, yếu kém nổi cộm: Tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong 10 năm qua, một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Đồng thời, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc, việc quản lý nhà nước về kinh tế, nhất là ngân sách nhà nước và vốn của các doanh nghiệp nhà nước chưa chặt chẽ, hiệu quả còn thấp. Kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có sự cải thiện đáng kể; năng lực điều hành kinh tế vĩ mô ở một số khâu còn hạn chế; bộ máy hành chính còn cồng kềnh, kém hiệu lực và hiệu quả thấp. Quản lý nhà nước nhất là lĩnh vực giáo dục, đào tạo, quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị... còn nhiều bất cập và yếu kém.
Mặt khác, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn; đời sống nhân dân ở một bộ phận không nhỏ, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số... còn hạn chế, thậm chí rất khó khăn; tai nạn giao thông vẫn đang là nỗi trăn trở lớn; công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa được cải thiện nhiều. Kết quả cải cách hành chính còn thấp; năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế; sự phối hợp quản lý ở nhiều khâu còn thiếu thống nhất; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Công tác xây dựng Đảng chưa ngang tầm với nhiệm vụ...
Khép lại năm 2009, nhìn lại, dù rất nhiều khó khăn, thách thức, dù còn không ít hạn chế, yếu kém, nhưng chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế đã thoát khỏi suy giảm và đạt tốc độ tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vị thế và uy tín của đất nước trên vũ đài quốc tế ngày càng nâng cao. Đây là nền tảng căn bản, là động lực mạnh mẽ, là sức mạnh hiện thực để chúng ta tin tưởng và đi tới.
Năm 2010 là năm kết thúc 20 năm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; là năm trọng đại, chúng ta long trọng kỷ niệm những ngày lễ lớn của Đảng và dân tộc. Đồng thời, cũng là năm chúng ta và cộng đồng thế giới vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với những hệ lụy nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nhưng, những kết quả năm 2009, cùng những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, những bài học sâu sắc của 25 năm thực hiện chính sách Đổi mới của Đảng sẽ là điều kiện thuận lợi, là cơ sở thực tiễn vững chắc để chúng ta tự tin vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2010 là: Tập trung phục hồi tốc độ kinh tế tăng trưởng đạt mức 6,5% - cao hơn năm 2009, với chất lượng tăng trưởng cao, bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống mọi mặt của nhân dân; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; toàn Đảng hoàn thành đúng tiến độ và nâng cao chất lượng Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng vào đầu năm 2011.
Để hoàn thành tốt trọng trách đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, tiếp tục khai thác mọi tiềm năng, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trước hết là nội lực nhằm đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, và của cả nền kinh tế. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tính ổn định của kinh tế vĩ mô, cải thiện mạnh môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh.
Mặt khác, tiếp tục thực hiện các chính sách bảo đảm công bằng xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững; mở rộng và nâng cao chất lượng an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giải quyết kịp thời và hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc.
Đồng thời, tạo bước chuyển mới trong cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo môi trường thuận lợi phát triển đất nước.
Tập trung mọi nỗ lực, toàn Đảng tiến hành tốt, với chất lượng cao nhất tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng.
IMF cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kinh tế mới  (20/01/2010)
EU mâu thuẫn về việc cắt giảm khí CO2  (20/01/2010)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đón, hội đàm; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nhân dân An-giê-ri A. Di-a-ri  (20/01/2010)
Đối ngoại Việt Nam năm 2009: Vượt qua thách thức, vững bước vào năm 2010  (20/01/2010)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sáu dự án luật  (19/01/2010)
Khai mạc Hội nghị Diễn đàn APPF tại Xin-ga-po  (19/01/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên