Câu hỏi lớn này đã được Joseph Schumpeter đặt ra và giải đáp trong một công trình nghiên cứu nổi tiếng được ông công bố lần đầu từ năm 1942, với tiêu đề là: “Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội và Nền dân chủ”.

J. Schumpeter sinh năm 1883, trong một gia đình trung lưu ở Triesch (một địa danh vốn thuộc đế chế Áo – Hung và hiện nay thuộc Cộng hòa Séc). Ông được đào tạo bài bản về luật học và kinh tế học tại Đại học Vienna (Áo); nhận học vị tiến sĩ luật năm 1906; từng giảng dạy tại Đại học Czernowizt, Đại học Graz trong những năm 1909-1917; năm 1918 trở thành thành viên của Ủy ban Xã hội hóa Đức (tổ chức đấu tranh cho việc xã hội hóa nền công nghiệp Đức nhằm khiến nó trở nên có hiệu quả hơn). Năm 1919 là Bộ trưởng Bộ Tài chính của Áo, nhưng sau 7 tháng phải từ chức do áp lực của cuộc sống chính trị. Những năm sau đó, J. Schumpeter trở thành chủ tịch một ngân hàng tư nhân nhỏ, tham gia đầu tư vào những hoạt động có tính chất đầu cơ cao và đã mất sạch cả cơ nghiệp. Năm 1925, ông nhận chức giáo sư kinh tế tại Đại học Born; sau đó 7 năm chuyển đến Havard, năm 1949 giữ chức Chủ tịch Hiệp hội kinh tế Mỹ, là người đầu tiên không phải gốc Mỹ nhận cương vị này, và qua đời tại Mỹ năm 1950.

Kế thừa và phát triển các kết quả nghiên cứu của chính mình và nhiều người khác, trong cuốn “Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội và Nền dân chủ”, J. Schumpeter đã đưa ra và áp dụng một cách tiếp cận mới về biến đổi kinh tế. Thay vì khảo sát những thay đổi có tính chu kỳ mà một nền kinh tế tư bản trải qua, ông đã khảo sát tương lai thật sự của chủ nghĩa tư bản.

Trả lời cho câu hỏi “chủ nghĩa tư bản có thể sống sót hay không?”, ông khẳng định: “Không, tôi nghĩ là không thể”. Theo J. Schumpeter, K.Marx đã đúng khi tin rằng chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, thay vì bị thủ tiêu bởi chính những thất bại của nó, như K.Marx đã chỉ ra, J. Schumpeter tin rằng “chủ nghĩa tư bản sẽ bị thủ tiêu bởi chính những thành công của nó”.

Theo J.Schumpeter, sự hủy diệt mang tính sáng tạo là nguyên nhân chính cho sự thành công của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản không chỉ là sự đổi mới thành công; nó cũng là sự hủy diệt những quy trình, sản phẩm cũ và kém hiệu quả. Quá trình thay thế này khiến cho chủ nghĩa tư bản năng động và tăng thu nhập rất nhanh. Tuy nhiên, các vấn đề nảy sinh vì các hãng nhỏ hơn thường xuyên được thay thế bởi các hãng lớn hơn. Thông qua quá trình này, những quan chức quản lý, chứ không phải là những chủ hãng có tinh thần đổi mới sẽ điều hành hãng. Những nhà quản lý này chỉ là những người làm thuê chứ không phải là chủ hãng. Họ thích thu nhập ổn định và sự an toàn cho công việc của họ hơn là đổi mới và chấp nhận rủi ro. Kết quả là, chủ nghĩa tư bản mất thiên hướng năng động hướng tới sự đổi mới, tinh thần liên tục cải tiến và thay đổi của nó.

J. Schumpeter cũng nhận thấy những vấn đề tiềm năng xuất phát từ thực tế là chủ nghĩa tư bản yêu cầu sự tính toán mang tính lý trí và sự lựa chọn có tính logic từ tất cả những người tham gia. Điều này dẫn mọi người tới việc phát triển một lối suy nghĩ đầy nghi ngờ và phê phán.

Thêm vào đó, do chủ nghĩa tư bản quá thành công đối với việc nâng cao thu nhập, nó có thể nuôi sống một số lượng lớn trí thức thuộc tầng lớp trung lưu. Với rất nhiều thời gian rảnh rỗi có sẵn, những cá nhân này sẽ chỉ trích hệ thống tư bản chủ nghĩa và nỗ lực thúc đẩy các phương pháp làm tăng cường vai trò kinh tế của các quan chức quan liêu. Tinh thần bất mãn chống lại sự chênh lệch trong thu nhập, thứ khiến cho chủ nghĩa tư bản tồn tại được, cũng sẽ trở nên mạnh mẽ trong giới trí thức và họ sẽ thúc đẩy các giải pháp cố gắng bình quân hóa thu nhập. Những hành động này sẽ làm giảm động lực chấp nhận rủi ro và đổi mới.

Mặt khác, theo J. Schumpeter, chủ nghĩa tư bản còn hủy hoại chế độ gia đình. Chủ nghĩa tư bản chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân, trong khi gia đình đòi hỏi chế ngự ham muốn và thỏa hiệp. Tuy nhiên, gia đình là quan trọng cho chủ nghĩa tư bản vì nó là nguyên nhân chính để tiết kiệm. Các gia đình tiết kiệm nên khi có điều gì không may xảy ra với người trụ cột trong gia đình, các thành viên khác vẫn có khoản để xoay sở. Bằng cách xói mòn động lực tiết kiệm, chủ nghĩa tư bản hủy hoại nền tảng của chính nó – tư bản cần thiết cho tăng trưởng trong tương lai.

Tăng trưởng kinh tế dài hạn đã luôn là mối quan tâm cốt lõi của kinh tế học. Adam Smith và hầu hết các nhà kinh tế cổ điển đều nhìn nhận chủ nghĩa tư bản như là con đường tốt nhất để đạt tới tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, cho tới cuối thế kỷ XIX, các nhà kinh tế quay ra chú trọng nhiều đến vấn đề hiệu quả kinh tế, và họ đã đánh mất sự quan tâm về vấn đề tăng trưởng. Cống hiến chủ yếu của J. Schumpeter là định hướng lại sự chú ý của các nhà kinh tế đối với vấn đề tăng trưởng dài hạn. Nhờ thế, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhân tố phi kinh tế như sự đổi mới và người chủ hãng đối với một thứ “chủ nghĩa tư bản lành mạnh, cần kiệm và liên tục tăng trưởng”.

Nguồn: Bản tin Hội đồng Lý luận Trung ương số 63, tháng 7 năm 2007