Bức xúc vấn đề lao động, việc làm
TCCSĐT - Sáng nay (11-6), Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng nhận được 20 chất vấn của các đại biểu. Sau kỳ họp, Bộ nhận được 39 kiến nghị của cử tri các tỉnh, thành phố và Bộ đã có văn bản gửi cử tri và đồng gửi tới Ban dân nguyện, các đoàn đại biểu Quốc hội có kiến nghị.
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị cử tri, sau kỳ họp thứ 4, Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu, rà soát lại hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực trình lao động-xã hội để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Về những nội dung bức xúc trong vấn đề việc làm, lao động phổ thông nước ngoài tại Việt Nam, đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo và trả lời trước Quốc hội.
Trong quý 1 năm 2009, qua khảo sát thực tế và báo cáo của 48 tỉnh, thành phố, có 1.264 doanh nghiệp đang gặp khó khăn với số lao động bị mất việc làm là 64.897 người, chiếm 10% lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp có báo cáo trong đó số lao động nữ bị mất việc làm chiếm 33,3% tổng số lao động bị mất việc làm; lao động thiếu việc làm là 38.914 người (phải giảm giờ làm việc hoặc thay phiên làm việc. Một số tỉnh, thành phố có số lao động bị mất việc làm cao là: Thành phố Hồ Chí Minh: 15.548 người, Hà Nội: 13.245 người, Bình Dương: 8.002 người, Đồng Nai: 5.460 người, Hải Phòng: 4.053 người, Nam Định: 3.179 người….
Các ngành có số lượng lao động mất việc làm và thiếu việc làm nhiều nhất là dệt may, da giày, chế biến hải sản, chế biến nông sản, xây dựng, công nghiệp ôtô, điện tử, kinh doanh địa ốc, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu sang nước ngoài hoặc có nguyên liệu nhập khẩu từ các doanh nghiệp nước ngoài; các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Mỹ và các nước khác cũng chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới.
Ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các làng nghề, suy giảm kinh tế đã tác động đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến vấn đề việc làm và đời sống của người lao động. Theo báo cáo của 46 tỉnh, thành phố, quý 1/2009 số lao động mất việc làm ở trong khu vực này là 30.594 người (trong đó nữ chiếm 48,6%). Một số tỉnh, thành phố có số lao động bị mất việc làm cao như Bắc Ninh: 6.150 người (trong đó làng nghề là 5.400 người, hợp tác xã là 750 người); Thái Bình: 6.427 người; Hà Nam: 4.583 người; Hà Nội: 2.007 người; Hải Dương: 1.977 người…
Qua số liệu báo cáo của các địa phương và khảo sát thực tế cho thấy xu hướng mất việc làm năm 2009 vẫn đang diễn biến phức tạp do doanh nghiệp không nhận được đơn đặt hàng từ phía nước ngoài; nhiều doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Dự báo số lao động mất việc làm trên phạm vi toàn quốc trong các doanh nghiệp năm 2009 khoảng 300.000 người.
Tình hình suy thoái kinh tế thế giới vẫn đang ảnh hưởng lớn đến lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Tính đến nay đã có trên 7.000 lao động về nước trước thời hạn, dự báo số lao động đang làm việc ở nước ngoài bị mất việc phải về nước trước thời hạn năm 2009 có thể lên tới 10.000 lao động.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ từ cuối năm 2007 đã nhanh chóng lan rộng ra các nền kinh tế lớn (Mỹ, Đức, Pháp, I-ta-li-a, Nhật Bản, ...), trở thành cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái toàn cầu, tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam từ đầu năm 2008 đến nay. Vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, các đơn đặt hàng từ nước ngoài giảm sút, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để sản xuất,... buộc các doanh nghiệp, các làng nghề, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu phải thu hẹp sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động.
Để góp phần đẩy mạnh tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lao động - việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp chính sau:
- Chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về các giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có tạo việc làm.
- Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung nguồn vốn vay cho Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để hỗ trợ tạo việc làm cho lao động bị mất việc làm năm 2009 và đẩy mạnh tạo việc làm trong khu vực phi chính thức;
- Chỉ đạo việc ổn định và mở rộng thị phần tại các thị trường nhận lao động Việt Nam hiện có, đặc biệt là các thị trường trọng điểm; phát triển thêm các thị trường lao động mới; ban hành và thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ 61 huyện có tỷ lệ nghèo cao đẩy mạnh xuất khẩu lao động; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động làm việc ở nước ngoài; củng cố, nâng cao năng lực các Ban Quản lý lao động ở ngoài nước;
- Chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động bị mất việc làm, lao động nông thôn, lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động yếu thế, lao động thanh niên...; gắn dạy nghề với tạo việc làm;
- Tăng cường thu thập thông tin liên quan đến lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm, thu thập thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động thông qua hệ thống các trung tâm giới thiệu việc làm, các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao năng lực dự báo thị trường lao động để kịp thời ban hành những chính sách ứng phó thích hợp với tình hình lao động-việc làm;
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về lao động - việc làm; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành và người dân về các chủ trương, chính sách, thông tin việc làm, thị trường lao động, xuất khẩu lao động, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do suy giảm kinh tế;
- Xây dựng và hoàn thiện các chính sách và hình thành các quỹ an sinh xã hội, đặc biệt triển khai thực hiện đầy đủ chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trong phần trả lời chất vấn các đại biểu đã đề nghị Quốc hội ngoài việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật lao động vào năm 2010 theo chương trình làm luật của Quốc hội cần ban hành 2 luật rất cần thiết là Luật tiền lương tối thiểu và Luật việc làm.
2. Về việc điều chỉnh chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2009
Tăng trưởng kinh tế là tiền đề quan trọng thúc đẩy tạo nhiều việc làm, do đó sự tăng hay giảm của tốc độ phát triển kinh tế sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới khả năng giải quyết việc làm. Chính phủ đã bàn thống nhất đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5% và một số chỉ tiêu chủ yếu khác. Khi điều chỉnh chỉ tiêu GDP giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu việc làm. Thực tế, không có quốc gia nào tăng trưởng chậm lại mà chỉ tiêu tạo việc làm mới lại tăng lên.Theo hệ số co-giãn, cứ tăng trưởng 1% thì tạo ra 0,34% tạo việc làm mới. “Với mức tăng trưởng GDP khoảng 5% thì sẽ tạo ra việc làm mới cho khoảng 1,45 triệu lao động”. Đây là con số khá cao trong bối cảnh hiện nay.
Bộ trưởng Kim Ngân cho biết: Hiện nay, Bộ đang hoàn thành giai đoạn cuối Đề án đổi mới về phát triển dạy nghề đến 2020 và đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ trình Thủ tướng trong tháng 6 này; Đề án phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề giai đoạn 2009-2005; đang dự thảo các đề án: Dạy nghề cho thanh niên dân tộc, cho người tàn tật,… đều nằm trong nhóm vấn đề cử tri quan tâm.
3. Tình hình lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Qua báo cáo của các địa phương thì số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc năm 2008 là 52.633 người. Đây là những lao động có đủ điều kiện được các doanh nghiệp, tổ chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy phép lao động. Trong số trên 52.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã có 43,87% được cấp giấy phép lao động, số còn lại là những đối tượng đang trong giai đoạn làm thủ tục để cấp giấy phép lao động hoặc không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép lao động.
Lao động phổ thông là người nước ngoài vào Việt Nam bằng nhiều con đường, hình thức khác nhau và sau đó tìm việc làm. Những người này thường không đủ điều kiện xin cấp giấy phép lao động. Qua khảo sát, kiểm tra tại một số địa phương và đánh giá của các cơ quan có liên quan thì lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông vào làm việc cho các dự án do nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo báo cáo của các địa phương, hiện tại ngành mới nắm được và cấp giấy phép chưa được 50% trong tổng sốlao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Sở dĩ có tình trạng này, theo Bộ trưởng Kim Ngân là do đơn vị sử dụnglao động không báo cáo với cơ quan quản lý nên không nắm được số lao động này. Giải quyết vấn đề này cần phải tuân thủ pháp luật và dựa vào quan hệ songphương giữa các nước, vì thế cần có thời gian. “Trước mắt, ngành Lao động sẽ kiểm tra, nếulao động nào đủ điều kiện thì cấp giấy phép còn những người đã hết hạn visa, không đủ điều kiện thì sẽ thuyết phục hướng dẫn cho họ về nước”.
Bộ trưởng Kim Ngân cho biết, để giải quyết vấn đề này cần có sự phối hợp giữa các bộ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lao động; nghiên cứu, ban hành và trình các các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền. Bộ Công an quản lý về xuất nhập cảnh, cấp thẻ tạm trú, thường trú cho người lao động nước ngoài. Đối với các cửa khẩu biên giới đất liền do bộ đội biên phòng kiểm soát, quản lý việc xuất nhập cảnh qua biên giới. Bộ Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài khi người nước ngoài cư trú đủ từ 06 tháng trở lên tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao quản lý về hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ do phía nước ngoài cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý nhà nước về lao động nước ngoài trên địa bàn như: thực hiện việc cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động và cấp lại giấy phép lao động theo quy định cho người nước ngoài làm việc trên địa bàn khi người nước ngoài có đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, tổng hợp và báo cáo tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Đối với những dự án do nhà thầu nước ngoài trúng thầu thực hiện và có sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam thì chủ đầu tư (phía Việt Nam) phải nắm được số lao động (bao gồm cả lao động nước ngoài) để báo cáo cơ quan có thẩm quyền biết và quản lý lao động theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật lao động, đồng thời, tạo điều kiện để thu hút lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu của sự phát triển; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hiện nay, thị trường lao động của Việt Nam vẫn thiếu lao động có trình độ cao, lao động là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia, người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp và những công việc quản lý mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được. Doanh nghiệp được phép tuyển dụng lao động chuyên gia, kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam làm việc có thời hạn, phải đăng ký và xin cấp giấy phép lao động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 1504/LĐTBXH-VL ngày 11/5/2009 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường kiểm tra, rà soát lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện các giải pháp chấn chỉnh quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật để các doanh nghiệp, tổ chức và người lao động nước ngoài hiểu được các quyền lợi, nghĩa vụ của họ theo đúng quy định của Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Nghiên cứu, bổ sung sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để hướng dẫn các địa phương.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát và phân loại lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật lao động, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp có các biện pháp khắc phục các vi phạm và cam kết thực hiện đúng pháp luật lao động trong thời gian tới.
- Đề nghị chưa giải quyết nhập cảnh vào Việt Nam đối với người nước ngoài xin vào Việt Nam với mục đích lao động mà chưa có giấy phép lao động; các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực du lịch, muốn làm việc tại Việt Nam phải làm thủ tục xin giấy phép lao động và làm thủ tục chuyển đổi mục đích tạm trú; không giải quyết gia hạn tạm trú cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã tạm trú liên tục từ 3 tháng trở lên mà không có giấy phép lao động hoặc chưa gia hạn giấy phép lao động; kiên quyết không gia hạn tạm trú và buộc xuất cảnh đối với các trường hợp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên 6 tháng mà không có giấy phép lao động hoặc không được gia hạn giấy phép lao động. Tất cả các biện pháp trên được thực hiện đồng bộ theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm nguyên tắc quan hệ đối ngoại, hợp tác cùng có lợi với các nước.
Việc xử lý vi phạm pháp luật lao động liên quan đến người nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 34/2008/NĐ - CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Nghị định số 113/2004/NĐ- CP ngày 16/4/2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.
Qua khảo sát, kiểm tra của đoàn công tác do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, tại các địa phương đã có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý những doanh nghiệp, tổ chức vi phạm về việc sử dụng lao động nước ngoài như yêu cầu xuất cảnh đối với những đối tượng nhập cảnh trái phép hoặc sử dụng hộ chiếu công vụ sai mục đích. Trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực du lịch, muốn làm việc tại Việt Nam phải làm thủ tục xin giấy phép lao động và làm thủ tục chuyển đổi mục đích tạm trú; không gia hạn tạm trú và buộc xuất cảnh đối với các trường hợp người nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên 6 tháng mà không có giấy phép lao động hoặc không được gia hạn giấy phép lao động. Các cơ quan chức năng tại một số địa phương cũng đã có quyết định xử phạt hành chính (sau khi đã nhắc nhở nhiều lần) một số doanh nghiệp, tổ chức về việc vi phạm pháp luật lao động như không làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2009 Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thanh tra một số doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài tại 04 tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Tây Ninh và Đồng Nai, đã xử phạt hành chính 13 doanh nghiệp vi phạm về việc sử dụng lao động nước ngoài với tổng số tiền là 95,5 triệu đồng. Tuy nhiên do mức xử phạt hành chính còn chưa cao nên vẫn còn doanh nghiệp, tổ chức vi phạm pháp luật lao động.
Phiên chất vấn được tiếp tục với sự trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát./.
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu  (11/06/2009)
Thông cáo số 18 Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII  (11/06/2009)
Cần coi trọng việc dạy nghề và học nghề  (11/06/2009)
Các nhóm vấn đề sẽ được chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII  (10/06/2009)
Hãy viết về Thăng Long - Hà Nội với tất cả tình cảm, trí tuệ, tài năng và tâm huyết  (10/06/2009)
Thông cáo số 17 kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (10/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay