Báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình dân chủ và nhân quyền thế giới công bố ngày 11-3-2008, cho thấy tác giả báo cáo này lại tiếp tục tư duy lối mòn cũ, lặp lại những kết luận đã trở thành công thức sao chép lại từ nhiều năm trước về thực tế nhân quyền ở Việt Nam. Phần tường trình về Việt Nam trong báo cáo dài 52 trang là những kết luận một chiều về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, chủ yếu mang tính áp đặt, đồng thời phản ánh rõ sự mâu thuẫn trong những đánh giá.

Báo cáo đã đi ngược lại những thành tựu nổi bật đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận về dân chủ, nhân quyền và tôn giáo của Việt Nam trong năm 2007. Nhân quyền cao nhất là con người được bảo đảm sống trong hòa bình và ổn định, được bảo đảm việc làm và đời sống hạnh phúc.

Buổi điều trần về quan hệ Mỹ - Việt tại Thượng viện Mỹ ngày 12-3 ghi nhận tình trạng đói nghèo ở Việt Nam giảm một nửa trong thập niên 90 của thế kỷ trước và mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2020 hoàn thành công nghiệp hóa. Việt Nam đã được Liên hợp quốc công nhận hoàn thành 10 mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ riêng về giáo dục, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã dành trên 15% tổng ngân sách cho lĩnh vực này; năm 2006-2007, đã có 36 tỉnh thành hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 35 tỉnh thành hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Theo báo cáo của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP, thứ hạng Chỉ số phát triển con người của Việt Nam là 105, tăng thêm 4 bậc so với năm 2006).
 
Nhân ngày nhân quyền thế giới 10-12 vừa qua, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Hà Nội đã đánh giá Việt Nam có tiến bộ to lớn về kinh tế - xã hội, là nước tiên phong trong việc phê chuẩn các công ước nhân quyền quốc tế quan trọng. Trong chuyến thăm Việt Nam cách đây không lâu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu H.Ba-rô-xô (Barrosso) đã nhiều lần bầy tỏ sự “ngưỡng mộ về sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” và “ấn tượng sâu sắc với thành tựu của Việt Nam trong hơn 20 năm qua”.

Quan tâm và thúc đẩy các quyền con người cho mọi người dân Việt Nam luôn là ưu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là nền tảng phản ánh nhất quán và xuyên suốt trong mọi chính sách, luật pháp của Nhà nước Việt Nam. Mặc dù còn nhiều khó khăn, trong những năm qua, với nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự ổn định an ninh chính trị, việc cải cách luật pháp và tư pháp được chú trọng, hệ thống luật pháp của Việt Nam không ngừng được bổ sung và hoàn thiện theo hướng nhà nước pháp quyền nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các quyền của người dân, nhờ đó có thêm điều kiện thuận lợi để bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các cam kết và trách nhiệm quốc tế về quyền con người.

Tỷ lệ 97% trong tổng số 56 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa XII năm 2007, đã thể hiện sự ủng hộ và tham gia tích cực của người dân Việt Nam đối với đời sống chính trị của đất nước. Thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo, nhân dịp Quốc khánh 2-9-2007, Chủ tịch nước Việt Nam đã đặc xá cho hơn 8.108 phạm nhân, trong đó có 13 người có quốc tịch nước ngoài và 11 đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia.

Với chủ trương sẵn sàng đối thoại với các nước và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực quyền con người, đến nay Việt Nam đã có đối thoại hằng năm với các nước như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Na Uy, Thụy Sĩ và Liên minh châu Âu. Các cuộc đối thoại đã được tiến hành hết sức thẳng thắn, Việt Nam và các bên tham gia đối thoại đã trao đổi về tất cả các vấn đề cùng quan tâm. Các cuộc đối thoại đã đạt kết quả tích cực, giúp tăng cường hiểu biết hơn giữa Việt Nam và các nước.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Đông Á - Thái Bình Dương, ông Cri-xtô-phơ Hin (Christopher Hill), đã nhấn mạnh tại Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ, ngày 12-3, rằng “Việt Nam là một quốc gia mà tiến trình chuyển tiếp sang kinh tế thị trường và dân chủ có tầm mức quan trọng đối với Mỹ. Chính vì lẽ đó, Mỹ sát cánh với Việt Nam trong 2 lĩnh vực này bao lâu nay, từ đó giao hảo giữa hai nước càng ngày càng thăng tiến. Bộ Ngoại giao Mỹ đã làm việc với đối tác Việt Nam về nhiều lĩnh vực quan trọng và trên bình diện tổng quát, phải nói, Việt Nam có nhiều cố gắng và tiến bộ cụ thể”

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng phản ánh sự mâu thuẫn khi một mặt chỉ trích Việt Nam chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân quyền, song nhiều chính khách Mỹ, khi thăm Việt Nam lại không thể phủ nhận những thành tựu của Việt Nam trong chính sách tự do tôn giáo, vốn được coi là một phần quan trọng trong vấn đề nhân quyền.

Trong năm qua, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho tất cả các tổ chức tôn giáo từ Thiên chúa giáo, Tin Lành, Phật giáo, Hòa Hảo... hoạt động. Việt Nam đã đón rất nhiều đoàn đến thăm và tìm hiểu về tình hình phát triển tôn giáo Việt Nam, nổi bật là Đoàn Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (thăm Việt Nam từ ngày 21-10 đến 1-11-2007). Sau chuyến thăm, Chính phủ và nhiều nghị sỹ Mỹ đã đánh giá cao sự cởi mở và thiện chí của Việt Nam thông qua các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo chính phủ, các bộ ngành và các nhân vật chống đối. Tương tự, kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam trung tuần tháng 3-2007, Đức ông P.Pa-rô-lin (P.Parolin), Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Va-ti-căng (Vatican) đã bày tỏ: “Chúng tôi rất ấn tượng về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam”. Ông Cơ-rit-xây-pơ-lê, Chủ tịch Viện liên kết toàn cầu (IGE) của Mỹ khi được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp ngày 8-11-2007, đã khẳng định, Phái đoàn IGE đã cảm nhận một thực tế rất rõ ràng trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, đó là những tín đồ kính Chúa, yêu quê hương, đất nước, và ở thời điểm hiện nay, không thể nói rằng vấn đề tôn giáo là khía cạnh nhạy cảm trong quan hệ Việt - Mỹ.

Những tác giả Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về nhân quyền khi phê phán Việt Nam kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông và in-tơ-nét thực ra chỉ là sao chép lại các báo cáo nhân quyền những năm trước, cố tình nhắm mắt trước thực tế rằng, hoạt động báo chí truyền thông ở Việt Nam đang rất sôi động, đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực các ý kiến đa dạng, góp phần tích cực thúc đẩy tiến bộ xã hội. Thực tế cho thấy báo chí Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, là tiếng nói quan trọng trong chống tiêu cực, tham nhũng. Đó là nền tảng của Việt Nam đang tiến đến một xã hội ngày càng dân chủ, minh bạch.

Hiện ở Việt Nam có khoảng 600 hãng tin, báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình và in-tơ-nét. Nếu năm 1990 chỉ có 258 báo và tạp chí thì đến nay đã có 553 báo in và 200 báo điện tử. Mỗi năm, các phương tiện thông tin đại chúng phát hành hơn 550 triệu ấn bản. Việc tiếp cận các phương tiện thông tin hiện đại của người dân ngày càng tăng: hiện có khoảng 25,4 triệu người sử dụng điện thoại, sau 10 năm từ khi có in-tơ-nét đã có gần 5 triệu thuê bao in-tơ-nét được quy đổi, với hơn 18 triệu người thường xuyên sử dụng dịch vụ này, đạt tỉ lệ dân số sử dụng in-tơ-nét gần 21%. Các kênh truyền hình nước ngoài như CNN, BBC, TV5, DW, RAI, HBO...được phát rộng rãi qua vệ tinh và hệ thống cáp truyền hình.

Báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phớt lờ những thực tế sống động nêu trên về những nỗ lực của Việt Nam bảo đảm quyền con người cho nhân dân, vậy đâu là tiêu chuẩn cho vấn đề này? Câu trả lời này có lẽ nên dành cho chính những tác giả của bản báo cáo khi mà bản thân nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với những vi phạm nhân quyền mà chính báo chí đã thừa nhận.