TCCSĐT: Trả lời các câu hỏi của những đại biểu Quốc hội hỏi về vấn đề bô-xít tại phiên chất vấn chiều qua (11-6), Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã phân tích và nói rõ hơn về tính độc lập của các dự án trong quy hoạch phát triển bô-xít và khẳng định a-lu-min (alumina) không phải là nguyên liệu thô.

Các dự án bô-xít là độc lập

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (Thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn, quy mô tổng mức đầu tư của dự án từ 20.000 tỉ đồng trở lên phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Nhưng dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên có quy mô tổng mức đầu tư cao hơn 20.000 tỉ đồng, tại sao Bộ Công Thương không đề nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời, trong quy hoạch phát triển bô-xít được Chính phủ phê duyệt nêu rõ nhiều dự án, từ khai thác, chế biến bô-xít, sản xuất a-lu-min thành nhôm nguyên liệu đến dự án đường sắt từ Tây Nguyên ra biển; dự án cảng Kê Gà - Bình Thuận. Đây là những dự án độc lập, không phụ thuộc lẫn nhau. Dự án bô-xit - a-lu-min ở Tân Rai, Đắc Nông có thể vận hành độc lập, dự án này không phụ thuộc vào dự án kia.

Do đó, có dự án có tổng mức đầu tư vượt 20.000 tỉ đồng, nhưng cũng có những dự án không đến con số đó.

Dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ có vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng, do đó, không thuộc công trình quan trọng phải trình Quốc hội.

Còn các dự án sau như Đắc Nông 2, Đắc Nông 3, Đắc Nông 4 sau này, khi công suất chế biến từ 1,5 đến 2 triệu tấn a-lu-min/năm thì lúc đó vốn đầu tư có khả năng đạt hoặc vượt con số 20.000 tỉ đồng và chắc chắn sẽ phải trình Quốc hội.

Chưa hài lòng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng tiếp tục chất vấn, khai thác bô-xít, sản xuất a-lu-min bao gồm 3 giai đoạn với 12 dự án và tất cả các dự án này gắn bó với nhau. Nó chỉ độc lập khi Bộ Công Thương tách nhỏ để mức vốn đầu tư dưới 20.000 tỉ đồng.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích, Bộ Công Thương không có thẩm quyền để chia nhỏ các dự án. Các dự án nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp bô-xít đã được Chính phủ phê duyệt và quy hoạch này cũng nêu rõ từng dự án.

A-lu-min không phải nguyên liệu thô

Tiếp tục vấn đề bô-xít, đại biểu Phạm Thị Loan (Thành phố Hà Nội) cho rằng, a-lu-min (sản phẩm sau khi chế biến bô-xít) mới là nguyên liệu khoáng sản dạng thô và chất vấn: “Xin hỏi Bộ trưởng việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dạng thô như vậy có đi ngược lại chính sách hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô hay không?”

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải đáp, với hàm lượng bô-xít nhôm (Al2O3) là 98,2%, a-lu-min khôngthể gọi là quặng thô được. Bởi quặng bô-xít có hàm lượng Al2O3 khoảng 40%, sau giai đoạn tuyển thì hàm lượng Al2O3 đạt khoảng 46 - 48% và chúng ta phải xây dựng nhà máy sản xuất a-lu-min với suất đầu tư khoảng 1.000 USD/tấn thì mới có được a-lu-min với hàm lượng Al2O3 là 98,2%.

Bộ trưởng nêu rõ: “Chúng tôi nghĩ rằng trong các tài liệu của quốc tế, không tài liệu nào nói rằng a-lu-min là nguyên liệu thô”, và khẳng định: chủ trương phát triển công nghiệp bô-xít nhôm bao gồm 3 giai đoạn: khai thác bô-xít, sản xuất a-lu-min và luyện nhôm. Bô-xít mới là nguyên liệu thô, a-lu-min là trung gian còn nhôm là sản phẩm cuối cùng. Bộ trưởng khẳng định, a-lu-min không phải là quặng thô./.