TCCSĐT - Theo Đài Ốt- xtrây- li-a, ngày 11-6-2009, trong báo cáo mới đây của Công ty tư vấn toàn cầu “AT Kearney”, Việt Nam đã vượt 9 bậc và vươn lên vị trí thứ 10 trong tổng số 50 nước là điểm đến thu hút nhất của các nhà đầu tư nước ngoài.

So với bản báo cáo trước đây, Việt Nam đã “nhảy” 9 bậc, do sự bùng nổ hiện nay của công nghệ thông tin (IT) mà tiên phong là việc Công ty IT Luxoft của Nga vừa mở một trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh với mục đích chính là cung cấp các dịch vụ tin học.

Đối với Việt Nam, bản báo cáo này có thể mang đến những thay đổi mang tính hiện đại đối với một quốc gia vốn từ trước đến nay chỉ được biết đến với những mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo, cà phê và mủ cao su.

Tại Việt Nam, những xưởng thủ công ngột ngạt đã là chuyện quá khứ. Việt Nam đang tiến từng bước, gần tới một nền kinh tế thành công. Bảng xếp hạng mới của AT Kearney đã đưa Việt Nam vượt lên trên cả Bra-xin, Mê- hi- cô và Xri Lan-ca trong lĩnh vực cung cấp các hợp đồng IT thuê ngoài.

Ông Norbert Jorak, Giám đốc điều hành Hội đồng Chính sách của AT Kearney Global Bussiness và cũng là một trong những người soạn thảo bản báo cáo cho rằng, Việt Nam được các công ty nước ngoài chú ý là do chi phí thấp. Ông nói: “Việt Nam có một môi trường tuyệt vời bởi giá nhân công thấp và lợi nhuận cao. Nếu đánh giá ở khía cạnh này, Việt Nam nằm trong top 3 nước đứng đầu thế giới. Đó cũng là lý do chính đưa Việt Nam lọt vào vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng. Việt Nam đứng thứ 19 trong bảng xếp hạng trước đó, nhưng nước này đã nỗ lực tạo ra thêm nhiều sức hút đối với các công ty ngoại quốc. Những nước đạt thứ hạng cao hơn Việt Nam trong bảng xếp hạng trước đã mất đi sự thu hút về mặt tài chính do giá nhân công tăng lên. Điều này cũng khiến Việt Nam giành được một vị trí trong top 10”.

Ông Jorak cũng nói, một vị trí cao trong bảng xếp hạng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ là nơi thu hút thương mại trong năm tới, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang đe dọa các nước. Ông cho biết thêm: “Vị trí thứ hạng không thật sự đưa tới doanh số đầu tư mà Việt Nam kỳ vọng, nhưng nó khiến các công ty tại các nước như Nga, châu Âu, châu Mỹ và Ốt-xtrây-li-a có một sự đánh giá khác đối với Việt Nam. Khi đã nằm trong top 10, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn. Chúng tôi nhận thấy trong những năm trước, các chủ doanh nghiệp luôn nhìn vào top 10. Không có lý do nào để cho rằng tình hình kinh tế của Việt Nam sẽ xấu đi trong một sớm một chiều. Vì thế bảng xếp hạng năm nay có tác động tích cực tới môi trường đầu tư ở Việt Nam”.

Ông Lawrence Strano, sáng lập viên và hiện là Chủ tịch Phòng thương mại bang New South Wales- Việt Nam nhận xét, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả từ sự mở cửa, mở rộng quan hệ với các nước, đặc biệt, “với những người đã từng học tập tại Đông Âu như Hung-ga-ri, chúng tôi nhận thấy họ rất thông minh, được đào tạo tốt và quan trọng nhất là có đủ trình độ để tiếp thu các kỹ thuật mới. Đó là một nguồn “năng lượng khổng lồ mà Việt Nam có được”.

Ông Strano cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc dạy tiếng Anh. Người Việt Nam tiếp thu tiếng Anh rất nhanh và bên cạnh việc thực hành tiếng, họ còn có được những kỹ năng ngôn ngữ bổ ích không chỉ bó hẹp trong một ngôn ngữ. Với chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục đạt được những thành quả tích cực./.

Theo Đài Ốt- xtrây- li-a, ngày 11-6-2009