Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề chính sách giá điện, Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận vị trí đặc biệt của điện năng trong đời sống và trong sản xuất. Bất cứ một biến động nào trong giá điện cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ xã hội, vì vậy khi đặt vấn đề xem xét để tạo dựng thị trường điện nói chung và xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện nói riêng, Chính phủ cũng rất thận trọng. Bộ trưởng cũng nêu rõ, sự cần thiêt phải điều chỉnh giá điện và những nguyên tắc khi thực hiện điều chỉnh giá điện trong thời gian qua.

Điều chỉnh giá điện để khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện, và khuyến khích ý thức tiết kiệm năng lượng.

Theo Nghị quyết của Chính phủ, từ năm 2006 bắt đầu thực hiện lộ trình giá điện. Đáng lẽ năm 2008 chúng ta đã có một bước điều chỉnh giá điện, bởi vì giá điện trước đó không phản ánh được chi phí. Điều quan trọng nhất là giá điện đó không khuyến khích các nhà đầu tư, đầu tư vào lĩnh vực điện, bởi vì tỷ suất lợi nhuận rất thấp. với giá điện năm 2008, tỷ suất lợi nhuận ngành điện trên vốn chủ sở hữu chỉ vào khoảng 5%, và với 5% này các ngân hàng không ai cho vay để đầu tư tiếp và các nhà đầu tư cũng không mặn mà với giá điện thấp như vậy.

Thứ hai, với giá điện thấp như vậy, sẽ không khuyến khích ý thức tiết kiệm năng lượng. Tôi xin đơn cử với Quốc hội một ví dụ, đối với nhiều nước, kể cả các nước đang phát triển, người ta lấy chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong tương quan với tăng trưởng năng lượng để so sánh về hiệu quả sử dụng năng lượng, thì thường thường tăng trưởng 1 GDP yêu cầu tăng trưởng năng lượng về điện là 1, nhưng chúng ta tăng trưởng 1GDP thì thường thường là 2. Con số gần đây nhất, quý I/2009, chúng ta tăng trưởng kinh tế 3,1% thì tăng trưởng điện xấp xỉ 6% và như vậy chúng ta tiêu thụ điện gấp đôi các nước trên thế giới. Giá điện thấp cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta chưa tiết kiệm điện, tất nhiên là còn do công nghệ, kỹ thuật, do tiêu hao. Vì vậy, việc đặt ra điều chỉnh giá điện là việc không tránh khỏi. Tuy nhiên, năm 2008 do khó khăn cho nên Chính phủ đã quyết định không điều chỉnh giá điện vội. Bước sang năm 2009, trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng giảm và chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng âm, Chính phủ cho rằng, đây chính là thời cơ, là thời gian thích hợp để có thể điều chỉnh giá điện, bởi vì giá các nguyên liệu khác cũng giảm, giá dầu giảm, mà chúng ta sản xuất điện cũng dùng một lượng rất lớn dầu.

Điều chỉnh giá điện phải đảm bảo những nguyên tắc

1- Không để xảy ra biến động lớn đối với nền kinh tế, làm tăng vọt chỉ số CPI.

2- Đặc biệt quan tâm đến đối tượng người nghèo và người có thu nhập thấp, không để ảnh hưởng.

3- Thông qua việc điều chỉnh giá điện, tạo dần từng bước ý thức tiết kiệm trong sử dụng năng lượng.

4- Từng bước xây dựng thị trường cạnh tranh về giá điện.

Để thực hiện các nguyên tắc đó, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri nêu nhiều ý kiến về thang, bảng cho điện sinh hoạt. Trước đây, bậc 1 từ 1kwh đến 100kwh, bậc 2 từ 101kwh trở lên. Bậc 1 từ 1-100kwh là giá bao cấp, giá có bù lỗ của Nhà nước. Giá điện năm 2008 bình quân là 856 đồng/1KW/h, nhưng bán cho bậc thang thứ nhất từ 1-100kwh chỉ có 550 đồng, tức là Nhà nước bù lỗ khoảng 30%. Bộ Công thương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đã cho điều tra trên diện rộng, cả nước thì thấy đến hết năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo là 12,1%, nhưng số hộ sử dụng điện do các công ty điện lực bán là 23% số hộ, trong đó có tất cả số hộ nghèo dùng dưới 50 KW/h một tháng. Ở các vùng do các hợp tác xã điện, các tổ điện kinh doanh bán thì 50% số dân dùng dưới 50 KW/h. Như vậy không phải là chúng ta chỉ bù lỗ cho người nghèo và kể cả hộ cận nghèo.

Thứ hai, hiện nay bậc thang từ 51 đến 100 Kw/h, Nhà nước cũng chỉ đạo ngành điện thu bằng đúng chi phí của ngành điện, tức là không có lãi nhưng cũng không bù lỗ, thu đúng bằng 586 đồng. Nếu cộng như vậy thì với người nghèo và cận nghèo dùng 50 số điện chỉ tăng 1 tháng có 2.500 đồng so với giá điện mới, và người nào dùng đến 100 số thì tăng 18.500 đồng/tháng. Nói rằng không đáng kể thì không chính xác, nhưng rõ ràng là con số này không nhiều. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn bù lỗ, và điều quan trọng là Nhà nước bù lỗ đúng đối tượng và vì thế chúng ta chia bậc thang đó ra thành 50 số điện, còn nếu sau này phát hiện thấy có những chỗ này chỗ kia chưa hợp lý thì Bộ sẽ xin được tiếp thu và báo cáo Chính phủ xem xét.

Giá điện giờ cao điểm là diễn biến một cách tự nhiên của phụ tải điện.

Giá điện giờ cao điểm không phải do ngành điện nghĩ ra, không phải do Bộ Công thương nghĩ ra, không phải do ai nghĩ ra. Đây là sự diễn biến một cách tự nhiên của phụ tải điện. Trước đây, khi mà sản xuất công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, tỷ lệ điện sinh hoạt chiếm trên 50% tỷ lệ điện tiêu dùng cả nước thì điện giờ cao điểm rơi vào 4 tiếng buổi tối từ khoảng 6 giờ tối đến 10 giờ đêm. Nhưng trong những năm gần đây do kinh tế phát triển, công nghiệp phát triển một loạt hộ tiêu thụ điện rất lớn trong các khu công nghiệp như thép, phân đạm, xi măng xuất hiện. Rồi dịch vụ chúng ta phát triển thì biểu đồ tiêu thụ điện nó dịch chuyển dần, không chỉ rơi vào 4 tiếng buổi tối mà bây giờ nó rơi vào khoảng hai tiếng buổi sáng từ 9 giờ rưỡi cho đến 11 giờ rưỡi. Thậm chí qua thống kê của ngành điện, cao điểm buổi sáng này tiêu thụ điện còn cao hơn cao điểm buổi tối, có thời điểm cao hơn đến 900 MW điện, con số rất lớn.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay điện vẫn chưa đủ, tạm thời đủ trong giai nhưng có thể sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng thiếu điện nếu chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu. Cho nên việc quy định giá điện giờ cao điểm, một mặt là để phản ánh việc thu điện giờ cao điểm bù cho giờ thấp điểm (giờ thấp điểm nhiều khi chỉ tiêu thụ khoảng 30% công suất giờ cao điểm). Hiện nay, giá điện giờ thấp điểm ta chỉ thu có 450 đồng để khuyến khích dùng điện giờ thấp điểm, nhưng mà vẫn không đạt được mục tiêu:

Mặt thứ hai quan trọng hơn là để khống chế và khuyến khích các doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp phân bổ giờ sản xuất của mình một cách hợp lý hơn, tránh giờ cao điểm để không căng thẳng phụ tải, khi căng thẳng phụ tải thì buộc chúng ta phải xa thải và để khuyến khích thêm ý thức tiết kiệm điện.

Cách đây đã lâu, chúng ta từng có lúc bố trí sản xuất vào ngày thứ 7, ngày chủ nhật, luân phiên ngày nghỉ và bố trí sản xuất vào ca 2, ca 3 để tránh giờ cao điểm. Nhưng những năm gần đây, do tình hình điện của chúng ta được cải thiện, cho nên không ít cơ sở quay trở lại sản xuất 1 tuần 5 ngày và chỉ có một ca cho nên dẫn đến căng thẳng về điện.

Nếu thấy bất hợp lý, sẽ có điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, qua phản ánh của cử tri, của đại biểu Quốc hội và đặc biệt qua kiểm tra ở một số địa phương, ở Long An, Tiền Giang, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi ghi nhận trong tình hình hiện nay, quy định giá điện giờ cao điểm như thế này có ít nhiều gây ảnh hưởng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất 1 ca, còn doanh nghiệp sản xuất 3 ca thì có ảnh hưởng nhưng không nhiều, tỷ lệ ảnh hưởng nhiều hơn ở các doanh nghiệp sản xuất 1 ca. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ sơ bộ và xin Quốc hội, cử tri cả nước chúng tôi sẽ xem xét tiếp những số liệu, bởi vì phải xem xét thống kê về trả tiền điện trong 3 tháng, việc lắp đặt công tơ 3 giá, công tơ giờ cao điểm, thấp điểm, chúng tôi sẽ tổng hợp lại, báo cáo với Chính phủ nếu thấy bất hợp lý, sẽ có điều chỉnh theo tinh thần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp./.