Cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn mối quan hệ giữa dân với cơ quan công quyền, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Đồng thời nó còn là giải pháp mang tính đột phá, một chủ trương đúng gắn liền với lợi ích của dân với Nhà nước.

Có thể nói, sau 20 năm đổi mới, mối quan hệ giữa dân với cơ quan công quyền thể hiện ngày càng rõ nét, nhất là từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/CP ngày 4-5-1994 về cải cách thủ tục hành chính. Thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đã làm "nóng lên" cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn mối quan hệ giữa dân với cơ quan công quyền, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.

Điểm thuận lợi hiện nay ở Tiền Giang là Tỉnh ủy đã có nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh có Chương trình hành động thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 của Chính phủ, trong đó cải cách thủ tục hành chính được xem là giải pháp mang tính đột phá, một chủ trương gắn liền lợi ích thiết thực, trực tiếp giữa Nhà nước và nhân dân. Từ nhận thức này, trong chỉ đạo, điều hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã giao trách nhiệm cho từng ngành, từng cấp nghiên cứu, xây dựng đề án cải cách thủ tục hành chính của ngành, địa phương mình, tập trung những lĩnh vực có nhiều bức xúc như: nhà đất, xây dựng, đăng ký kinh doanh, công chứng, chứng thực, hộ tịch... Bước đầu rà soát, thiết lập, công khai quy trình giải quyết, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự thủ tục, phí, lệ phí, thời gian giải quyết của từng loại hồ sơ thủ tục ở từng cơ quan, đơn vị. Kết quả thời gian giải quyết từng vụ việc so với trước đây có rút ngắn hơn, như cấp phép xây dựng từ 30 ngày xuống còn 10 ngày; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở từ 10 ngày xuống còn 7 ngày; cấp giấy chứng nhận kết hôn và nhận con nuôi có nhân tố nước ngoài từ 60 - 90 ngày xuống còn 20 ngày; cấp giấy chứng minh nhân dân từ 30 ngày xuống còn 15 ngày... Những thủ tục, những công đoạn không cần thiết được các ngành, các cấp quan tâm, mạnh dạn bãi bỏ, như việc đăng ký hoạt động vi-đi-ô trong gia đình, Sở Văn hóa - Thông tin bỏ khâu chứng nhận của Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện để giảm bớt sự đi lại nhiều lần của nhân dân. Khi tiếp nhận hồ sơ đều có biên nhận hoặc phiếu hẹn giải quyết, ghi rõ thời gian hoàn trả kết quả. Song để đạt được kết quả, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp còn phải qua nhiều phòng, nhiều bộ phận, tình trạng chạy lòng vòng, hết bổ sung, chỉnh sửa thủ tục này đến thủ tục khác còn diễn ra khá phổ biến.

Để tiếp tục cải thiện mối quan hệ trên, Tiền Giang là một trong những tỉnh được trung ương chọn tổ chức thực hiện thí điểm cải cách thủ tục hành chính theo mô hình "một cửa" ở cấp huyện. Năm 1998, ủy ban nhân dân tỉnh chọn thành phố Mỹ Tho làm điểm cấp phép đăng ký kinh doanh hộ cá thể, nhà đất, xây dựng, chứng thực, hộ tịch, kế đến là huyện Gò Công Tây, một mô hình rất được nhân dân đồng tình.

Sau nhiều lần sơ kết, rút kinh nghiệm, đến khi có chủ trương chính thức của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 4-9-2003 ban hành quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, với sự quyết tâm cao Tiền Giang đã triển khai, áp dụng mạnh cơ chế này trên cả 3 cấp, đầu tiên là cấp huyện, kế đến là cấp tỉnh, sau cùng là cấp xã. Thời gian triển khai nhanh và lĩnh vực áp dụng được mở rộng so với Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định.

Tính đến ngày 30-6-2006, Tiền Giang có 24 sở, ngành tương đương, trong đó có 2 công ty nhà nước (Điện lực tỉnh và Công ty Cấp thoát nước tỉnh), 9/9 đơn vị cấp huyện và 169/169 đơn vị cấp xã áp dụng cơ chế "một cửa". Khối lượng xử lý công việc khá lớn, cấp tỉnh đã giải quyết 1.365.594 hồ sơ trên 24 lĩnh vực thuộc các ngành; cấp huyện giải quyết 1.165.185 hồ sơ trên 5 lĩnh vực; cấp xã giải quyết 206.517 hồ sơ trên 4 lĩnh vực, tập trung chủ yếu các lĩnh vực bức xúc trong xã hội. Kết quả số hồ sơ trễ hẹn 3 năm qua chiếm tỷ lệ rất thấp, từ đó chất lượng phục vụ nhân dân của các cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp ngày càng tốt hơn. Qua nhiều lần kiểm tra, rà soát, tỉnh đã phát hiện bốn loại thủ tục hành chính do Ủy ban nhân dân và phòng chuyên môn cấp huyện tự đặt ra và những loại thủ tục này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo loại bỏ ngay. Sự quyết tâm của Tiền Giang thể hiện nổi bật là việc rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục từ 1/3, có lĩnh vực còn 1/2, thậm chí nộp đủ hồ sơ giải quyết ngay trong ngày. Mặt khác, để khắc phục tình trạng mất giấy tờ, thất lạc hồ sơ, hướng dẫn làm thủ tục nhiều lần, hẹn tới hẹn lui... từng bước nâng cao mức độ hài lòng của công dân, tổ chức và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Năm 2006, Ủy ban Nhân tỉnh đã ban hành 3 biểu mẫu như: Biên nhận tiếp nhận hồ sơ; Phiếu hướng dẫn làm thủ tục; Sổ theo dõi kết quả xử lý công việc của công dân, tổ chức và doanh nghiệp trong các cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp được mẫu hóa trong phạm vi toàn tỉnh.

Một vấn đề mới nẩy sinh từ yêu cầu thực tiễn đối với các tỉnh nói chung, Tiền Giang nói riêng đó là mô hình "một cửa liên thông" trong lĩnh vực đất đai, đầu tư thành lập doanh nghiệp, hai lĩnh vực trọng yếu này đã và đang được tỉnh xây dựng, triển khai. Mô hình này sẽ khắc phục "một cửa" giải quyết được "nhiều cửa", một công việc mà trước đây do nhiều ngành, nhiều cấp giải quyết, nay chỉ do một đầu mối giải quyết.

Nhìn chung, kết quả cải cách thủ tục hành chính ở tỉnh có nhiều tiến triển tốt, nhưng tỉnh phải thẳng thắn thừa nhận rằng việc nhận thức nhiệm vụ này tại một số cơ quan, đơn vị ở các cấp còn bộc lộ nhiều yếu kém, lơ là, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi đi tiếp thu chủ trương về không triển khai, không kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, khoán trắng cho cấp dưới, khi cấp trên kiểm tra coi như "chuyện đâu trên trời rơi xuống". Một vài cán bộ, công chức làm xấu, thêm vào đó là sự không hiểu biết của nhân dân, đã làm cho hình ảnh chung xấu đi. Chẳng hạn, có một trường hợp công chức nhận hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, không ghi biên nhận, vào sổ theo dõi, lại để mất hồ sơ, không dám báo cáo lãnh đạo cơ quan, đến khi người dân khiếu nại, mới vỡ lở ra, đích thân đồng chí bí thư cấp huyện phải đến nơi ở của đương sự trực tiếp xin lỗi. Mặt khác, nếu như từng cơ quan, đơn vị ở các cấp thực hiện tốt chủ trương công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hành chính, kỷ luật, kỷ cương hành chính nghiêm minh thì chắc chắn mối quan hệ giữa công dân với cơ quan công quyền ngày càng được tăng cường.

Thủ tục hành chính ở tỉnh thời gian qua tuy được cải tiến nhiều nhưng vẫn chậm, vẫn còn phiền hà, nhũng nhiễu; nguyên nhân chủ quan có, khách quan có nhưng vấn đề khó nhất hiện nay là làm sao giải quyết tận gốc nguyên nhân khiến cho người dân phải mệt mỏi khi đi làm thủ tục hành chính nhà nước. Nói chung là phải "đẩy phần khó" về cơ quan công quyền, đó là một trong những bài học có tính từ thực tiễn cao, nếu như cán bộ, công chức của các cơ quan công quyền làm được điều đó cũng chính là để tăng cường mối quan hệ giữa dân với cơ quan công quyền, góp phần củng cố, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, Nhà nước của dân, do dân và vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.